Nội quy ĐCV

ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH GIUSE HÀ NỘI
NỘI QUI VÀ CHƯƠNG TRÌNH
ĐÀO TẠO TOÀN VẸN

A. ĐỜI SỐNG CHUNG
1. Trong thời gian được đào tạo tại Chủng viện, chủng sinh không tham gia bất cứ tu hội, hội đoàn hoặc phong trào nào ở ngoài Chủng viện với tư cách là thành viên chính thức.
2. Các cha trong Ban Giám đốc phụ trách lãnh vực nào thì có thẩm quyền trong lãnh vực đó, vì thế khi có việc liên quan, chủng sinh liên hệ trực tiếp với các vị ấy.
3. Dịp tựu trường, mỗi chủng sinh hoặc chủng sinh đại diện giáo phận đến trình Cha Giám đốc hoặc Cha được ủy nhiệm giấy chứng nhận mùa nghỉ.
Vào cuối năm học hoặc đầu năm học, chủng sinh đoàn sẽ bầu Ban Đại diện cho năm học tới. Các trưởng các ban của lớp Thần IV sẽ là trưởng của các ban trong nhà trường. Lớp trưởng của lớp Thần IV sẽ là trưởng Ban Đại diện (trưởng tràng).
4. Chủng sinh cần có tinh thần chung, tích cực xây dựng cộng đoàn theo phương châm: đúng giờ, đúng nơi, đúng việc. Chủng sinh tôn trọng và bảo vệ của chung; khi thấy gì hư hỏng trong nhà, cần phải báo ngay cho người có trách nhiệm. Chủng sinh nên coi Chủng viện như nhà của mình.
5.      Khi vì lý do đâu ốm, vắng mặt trong các giờ sinh hoạt chung của Chủng viện, chủng sinh cần xin phép cha đặc trách sinh hoạt trước.
6. Nên hạn chế tối đa việc xin phép ra ngoài Chủng viện và tiếp khách ngoài giờ quy định. Khi không được chấp thuận, chủng sinh cần có tinh thần vâng phục siêu nhiên.
7. Trong phòng ngủ, để rèn luyện tính tự chủ, tạo lập không gian tĩnh lặng cho đời sống, đồng thời để tránh làm phiền anh em, chủng sinh luôn lưu tâm giữ thinh lặng, không dùng máy tính, các loại máy nghe hay dụng cụ âm nhạc, không hút thuốc, không tụ tập ăn bánh kẹo, uống trà, cà phê hoặc bia rượu hoặc nói chuyện (khi cần sự giúp đỡ, trao đổi, nên đến phòng chung). Chủng sinh không được ngồi, nằm trên giường của nhau. Chủng sinh không được vào phòng riêng của anh em vào các giờ nghỉ.
8. Khi làm việc ở trong phòng riêng, cửa phòng chỉ được khép, không được khóa, chỉ đóng kín trong giờ nghỉ. Cha chủ nhiệm và Cha đặc trách sinh hoạt có quyền kiểm tra phòng nghỉ bất cứ lúc nào.
9. Trong nhà cơm, chủng sinh ngồi theo chỗ quy định theo tổ, trừ các dịp đặc biệt; phải giữ thinh lặng, ổn định trước giờ cơm.
10.  Để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống chung trong Chủng viện, các chủng sinh tuyệt đối không được hút thuốc lá và các loại thuốc điện tử.
11.  Chủng sinh tích cực tham gia các công tác phục vụ được giao phó, tôn trọng và quí mến các nữ tu cũng như các nhân viên trong nhà, hạn chế tối đa việc nhờ họ giúp đỡ khi không thực sự cần thiết.
12.  Chủng sinh mừng chung sinh nhật và bổn mạng mỗi tháng một lần vào thứ Bảy tuần thứ hai sau giờ lao động buổi sáng.
13.  Khi được tin thân nhân ruột thịt của một chủng sinh qua đời, gia đình Chủng viện sẽ dâng lễ và cầu nguyện cho cha hoặc mẹ của chủng sinh. Những thân nhân khác của chủng sinh, gia đình Chủng viện sẽ cầu nguyện.
14.  Về việc hiếu hỷ: Chủng sinh được về tham dự tùy theo từng trường hợp:
a, Lễ an táng.
–          Cha mẹ (2-3 ngày).
–          Bề trên giáo phận, cha nghĩa phụ, cha bản hương, cha xứ, ông bà nội ngoại, anh chị em ruột – dâu – rể (1 ngày).
b, Lễ tấn phong hoặc nhận chức của Đức Giám mục, Đức Giám mục phó hay Đức Giám mục phụ tá của một giáo phận (1 ngày).
c, Lễ cưới, lễ truyền chức, khấn dòng, tạ ơn của anh chị em ruột (đi trong ngày).
d, Khi cha mẹ đau ốm nặng (đi trong ngày).
15.  Mỗi chủng sinh phải biết cách giữ gìn và tăng cường sức khỏe của mình qua việc tự tạo cho mình một chế độ ăn uống ngủ nghỉ điều hoà và tiết độ, qua việc chuyên cần tập luyện thể dục thể thao, qua việc thực hành những biện pháp phòng bệnh. Khi cần sự giúp đỡ, liên hệ với cha chủ nhiệm hoặc với ban phụ trách y tế.
16.  Khi ra ngoài để khám và điều trị bệnh, phải có ý kiến chấp thuận của người chịu trách nhiệm về y tế và Cha đặc trách sinh hoạt. Trong trường hợp bệnh nặng, phí tổn và việc chăm sóc do gia đình và giáo phận chịu trách nhiệm.
17.  Hằng tháng, vào ngày thứ Ba đầu tháng, Chủng viện đặc biệt cầu nguyện cho các ân nhân còn sống cũng như đã qua đời.
18.  Trong tình huynh đệ, chủng sinh nhã nhặn góp ý với những người anh em sai lỗi. Không được có thái độ hiềm khích hoặc những lối cư xử thiếu bác ái với nhau. Người được nhắc bảo nên có thái độ khiêm tốn lắng nghe và sửa đổi. Trong những trường hợp chủng sinh phạm lỗi nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến ơn gọi cần phải trình cho Bề trên biết.
19.  Chủng sinh vui vẻ hoà đồng với mọi thành viên trong gia đình Chủng viện, nhưng lưu ý tránh những mối liên hệ quá thân mật riêng tư.
20.  Bầu khí thinh lặng là nguồn trợ lực cho đời sống hiệp thông, cần thiết cho cảm nhận sự hiện diện của Chúa và để cho sự hiện diện đó thu hút mình (x. PDV 47). Do đó, mỗi chủng sinh có bổn phận quan tâm giữ bầu khí đó, đặc biệt ở những nơi dành cho việc cầu nguyện, học tập. Khi thiếu vắng bầu khí đó, mỗi chủng sinh cùng những người hữu trách có nhiệm vụ nhắc bảo nhau trong tình liên đới huynh đệ.
B. ĐỜI SỐNG NHÂN BẢN
21. Mọi chủng sinh phải tham gia giờ thể dục thể thao, trừ khi có lý do chính đáng và được phép. Những ngày mưa gió, không ra sân được, chủng sinh có thể tìm cách khác để rèn luyện sức khỏe.
22.    Chủng sinh được phép ra ngoài Chủng viện các chiều Chúa nhật. Việc đi dạo chiều Chúa nhật nhằm mục đích giúp anh em thay đổi bầu khí, tập sống trưởng thành, làm chủ bản thân, quan sát học hỏi…
– Phải đi theo nhóm ít nhất hai người trở lên.
– Tuyệt đối không tụ tập ăn nhậu. Có thể uống nước giải khát.
23.    Trong thời gian ở Chủng viện, chủng sinh được sử dụng xe máy cá nhân.
24.    Chủng sinh tuyệt đối không dùng điện thoại di động trong Chủng viện. Khi nhập trường, nếu mang theo điện thoại, chủng sinh phải gửi cha chủ nhiệm.
25.    Chủng sinh chỉ được sử dụng điện thoại của nhà trường trong giờ tiếp khách và từ sau cơm tối đến giờ kinh tối. Khi nói chuyện điện thoại cần ngắn gọn, lịch sự và thận trọng.
26.    Sau cơm trưa và cơm tối, chủng sinh được khuyến khích đi dạo bộ, chuyện trò, giải trí, thư giãn… vừa để tốt cho sức khỏe vừa để gia tăng tình huynh đệ trong cộng đoàn.
27. Chủng sinh được tiếp khách trong giờ thể thao và sau giờ ăn trưa. Khi tiếp khách, chủng sinh phải ăn mặc xứng đáng, kín đáo; phải mở cửa phòng và bật điện, nhất là khi tiếp khách nữ giới. Khi tiếp khách xong, chủng sinh phải liệu sao cho nhà khách được gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ. Chủng sinh không được nhận quà tặng là bia rượu và thuốc lá.
28. Cha chủ nhiệm sẽ sinh hoạt chung với lớp mình phụ trách và nếu cần cha chủ nhiệm sẽ huấn đức chiều thứ Sáu.
C. ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
29.  Đào tạo thiêng liêng chiếm vị trí ưu tiên trong Chủng Viện. Việc đào tạo này chỉ sinh hoa trái đích thực khi kín múc từ nguồn mạch duy nhất là Chúa Thánh Thần. Vì thế, mỗi sáng khi thức dậy, chủng sinh được mời gọi nguyện cầu cùng Chúa Thánh Thần. Sau Thánh lễ, chủng sinh dành 30 phút để nguyện gẫm hoặc đọc sách thiêng liêng tại nhà nguyện hoặc những nơi quy định.
30.  Sau Kinh tối là giờ thinh lặng thánh, chủng sinh phải tuyệt đối giữ thing lặng.
31.  Chủng sinh hân hoan sốt sắng tham dự Thánh lễ và Giờ kinh Phụng vụ, tập sống Thánh lễ suốt ngày trong bầu khí cầu nguyện bằng các phương thế thích hợp. Thánh lễ ngày thường và Chầu trọng thể tại nhà nguyện, chủng sinh mặc áo su-tan, đi giầy hoặc dép quai hậu. Lễ trọng và Chúa nhật, chủng sinh mặc áo su-tan và sup-li.
32.  Hằng ngày, chủng sinh có mặt tại nhà nguyện đúng giờ quy định để tham dự Thánh lễ, đọc kinh Phụng vụ, nguyện gẫm, chầu Thánh Thể, lần hạt, xét mình riêng trước Thánh Thể.
33.  Chủng sinh đặc biệt sùng mộ Bí tích Thánh Thể là nguồn sống thiêng liêng của Kitô hữu. Vì thế, chủng sinh chầu Thánh Thể chung và được khuyến khích siêng năng viếng Thánh Thể riêng mỗi ngày.
34.  Chủng sinh được mời gọi đặc biệt sùng kính Đức Nữ Trinh Maria qua các việc đạo đức truyền thống, nhất là việc lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày. Trong tháng Năm và tháng Mười đọc kinh cầu Đức Bà sau lần hạt vào các ngày thứ Bảy.
35.  Chủng sinh cũng được khuyến khích yêu mến Thánh Cả Giuse, Quan Thầy đệ nhất của Chủng viện. Trong tháng Ba, cộng đoàn nguyện kinh cầu thánh Giuse đầu giờ Kinh trưa thứ Tư. Ngày 16, 17 và 18 tháng Ba, Chủng viện cử hành tuần tam nhật kính thánh Giuse.
36.  Cha linh hướng là người đồng hành thiêng liêng cá nhân với chủng sinh trong khuôn khổ tòa trong. Chủng sinh cần trân trọng và tận dụng phương thế này để thăng tiến đời sống thiêng liêng và phân định ơn gọi, không chỉ trong năm học mà cả trong các kỳ hè và trong năm tập vụ. Buộc chủng sinh gặp cha linh hướng hai tháng một lần.
D. ĐỜI SỐNG TRÍ THỨC
37.  Tác vụ hàng đầu của linh mục là rao giảng Lời Chúa, vì thế chủng sinh cần hết sức trau dồi kiến thức và khả năng truyền đạt. Các môn học ở Chủng viện nhằm giúp chủng sinh có được kiến thức và khả năng tối cần ấy. Vì thế không được coi thường môn học nào, phải tham dự đầy đủ các tiết học và chu toàn các đòi hỏi của môn học.
38.  Điểm số tối thiểu phải đạt cho mỗi môn học là 5/10. Dưới mức điểm này, chủng sinh buộc phải thi lại. Mỗi môn học, chủng sinh chỉ được phép thi lại một lần. Kết quả bài thi lại nếu cao hơn 5/10 cũng chỉ được tính 5/10. Cuối mỗi năm học, nếu ba môn học dưới trung bình, chủng sinh sẽ phải học lại vào năm sau.
39.  Cách thi lấy điểm cho mỗi môn học tùy sáng kiến của mỗi cha giáo.
40.  Ai bị ngăn trở không dự lớp được, cần xin phép cha đặc trách sinh hoạt. Lớp trưởng có nhiệm vụ trình báo với cha giáo về sự vắng mặt của anh em.
41.  Chủng sinh được khuyến khích tận dụng tối đa thư viện để hỗ trợ cho việc học các môn trong chương trình và việc đào tạo trí thức nói chung.
42.  Về việc sử dụng máy vi tính và truy cập internet:
– Được dùng máy vi tính nhưng phải theo qui định về nơi chốn và thời gian. Vì nhu cầu làm luận văn tốt nghiệp, riêng lớp Thần IV được phép sử dụng máy tính cá nhân tại phòng riêng.
– Không được sử dụng máy vi tính trong giờ học chung, ngoại trừ trường hợp vì nhu cầu của môn học và được cha giáo đề nghị hoặc cho phép.
– Có thể dùng máy vi tính để học ngoại ngữ, nhưng phải đăng ký với cha phụ trách sinh hoạt và phải sử dụng theo đúng mục đích và nơi chốn.
– Tuyệt đối không được truy cập internet tại phòng riêng. Chỉ được vào mạng tại phòng học chung vào những giờ đã được quy định, phục vụ cho mục đích học tập.
– Không được sử dụng mạng xã hội trong thời gian ở nhà trường; không được truy cập những trang mạng hay down load những hình ảnh, bài viết không phù hợp với đời sống tu trì; cũng không được tự ý đăng những hình ảnh cá nhân, tập thể và bài viết liên quan đến các sinh hoạt trong nhà trường.
43.  Khi làm bài, viết bài, chủng sinh phải trung thực, đặc biệt không quay cóp và sao chép, cắt dán tài liệu của người khác mà không cho biết rõ nguồn gốc. Nếu phát hiện có sự gian lận sẽ bị kỷ luật nặng hoặc trả về giáo phận.
44.  Muốn phổ biến các tài liệu, sách báo cho anh em trong chủng viện, cần xin ý kiến của cha giám học và cha đặc trách sinh hoạt.
45.  Cuối năm học, chủng sinh năm Triết II phải hoàn thành một bài tiểu luận, chủng sinh năm Thần IV phải hoàn thành một bài luận văn tốt nghiệp ra trường.
E. ĐỜI SỐNG MỤC VỤ
46.  Chủng sinh được tự do đăng kí học tập các kỹ năng mục vụ tại Chủng viện vào sáng Chúa nhật.
47.  Nếu chủng sinh vi phạm các điều trong nội quy, tùy theo mức độ, sẽ bị nhắc nhở, phê bình, trừ điểm kỷ luật hoặc thông báo với Bề trên giáo phận hoặc bị gửi trả về giáo phận.
48.  Chủng sinh phải thường xuyên đọc “Bản nội quy” này để giúp bản thân có thể cộng tác tích cực trong công trình đào tạo của Chủng viện, đồng thời có thể giúp anh em khác thực hiện tốt trách nhiệm và vai trò của một chủng sinh, ngõ hầu đáp ứng sự mong đợi của Mẹ Giáo Hội, của giáo phận và của gia đình.
49.  Chủng sinh nên coi “Bản nội quy” này như một thủ bản, một phương thế hữu hiệu giúp thăng tiến trong đời sống ơn gọi.