Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm B
Chủ đề: Nhận Ra Ý Nghĩa Của Đau Khổ
(Gr 31,31-34; Hr 5,7-9; Ga 12,20-33)
Thời chủng sinh, tôi có giúp ở một giáo xứ không giàu truyền thống đạo đức. Nhưng tôi lại rất ấn tượng về một bà cụ, đã ngoài 70 tuổi nhưng rất chịu khó đi nhà thờ tham dự các thánh lễ, các giờ kinh…. Nhưng bỗng một ngày, hai ngày, rồi ba ngày, tôi không thấy bóng dáng bà ở nhà thờ nữa. Tôi mới hỏi dò những người khác thì được biết là bà cụ bị ngã, chân đau nên không đi đâu được. Vậy là tôi tranh thủ đến thăm bà.
Thấy tôi đến, bà cụ nghẹn ngào không nói lên lời. Trước những lời hỏi thăm của tôi, bà chỉ khẽ cúi đầu. Sau một lúc dằn lòng thì bà cất tiếng nói:
“Thầy ơi, cả đời con chẳng làm điều gì xấu, con vẫn đến với Chúa mỗi ngày, tại sao Chúa lại để con bị như vậy? mấy hôm nay không đến được với Chúa con buồn lắm, con khổ lắm?”
Trước câu hỏi của bà, tôi khựng lại không biết phải trả lời như thế nào. Tôi chỉ biết động viên bà giữ gìn sức khỏe và chịu khó đọc kinh, lần hạt mỗi ngày. Và kể từ hôm đó, câu hỏi: “Tại sao Chúa lại để con bị như vậy?” của bà cụ cứ vang vọng trong tâm trí tôi.
“Tôi đã làm gì, tại sao tôi lại bị như vậy?” chắc chắn cũng là câu hỏi của nhiều người trong chúng ta khi gặp phải điều gì đó không may. Nhưng vượt lên trên những chất vấn đấy, thái độ của chúng ta khi đối diện với đau khổ thì quan trọng hơn. Có những người không dám đối diện với đau khổ, họ lao mình vào những đam mê, thú vui trần tục để quên đi phút giây hiện tại; lại có những người đối diện với đau khổ nhưng đầy ấm ức, họ than trời trách đất, oán người này hận người kia, họ cần một đối tượng để trút nỗi bất bình. Vậy với chúng ta, những người tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa là Cha toàn năng và quan phòng, chúng ta cần đối diện với đau khổ như thế nào? Câu trả lời sẽ được soi sáng trong bài tin mừng Chúa Nhật hôm nay.
Trong bài tin mừng, khi hai môn đệ An-rê và Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su là có những người Hi-Lạp muốn gặp Ngài, Đức Giê-su đã nhận ra đây là dấu hiệu “Giờ của Ngài đã đến – Giờ Con Người được tôn vinh”. Nhưng đồng nghĩa với giờ phút vinh quang sắp tới, Đức Giê-su cũng nhận thấy cái chết đang cận kề. Trong thân phận con người, Đức Giê-su cũng xao xuyến trước những đau thương khổ giá và cái chết đang chờ đợi Ngài. Cho nên, Ngài đã cất lên lời cầu nguyện: “Lạy Cha xin cứu con khỏi giờ này” (x. Ga 12, 27).
Tuy nhiên, đứng trước cuộc Thương Khó, Đức Giê-su đã không trốn chạy. Ngài can đảm đối diện với toán lính đến bắt Ngài trong vườn Cây Dầu. Ngài cũng không than trời trách đất, oán người này hận người kia kể cả khi các môn đệ mất mật bỏ chạy, sợ hãi chối bỏ, còn đám quân dữ thì phùng mang trợn mắt đánh đập và cười nhạo hả hê sỉ nhục Ngài… Thay vào đó, Đức Giê-su đón nhận đau khổ với thái độ vâng phục, tin tưởng phó thác vào Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng bởi vì ngài nhận ra ý nghĩa của những đau khổ mà Ngài sắp chịu.
Ngang qua những đau khổ ấy mà kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa được hoàn tất. Kế hoạch này nhằm thiết lập một giao ước mới giữa Thiên Chúa và con người mà các tiên tri và ngôn sứ đã loan báo trong thời Cựu Ước. Cụ thể, ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã loan báo điều này mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc 1. Trong giao ước mới, lề luật mới được Thiên Chúa ghi tạc vào lòng dạ, vào tâm khảm mỗi người (x. Gr 31, 33 – 34). Luật mới là luật của tình yêu, được biểu lộ trọn vẹn và tuyệt hảo trong cuộc Vượt Qua của Đức Giê-su. Vì tình yêu, Đức Giê-su – Ngôi Lời Nhập Thể đã chấp nhận bước vào cuộc Thương Khó, chấp nhận chết đi để đem lại sự sống cho con người. Đó cũng là điều mà tác giả thư gửi tín hữu Híp-ri trong bài đọc 2 hôm nay đã cảm nghiệm. Dầu là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục. Vâng phục đến tận cùng để biểu lộ tình yêu trọn vẹn và tuyệt hảo. Do đó, tình yêu của Đức Giê-su vượt trên mọi tình yêu của con người, vì đó là tình yêu của Đấng Tạo Hóa đã chấp nhận chết đi để cho mọi tạo vật được sống (x. Hr 5, 7 – 9).
Sau vài năm, tôi lại có dịp về thăm bà cụ mà tôi vừa kể ở trên. Lần này về, chân bà vẫn đau, vẫn không thể đi lại được. Nhưng trên khuôn mặt của bà, đôi mắt hoen đỏ với nước mắt vòng quanh ngày nào đã trở nên khô ráo sáng trong; đôi môi mím chặt ngày nào đã rộng mở với nụ cười hân hoan. Tôi đang tự hỏi: điều gì đã khiến bà thay đổi như vậy? thì bà nhanh miệng nói:
“Xin thầy cùng tạ ơn Chúa với con vì Chúa đã ban cho con một đôi chân mới để con tiếp tục đến nhà thờ, đến với Chúa. Thầy biết không? Trước đây có giục mỏi mồm thì con trai con chẳng thèm để tâm mà đi nhà thờ nhà thánh. Nhưng từ khi con bị đau chân, con buồn con khóc vì không đi lễ đi nhà thờ được, thì con nhờ nó mua xe lăn và đẩy con đến nhà thờ mỗi ngày. Chính nhờ đôi chân đau này mà con đã kéo đứa con trai về với Chúa”.
Khi nhận ra ý nghĩa của đau khổ, bà cụ đã vui vẻ chấp nhận chịu mọi đau đớn, mọi thiệt thòi để con mình trở về với Chúa. Với tình mẫu tử thiêng liêng cao quý ấy, bà trở nên hình ảnh phản chiếu của Đức Giê-su – Đấng đã chấp nhận chết đi để trao ban sự sống đời đời cho con người. Nhận ra ý nghĩa của đau khổ là điều quan trọng trong cuộc sống. Điều đó giúp ta can đảm đối diện với đau khổ mà không chạy trốn, không bất bình, để ngang qua những đau khổ ấy, tình yêu với Thiên Chúa, với tha nhân được biểu lộ.
Vì thế, Lời Chúa trong Chúa Nhật V mùa Chay hôm nay nhắc nhở chúng ta chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa ngang qua cuộc Thương Khó của Đức Giê-su mà chỉ ít ngày nữa chúng ta sẽ tưởng niệm trong Tuần Thánh. Đồng thời, Lời Chúa cũng nhắc nhớ chúng ta biết nhận ra ý nghĩa của đau khổ trong cuộc sống thường ngày. Những đau khổ đó có thể chúng ta đang chịu hoặc sẽ phải đối diện ở tương lai phía trước. Đó là những đau khổ thể lý hoặc tinh thần hoặc cả thể lý lẫn tinh thần. Những đau khổ đó, chẳng ai mong muốn, nhưng nó vẫn xuất hiện và là thành phần không thể thiếu trong cuộc đời của chúng ta. Vậy chúng ta hãy can đảm đối diện với nó trong sự vâng phục đức tin, trong tâm tình phó thác vào Thiên Chúa là Cha. Chắc chắn với tâm tình đó, chúng ta sẽ góp phần để kế hoạch của Thiên Chúa thực hiện trên cuộc đời chúng ta. Bởi vì trong tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa, đau khổ cũng có giá trị của nó. Amen.
Giuse Nguyễn Đức Tùng