Lược sử

Đại chủng viện thánh Giuse Hà Nội

Thời gian luôn ghi lại những dấu tích, những ký ức ở từng vùng đất, nơi mỗi con người… Nhờ đó, chúng ta có thể biết về những điều thuộc quá khứ trong dòng lịch sử đã qua. Vậy nên, khi ngắm nhìn mái trường Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội dấu yêu; chúng ta thấy cả một hành trình dài, chuỗi hồng ân chảy dài hơn 3 thế kỷ (hơn 350 năm). Một hành trình đáng tự hào với biết bao ân sủng nhưng cũng đầy gian nan, vất vả. Đại chủng viện bắt đầu từ những biến cố thật đặc biệt, đến quãng thời gian cùng chung sóng gió với giáo hội Việt Nam. Ký ức hào hùng ấy đã được lưu lại nơi những con người, làm nên những địa danh, in dấu ấn lịch sử của một thời đã qua. Tất cả những điều ấy đều trở nên một phần của gia đình đại chủng viện hôm nay, góp phần làm nên một “Lịch Sử Của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội”.

I. Những khởi đầu gắn với bước chân các nhà truyền giáo.

Những khởi sự ban đầu được thực hiện ngay khi Thánh bộ Truyền Giáo gửi các Giám mục tới Á châu. Và một trong những công việc ưu tiên các ngài phải thực hiện là vấn đề thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ.[1]

Tháng 01 năm 1662 Đức cha Pallu đem theo 7 linh mục rời hải cảng Marseille để tới Yuthia. Và năm 1664, Đức cha đã tới Thái Lan gặp Đức cha Lambert.

Ngay khi tới nơi, các ngài đã tổ chức họp công đồng tại Yuthia năm 1664. Công đồng đã đưa ra những hướng dẫn chi tiết cho các thừa sai. Trong đó, có riêng một chương để nói về việc huấn luyện các thầy giảng và tiến tới chức thánh. Các ngài nói:

“Việc đào tạo tốt và hoàn bị cho các Thầy giảng không kém phần quan trọng để đạt được những thành công và tiến bộ của các xứ truyền giáo: Ở đó lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít, các Thầy giảng có thể giúp đỡ các thợ gặt này. Nếu việc bách hại hoành hành và xảy đến cho các vị chủ chăn thì các Thầy phải thay thế họ. Cuối cùng họ cũng có thể tiến đến Chức Thánh và được đặt làm đầu các giáo xứ mới thành lập có một nhà thờ.”[2]

Trong suốt quãng thời gian từ khi Đức cha Pallu tới Thái Lan, ngài vẫn chưa một lần đặt chân đến Đàng Ngoài. Bởi ngài còn phải “chạy đôn chạy đáo” để lo cho công cuộc truyền giáo các ngài đang phải thực hiện như trở về Pháp, về Rôma… nhưng cũng không quên đi trách nhiệm của mình. Nên năm 1666 Đức cha đã cử cha Francois Deydier làm tổng đại diện Đàng Ngoài để thay ngài lo những công việc công đồng đã thống nhất, đặc biệt việc thiết lập hàng giáo sĩ bản xứ. Do đó, ngay sau khi đến Đàng Ngoài, năm 1666 cha đã quy tụ các thầy giảng của các cha Dòng Tên trước đây để tiếp tục huấn luyện họ với một nơi đặc biệt.

II. Thời kỳ Chủng viện nổi Phố Hiến

Học ở trên thuyền. Kể từ đó, chủng viện không còn phải ở trong những ngôi nhà nhưng “trong khoang thuyền trên sông Hồng bên Phố Hiến”[3]. Nơi đó, Chủng viện sẽ huấn luyện 15 thầy trong số 70 thầy của Hội Kẻ giảng.

Cho dù trên thuyền nhưng các chương trình huấn luyện vẫn rất lớp lang. Cha Deydier đã soạn một giáo trình 15 chương là tài liệu dùng cho việc đào tạo các thầy. [4] Chương trình sống hằng ngày đều mang tính cộng đoàn, không có sự phân biệt khoảng cách giữa cha và các thầy.

“Kể từ ngày ấy, chúng tôi bắt đầu cuộc sống cộng đoàn. Chúng tôi dùng cơm chung, thay phiên nhau đọc sách khi ăn cơm và phục vụ bàn ăn. Bản thân tôi cũng theo lệ đó. Lúc đầu mọi người phản đối, nhưng tôi nói tôi theo gương Chúa Giêsu đã rửa chân cho các tông đồ, ngay cả cho Giu đa kẻ phản bội, thì tất cả đã cúi đầu vâng phục cách miễn cưỡng. Chúng tôi cùng làm việc đạo đức chung với nhau.[5]

Đồng thời, “nhờ ảnh hưởng tinh thần mến Thánh giá của Đức cha Lambert và giáo hội Pháp thời các đại tâm hồn, cha Deydier tạo cho chủng viện nề nếp tốt đẹp được lưu tồn tới ngày nay, như nguyện ngắm nửa giờ ban sáng, viếng Thánh Thể ban trưa, xét mình ban tối, siêng năng đọc kinh Mân Côi và yêu thích việc hãm mình đền tội.”[6]

Riêng về vấn đề tài chính tất cả tiền của cha, của các thầy, mọi thứ giáo dân dâng cũng như tiền xin lễ đều được trao cho ông Raphael, người quản lý chung để chi dùng cho chủng viện.[7]

Sau một khoảng thời gian huấn luyện các thầy, cha gửi hai thầy Bênêđictô Hiền và Gioan Huệ sang chủng viện Yuthia ngày 24 tháng 02 năm 1668 và hai tháng sau Đức cha Lambert đã phong chức cho hai thầy[8]. Hai thầy là hoa trái của các cha dòng Tên từ trước và của cha Deydier từ khi ngài tới Đàng Ngoài. Còn “đối với các thầy giảng khác cha Deydier ao ước cho các thầy được chịu một chức nhỏ lúc nào có một Đức Giám mục tới Bắc Việt”[9].

Và điều mong muốn đó chỉ được thực hiện khi Đức cha Lambert kinh lược Đàng Ngoài. Vào tháng 01 năm 1670 Đức cha đã truyền chức cho 7 thầy giảng bậc nhất (tất cả đều trên 40 tuổi, chỉ có mình thầy Vi-tô Trị 30 tuổi). Ngoài ra, Đức cha còn truyền các chức nhỏ cho 20 thầy giảng bậc nhì, và hơn 20 thầy được chịu phép cắt tóc.[10]

Sau đó, ở Phố Hiến, Cha Deydier và cha Bourges vừa ăn mặc như những lái buôn, vừa lo dựng nhà cất cửa để bán hàng. Và chính nơi căn nhà lá đó hai cha tiếp tục huấn luyện các thầy, dưới danh nghĩa là người giúp việc cho hai cha. Cho mãi tới năm 1679 Cha Deydier vẫn phải gửi các thầy sang Thái Lan để nhờ Đức cha Lambert truyền chức vì Đức cha Pallu chưa thể đến Đàng Ngoài.

Tóm lại, dẫu rằng chủng viện nổi chỉ “tồn tại trong khoảng thời gian 20 năm nhưng quy tụ những nhà truyền giáo kinh nghiệm, với chương trình đào tạo bổ sung, ngắn gọn nhưng hiệu quả”[11]. Và chủng viện đã đem lại những hoa thơm trái ngọt đầu tiên cho Địa phận Đàng Ngoài.

Thời kỳ tách Địa phận Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài.

Năm 1679 Địa phận Đàng Ngoài được tách thành Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài. Đức Cha Bourges là giám mục tiên khởi Địa phận Tây Đàng Ngoài, Đức cha Deydier là giám mục Địa phận Đông. Vì hoàn cảnh hai Đức cha vẫn phải trú ngụ tại Phố Hiến. Cho đến năm 1685 hai Đức Cha rời Phố Hiến lên ở nhà Raphael tại Hà Nội.[12]

Ngày 01 tháng 7 năm 1693 người có công lao nhất cho chủng viện nổi Phố Hiến, Đức cha Deydier qua đời tại Kẻ Sặt. Do đó, Đức cha Bourges[13] phải đảm đương thêm công việc của Địa phận Đông.[14]

IV. Thời kỳ chủng viện di dời về Kẻ Vĩnh

Năm 1764 Đức cha Bertrand Reydellet nối quyền Đức cha Louis Néez. [15] Một năm sau Đức cha đã dời Nhà Chung, trường La tinh từ họ Tiêu Viên xứ Đồng Chuối (nay thuộc xứ Tiêu Động Thượng, huyện Bình Lục, Hà Nam) về Vĩnh Trị vào năm 1765 thời vua Cảnh Hưng.[16] Đồng thời, ngài đã lập Đại chủng viện Vĩnh Trị (nay là Giáo xứ Vĩnh Trị, tỉnh Nam Định; Đại chủng viện thời kỳ này có 15 thầy).

Vào những năm 1831 đến 1838 dưới sự cai quản của Đức cha Jean Marie Havard Du, chủng viện trải qua thời kỳ rất gian nan. Vua Minh mạng ra sắc chỉ cấm đạo khắt khe, Đức cha phải đóng cửa chủng viện mất 3 năm.[17]

Năm 1848: Cha Lê Bảo Tịnh, sau khi được chịu chức linh mục một năm, Đức cha Retort Liêu đã bổ nhiệm cha làm giám đốc kiêm giáo sư Đại chủng viện Vĩnh Trị. “Cha thánh là linh mục Việt Nam đầu tiên được tín nhiệm trao cho chức vụ Bề trên một chủng viện”[18].

Năm 1857 Vĩnh Trị bị triều đình vây ráp, chủng viện gặp nguy khó, cha Lê Bảo Tịnh chịu trảm quyết. Năm 1858, cùng với Toà Giám Mục, Đại Chủng Viện thánh Phêrô bị triệt phá bình địa. 

V. Thời kỳ chủng viện di dời về Kẻ Sở

Năm 1862, Đức Cha Jeantet Khiêm (1858-1866) dời Toà Giám Mục về Kẻ Sở (nay là Giáo xứ Sở Kiện, tỉnh  Hà Nam), đồng thời cũng xây dựng Đại Chủng Viện tại đây.

Đến năm 1897 Đại chủng viện được Đức cha Gendreau Đông xây lại bằng gạch kiên cố.[19]

Và Đại chủng viện Kẻ Sở tồn tại tới khi chủng viện Xuân Bích Liễu Giai chính thức hoạt động năm 1934.

VI. Thời kỳ chủng viện dưới sự hướng dẫn của các cha Xuân Bích

Năm 1929 Đức cha chính Gendreau Đông đã mời tu hội Saint-Sulpice (Xuân Bích)[20] đến Hà Nội đảm nhận việc đào tạo chủng sinh, với cha Léon Paliard là giám đốc.[21] Năm 1934, chủng viện chiêu sinh khoá đầu tiên gồm 30 thầy thuộc 5 địa phận: Hà Nội, Hưng Hoá, Phát Diệm, Thanh Hoá và Vinh.

Chủng viện hoạt động đến năm 1946 thì phải đóng cửa vì chiến tranh Việt – Pháp nổ ra.[22]

Từ 1946 – 1949: Các cha Xuân Bích bị bắt đi tù.[23] Chủng viện tạm thời đóng cửa

Qua năm 1947, Đức cha François Chaize Thịnh gọi một số thầy về học chung với các thầy dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà Ấp.

Năm 1950, cha Adrien Villard (Vi) tới giúp cha Hémon, chủng viện sinh hoạt bình thường, nhưng chỉ có chủng sinh địa phận mà thôi.[24]

Tháng 9 năm 1951, chủng viện Xuân Bích (ở Liễu Giai, Hà Nội) vẫn bị quân đội Pháp chiếm đóng. Các chủng sinh phải ở Nhà Tập cũ của địa phận trong địa bàn khu Nhà Chung, (40 phố Nhà Chung, Hà Nội) cạnh nhà thờ chính tòa.[25]

Do hiệp định Genève chia cắt hai miền Nam Bắc, nên năm 1954: Chủng viện di cư vào Miền Nam[26] vào ngày 20 tháng 7 năm 1954.[27]

VII Thời kỳ âm thầm

Do chủng viện bị đóng cửa nên năm 1955 tiểu chủng viện Thánh Gioan được thành lập, dưới sự hướng dẫn của cha Phaolô Phạm Đình Tụng. Tiểu chủng viện đảm nhận việc huấn luyện ứng sinh linh mục cho giáo phận. Nhưng cơ sở này cũng phải đóng cửa vào năm 1960.

Suốt trong giai đoạn 1960 – 1973, toàn miền Bắc không có một chủng viện nào được chính thức hoạt động. Các thầy phải trở về với gia đình, việc học hành thường diễn ra rất kín đáo và nhỏ lẻ với các cha.

VIII. Thời kỳ Đại chủng viện Thánh Giuse bắt đầu lại

Năm 1973, Tràng Tập xưa[28] được mở cửa trở lại với danh hiệu mới Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội, tại số 40 phố Nhà Chung, do Đức Cha Giuse Maria Trịnh Văn Căn làm giám đốc. Khoá I (1973-1977) khai giảng với 9 chủng sinh và 3 giáo sư. Vào ngày 26 tháng 6 năm 1977, 9 chủng sinh khoá I kết thúc khoá học và lãnh nhận tác vụ linh mục, trong khoá I này có Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến. Sau đó, do hoàn cảnh xã hội, một lần nữa Đại Chủng Viện lại phải ngưng hoạt động.[29]

Thời kỳ bình an và phát triển 1981 đến nay.

IX. Thời kỳ 1981-1987 Đại chủng viện được mở lại với 18 chủng sinh thuộc 3 giáo phận Hà Nội, Hải Phòng và Thái Bình, dưới sự hướng dẫn của cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang.

Suốt từ đó tới nay, chủng viện đảm nhận công việc đào tạo ứng sinh linh mục cho các giáo phận Miền Bắc.

Do nhu cầu đào tạo nên năm 2013, chủng viện được mở rộng thêm cơ sở – Nhà Đức Mẹ La Vang tại Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cùng với đó, vào những năm 2015 – 2021, lớp Tu đức được chuyển về Tiểu Chủng viện thánh Phaolô, Giáo phận Phát Diệm.

Sau đó năm 2020 vì nhu cầu mục vụ nên phân khoa Triết học của Đại Chủng viện tại số 40, Nhà Chung, Hà Nội đã chuyển về Nhà ứng sinh thánh Gioan của Tổng Giáo phận Hà Nội.

Năm 2022, Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đã quyết định chuyển lớp Tu Đức đang được gửi tại Giáo phận Phát Diệm về Tổng Giáo Phận Hà Nội ở số 40, Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Như vậy, hiện nay Đại Chủng Viện Thánh Giuse Hà Nội có 3 cơ sở: 

Cơ sở I: Khoa Thần Học (số 13 Chế Lan Viên, Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Cơ sở II: Khoa Triết Học (số 125 Trung Văn, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Cơ sở III: lớp Tu Đức (số 40 Nhà Chung, Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội vẫn mang trọng trách của một chủng viện miền đảm nhận việc đào tạo các ứng sinh linh mục cho 6 giáo phận: Hà Nội, Hưng Hoá, Phát Diệm, Bắc Ninh, Hải Phòng và Lạng Sơn. Nên, các giáo phận có gửi chủng sinh theo học tại đây đều công tác với chủng viện qua việc gửi các cha giáo nội trú và các cha giáo dạy học các môn cần thiết. Đồng thời, chủng viện cũng mời sự cộng tác đào tạo từ phía các đơn vị khác: Dòng Tên, dòng Đaminh, dòng Phanxicô,…Chủng viện Xuân Bích, Chủng viện Sài Gòn, Chủng viện Nha Trang, Chủng viện Bùi Chu, Chủng viện Thái Bình…

Kể từ khi được mở lại vào năm 1973, tính đến nay (2022), Chủng viện đã và đang đào tạo được 28 khóa chủng sinh. Trong đó, 20 khóa đã ra trường làm linh mục, phục vụ trong các giáo phận thuộc giáo tỉnh Hà Nội.

Ban Giám đốc hiện tại:

  1. Cha Giám đốc: Brunô Phạm Bá Quế.
  2. Cha phó Giám đốc: Giuse Nguyễn Văn Diễm.

Một số hình ảnh

Cha Deydier trên những chiếc thuyền – chủng viện nổi Phố Hiến

Chủng viện Xuân Bích – Liễu Giai

Gia đình ĐCV Xuân Bích
Di tích Chủng Viện Kẻ Sở
Nền nhà ăn chủng viện Kẻ Sở
Đại Chủng Viện Hà Nội 40 nhà chung
Đại Chủng Viện Hà Nội 40 nhà chung

[1] Tất cả những điều lưu tâm tới các Đức cha được được Thánh bộ truyền giáo nhắn nhủ qua Huấn Thị 1659.

[2] François Pallu – Lambert de la Motte Monita ad Missionarios – Nhắn nhủ các thừa sau Công đồng Yuthia 1664

Chương X: Đào tạo thầy giảng tiến đến chức Thánh, Tiết 1: Những đức tính cần thiết nơi các Thầy giảng và cách thức đào tạo, bản dịch Giáo phận Kon tum

[3] Lm Đào Trung Hiệu, Đào tạo linh mục Việt Nam qua dòng lịch sử, tr. 38

[4] X. Đào Trung Hiệu, như trên

[5] Néez, Hàng giáo sĩ Bắc Kỳ thế kỷ XVII và XVIII, tr. 14

[6] Lm Đào Trung Hiệu OP, Đào tạo linh mục Việt Nam qua dòng lịch sử, tr. 39

[7] Như trên.

[8] Lúc thụ phong, Cha Hiền 54 tuổi, Cha Huệ 47 tuổi.

[9] Lm Phan Phát Huồn, Việt Nam giáo sử (quyển I), Nhà sách Khai Trí 1965, tr. 176

[10] Lm Nguyễn Hồng, Lịch sử giáo hội Việt Nam (quyển II), Nxb Từ điển Bách Khoa 2009, tr. 163

[11] Đào Trung Hiệu, Đào tạo linh mục Việt Nam qua dòng lịch sử, kỷ niệm 170 năm Tổng Giáo phận Huế 1850-2020, tr 35.

[12] X. Lm Phan Phát Huồn, sđd, tr. 184

[13] Đức Cha Bourges mất tại Thái Lan năm 1714, hưởng thọ 81 tuổi, làm giám mục hơn 30 năm. Sau ngài là Đức Cha Bélot cai quản địa phận 3 năm rồi qua đời 1717. Sau đó Đức Cha Guisain thay thế và mất năm 1723. Và sau đó, 16 năm địa phận Tây Đàng Ngoài không có giám mục. Đến 1739 Cha chính địa phận Louis Néez mới bổ nhiệm là giám mục.

[14] Năm 1712 Trịnh Căn cấm đạo, trục xuất tất cả người ngoại quốc. Nên Đức cha phải trở lại Thái Lan

[15] X. Lm Phan Phát Huồn, sđd, tr. 208

[16] Kỷ Yếu Giáo xứ Vĩnh Trị, tr 9

[17] Kỷ yếu Giáo xứ Vĩnh Trị, tr. 60

[18] Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, Đức Cha Retord Liêu Vị Giám Mục Của Thánh Giá, Châu Sơn 2020, tr.102

[19] Năm 1877 Đức cha Puginier đã cho khởi công xây một nhà thờ chính tòa, và được tiếp tục là nhà thờ chính tòa cho tới năm 1924, khi tòa giám mục được dời về Hà Nội.

Năm 1897, trường lý đoán được sửa chữa và kiến thiết từ một ngôi nhà mái tranh vách đất thành một đại chủng viện bề thế cho toàn giáo phận Tây Đàng Ngoài, thay thế cho chủng viện Vĩnh Trị đã bị phá hủy năm 1858 (trích trong lịch sử giáo xứ Sở Kiện, https://www.giaoxugiaohovietnam.com/HaNoi/01-Giao-Phan-HaNoi-SoKien.htm)

[20] Lúc đầu có 3 cha đến lo xây cất Đại chủng Viện Liễu Giai là cha Léon Paliard Lý; cha Uzureau Đoán và cha Pierre Gastine Tín

[21] Hoà Giang Đỗ Hữu Nghiêm, Hà Nội hướng về tương lai từ trong kho tàng di sản quá khứ, tr 101.

[22] Tối này 19 tháng 12 năm 1946, Việt Minh tấn công Pháp. Nhà thờ chính toà Hà Nội cũng như khu phố Nhà Chung ở trong vùng chiến, nên nhà thờ chính toà phải đóng của hai tháng.  Đại chủng viện Liễu Giai thì ngay trong đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946 đã bị giải tán, 6 giáo sư người Pháp bị bắt và đưa đi miền Việt Bắc, 80 đại chủng sinh và 4 bà phước phải tản mát. Trong đó một cha chết trong rừng, năm người còn lại được phóng thích vào ngày 24 tháng 12 năm 1949. 

[23] Những năm 1946-1949: sáu giáo sĩ Xuân Bích là Léon Paliard (Đoán) (129),Paul Uzureau (Lý), Pierre Gastine (Tín), Daniel Bouis (Cẩn), Antoine Carret (Cả), André Courtois (Lịch) bị bắt làm tù nhân. Ngày 2.1.1948, Daniel Cẩn chết vì bị sốt rét rừng ; và đến ngày 24.12.1949, các người khác được tha. Nhưng năm 1949, trước khi được tha, đã có mấy cha Xuân Bích khác tới chủng viện Hà nội. Tất cả đều bắt tay vào việc đào tạo linh mục từ 1949 đến 1954, cho tới khi cùng với chủng sinh, họ phải lên đường vào Nam. (Xem Lm Bùi Đức Tín PSS, Xuân Bích ở Việt Nam, người dịch Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, https://tgpsaigon.net/bai-viet/xuan-bich-o-viet-nam-4-44141)

[24]  Lm Bùi Đức Tín PSS, Xuân Bích ở Việt Nam, người dịch Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, https://tgpsaigon.net/bai-viet/xuan-bich-o-viet-nam-4-44141 ( bài gốc Saint-Sulpice au Vietnam: Regards sur le passé, II (1945-1954), đăng trong Bulletin de Saint-Sulpice, số 17, 1991, tr. 76-87)

[25] Lm Bùi Đức Tín PSS, bài viết đã dẫn

[26] Do hiệp định Genève 1954, vấn đề được đặt ra cho các chủng sinh: Có nên vào Nam hay không? Câu trả lời rất nhanh chóng là nên. Đức cha Trịnh Như Khuê giám mục Hà Nội đồng ý cho phép vào cuối tháng 6 đầu tháng 7. Nhưng đi đâu? Bằng cách nào? Sau đó các cha liên hệ và quyết định rời Hà Nội (xem như trên)

[27] Ban đầu, khi vào Miền Nam chủng viện vẫn thuộc về giáo phận Hà Nội nhưng 1960 các chủng sinh và linh mục được hướng dẫn nhập vào giáo phận mình cư trú (x. Lm Đào Trung Hiệu, Hành Trình Ân Phúc, tr. 190)

[28] Sáng kiến của Đức cha Gendreau Đông là lập Trường Thử (còn có tên gọi khác là Tràng Tập) với mục đích là lấy các học sinh còn trẻ vào lớp tiểu học. Năm 1927, Ngài cho xây Trường Thử (Probatorium) ở Hà Nội, cơ sở là một nhà ba tầng được xây dựng ngay trong khuôn viên của Tòa Giám Mục ở 40 phố Nhà Chung với 120 học sinh vào trình độ tiểu học. (Theo Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, Lịch sử địa phận Hà Nội, tr 245)

[29] HĐGM Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam Niên Giám 2016, Nxb Tôn Giáo 2017, tr.279