Lễ Vọng Phục Sinh – Năm A

Xh 14,15- 15,1a; Rm 6,3-11; Mt 28,1-10

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mat-thêu.

 1 Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. 2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội : thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên ; 3 diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. 4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi. 5 Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ : “Này các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. 6 Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, 7 rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này : Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” 8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. 9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Bài 1:

Vào dịp tháng 7 năm 2018, khi tôi đang giúp xứ hè, tôi nhận được tin báo vô cùng bất ngờ: cha chủ nhiệm Giuse Nguyễn Quốc Hùng đã được Chúa gọi về sau một cơn đột quỵ. Tôi đón nhận tin này trong sự “ngỡ ngàng”… Từ lúc lo liệu hậu sự cho cha, trực bên linh cữu, khiêng linh cữu từ Đại Chủng Viện ra Nhà Thờ Lớn, cho đến khi an táng cha tại vườn thánh giáo xứ Phùng Khoang, tôi vẫn chưa hết “ngỡ ngàng” về sự ra đi của cha. Bởi cũng giống như những ai tiếp xúc với cha đều nhận thấy cha là người đạo đức thánh thiện, rất dễ mến. Hơn nữa, trong thời gian tu học, cha đã chia sẻ cho chúng tôi biết bao những thao thức, tâm huyết về công cuộc đào tạo ứng sinh linh mục. Khi đó, tôi cứ tự hỏi: Cha đã đi thật rồi sao?

Tâm trạng “ngỡ ngàng” về sự ra đi của người đã khuất, phải chăng cũng giống như tâm trạng của hai người phụ nữ trong bài trình thuật Tin Mừng mà chúng ta vừa lắng nghe? Theo lời kể của Thánh Matthêu, chúng ta cùng dõi theo bước chân bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a đi viếng mộ Chúa. (Mt 28,1).  Các bà là những người đã chứng kiến Đức Giêsu thở hơi cuối cùng trên Thánh giá. Không như những môn đệ sợ hãi bỏ trốn, các bà đã ở lại, và sau đó, chứng kiến ông Giuse người xứ Arimathêa, đặt xác Người vào trong ngôi mộ.

Chúng ta cũng hãy hình dung bước chân mệt mỏi của hai bà, cùng với tâm trạng thất vọng, chán nản, ngỡ ngàng, khó có thể tin mọi sự đã kết thúc một cách thê thảm như vậy. Thầy Giêsu đáng mến đã chết rồi ư?

Chúng ta cũng có thể tưởng tượng mình đang có cùng thắc mắc với hai người phụ nữ này. Đối với họ, cũng như đối với chúng ta hiện nay, nhất là trong Tuần Thánh này: giây phút mà Đức Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, đó có phải là giờ khắc đen tối và tuyệt vọng nhất? Những lời rao giảng về một thế giới yêu thương, những chân lý mà Đức Giêsu đã công bố, phải chăng là hão huyền? Niềm hy vọng của chúng ta phải chăng cũng chết theo với Người?…

Tuy nhiên, không hẳn là như vậy, những người phụ nữ này đã không để mình bị khuất phục trước sự ảm đạm, đau thương, tiếc nuối. Các bà không chạy trốn thực tại. Các bà đã chuẩn bị thuốc thơm để xức xác Chúa Giêsu. Đây là một dấu chỉ cho thấy: trong đêm tối của tâm hồn, các bà vẫn không ngừng thắp lên ngọn lửa hy vọng. Cũng giống như thực hành của Giáo Hội ngày hôm nay-ngày thứ 7 Tuần Thánh này, cùng với Đức Mẹ, Giáo Hội ở bên mồ Chúa để cầu nguyện và hy vọng.

Thánh Matthêu kể tiếp trong bài Tin Mừng:“thình lình, đất rung chuyển dữ dội” (Mt 28,2). Chấn động mạnh mẽ này, cùng với sự xuất hiện của thiên thần Chúa được mô tả “từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết” (Mt 28,2-3) làm cho ai cũng khiếp sợ: các lính canh thì run rẩy chết ngất đi, hai bà cũng sợ hãi. Thiên thần Chúa đã trấn an các bà: “Đừng sợ” và nói thêm “Đức Giêsu đã trỗi dậy như Người đã nói” (Mt 28,5).

Chúng ta có thể thấy một điều lạ lùng ở đây: trước ngôi mộ là biểu tượng của sự chết, thì hai bà được loan báo về sự sống.  Sự ngỡ ngàng trước lời loan báo này, làm cho hai bà “tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng” (Mt 28,8), dường như lại ánh lên một niềm hy vọng nào đó.

Sự bất ngờ không dừng lại ở đó, đang khi các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ thì“Đức Giê-su đón gặp các bà” (Mt 28,9), Ngài chào hai bà. Anh chị em có thể hình dung ra sự bất ngờ, sợ hãi trên khuôn mặt của hai bà không? Chúng ta sẽ phản ứng như thế nào nếu gặp một người chắc chắn là đã chết?

Hai bà này không bỏ chạy, “các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người” (Mt 28,9). Và Đức Giêsu cũng nói với các bà “Đừng sợ”.

Đừng sợ, đừng khuất phục sợ hãi, hẳn đây là thông điệp của hy vọng mà đêm hôm nay Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta-những người đang sống trong nấm mồ của sự thất vọng về cuộc sống khó khăn và khổ cực, cuộc sống bất công và tàn bạo, một cuộc sống đầy những ngỡ ngàng, mất mác, chia ly.

Đức Giêsu không muốn chúng ta mất niềm hy vọng vì Ngài luôn đồng hành cùng chúng ta, Ngài đã dạy dỗ chúng ta, và không bỏ rơi chúng ta. Ngài đã bước vào cảnh ngộ đau đớn, thống khổ và chết chóc của chúng ta. Từ đó, Ngài lăn tảng đá che khuất trái tim chúng ta, và đem ánh sáng của niềm hy vọng chiếu soi vào những góc tối nhất trong cuộc sống của chúng ta. Thế nên, bóng tối tuyệt vọng và sự chết đau thương không có tiếng nói cuối cùng,…qua biến cố Phục Sinh, Thiên Chúa mở ra niềm hy vọng cho chúng ta, Thiên Chúa luôn luôn là niềm hy vọng của chúng ta…

Tuy vậy, thông điệp Phục Sinh-thông điệp của hy vọng không dừng lại ở đó, mà còn có một phần thứ hai đó là lời mời-lời sai đi. Thiên thần mời hai người phụ nữ “đến mà xem chỗ Người đã nằm” (Mt 28,6) rồi “mau về nói với môn đệ Người” (Mt 28,7). Đức Giêsu cũng lặp lại mệnh lệnh Phục Sinh “về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28,10). Chúng ta cũng không chỉ được mời đến xem ngôi mộ trống, để xác tín Chúa đã sống lại thật, mà còn có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng Phục Sinh-Tin Mừng của niềm hy vọng. Hơn nữa, có ai để ý trong mệnh lệnh của Chúa: miền đất Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại, được đề cập có ý nghĩa gì không? Thưa là, Thiên Chúa muốn thông điệp Phục Sinh-thông điệp hy vọng không bị giới hạn nơi chúng ta sống, mà hãy được mang đến cho mọi người, những người nghèo khổ bệnh tật, những người sống bên lề xã hội,..và chúng ta sẽ gặp Thiên Chúa ở nơi họ.

Vậy câu hỏi đặt ra là: loan báo thông điệp Phục Sinh-thông điệp hy vọng cho mọi người ngày hôm nay như thế nào?…

Câu trả lời trước hết là anh chị em được mời gọi tái khám phá đức tin Kitô giáo, và sứ mạng của mỗi Kitô hữu chúng ta. Nếu anh chị em để ý từ đầu buổi cử hành đến giờ: từ nghi thức thắp nến Phục Sinh, làm phép lửa, kiệu nến Phục Sinh, công bố Tin Mừng Phục Sinh, rồi Phụng vụ Lời Chúa với các bài đọc Lời Chúa cùng các lời cầu nguyện và chuẩn bị phần Phụng Vụ Thánh Tẩy, Phụng vụ Thánh Thể sắp tới đây, nổi bật trong cử hành Phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh hôm nay là hai biểu tượng ánh sáng của lửa và dòng nước trong phép Thánh Tẩy. Hai biểu tượng này là hình ảnh của của cuộc tạo dựng nguyên thủy, được nhắc đến trong sách Sáng Thế mà chúng ta vừa nghe, đã được Giáo Hội sử dụng để nói về mầu nhiệm Phục Sinh-một cuộc tạo dựng mới. Bên cạnh đó, Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 648 chỉ ra rằng: Sự Phục Sinh của Đức Kitô là đối tượng của đức tin, là sự can thiệp siêu việt của chính Thiên Chúa trong công trình tạo dựng và trong lịch sử. Vì thế, khi nói về đức tin theo Kitô giáo, chúng ta có thể nói rằng: Tin có nghĩa là thắp lên ngọn lửa hy vọng của Đức Giêsu phục sinh trong cuộc đời tôi. Tin có nghĩa là đón nhận dòng nước thanh tẩy của Chúa Kitô vào tâm hồn tôi. Thánh Phaolô cũng nói rằng, nhờ dòng nước Thanh Tẩy, chúng ta được liên kết với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, cùng chết với Đức Kitô, được mai táng và phục sinh với Người. Bởi đó, chúng ta được sống một đời sống mới – một đời sống với sứ mạng làm chứng nhân cho Chúa giữa lòng thế giới.

Bên cạnh đó, khi anh chị em nhìn vào hai phụ nữ trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa lắng nghe, khi gặp Chúa Giêsu, “các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người” (Mt 28,9). Vậy, chúng ta hãy luôn “cùng nhau ôm lấy chân Chúa”, bằng việc sốt sắng tham dự các cử hành Phụng Vụ, đó là lắng nghe Lời Chúa và kết hiệp với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. “Ôm lấy chân Chúa” là đặt trọn niềm hy vọng nơi Chúa, để Ngài phá bỏ tảng đá ngăn cách chúng ta với người khác, đưa chúng ta ra khỏi ngôi mồ của những toan tính vụ lợi, những hận thù gian dối, của sự ích kỷ cá nhân, để Ngài dẫn chúng ta đi trên con đường hy vọng, đến với anh chị em và phục vụ anh chị em…Mỗi khi phục vụ như vậy là chúng ta đang loan báo thông điệp Phục Sinh-thông điệp của sự hy vọng cho mọi người.

Đến lúc này, chúng ta có thể hân hoan loan báo Tin Mừng trọng đại: Đức Giêsu-niềm hy vọng của chúng ta đã phục sinh. Alleluia.

Chúng ta hãy cùng nhau sốt sắng tham dự Phụng vụ Thánh Tẩy và Phụng vụ Thánh Thể sắp tới đây, nguyện xin Thiên Chúa ban Thánh Thần xuống trên chúng ta, làm cho chúng ta nên con người mới, sống một cuộc sống mới tràn ngập ánh sáng của Đấng Phục Sinh. Amen

Giuse Vũ Công Chính K21 – ĐCV Thánh Giuse Hà Nội

Bài 2: NHỮNG CUỘC VƯỢT QUA VĨ ĐẠI

Mỗi người chúng ta chắc hẳn vẫn còn giữ ấn tượng của quang cảnh và bầu khí lúc đầu lễ. Từ giữa cảnh tối tăm, sự sáng đã bừng lên từ cây nến Phục Sinh. Rồi chúng ta tung hô ánh sáng Đức Ki-tô. chúng ta dõi theo cây nến Phục Sinh. Chúng ta nghe bài ca mừng Chúa Phục Sinh giữa lúc cộng đoàn trang nghiêm trong ánh nến lung linh và rộng khắp. Tự nhiên chúng ta đã sống lại cuộc Xuất hành của dân Do thái xưa kia và nghĩ đến cuộc Vượt Qua mới mà Thiên Chúa đã thực hiện nhờ Đức Ki-tô. Vì thế, đêm này được gọi là đêm Canh Thức Vượt Qua. Lời Chúa nói tới ba cuộc vượt qua.

Cuộc vượt qua của dân Do thái

Dân Do thái lưu đầy ở Ai cập với một cuộc sống khổ sở vì cảnh nô lệ. Và Thiên Chúa đã muốn giải thoát dân riêng của Người ra khỏi Ai cập. Qua Mô-sê Chúa đã dẫn đưa họ vượt qua biển đỏ về Đất hứa. Chúng ta có thể tưởng tượng họ rầm rập bước đi làm sao, họ mừng rỡ hớn hở trong lòng như thế nào. Họ cảm kích với điều Thiên Chúa thực hiện trước mắt họ ra sao, nhất là khi trông thấy xác quân Ai cập nổi lềnh bềnh trên Biển Đỏ, như đoạn sách Xuất hành vừa kể lại. Đối với họ, đêm Xuất hành mới đẹp làm sao, hào hùng làm sao. Vì thế, hằng năm người Do thái kỷ niệm mừng lễ Vượt qua này để nhắc nhở việc Thiên Chúa đã cứu thoát họ. Biến cố này là hình ảnh vượt qua của Đức Giê-su.

Cuộc vượt qua của Đức Giê-su

Để giải thoát chúng ta khỏi nô lệ của tội lỗi và sự chết, Đức Giê-su đã tự nguyện đi con đường khổ nạn tới phục sinh vinh quang với các chết nhục nhã trên thánh giá. Đức Giê-su đi vào lòng đất, xuống âm phủ, nơi sâu thẳm của kiếp người. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã vượt qua cái chết đó để khai mở một cuộc sống mới trong vinh quang bất diệt cho chúng ta. Người đã chiến thắng sự dữ và thần chết, Người đã trỗi dạy từ cõi chết. Bởi vậy, thế lực của sự chết dù có mạnh như thế nào cũng không cầm giữ được Đức Ki-tô, như lời khẳng định của thánh Phao-lô: Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa” (Rm 6,9-10). Và cũng nhờ cuộc vượt qua của Chúa Giê-su, chúng ta có cuộc vượt qua thứ ba, đó là cuộc vượt qua của Giáo hội.

Cuộc vượt qua của Giáo hội

Đúng là cuộc Vượt Qua mới đã đời đời thay đổi số phận đen tối của nhân loại, dẫn đưa ta từ miền thâm u cõi chết sang miền đất đầy tràn ánh sáng và sự sống. Điều đáng mừng là ta đã có được diễm phúc này từ khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Từ ngày đó, tuy bề ngoài giống như những người khác, nhưng ta đã thuộc về đoàn người Xuất hành, cùng với Đức Ki-tô ra khỏi cõi chết, đặt chân vào cõi sống. Nhờ ơn Chúa giúp và với sự cộng tác phía ta, hiệu quả của cuộc Vượt Qua mới đã ngày càng được phát huy nơi ta.

Trong đêm nay, Giáo hội tuyên xưng rằng: Thiên Chúa là Cha đã làm cho Đức Ki-tô trỗi dạy từ cõi chết nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đức Giê-su đã phục sinh đó là niềm tin, niềm hy vọng của người Ki-tô hữu. Chúng ta đặt hy vọng vào Người là Thiên Chúa hằng sống, chúng ta xác tín nơi tình yêu mạnh hơn sự chết. Sự thiện sẽ chiến thắng sự dữ, Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành, Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng trên những đường cong. Vì không có gì là không thể đối với Thiên Chúa. Dù cuộc đời có nhiều thất bại ê chề, mỏi mệt, đau khổ trong cuộc sống, nhưng Đức Ki-tô đã phục sinh, Người hằng hiện diện và hướng dẫn cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy yên tâm vì Người luôn chiến thắng. Giờ đây, mọi người chúng ta hãy dọn lòng để chuẩn bị tuyên xưng lại những lời mình đã hứa khi chịu bí tích Rửa Tội, và nói lên quyết tâm bước theo Đức Ki-tô, sống tư cách những kẻ đã được Phục Sinh với Người. Amen.

Px. NVT