Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay- Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B

Chủ đề: Thập Giá – Nguồn Ơn Cứu Độ

(2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21)

Có một tác giả nào đó từng nói: “Cuộc đời đẹp và đáng sống.” Đó là một câu nói đầy tích cực và khích lệ người ta. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế cuộc sống xung quanh, lời phát biểu kia liệu có đúng không?

Tuần trước, tôi ra bệnh viện Bạch Mai để khám bệnh. Nhìn các phòng khám và hành lang, la liệt bệnh nhân xếp hàng để được tới phiên mình. Khuôn mặt họ buồn rầu, nhăn nhó vì cơn bệnh nào đó đang hành hạ. Có lẽ, ở những bệnh viện khác, tình cảnh cũng tương tự. Đối với những bệnh nhân ấy, nhất là những người bị bệnh nan y, cuộc đời có “đẹp” không?

Gần đây nhất, giáo xứ chúng ta cùng phân ưu với gia đình tang quyến, trước sự ra đi đột ngột của anh Giuse Cường, một thanh niên mới hơn 30 tuổi. Là trụ cột của gia đình, anh ra đi, để lại tất cả những hoài bão và ước mơ của cuộc đời, cùng với chị vợ trẻ và hai đứa con thơ. Hơn thế nữa, sự ra đi của anh Giuse để lại một sự trống vắng, một gánh nặng đè lên đôi vai của chị Trang. Từ nay, chị phải một tay gánh vác lấy phần còn lại của đời mình và chăm lo cho tương lai của hai đứa con nhỏ. Trong hoàn cảnh chị, liệu cuộc đời có còn “đẹp” không?

Ai trong chúng ta cũng có những nỗi khổ riêng. Nói chung, “sinh, lão, bệnh, tử” là kinh nghiệm của phận người. Mỗi người hãy thử ngẫm về đời mình và xem đâu là nỗi khổ mình đang phải chịu. Nhưng, đau khổ do đâu mà có?… Đau khổ có thể do con người tự gây ra cho nhau, hoặc do tội lỗi của mình, hoặc do những bất toàn của kiếp người. Tuy nhiên, dù sao đi nữa, đau khổ hay sự dữ vẫn là một mầu nhiệm vì chúng ta không thể hiểu hết về thực tại ấy.

Thực ra, mỗi ngày chúng ta đang cố gắng đủ cách để tìm cách thoát khổ, mong có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Ấy vậy mà, mặc cho những nỗ lực không ngừng của con người, đau khổ vẫn có đó, thậm chí lại có những vấn đề mới nảy sinh. Bệnh viện vẫn đầy ắp bệnh nhân. Căng thẳng và áp lực cuộc sống vẫn đè bẹp con người. Tương lai vẫn là điều gì đó vượt tầm tay chúng ta. Chúng ta muốn sống tốt hơn, thánh thiện hơn, nhưng vẫn đắm chìm trong tội lỗi. Và cuối cùng, cái chết vẫn là đòn giáng chí tử lên mọi cố gắng của chúng ta. Bóng đen của thần chết vẫn bao trùm tất cả chúng ta. Đời khổ như thế, có gì mà “đẹp” và “đáng sống” đây?

Vậy, cái gì mới đem lại ý nghĩa và có sức giải thoát chúng ta khỏi tất cả những đau khổ của cuộc đời, để rồi đời trở nên đẹp và đáng sống? Kitô giáo cho chúng ta một niềm hy vọng lớn lao vì Thiên Chúa là Tình Yêu và là Đấng Cứu Độ. Tình thương ấy được cụ thể hóa trong suốt dòng lịch sử cứu độ mà Bài đọc I cho chúng ta thấy một biến cố điển hình. Khi đó, dân Israel bất trung với Luật Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ. Hậu quả là toàn thể dân tộc bị lưu đày và nô lệ người Babylon. Ở đó, họ phải đau khổ và tủi nhục. Trông thấy nỗi khổ cực của họ, Thiên Chúa lại chạnh lòng thương. Người tác động đến vua Kyrô để ông cho phép dân trở về quê hương xứ sở, xây dựng cuộc sống mới. Biến cố ấy cũng báo trước một viễn cảnh sáng ngời sắp đến đối với dân tộc Israel, viễn cảnh chờ đón Đấng Cứu Độ.

Cuối cùng, Tình Yêu ấy đạt tới đỉnh điểm khi Thiên Chúa tặng ban chính Con Một của Ngài. Đấng ấy là Đức Giêsu. Người là Thiên Chúa thật, nhưng cũng là người thật như chúng ta. Người cũng chịu tất cả những giới hạn của kiếp người nơi mình: đói, khát, đau đớn thể xác, tinh thần, và nhất là một cái chết đớn đau và nhục nhã trên cây Thập Giá chỉ vì tình yêu. Người dang cánh tay, ôm vào mình tất cả nỗi khổ của nhân loại, của từng bệnh nhân, của gia đình chị Trang và của mỗi một người chúng ta, mà chịu treo lên cây gỗ. Người chịu đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, chịu chết để chúng ta được sống. Như thế, Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Độ.

Khi còn đi giúp xứ, tôi được cha xứ giao nhiệm vụ dạy giáo lý cấp tốc cho một dự tòng để gia nhập đạo. Ông này ngoài 50 tuổi, nhưng lục phủ ngũ tạng của ông gần như hỏng cả. Ông xin theo đạo là do được lôi cuốn bởi những hội viên Legio thường xuyên đến thăm hỏi. Khi tôi đến nhà, tôi thấy ông đau đớn quằn quại và rên rỉ “Đau quá, Bích ơi!” Bà Bích là vợ ông. Tôi bắt đầu nói về giáo lý, khởi đi từ Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, lịch sử cứu độ… Nhưng ông cứ rên rỉ suốt. Những lời của tôi dường như chẳng vào lỗ tai ông. Tôi quyết định không nói như “giáo trình” ban đầu nữa. Tôi chỉ tay lên cây Thánh giá có tượng chịu nạn mà hội viên Legio mang đến và nói rằng: “Chính Chúa Giêsu cũng đang chịu đau đớn quằn quại với ông. Thiên Chúa cùng chịu đau với ông. Nhưng chính Chúa cũng là Đấng ban ơn sức để ông có thể chịu đựng được cơn đau này và cho ông sự sống đời đời.” Tôi chỉ nói có thế và ngồi im lặng.

Mỗi khi nhìn lên cây Thánh giá, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa yêu chúng ta biết chừng nào! Ngài yêu đến nỗi ban người Con duy nhất cho chúng ta, “để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Vì thế, Đức Kitô chịu đóng đinh chính là nguồn ơn cứu độ cho những kẻ tin. Nhờ Máu Người đổ ra, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, một phẩm vị cao cả mà chẳng chức tước nào thế gian này sánh bằng; được tẩy rửa mọi tội lỗi để trở nên tinh tuyền thánh thiện và sáng láng; được gia nhập vào đại gia đình Giáo Hội và đáng hưởng hạnh phúc đời đời trong Nước Trời. Như thế, Thập Giá chính là câu trả lời cho mọi khát vọng của con người và đem lại ý nghĩa cho mọi đau khổ mà con người đang phải chịu. Thập Giá đem lại niềm vui và hy vọng cho chúng ta. Nếu chúng ta tin vào Đấng chịu đóng đinh, chúng ta sẽ được cứu độ. Và khi ấy, Thập giá mới làm cho “cuộc đời đẹp và đáng sống”.

Sau một hồi lâu nhìn chằm chằm lên cây Thánh Giá, ông dự tòng kia không còn kêu tên bà vợ nữa, nhưng rên rỉ “Chúa ơi, cứu con…”. Hôm sau, cha xứ đến ban các bí tích khai tâm cho ông. Điều kỳ lạ là từ hôm đó, người nhà nói là ông bớt rên rỉ hơn và chỉ lẩm nhẩm trong miệng “Lạy Chúa, lạy Chúa”. Cứ thế, ông ra đi trong bình an vài ngày sau đó. Thập giá thực sự đem lại ý nghĩa cho cuộc đời ông.

Chúa Nhật IV Mùa Chay hôm nay cũng là Chúa Nhật tràn ngập ánh sáng. Giáo Hội kêu gọi mỗi người chúng ta “Hãy vui lên” qua sắc màu phụng vụ và hoa lá được trưng bày trên bàn thờ. Hơn nữa, sứ điệp Lời Chúa còn cho chúng ta thấy ánh sáng và niềm vui đích thực cho cuộc đời lại là mầu nhiệm Thập giá mà chúng ta sẽ long trọng cử hành trong Tam Nhật Thánh. Tuy nhiên, niềm tin vào mầu nhiệm Thập giá ấy cũng cần được làm mới lại mỗi ngày, nhất là khi phải đối diện với đau khổ và trước cái chết, chúng ta không thất vọng, rầu rĩ hay than trách, nhưng tin tưởng và cậy trông vào lòng thương xót và cứu độ của Thiên Chúa. Khi ấy, nhờ việc kết hợp đau khổ của mình với đau khổ của Đức Kitô trên Thập Giá, đau khổ của chúng ta sẽ không vô ích, nhưng có giá trị cứu độ.

Và hôm nay, mầu nhiệm thập giá tiếp tục được tái diễn ngay tại đây, vì mỗi khi cộng đoàn tụ họp cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta cử hành việc Chúa chịu chết và sống lại ngay trên bàn thờ này. Nhờ mầu nhiệm Thập Giá trên bàn thờ, tình yêu và hồng ân cứu độ của Thiên Chúa tiếp tục tuôn đổ trên thế giới cũng như trên từng người chúng ta. Và khi rước Mình Máu Chúa, chúng ta còn được đón nhận chính Chúa là nguồn mọi ân sủng cho cuộc đời này. Nguyện xin Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh, Đấng Cứu Độ trần gian, thương xót chúng con. Amen.

Phêrô Nguyễn Công Đô