Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng – NĂM B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm B

Chủ Đề: Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng

(Mc 13,33-37)

Tối qua trên đường đi dạy học về, tôi tình cờ thấy rất đông các bạn sinh viên đang ngồi chờ xe bus. Tôi sực nhớ về kỷ niệm đợi chờ xe bus thời còn sinh viên. Còn nhớ buổi tối hôm đó, ngoài trời lạnh và mưa phùn, sau giờ làm part time tại tiệm cà phê, tôi ra trạm bắt xe bus để trở về nhà trọ như mọi ngày. Trong lúc đợi chờ xe bus, tôi nhìn đồng hồ thấy còn sớm nên nghĩ rằng chẳng việc gì phải vội và tôi tranh thủ chợp mắt một chút. Thế rồi lần lượt từng chuyến xe đi qua cho đến chuyến cuối cùng cũng đi qua mà tôi không hề hay biết. Đến khi chợt tỉnh dậy, thì chỉ còn mình tôi trong bóng đêm tại trạm xe bus. Lúc đó, tôi mới cảm nhận được sự cô đơn lạnh lẽo khi trong đêm tối phải đi bộ về nhà trọ. Rồi vừa đi, tôi lại nhớ về những chuyến xe bus vẫn ngày nào quen thuộc giờ này là mơ ước của tôi và cả những giây phút đợi chờ tưởng chừng phiền toái giờ này tôi mong được trở lại. Nghĩ về ngày đó, đến bây giờ tôi vẫn còn ấn tượng. Cuộc sống này luôn chứa đựng nhiều điều quan trọng và ý nghĩa mà nếu không tỉnh thức chúng ta dễ dàng thờ ơ hay thậm chí bỏ qua chúng.

Nếu một mình lầm lũi đi trong đêm đã thấy khổ sở thì cảnh dân Chúa được nói trong bài đọc I đang bước đi trong cảnh lưu đày sẽ khổ cực biết chừng nào. Anh chị em hình dung nổi cuộc sống lưu đày khổ cực thế nào không? Cũng trong bài đọc I, ngôn sứ Isaia diễn tả cuộc sống lưu đày của dân Chúa trở nên đáng sợ như những người nhiễm uế và ủ rũ héo tàn như lá úa. Anh chị em biết những người nhiễm uế thời đó chẳng những mang lấy đau đớn bệnh tật mà còn bị cộng đồng loại trừ và xa lánh. Đó quả là cuộc sống bị đọa đày hay bị chà đạp nơi lưu đày bởi đã khước từ đường lối của Chúa. Nhưng nhờ vậy, dân Chúa nhớ lại trước đó họ đã từng được sống hạnh phúc trong sự che chở yêu thương của Chúa, và rồi họ đã không thức tỉnh để trân trọng những hồng ân đó ra sao. Bởi chẳng còn ai cầu khẩn đến danh Chúa, chẳng còn ai biết kính sợ và bám vào Chúa nữa. Họ đã sống như không có sự hiện diện của Chúa và để lòng ra chai đá, cho nên tội ác họ phạm mặc sức hành hạ chính họ. Vậy phải chăng dân Chúa không còn cơ hội được Chúa giải thoát?

Quả thật, điều không thể đối với dân Chúa thì chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã đến thực hiện để giải cứu chẳng những một dân mà còn muôn dân tộc trên mặt đất khỏi tội lỗi và sự chết. Qua biến cố Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã trở nên con của con người để sống như con người ngoại trừ tội lỗi. Nếu như xưa kia dân Chúa để lòng họ xa rời Chúa thì nay chính Đức Kitô chẳng những sống kết hiệp nên một với Chúa Cha mà còn trở nên khuân mẫu hoàn hảo nhất cho mỗi người chúng ta. Hơn thế nữa, Đức Kitô đã đón nhận thánh ý Chúa Cha cho đễn nỗi bằng lòng chịu chết và được phục sinh trong vinh quang của Thiên Chúa.

Vậy con người phải làm gì để đón nhận được ơn giải thoát của Đức Kitô? Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu còn chỉ cho chúng ta thái độ cần thiết để đón nhận được ơn giải thoát. Với dụ ngôn ông chủ đi phương xa và trở về, Đức Giêsu cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của tỉnh thức. Hình ảnh ông chủ trẩy phương xa trong dụ ngôn ám chỉ việc Đức Giêsu đã rời thế gian mà đi về với Chúa Cha, và hình ảnh ông chủ trở về ám chỉ việc Đức Giêsu sẽ lại đến trong ngày quang lâm.

Nhưng giữa hai thời điểm này là quãng thời gian chờ đợi. Bởi trước khi ra đi, ông chủ đã trao cho các đầy tớ mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. Cho nên, họ vừa chờ đợi vừa phải làm trọn công việc bổn phận của mình, trong tinh thần sẵn sàng đón chủ nhà, vì họ không biết khi nào chủ sẽ trở về. Cũng vậy, Đức Kitô muốn căn dặn các môn đệ và mỗi người chúng ta hãy sống chu toàn bổn phận hằng ngày trong khi mong chờ Ngài đến.

Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy cách mà Đức Kitô đến không giống như bất kỳ một ông chủ nào. Các ông chủ thường đến trong nhung lụa gấm vóc, kẻ hầu người hạ để thể hiện sự quyền uy. Thế mà Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa, lại đến một cách bất ngờ và thầm lặng đến nỗi không ai biết trước được. Mà vì vậy, sự tỉnh thức sẵn sàng là rất cần thiết để chúng ta gặp gỡ Đức Kitô trong khi Ngài trở lại. Cũng vậy, thử nghĩ xem hằng ngày để đón xe bus thôi mà chúng ta đã cần tỉnh thức rồi. Vậy thì đón chuyến xe bus cuối đời rất quan trọng đưa đến nơi hạnh phúc trọn vẹn thì cần phải tỉnh thức sẵn sàng thế nào.

Nhưng làm thế nào có thể sống tỉnh thức sẵn sàng nếu không đặt mình trong tương quan yêu mến với Đức Kitô. Vì nếu không có Đức Kitô, chắc chắn chúng ta sẽ mãi mãi sống trong cảnh lưu đày cho tội lỗi và cũng không có niềm hy vọng cứu độ như tỉnh cảnh của dân Chúa trong bài đọc I. Chỉ nhờ Đức Kitô, chúng ta mới có thể trung kiên đến cùng để sống trong đường lối Chúa. Ý thức điều đó mà Thánh Phaolô đã khuyến khích giáo hữu Côrintô chờ đợi Đức Kitô trở lại trong tâm tình biết ơn và cố gắng sống thánh thiện để giữ lòng trung thành với Chúa trong khi mong chờ Đức Kitô đến trong ngày tận thế được diễn tả trong bài đọc II.

Chắc hẳn, chúng ta sẽ tự đặt ra câu hỏi: Vậy trước lời căn dặn của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi sống thế nào trong khởi đầu mùa Vọng này? Ý thức điều đó, Phụng vụ Giáo Hội với Chúa nhật I mùa Vọng hôm nay mời gọi chúng ta sống tâm tình tỉnh thức đợi chờ Đức Kitô đến. Tỉnh thức không phải thụ động nhưng là chủ động sẵn sàng dọn tâm hồn đón Chúa đến lần thứ nhất nơi biến cố Nhập Thể mà chúng ta sẽ mừng trọng thể biến cố Chúa Giáng Sinh nơi máng cỏ Bêlem và đồng thời cũng hướng lòng trông đợi Đức Kitô sẽ đến lần thứ hai để phán xét và ân thưởng trong ngày tận thế. Nhưng chúng ta cũng đừng quá khiếp sợ và trốn tránh khi nói đến tận thế, vì chính Đức Kitô đã đến để cứu chuộc chúng ta mà. Trên hết, chúng ta hãy ý thức tận thế như một chuyến xe bus cuối cùng của cuộc đời để đưa chúng ta về nhà Chúa Cha đầy yêu thương. Vậy điều cần thiết nhất là gì? Nếu không phải là chúng ta hãy tin tưởng vào Đức Kitô để luôn sống tỉnh thức sẵn sàng trong giây phút hiện tại với việc chu toàn bổn phận hàng ngày trong việc học hành cũng như trong tương quan đời sống hằng ngày với lòng yêu mến Chúa. Giờ phút này, anh chị em hãy lắng đọng ít phút để tiếp tục sống thái độ tỉnh thức sẵn sàng ngay trong phần cử hành Phụng Vụ Thánh Thể. Amen.

An-tôn TVT K.XXII