Chúa Nhật Phục Sinh – Năm A

Cv 10,34a.37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. 2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói : “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” 3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. 4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. 5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. 6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, 7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. 9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng : theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải chỗi dậy từ cõi chết.

Suy Niệm

Bài 1:

Ngày 12/04/1961 Yuri Gagarin, phi hành gia người Nga đã trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ. Sau 108 phút bay vòng quanh trái đất trên con tàu vũ trụ Vosto 1 với vận tốc tối đa 301 km, trở về trái đất thành công, giới báo chí đến phỏng vấn anh ta, và anh tuyên bố: “Tôi đã đi khắp vũ trụ, và chẳng thấy Thiên Chúa đâu cả!”. Tuyên bố ấy hẳn đã làm đức tin của nhiều người ngả nghiêng, bởi ta tin Thiên Chúa ở trên trời, có thể nói anh Gagarin đã lên trời nhưng chẳng thấy Chúa đâu.

Cảm giác đến nơi “có Chúa” mà không gặp Ngài của anh Gagarin cách nào đó cũng giống với Maria Mácđala mà quý cộng đoàn vừa nghe trong bài Tin Mừng Phục Sinh. Sau khi thấy mộ trống, bà chạy về báo cho 2 môn đệ là Phêrô và Gioan biết, và hai ông cũng thấy điều tương tự. Phải chăng cả 3 nhân vật trong bài Tin Mừng hôm nay đều thất vọng, khi không còn thấy ít ra là xác của Chúa, giống như anh Gagarin đã lên “trời” mà cũng chẳng gặp được Chúa?

Nếu như tuyên bố của anh Gagarin đã khiến đức tin của nhiều người chao đảo, thì nhiều người lại được củng cố lòng tin nhờ sự kiện 8 năm sau đó. Ngày 20/7/1969, ba phi hành gia người Mỹ trong đó có một người tên là Neil Armstrong, trong chuyến du hành trên tàu Apollo 11 đã đổ bộ thành công xuống mặt trăng. Trước sự bao la vô tận của vũ trụ Neil Armstrong, người đầu tiên đặt chân xuống mặt trăng, khi trở về trái đất đã nói: “Đây đúng là công trình của Thiên Chúa”. Chúng ta nhận thấy 2 phi hành gia trên đều đã bay ra ngoài không gian, nhưng chỉ có một người nhận ra Thiên Chúa là tác giả ẩn danh đằng sau tất cả.

Trong bài Tin Mừng, bà nhân vật cùng nhìn thấy ngôi mộ trống, chỉ còn những băng vải liệm. Nhưng Tin Mừng thuật lại, chỉ có Gioan thấy và tin. Điều gì đã làm cho Gioan chỉ qua việc thấy những băng vải lại có thể tin? cũng giống như việc phi hành gia người Mỹ kia chỉ qua việc nhìn thấy vũ trụ bên ngoài trái đất lại ca ngợi Thiên Chúa đã dựng nên nó? Còn chúng ta nữa, những người đã sống đạo nhiều năm, liệu chúng ta có thực sự “thấy và tin” như Gioan?

Ngôi mộ trống không phải là một bằng chứng đủ để có thể khẳng định Chúa Giê-su đã Phục sinh. Nhưng nếu thân xác của Chúa Giêsu còn nằm trong mộ thì chắc chắn không thể nói được là Ngài đã Phục Sinh. Ngôi mộ trống là điều kiện quan trọng cần thiết cho đức tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu. Qua ngôi mộ trống, chúng ta nhận ra quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại trong bài đọc sách Sáng thế trong đêm canh thức hôm qua. Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ vạn vật từ hư vô, cũng chính là sự trống rỗng. Nếu buổi sáng ngày thứ nhất trong tuần, khi các phụ nữ ra viếng mộ mà họ vẫn còn thấy ngôi mộ đóng kín, thì đó chỉ là chuyện rất bình thường, và cái chết của Đức Giêsu cũng chỉ giống như bao người khác trong cõi nhân sinh này. Người đã chết vẫn nằm trong ngôi mộ, có gì đặc biệt mà phải ầm ĩ? Tuy nhiên, cả bốn tác giả Tin Mừng đều thuật lại hiện tượng này. Mặc dù cách thức diễn tả có khác nhau, nhưng cả bốn vị đều nhằm khẳng định: ngôi mộ trống!

Khi còn sống, Chúa Giêsu đã ba lần tiên báo cho các môn đệ về cái chết và sự Phục sinh của Người sau ba ngày, nhưng khi đó, các ông còn chưa hiểu những lời đó sẽ được Chúa Giêsu thực hiện. Trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu, chỉ có Gioan có mặt lúc Ngài hấp hối. Chính vì thế, Gioan có thể nói là người biết rõ nhất về các thương tích của Chúa Giêsu, về việc tẩm liệm và an táng Người… Và giờ đây, đứng trước ngôi mộ trống, ông không còn thấy vị Thầy đã từng trao phó ông cho Mẹ Ngài và trao phó Mẹ của Ngài cho ông, mà chỉ còn trong đó những băng vải quấn xác Chúa và tấm khăn che đầu. Chi tiết này, được Tin Mừng thuật lại: “Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.” Tin Mừng Mátthêu còn nói về việc các lính canh vào thành báo cho các thượng tế biết về việc ngôi mộ trống. Sau đó, các thượng tế bàn bạc, cho lính canh một số tiền lớn, và bảo họ phao tin rằng ban đêm, các môn đệ đã đến trộm xác. Quý cộng đoàn thử tưởng tượng xem có ai đi trộm xác mà lại bình tĩnh tháo hết băng vải, thậm chí lại còn để riêng khăn che đầu ra, mà không nhanh chóng đem tất cả đi? Vậy theo cộng đoàn, Gioan thấy vậy thì ông nghĩ gì? Chúng ta biết, trong ba năm theo gót Thầy Giêsu, hẳn là vị tông đồ được Chúa yêu này đã có những kinh nghiệm rất gần gũi với vị Thầy chí thánh của mình. Nhờ đó, khi nhìn vào cách xếp băng vải và khăn che đầu, ông đã nhận ra cách thức quen thuộc của Thầy mình. Chính vì đó, ông thấy và ông tin. Từ niềm tin ban đầu của Gioan, sau đó đến tất cả các tông đồ, điều đó khiến các ông đã mạnh mẽ rao giảng, như Phêrô trong bài đọc thứ nhất hôm nay, đã loan báo Chúa Giêsu đã chết nhưng Ngài đã Phục sinh cho người ngoại tại nhà ông Conêliô. Sự Phục sinh mà Thiên Chúa đã làm nơi Đức Giêsu, cũng là niềm hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ thực hiện điều tương tự cho mỗi người chúng ta. Nấm mộ không phải là nơi đặt dấu chấm hết cho cuộc đời mỗi người, nhưng sự sống vĩnh cữu mới là định mệnh sau cùng như chúng ta vẫn tuyên xưng: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Kính thưa quý cộng đoàn, mặc dầu quyền năng Thiên Chúa vẫn được thể hiện, nhưng sự cứng lòng khiến nhiều người không nhận ra hoặc từ chối đón nhận Ngài. Ta thấy ngay từ ban đầu, Thiên Chúa dựng nên các thiên thần rất tốt đẹp, nhưng Satan đã cầm đầu một số trong đó để chống lại Người. Trong Cựu Ước, Môsê nhận ra và vâng phục Thiên Chúa qua bụi gai bốc cháy, nhưng Pharaô lại chối từ Người dù Thiên Chúa đã thể hiện quyền năng qua 10 tai ương. Ba đạo sĩ nhận ra Ngôi Hai giáng sinh nhờ “ánh sao lạ”, thì Hêrôđê lại cho quân lính giết hết những trẻ dưới 2 tuổi trong vùng để phòng bất trắc trong tương lai. Ngay trong 12 tông đồ mà Chúa Giêsu đã dành cả một đêm cầu nguyện để tuyển chọn, vẫn còn đó một Giuđa phản bội. Sau khi Phục Sinh và hiện ra với các môn đệ, và các ông tin Người, thì vẫn xuất hiện một Tôma cứng lòng, chỉ tin khi thực sự nhìn thấy. Và trong câu chuyện ban đầu, hai nhà phi hành gia đều nhìn ngắm vẻ đẹp của vũ trụ, nhưng chỉ có một người tuyên xưng đức tin. Dù vẫn có người từ chối đón nhận Thiên Chúa, điều đó không có nghĩa là Ngài sẽ dừng lại, không tỏ lộ chính mình ra cho chúng ta, như bài đáp ca chúng ta vừa hát lên: muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương. Chúng ta, những người đã chết đi và được trỗi dậy cùng với Đức Kitô Phục sinh qua Phép Rửa. Ta được mời gọi hãy mở lòng ra, vứt bỏ đi sự chai cứng của con tim – đó là sự dửng dưng với đời sống đạo, là sự thiếu bác ái với anh chị em mình, là chưa biết tha thứ cho người khác… – vứt bỏ những điều đó để kết hợp và tin tưởng vững vàng nơi Thiên Chúa, như Thánh Phaolô đã dạy trong bài đọc II hôm nay.

Trong cuộc sống, có lắm phen cả tôi và anh chị em đều nếm cảm được những thất bại đau đớn, đó chính là thánh giá Chúa trao cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu của chúng ta đã chết trên thập giá, nhưng đó chưa phải là đã hết, tảng đá lấp ngôi mộ của Chúa Giêsu cũng chưa phải là tận cùng, nhưng đó là ngôi mộ trống. Vì thế cả tôi và quý cộng đoàn cần nhận ra và tin tưởng rằng những đau khổ của chúng ta cũng cần đi tới điểm cuối cùng là “ngôi mộ trống” trong tâm hồn ta, nơi đó có những dấu hiệu của sự Phục Sinh. Liệu ta có nhận ra những dấu hiệu này và tin như Gioan? Điều đó tuỳ thuộc vào việc ta có mở lòng và đón nhận Chúa đến trong đời ta.

Giuse Nguyễn Văn Ngũ – K21 – ĐCV Thánh Giuse Hà Nội

Bài 2: Ý NGHĨA CỦA BIẾN CỐ PHỤC SINH

 “Chúa đã sống lại!” Thánh Phê-rô, Thánh Gio-an, Thánh Phao-lô và tất cả các tông đồ khác đều hô vang Tin mừng ấy. Tiếng hô ấy vẫn còn vang mãi trong Giáo hội sơ khai và các thế hệ Ki-tô hữu, để biểu lộ niềm tin của Giáo hội và kêu mời mọi người hy vọng. Hy vọng, bởi vì cho dù mọi vẻ bề ngoài có thể ngược hẳn lại, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, cuộc đời vẫn có hồi kết thúc, nhưng đau khổ không phải là số phận, cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng. Nếu Đức Giê-su đã trở thành Đấng hằng sống, và nếu chúng ta đã được Người ban cho sự sống đời đời, thì tại sao chúng ta còn hoang mang, sợ sệt, chán nản trước những gian khổ đời này? Biến cố Chúa Giê-su phục sinh là trung tâm điểm và là nền tảng của Ki-tô giáo. Bởi lẽ, nếu không sống lại thì Đức Giê-su không phải là Thiên Chúa và sự nghiệp của Người kết thúc nơi sự chết và nấm mồ. Nhưng Người đã phục sinh, và ngôi mộ trống, khăn liệm được xếp gọn gàng là dấu chỉ Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết.

Ý nghĩa sự phục sinh của Chúa Giê-su

Trước hết, chúng ta cần hiểu cho đúng thế nào là phục sinh hay sống lại. Sống lại không phải là lại sống y như trước, giống như mấy người được Chúa Giê-su làm phép lạ cho sống lại như trước rồi sau cũng phải chết, như con trai bà goá ở Na-im hay anh La-da-rô. Chúa Giê-su phục sinh và được tôn vinh nghĩa là Người đã chết thật, rồi được sống lại với một thân xác đã được đổi mới, không còn lệ thuộc các luật vật lý hay sinh lý nữa, không chết bao giờ nữa. Người được tôn vinh là được về trời, không phải là vào tầng mây xanh mà là vào một tình trạng hoàn toàn mới, được  bên hữu Chúa Cha, nghĩa là hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong hạnh phúc vĩnh hằng.

Sự sống lại của Đức Gìê-su phục sinh là nòng cốt cho niềm tin của chúng ta. Niềm tin này kéo theo nhiều niềm tin khác: chúng ta tin Chúa sống lại là chúng ta tin chúng ta được cứu chuộc. Bởi vì, Chúa sống lại Chúa mới cứu chuộc được nhân loại. Nếu như Người chết mà không sống lại, thì Người không có quyền gì cứu chuộc được ai. Nhưng Người đã sống lại, để chứng tỏ Mình làm chủ sự sống và sự chết, chiến thắng sự dữ. Biến cố này minh chứng cho thần tính của Đức Giê-su: Người là con Thiên Chúa thật, Người là người đầu tiên bước vào đời sống mới này, nên Người cũng là người mở đường để giải phóng con người khỏi vòng luẩn quẩn của cái chết và dẫn họ tới sự sống mới. Nếu cái chết trên thập giá minh chứng Đức Giê-su là một con người, thì sự phục sinh minh chứng Người là Thiên Chúa.

Chính thánh Phao-lô đã quả quyết: “Nếu Đức Ki-tô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. Thế ra chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Ki-tô trỗi dậy, trong khi thực sự Người đã không cho Đức Ki-tô trỗi dậy, nếu quả thật kẻ chết không trỗi dậy” (1 Cr 15,14-15). Với những lời này thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh biến cố phục sinh là nền tảng. Đức Ki-tô sống lại từ cõi chết. Niềm tin Ki-tô giáo sẽ đứng vững hay sụp đổ với chân lý này. Vậy mỗi người chúng ta hãy tham vấn đức tin của mình xem đang ở trong tình trạng nào?

Tin để rồi làm chứng

Tin là thế nào? Đức tin của chúng ta thường chỉ có một chiều kích, đó là chiều kích của trí óc: Tin có Thiên Chúa; tin rằng Người đã tạo dựng mọi sự, Người biết mọi sự và điều hành mọi sự… Đức tin của mỗi người thường hướng tới đời sau: tin rằng mình sẽ được ở với Thiên Chúa sau khi từ giã cõi đời này. Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay buộc ta phải điều chỉnh lại đức tin ấy: phải có thêm chiều kích hiện sinh nữa: Không chỉ tin bằng trí óc mà còn bằng cả cuộc sống. Không chỉ nhắm tới cuộc sống mai sau, mà phải nghĩ tới cuộc sống hiện tại. Thánh Phao-lô dạy: “Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô”. Thế giới hôm nay cũng giống như một màn đêm tăm tối: nhiều người không có đức tin, không hy vọng, không yêu thương hay con đang nghi ngờ đức tin của mình. Thế nhưng, không hẳn tối đen hoàn toàn, vẫn còn một vài tia sáng của đức tin, của hy vọng và của yêu thương. Hãy lạc quan nhận ra những tia sáng đó, hãy chỉ cho mọi người thấy những tia sáng đó và hãy khuyến khích mọi người cùng ta chạy tới bằng chính đời sống chứng tá của mình giữa đời.

Làm chứng là thế nào? Chỉ có các tông đồ là những “chứng nhân” đúng nghĩa: Các ngài đã cùng sống và hoạt động với Đức Giê-su, đã thấy Người chịu đau khổ, chịu chết và thấy Người sống lại. Việc làm chứng của các ngài dựa trên điều các ngài đã nghe, đã thấy và đã làm. Nhưng lời chứng xuất phát từ cảm nghiệm cũng có giá trị, nhiều khi lại còn có sức thuyết phục hơn. Chúng ta có thể làm chứng cho Đức Giê-su phục sinh theo cách sau đây: Sống làm sao cho người ta biết chúng ta đang sống một cuộc sống mới, chúng ta hạnh phúc, chúng ta tự do, chúng ta vui mừng trong cuộc sống mới đó, và trong bất cứ hoàn cảnh nào lòng chúng ta cũng tràn trề hy vọng. Mỗi người chúng ta và cả tôi nữa sống làm sao để anh chị em khi tiếp cận mình họ nhận ra Chúa đang hiện diện trong cách ứng xử của ta, cách làm việc của ta, cách suy nghĩ của ta…

Đoạn Tin mừng hôm nay, đã được cải biên thành một vở tuồng do một nhóm học sinh công giáo trình diễn. Vở tuồng như sau: Một học sinh chạy tới hỏi một nhóm bạn học sinh khác: “Chúa Giê-su đâu rồi? Ai đã đem Chúa Giê-su đi đâu rồi?”. Mọi người ngơ ngác, sau đó ai nấy đều lần lượt trả lời “Tôi không có! Tôi không biết!”. Rồi cả nhóm cặm cụi tìm kiếm trong và quanh ngôi mộ của Người.  Từ một góc sân khấu, một học sinh lên tiếng: “Đừng tìm ở đó vô ích. Chúa Giê-su đang ở với mẹ tôi ở nhà tôi đấy. Mỗi khi tôi giúp mẹ một tay thì khuôn mặt rạng rỡ của Chúa Giê-su hiện lên trong nụ cười của mẹ”. Từ một góc khác, một học sinh khác cũng lên tiếng: “Chúa Giê-su đang ở trong nhà thờ đấy. Mỗi khi tôi dự lễ, tôi được nghe Người nói trong Tin mừng và được ấp ủ Người trong lòng lúc rước lễ”. Từ góc thứ ba, học sinh thứ ba tiếp lời: “Chúa Giê-su ở trong lớp học. Mỗi khi tôi giúp chỉ bài cho một bạn chưa hiểu là tôi gặp Người”. Phía dưới sân khấu, nhiều khán giả dần dần cũng bị cuốn hút, mỗi người chỉ ra địa chỉ của Chúa Giê-su phục sinh mà họ khám phá được…. (Trích báo Our Family, Lent 1997, Canada).

Như vậy, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại đời sống của mình, nhìn lại trong quãng thời gian qua, và trong những ngày hồng phúc thánh thiện này, cũng như trong tương lai đang còn phía trước “Chúa Giê-su phục sinh đã – đang và sẽ  hiện diện trong cuộc đời của tôi không?” Amen.

Px. NVT