Cv 2,14.22-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.
13 Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. 14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. 15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ. 16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. 17 Người hỏi họ : “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy ?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. 18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời : “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay.” 19 Đức Giê-su hỏi : “Chuyện gì vậy ?” Họ thưa : “Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. 20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. 21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. 22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, 23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. 24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói ; còn chính Người thì họ không thấy.” 25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng : “Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ ! 26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ? 27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. 28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa. 29 Họ nài ép Người rằng : “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.” Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. 30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. 31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. 32 Họ mới bảo nhau : “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” 33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. 34 Những người này bảo hai ông : “Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn.” 35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
Suy Niệm
Bài 1: GẶP GỠ VÀ BIẾN ĐỔI
Sau khi kết thúc chương trình Triết học, tôi được bề trên gửi tới giáo xứ Đồng Đinh, giáo hạt Vô Hốt cho năm tập vụ. Giáo xứ có hai giáo họ cách nhà xứ khoảng ba km. Đời sống đức tin của mọi thành phần hai giáo họ dường như rất khô khan và ít khi xuống nhà xứ tham dự thánh lễ và các sinh hoạt chung của giáo xứ. Tôi có cảm giác như họ bị bỏ rơi. Thế rồi, cha xứ bắt đầu cho hai giáo họ lễ tối thứ bảy và tối Chúa Nhật. Nơi cử hành các thánh lễ này là sân nhà giáo dân và nhà văn hóa của thôn. Từ ngày có thánh lễ, mọi người trong giáo họ chịu khó tham dự, từ người già đến con trẻ. Cha xứ biết các thành viên không lên rước lễ là do, có thể họ phạm tội, nên ngài thường ngồi giải tội trước lễ, để họ được xưng tội và rước lễ. Cộng đoàn giáo họ mỗi ngày một thay đổi. Tôi thấy một người mẹ có ba người con. Nhìn dáng vẻ bên ngoài, tôi đoán cuộc sống của chị vất vả. Đúng như tôi dự đoán vì sau đó, tôi biết chồng chị một người nghiện ngập, chơi bời đã sáu năm nay. Gia đình anh chị mỗi ngày một khó khăn, hạnh phúc gia đình dường như không có. Từ khi giáo họ có lễ chị vui khi đi tham dự và những lúc khó khăn chị đến để được nghe Lời Chúa và được rước Chúa vào lòng, như một động lực để chị vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Khi được hỏi về chồng, chị buồn và nói: “con nói nhà con đi lễ mà anh ý mặc cảm và ngại”. Cha xứ nói tôi hằng tuần chiều thứ ba, thứ tư, lên hai giáo họ để dạy giáo lý và sinh hoạt cho các em thiếu nhi. Ba người con của chị đi học rất chăm và ngoan, nhưng khuôn mặt luôn đượm buồn. Một thời gian sau anh chị xuống nhà xứ gặp cha xứ.
Kính thưa cộng đoàn. Nối kết phụng vụ Lời Chúa các Chúa nhật mùa Phục Sinh. Chúa Nhật tuần II Phục Sinh nhấn mạnh Lòng thương xót của Thiên Chúa. Hôm nay, Chúa Nhật III Phục Sinh, Giáo Hội cho đọc lại câu chuyện rất ấn tượng và rất riêng của thánh sử Luca. Tin Mừng thuật lại cuộc gặp gỡ Chúa Phục Sinh và được biến đổi cuộc đời của hai môn đệ trên đường Emmau.
Sau ngày Sabát, nghĩa là ngày thứ ba từ khi Chúa Giêsu chịu chết, hai môn đệ trong nhóm 72, trong tâm trạng buồn rầu chán nản vì niềm tin vào Thầy bị dập tắt, họ rời bỏ Giêrusalem về lại quê hương là Emmau. Tin Mừng xác định cụ thể Emmau là một ngôi làng cách Giêrusalem chừng 11 cây số. Bước chân của các ông nói lên sự mỏi mệt chán chường, tuyệt vọng và cô đơn. Nỗi buồn mất mát và nỗi đau tuyệt vọng đã làm cho họ không còn nhạy cảm với những thực tại xung quanh.
Trong khung cảnh ảm đạm đó, Chúa Phục Sinh đến như người bạn đồng hành. Người chăm chú lắng nghe họ kể nỗi đau buồn. Rồi Người đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi nghe giải thích Thánh Kinh. Bắt đầu từ Môsê và các ngôn sứ, giải thích cho họ những gì liên quan đến Người trong Sách Thánh. “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Tất cả lịch sử cứu độ hướng về Người và chỉ có ý nghĩa vì Người. Lịch sử vũ trụ, lịch sử nhân loại, mọi lịch sử chỉ là của “Đức Kitô hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là một, Người hoàn tất lời hứa cứu độ”. Bài đọc I viết “ Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh thần đã hứa”. Nghe Lời Chúa, lòng họ bừng lên, nội tâm được biến đổi. Hiến chế Mặc khải số 21 viết: “Trong các Sách Thánh, Chúa Cha trên trời bằng tất cả lòng trìu mến đến gặp gỡ con cái mình và ngỏ lời với họ”. Khi được Người giải thích Kinh Thánh, lòng các ông mới bừng cháy lên, nhưng chưa nhận ra Người. Cho đến khi được đồng bàn với Người, tận mắt chứng kiến Người cầm bánh, dâng lời chúc tụng, tạ ơn, bẻ ra và trao cho, mắt các ông mới bừng sáng. Các ông hân hoan vui mừng. Tâm hồn các ông được Chúa Phục Sinh chiếu dọi. Tâm trí các ông được Người khai mở. Đức Kitô, Thầy của các ông đã thực sự sống lại. Không nghi ngờ gì nữa, vị khách bộ hành, người đã giải thích Kinh Thánh và cùng với các ông chia sẻ nghi lễ Bẻ Bánh chính là Chúa Phục Sinh.
Niềm vui vì được gặp gỡ Chúa Phục Sinh, được Người dạy dỗ và chia sẻ bàn tiệc Thánh, khiến cho hai ông quên hết nhọc nhằn. Các ông lập tức lên đường với niềm vui trở về Giêrusalem. Hội ngộ với các Tông đồ và công bố Tin Mừng Phục Sinh. Kể từ đó, Tin Mừng Phục Sinh theo dấu chân của các Tông Đồ lan rộng khắp hoàn cầu.
Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau được thánh sử Luca giới thiệu cho chúng ta một nhân vật có tên là Cơlêôpát và một người khuyết danh. Người khuyết danh đó phải chăng là mỗi chúng ta? Đường Emmaus của các môn đệ tượng trưng cho cuộc lữ hành của chúng ta trên dương thế. Tâm trạng của các ông là hình ảnh điển hình cho những kinh nghiệm về cuộc khủng hoảng đức tin của mỗi người chúng ta đối diện hằng ngày, làm cho chúng ta mệt mỏi thất vọng và bào mòn niềm tin. Nhưng trên đường cuộc sống, giữa những thử thách khủng hoảng, Chúa Giêsu đến bên cạnh và giúp cho các môn đệ và chúng ta thanh luyện đức tin trong ý nghĩa của các Lời Kinh Thánh quy về Người. Bài đọc II thánh Phêrô nhấn mạnh “ Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho Người sống lại từ cõi chết, và ban vinh quang cho Người để anh em đặt cả lòng tin và niềm hy vọng nơi Thiên Chúa”.
Trong toàn bộ diễn tiến của trình thuật trên đường Emmau, chúng ta thấy phác hoạ cuộc sống hàng ngày với trung tâm điểm là thánh lễ. Đức Kitô đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus ngày nào, cũng đang hiện diện với chúng ta nơi mỗi thánh lễ để soi sáng và thắp lên hy vọng trong chúng ta. Trong thánh lễ giữa cuộc đời, chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa Phục sinh giữa chúng ta. Chúa biết chúng ta cần gì, Chúa luôn đi bước trước đến với mỗi người chỉ vì người yêu thương ta. Trở lại với câu chuyện trên, điều gì đã khiến anh chị xuống gặp cha xứ xin xưng tội và trình bày kế hoạch đi trại cai nghiện ở Tam Điệp và mong muốn làm lại cuộc đời? Thưa đó là sự gặp gỡ Chúa trong thánh lễ. Khi cảm nhận được cuộc sống của vợ con và những người xung quanh khi họ đi tham dự thánh lễ được gặp gỡ Chúa nhờ lắng nghe và rước Chúa, mọi người được biến đổi về mọi mặt. Chính anh cũng được biến đổi, để rồi anh quyết định đi cai nghiện và làm lại cuộc đời.
Chúng ta vẫn gặp gỡ được Chúa Giêsu mỗi lần cùng nhau cử hành Thánh lễ, miễn là chúng ta có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước mầu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Người và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Người. Cũng như câu chuyện trên, hai giáo họ, khi họ được đi tham dự Thánh lễ, được gặp gỡ Chúa cách sâu sắc nhất. Chính vì thế khi nhà xứ có các công việc hay sinh hoạt gì, hai giáo họ đó hô hào mọi người đi tham gia rất đông và nhiệt tình, nhìn cách họ làm và nói chuyện tôi cảm nhận họ gặp gỡ Chúa và được biến đổi thật. Họ dấn thân, quảng đại trong các công việc, họ còn hiến đất để xây dựng ngôi nhà thờ giáo họ.
Với sức mạnh của Lời Chúa và Thánh Thể, hai môn đệ trên đường Emmau đã tỉnh ngộ và nhận ra Chúa Phục sinh đang sống và đang đồng hành với họ trên nẻo đường họ đang tiến bước. Chúa Phục sinh luôn hiện hiện luôn với chúng ta và làm cho lòng chúng ta được bừng sáng ngọn lửa tin yêu và hy vọng. Nhất là Ngài làm cho chúng ta nhận ra được Ngài đang sống và đang hoạt động, đang đồng hành với chúng ta và không bao giờ để cho chúng ta chìm trong cô đơn hay tuyệt vọng. Nhiều lúc trên hành trình tiến bước theo Chúa, làm môn đệ của Ngài, có thể chúng ta đã đắm chìm trong bóng đêm của thất vọng, của chán chướng và sợ hãi. Những khi đó, ta hãy tìm đến với Thánh lễ. Hơn nữa, đức tin của người Kitô hữu chúng ta không thể lớn lên và vững mạnh nếu chúng ta không thường xuyên tiếp nhận Lời Chúa và Thánh Thể. Chúng ta đến gặp gỡ Chúa trong Thánh lễ để được nghe Lời Chúa và rước Chúa. Chính nơi đây là điểm hẹn mà Chúa đang chờ ta. Thánh lễ là cuộc gặp gỡ sinh động của Thiên Chúa với con người. Hằng ngày chúng ta được diễm phúc cử hành cao điểm của niềm tin, đó là mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu. Người ban Lời chân lý là Thánh Kinh và Bánh Trường Sinh là Thánh Thể, để chúng ta nhận ra được Ngài đang sống và đang hoạt động với chúng ta.
Tiếp tục dâng thánh lễ, chúng ta được hiệp thông với Chúa và với nhau qua bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta cũng được gặp gỡ thân tình với Chúa để được biến đổi, nhờ đó có sự bình an và niềm vui có Chúa ở cùng như hai môn đệ trên đường Emmau năm xưa. Amen.
Phêrô Phạm Văn Hiệp – K21 – ĐCV Thánh Giuse Hà Nội
Bài 2: CUỘC SỐNG MỚI NHỜ SỰ PHỤC SINH CỦA ĐỨC GIÊ-SU
Chúa nhật III Phục Sinh, Lời Chúa tiếp tục trình bày cho chúng ta về niềm tin vào Đấng Phục Sinh. Nhiều người cho rằng chỉ suy niệm về mầu nhiệm phục sinh trong mùa phục sinh mà thôi, nếu nghĩ như thế thì họ đã nhầm, bởi vì mầu nhiệm phục sinh ảnh hưởng đến đời sống của mỗi người, ảnh hưởng trên các hoạt động cũng như hành trình đức tin của người Ki-tô hữu. Cho nên, mỗi người cần sống mầu nhiệm này và đào sâu mỗi ngày.
Nền tảng đức tin là mầu nhiệm Phục Sinh
Biến cố Đức Giê-su phục sinh, hay Đức Giê-su trỗi dạy từ cõi chết là một điều bất ngờ, không ai biết trước, không ai nghĩ đến. Bởi lẽ, đây là biến cố chỉ xảy ra một lần duy nhất trong lịch sử, Chúa Ki-tô là người đầu tiên trỗi dạy từ cõi chết. Đối với những ai chứng kiến cái chết của Đức Giê-su trên thập giá, thì họ cho rằng đó là kết thúc của Chúa, cho nên họ than khóc buồn sầu, tiếc nuối, niềm hy vọng đặt vào nơi Người nay tan biến thành mây khói, và họ bắt đầu trở về với cuộc sống đời thường để kiếm miếng cơm manh áo như hai môn đệ trên đường Em-mau. Nhưng Đức Giê-su đã sống lại và hiện ra nhiều lần để củng cố niềm tin cho các môn đệ, để hướng dẫn các ngài và nhờ đó họ trở nên can đảm làm chứng về Người.
Trong bài đọc I, thánh Phê-rô cùng với nhóm Mười Một lớn tiếng nói với dân chúng rằng: “Đức Giê-su Na-da-rét, là Người được Thiên Chúa phái đến với anh em… Người làm nhiều phép mầu…Đức Giê-su ấy đã bị nộp và anh em dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi…chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (CV 2,22-32). Đây là những lời minh chứng rằng biến cố phục sinh là nền tảng của niềm tin Ki-tô giáo. Quả thật, nếu Đức Giê-su không sống lại thì niềm tin của chúng ta trở nên hão huyền, những lời rao giảng của các tông đồ trở nên trống rỗng, và ơn cứu độ cũng không tồn tại, từ đó cũng không có Giáo hội, không có cộng đoàn để quy tụ và cử hành thánh lễ như hôm nay.
Cảm nghiệm của hai môn đệ trên đường Em-mau
Đối với các môn đệ Chúa Giê-su, sau khi Chúa chết, niềm tin các ông giảm sút trầm trọng và gần như bị tiêu tan, cụ thể là hai môn đệ kể lại trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Hai ông nghĩ rằng: Thầy mình đã chết rồi. Thầy mình sẽ chẳng bao giờ trở lại nữa. Không biết tương lai sẽ ra sao. Thôi đành về quê chờ đợi, nghe ngóng, rồi đến đâu tính đến đó. Nhưng trên đường trở về, Chúa Giê-su đã hiện ra cùng đồng hành với hai ông, và vận dụng những cử chỉ cũng như những lời lẽ quen thuộc để làm hai ông nhận ra Người, và quả thật hai ông đã nhận Người. Như vậy, các môn đệ lại được thêm một bằng chứng nữa về Chúa Giê-su phục sinh. Về điều này chúng ta không cần nói thêm gì nữa. Hôm nay chúng ta chú ý đến một chi tiết khác, đó là sự kiện Chúa Giê-su phục sinh đã dừng chân ở lại quán trọ làng Em-mau với hai môn đệ khi họ ngỏ ý mời Người ở lại vì trời đã xế chiều.
Quả thực, đây không phải là lần đầu Chúa Giê-su dừng lại. Người luôn luôn dừng lại khi được yêu cầu và sẵn sàng ở lại với những ai cần đến Người. Các sách Tin Mừng đã ghi lại cho chúng ta biết: trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Chúa Giê-su luôn luôn dừng chân và ở lại với tất cả những ai cần đến Người, chẳng hạn: Người đã dừng chân và ở lại với người phụ nữ mắc bệnh băng huyết mười hai năm, đang theo Người trong đám đông. Người đã dừng chân lại nhà ông Gia-kêu trong khi ông chỉ mong muốn được nhìn thấy Người thôi cũng đủ mãn nguyện rồi. Người đã dừng chân lại với các trẻ em khi chúng đến với Người, mặc dù các môn đệ xua đuổi chúng. Người đã dừng chân và ngồi ăn uống với những người tội lỗi và thu thuế. Trên đường đi Giê-ru-sa-lem nhận cái chết, Người cũng dừng chân để cứu giúp một người hành khất ngồi bên lề đường. Cuối cùng, trên thập giá, trong lúc hấp hối, Người còn dừng lại với một tử tội cũng đang hấp hối bên Người để ban ơn tha thứ và hứa cho anh được ở với Người trong Nước Trời… Tóm lại, Chúa luôn luôn ở lại với những ai cần đến Người và luôn quan tâm thương xót tất cả mọi người.
Tuy nhiên, những chuyện xảy ra trong khi Chúa Giê-su còn sống ở trần gian, thì cũng xảy ra như vậy sau khi Người đã sống lại, cho đến chúng ta hôm nay. Trong đời sống của chúng ta, đã biết bao lần chúng ta cảm thấy bản thân mình chẳng được ai để ý tới và cũng chẳng ai thèm nghe mình khiến chúng ta cô đơn lại càng cô đơn hơn, đã buồn chán lại càng buồn chán hơn. Nhưng có một điều chắc chắn là không có gì có thể ngăn cản được Chúa đến với chúng ta, và cũng chẳng có gì làm cho Người phải từ chối để rồi xa chúng ta. Người sẽ ở lại với chúng ta như Người đã ở lại với hai môn đệ trên đường Em-mau, nếu chúng ta biết đến với Người và nhìn lên Người. Nói rõ hơn, tâm sự chán nản và sầu buồn của hai môn đệ ấy cũng là tâm sự sầu buồn, chán nản mà chúng ta thường gặp trong cuộc sống. Bởi vì, nỗi buồn cuộc đời nào ai thiếu: chúng ta buồn vì mục đích đời mình không đạt hay chưa đạt được như ý. Chúng ta buồn vì không ai hiểu tâm tư của mình; chúng ta buồn vì người khác nghi ngờ, ghen ghét, chơi xấu mình; chúng ta buồn vì không ai nâng đỡ mình, không ai về phe với mình để một mình cô đơn; chúng ta buồn vì gia đình còn bất hòa và gặp nhiều thử thách gian nan; chúng ta buồn vì những người hàng xóm còn đố kỵ nhau và cửa vẫn còn đóng, then vẫn còn cài; chúng ta buồn vì giáo xứ, giáo họ chia rẽ chưa hiệp nhất,… vào những giờ phút đó, chúng ta rất dễ bị cám dỗ nghi ngờ về sự có mặt của Chúa và nghi ngờ về tình thương của Người. Nhưng cũng chính những lúc như thế ta cần tỉnh táo, xin ơn Thánh Thần để nhận ra Chúa luôn bên cạnh để hướng dẫn ta, và Chúa cũng cần mỗi người chúng ta cộng tác với Người, cũng chính lúc chúng ta cộng tác với Chúa là ta ý thức Chúa Phục Sinh luôn hiện diện ở bên.
Làm chứng cho Đấng Phục Sinh
Hai môn đệ trên đường Em-mau khi nhận ra Chúa Phục Sinh thì họ quay trở lại Giê-ru-sa-lem để loan báo cho các bạn hữu biết Chúa đã trỗi dạy. Hay các bà phụ nữ khi ra viếng mồ Chúa được gặp Đấng Phục Sinh, họ cũng trở về và loan báo cho các tông đồ biết. Trong ngày lễ Ngũ Tuần thánh Phê-rô loan báo hào hùng về Đấng Phục Sinh và có khoảng 3000 người theo đạo. Các tông đồ khác sau khi nhận ra Chúa Phục Sinh thì ra đi khắp tứ phương thiên họ loan báo cho mọi người được biết và tin vào Đấng Phục Sinh. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Với tư cách là Ki-tô hữu chúng ta cũng có bổn phận loan báo mầu nhiệm phục sinh cho muôn dân, cho những người xung quanh ta bằng chính đời sống chứng ta của mỗi người. Quả thật, chính nhờ đời sống tốt của chúng ta trong gia đình, cộng đoàn, học đường và công sở là cách thức loan truyền Tin Mừng cách hữu hiệu nhất đến với người khác.
Nguyện xin Đấng Phục Sinh đồng hành và soi sáng làm cho mỗi người chúng ta hăng say bừng cháy lòng mến và lòng nhiệt thành để chúng ta làm chứng cho Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.
Px. NVT