Chúa Nhật I Mùa Vọng Năm A

HÃY SẮN SÀNG CHO TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP

Is 2,1-5; Rm 13,11-14;Mt 24,37-44

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Trong thời ông Noe xảy ra thế nào, thì lúc Con Người đến cũng như vậy. Cũng như trong những ngày trước đại hồng thuỷ, người ta ăn uống, dựng vợ gả chồng, mãi đến chính ngày ông Noe vào tàu mà người ta cũng không ngờ, thình lình đại hồng thuỷ đến và cuốn đi tất cả, thì khi Con Người đến, cũng sẽ xảy ra như vậy. Khi ấy sẽ có hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Và có hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, còn người kia bị bỏ rơi. Vậy hãy tỉnh thức, vì không biết giờ nào Chúa các con sẽ đến. “Nhưng các con phải biết điều này, là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông ta sẽ canh phòng, không để cho đào ngạch khoét vách nhà mình. Vậy các con cũng phải sẵn sàng, vì lúc các con không ngờ, Con Người sẽ đến”.

Hôm nay, Giáo hội bắt đầu bước vào Chúa Nhật Mùa Vọng thứ nhất, phụng vụ năm A. Mùa hướng chúng ta tới hai mục đích: một đàng chúng ta chuẩn bị mừng Con Chúa giáng trần lần thứ nhất trong khiêm nhường nhỏ bé; đàng khác chúng ta mong chờ chính Chúa sẽ đến với chúng ta lần thứ hai. Khi Người đến, Người sẽ mang cho chúng ta bình an, hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ rằng những ơn lành ấy chỉ đến với những ai đã chuẩn bị lòng mình sẵn sàng.

Hãy nuôi hy vọng

Trong bài đọc I, ngôn sứ I-sa-i-a có một giấc mơ rất táo bạo: Ông mơ tới ngày các nước sẽ không còn tuốt gươm chém giết lẫn nhau nữa, người ta sẽ lấy gươm rèn thành lưỡi cày, lấy giáo rèn nên lưỡi liềm, và mọi người sẽ bước đi trong ánh sáng của Chúa. Thật là một giấc mơ tuyệt vời! Có người cho rằng giấc mơ ấy sẽ xảy ra khi Đấng Mê-si-a đến. Người khác cho rằng nó sẽ hiện thực khi Đấng Mê-si-a lại đến lần thứ hai. Có kẻ nói nó sẽ chẳng bao giờ đến, đó chỉ là nằm mơ giữa ban ngày.

Có một câu chuyện kể như sau: Một người thợ săn nghe nói tới một con chim đặc biệt có đôi cánh rộng màu trắng rực rỡ. Đó là con chim đẹp nhất trong các loài chim trên mặt đất. Vì thế, người thợ săn không quản ngại đường xa, trèo đồi vượt suối đi tìm nó hết ngày này qua ngày khác, tháng này đến tháng nọ, năm này đến năm kia. Một lần anh đã may mắn thấy được bóng dáng nó ở một khoảng cách rất xa. Nhưng chỉ thoáng thấy là nó bay đi mất. Anh vẫn kiên trì đi tìm. Một ngày kia anh nhặt được một cọng lông trắng của nó. Rồi anh chết đi mà không bao giờ bắt được con chim mơ ước của mình.

Cuộc săn tìm của người thợ săn là hình ảnh của loài người tìm kiếm hòa bình. Giấc mơ toàn thế giới vui hưởng thái bình của I-sa-i-a có thể không thực hiện được nhưng nó không chỉ đơn thuần là nằm mơ giữa ban ngày, mà giống như một ngọn núi mà ta mơ có ngày sẽ đứng trên đó. Dĩ nhiên, muốn thế thì ta không thể cứ ngồi một chỗ mà mơ, hay há miệng chờ sung rơi từ trời xuống. Ta phải có chương trình và kiên trì làm theo, cho dù có chậm chạp và lâu dài. Ngay cả khi giấc mơ thái bình ấy sẽ không bao giờ được thực hiện trọn vẹn trên toàn thế giới đi nữa, thì việc theo đuổi giấc mơ đó cũng có ảnh hưởng tốt trên đời ta. Điều quan trọng không phải là đạt được mục đích mà là sống có mục đích. Nhiều khi, có một mục đích tốt cho đời mình thì kể như đủ, miễn là không bao giờ ta bỏ mục đích đã chọn. Thế giới ngày nay, nhờ khoa học kỹ thuật tiến bộ có thể làm được hầu như mọi điều, nhưng lại bất lực không tạo ra hòa bình được: Bất hòa khắp nơi, mẫu thuẫn giữa nước này với nước khác, dân này với dân kia, nhóm này với nhóm kia, người này với người khác. Mỗi Ki-tô hữu có thể góp phần mình vào việc thực hiện giấc mơ thái bình của I-sa-i-a, bằng những cố gắng xoá bỏ óc kỳ thị, sự đố kỵ, ích kỷ, chia rẽ nhau…; bằng cách gieo rắc hòa thuận, cảm thông, cùng làm, cùng đi…đúng với tinh thần Hiệp Hành của Giáo hội. Chúng ta cũng nên biết rằng mình không cô đơn trong những cố gắng ấy, mà có Chúa giúp ta: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi sai Con Một của Người đến ở với loài người, thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian này, và cùng đồng hành với chúng ta.

Đây là lúc chúng ta phải tỉnh thức

Chúa Giê-su lặp đi lặp lại: “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”. Vậy chúng ta phải tỉnh thức, đó là thái độ sống nhạy bén trước những cám dỗ của ma quỷ, trước những nguy cơ tội lỗi và trước những lối sống bất chính. Như lời Thánh Phao-lô trong bài đọc II nhắc nhở. Phải chăng chúng ta đang ngủ mê? Đúng vậy, dù mắt chúng ta vẫn mở nhưng thực sự chúng ta đang ngủ trong bóng tối mịt mù: Chúng ta ngủ vì những việc làm đen tối, chúng ta ngủ vì cứ chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, chúng ta ngủ vì lòng đầy tranh chấp đố kỵ và chúng ta ngủ vì chỉ lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt. Nhưng Thánh Phao-lô nhắc nhở rằng: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến”“Giờ đây, phần rỗi chúng ta gần đến, hơn lúc chúng ta mới tin đạo”, vậy “Đây là lúc chúng ta phải thức dậy”, “hãy đi đứng đàng hoàng như giữa ban ngày”, hãy “cầm lấy khí giới của sự sáng” để chiến đấu chống lại những sức mạnh của tối tăm tội lỗi và hãy cởi bỏ con người cũ luôn hướng chiều về những dục vọng xác thịt để mang lấy Đức Giê-su Ki-tô.

Tỉnh thức là khả năng nhận biết sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa qua những dấu chỉ và những biến cố trong cuộc sống hằng ngày. Tỉnh thức cũng là một cách thế sống, cách nhìn và đối diện với các dấu chỉ đó bằng đôi mắt đức tin và hành xử hay lựa chọn theo cái nhìn của đức tin. Đó là một đời sống mới trong Đức Ki-tô.

“Hai người hai số phận”

“Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi. Hai người đàn bà đang xay bột, một người được tiếp nhận, một người bị bỏ rơi”. Đức Giê-su chỉ nói tình trạng như thế thôi chứ không nói rõ lý do tại sao. Tuy nhiên, chúng ta có thể biết lý do qua câu chuyện Người kể về thời ông Nô-ê: Ông Nô-ê chính là người được tiếp nhận, nhờ ông đã tỉnh táo nghe được Lời Chúa báo sắp có nạn Hồng thuỷ, và ông đã tích cực chuẩn bị đóng tàu. Còn mọi người khác là những kẻ bị bỏ rơi, vì họ chẳng để ý tới việc gì khác ngoài cuộc sống vật chất, “ăn uống, dựng vợ gả chồng”. Những bận tâm đó đã chiếm hết tâm trí họ rồi, còn tâm trí đâu mà để ý đến Lời Chúa. Giả như ông Nô-ê có kể lại cho họ nghe lời cảnh báo của Chúa thì họ cũng không tin và còn cho là chuyện viển vông, không thiết thực như chuyện “ăn uống, dựng vợ gả chồng”.

Trong cuộc sống của chúng ta, giữa những bề bộn lo lắng về vật chất, thế tục, Lời Chúa vẫn vang lên để nhắc chúng ta phải biết quan tâm đến nhiều việc khác thuộc phương diện tinh thần, phương diện siêu nhiên, phương diện đời đời…Ai tỉnh táo thì nghe được và sẽ “được tiếp nhận”, kẻ nào mãi thờ ơ thì như “đàn gảy tai trâu” và sẽ “bị bỏ lại”.

Xin gửi tới cộng đoàn phụng vụ mấy câu hỏi gợi ý suy niệm sau: Một năm phụng vụ đã trôi qua, hôm nay bắt đầu một năm phụng vụ mới. Phải chăng, trong năm phụng vụ vừa qua chúng ta đã có phần thờ ơ, ươn lười, nhiều lầm lỗi? Xã hội ngày nay đầy dẫy sự xấu. Phải chăng, chúng ta cũng có phần tạo nên tình trạng ấy? Chúng ta cũng mong rằng thế giới sẽ tốt hơn, con người sẽ thương yêu nhau hơn. Nhưng chúng ta có làm gì cho tương lai ấy mau đến không?

Bắt đầu năm Phụng vụ mới, nguyện xin Chúa ban ơn để mỗi người có một thái độ sống mới theo tinh thần Tin Mừng. Amen.