Cv 2,42-47; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
19 Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” 24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25 Các môn đệ khác nói với ông : “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp : “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.” 26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em.” 27 Rồi Người bảo ông Tô-ma : “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” 28 Ông Tô-ma thưa Người : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” 29 Đức Giê-su bảo : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” 30 Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. 31 Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.
Bài 1: LẠY CHÚA, CON TIN
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Ngày 30/4/2000, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố quyết định dành riêng Chúa Nhật II Mùa Phục Sinh là ngày Chúa Nhật kính nhớ Lòng Thương Xót Chúa. Hôm nay, chúng ta cử hành lần thứ 22, kể từ ngày lễ này được thiết lập. Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Tôma Tông đồ đã có kinh nghiệm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy mang một gương mặt cụ thể, gương mặt của Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh. Tôma không tin vào việc Đức Giêsu phục sinh khi các Tông đồ nói với ông: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20, 25). Đối với ông, lời hứa của Đức Giêsu, lời tiên báo về sự phục sinh – “Vào ngày thứ ba Thầy sẽ chỗi dậy” (Mt 20, 19) – của Ngài thì không đủ. Ông muốn thấy, ông muốn đặt tay vào các lỗ đinh và cạnh sườn Chúa (Ga 20, 25).
Đức Giêsu đã phản ứng thế nào? Với sự kiên nhẫn, Đức Giêsu không bỏ mặc Tôma nhưng Ngài chờ đợi. Ngài cho Tôma thời gian. Khi Tôma trở về, chính cộng đoàn đã nói với Tôma việc Chúa hiện ra với họ. Các Tông đồ vui mừng loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho Tôma: “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga 20, 25). Nhưng Tôma phản ứng quyết liệt: “Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin” (Ga 20, 25). Tám ngày sau, Chúa Kitô Phục Sinh đã hiện ra và đứng giữa cộng đoàn. Ngài mời gọi Tôma xem những vết thương của Ngài. Trong chính cộng đoàn này, nhờ Chúa Kitô Phục Sinh, Tôma nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa. Ông để cho mình được bao bọc bởi lòng thương xót của Thiên Chúa: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi” (Ga, 20, 28). Chính sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong cộng đoàn đã thắp sáng đức tin nơi ông. Lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trong đời sống cộng đoàn.
Bài trích thư của thánh Phêrô Tông đồ tiếp nối bài Tin Mừng cho chúng ta thấy hạnh phúc khi tin Đức Kitô Phục Sinh. Quả vậy, chỉ vì lòng xót thương lớn lao mà Người đã ban cho chúng ta được ơn tái sinh nhờ mầu nhiệm Đức Kitô Phục Sinh từ cõi chết. Chúng ta đâu đã thấy Người, thế mà chúng ta vẫn mến tin Người (1Pr 1, 8). Do đâu, nếu không phải do lòng thương xót lớn lao của Người? Chính lòng thương xót ấy đã ban Đức Kitô cho chúng ta. Chính người đã chịu tử nạn và phục sinh vì chúng ta. Tất cả những việc lớn lao đó nằm trong kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng thật lầm tưởng khi chúng ta nghĩ rằng việc Chúa Kitô Phục Sinh chỉ trong tương quan với mình mà thôi.
Đời sống cộng đoàn thật quan trọng trong đời sống của người Kitô hữu. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Người Kitô Hữu Giáo Dân đưa ra bốn hình ảnh về giáo xứ mà ngài gọi là cộng đoàn phục sinh.
Thứ nhất, giáo xứ là hình ảnh gia đình của Thiên Chúa.
Thứ hai, giáo xứ là hình ảnh cộng đoàn nuôi dưỡng đức tin.
Thứ ba, giáo xứ là hình ảnh cộng đoàn có tổ chức.
Thứ bốn, giáo xứ là hình ảnh cộng đoàn truyền giáo.
Nói tới đây, tôi nhớ tới năm 2021, khi mà đại dịch Covid 19 ập đến quê hương, giáo họ, gia đình tôi. Vòng xoáy Covid ào vào như một thứ hung thần làm đảo lộn tất cả, gây hoang mang, lo âu và sợ hãi cho mọi người. Khi đó, tôi đã nghĩ đến cả một bầu khí ảm đạm và chết chóc. Thế nhưng cuộc đời luôn có những điều bất ngờ hơn những gì con người dám nghĩ tới. Giữa đại dịch, chúng tôi cảm nghiệm sâu sắc lòng Chúa thương xót trong đời sống cộng đoàn. Chúng tôi nhận được sự yêu thương giúp đỡ từ nhiều cộng đoàn. Từ đó, chúng tôi thành lập ban Caritas. Chúng tôi cố gắng xin giấy thông hành. Mỗi người một việc không ai bảo ai, người thì góp gạo, người thì góp rau,… Chúng tôi cố gắng đem nhu yếu phẩm đến cho những người đang phải cách ly, các anh chị em công nhân đang bị mắc kẹt tại các khu trọ,… Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng trong cộng đoàn luôn được đầy ắp lửa yêu mến, phục vụ. Trong vòng xoáy của covid 19, chúng tôi chung sức chung lòng giúp đỡ nhau. Chúng tôi chia sẻ cho nhau cả vật chất lẫn tinh thần. Nhờ đó, mọi người xung quanh có thiện cảm hơn với chúng tôi. Và cộng đoàn giáo họ tôi ngày càng thêm đông những người tham gia tình nguyện cả đạo và đời.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh mời gọi mỗi người chúng ta khám phá lòng thương xót Chúa được thể hiện trong đời sống cộng đoàn giáo xứ. Chúng ta đã tin vào Chúa khi chúng ta được rửa tội. Đức tin của chúng ta được củng cố và lớn lên trong cộng đoàn. Nhưng có nhiều lúc, chúng ta gặp những gian nan, thử thách,… đó là những đêm tối của đức tin. Những lúc đó, chúng ta bị khủng hoảng niềm tin, muốn đầu hàng và bỏ cuộc. Nhưng chúng ta được mời gọi noi gương thánh Tôma, hãy trở về với cộng đoàn Giáo Hội nơi mình đang sống, để qua đó chúng ta gặp gỡ lòng thương xót Chúa, tìm lại nghị lực để được củng cố đức tin qua việc cử hành các bí tích, nhất là tham dự thánh lễ. Trong thánh lễ, chúng ta cảm nghiệm sâu sắc lòng thương xót của Chúa. Trong Thánh lễ, chúng ta được lắng nghe Lời Chúa. Trong thánh lễ, chúng ta cùng tuyên xưng một đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Trong thánh lễ, ít phút nữa, chúng ta cùng nhau sẻ chia tấm bánh Mình Máu Thánh Chúa làm của ăn nuối dưỡng linh hồn chúng ta.
Tắt một lời, xưa kia Tôma nhờ việc trở về với đời sống cộng đoàn mà nhận ra lòng thương xót của Chúa. Sau cái chết của Thầy Giêsu, ông thất vọng, ông rút lui khỏi các tông đồ. Có lẽ vì sợ hãi người Dothái nên ông đã trốn vào một nơi tối tăm để gặm nhấm nỗi đau thương mất Thầy. Để rồi khi thấy đói như người con hoang đàng, ông trở về với các Tông đồ. Chính cuộc trở về này mà ông được các Tông đồ loan báo Tin Mừng phục sinh. Ông được Chúa Phục Sinh hiện ra và mời gọi xem những vết thương của Ngài. Khi nhận ra Thầy, Tôma đã tin và tuyên xưng mạnh mẽ rằng Đức Giêsu thực sự là Chúa và là Chúa của ông. Tương truyền, thánh nhân đã rao giảng Tin Mừng cho dân Ba Tư và đến tận Ấn Độ. Cuối cùng, ngài chịu chết vì danh Đức Kitô đang khi thi hành sứ mạng. Ước gì tôi cũng như anh chị em luôn nhận ra lòng thương xót của Chúa trong đời sống cộng đoàn giáo xứ. Vì, cộng đoàn chính là nơi Thiên Chúa biểu lộ lòng thương xót. Chúng ta không bao giờ sống đạo một mình, nhưng luôn thuộc về một cộng đoàn, gắn bó và phục vụ trong cộng đoàn đó. Giáo xứ là nhà của chúng ta. Chúng ta hãy xây dựng giáo xứ thành một gia đình Giáo Hội tâm đầu ý hợp, hiệp nhất và yêu thương nhau, nhất là nâng đỡ những ai gặp khó khăn, thử thách, để giáo xứ chúng ta hiệp nhất nên một, giống với cộng đoàn các tín hữu sơ khai làm chứng nhân cho Tin Mừng Chúa Phục Sinh.
Px. Trần Văn Vinh – K21 – ĐCV Thánh Giuse Hà Nội
Bài 2: HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
Với Chúa nhật II Phục Sinh, Lời Chúa hướng dẫn cho chúng ta chủ để “Hành trình đức tin”. Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta đón nhận ơn đức tin, nhờ đức tin ta trở thành Ki-tô hữu, là người Công giáo, nghĩa là người có niềm tin vào Thiên Chúa. Vậy đức tin là gì?
Đức tin một cách thế sống
Trong bài đọc I, sách Công Vụ Tông Đồ kể lại cho chúng ta chứng tá về niềm tin của các tín hữu thời đầu bằng chính đời sống cụ thể: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cv 2,42-45). Điều đó cho thấy các Ki-tô hữu thời đầu họ sống hiệp nhất với nhau, tất cả nên một về tinh thần cũng như vật chất, đến nỗi không còn gì là của riêng nữa, nhưng mọi sự là của chung. Họ đối xử với nhau như anh em một nhà, đức tin của họ ăn sâu vào trong chính đời sống hằng ngày, chi phối mọi hoạt động trong mỗi ngày sống, nên nó chi phối mọi ý nghĩ, tình cảm và hành vi của họ theo tin thần Tin Mừng. Ở điểm này chúng ta được mời gọi hãy có một đời sống đức tin trưởng thành hơn, nhờ được nuôi dưỡng trong đời sống cộng đoàn, cũng như ý thức sống đức tin cách cá vị cách mạnh mẽ hơn mỗi ngày.
Có câu chuyện như sau: Một em bé mới 10 tuổi, làm việc cho một tờ nhật báo Newyork như một người học nghề. Mọi sự đều trôi chảy, cho đến một ngày thứ bảy, khi em được trao một công việc phải làm xong trước ngày thứ hai. Như vậy là em phải làm việc cả ngày Chúa nhật. Chú bé đến phòng ông giám đốc và nói lắp bắp: “Thưa ông, cháu chỉ làm việc đến 12 giờ đêm nay” Ông giám dốc càu nhàu: “Cháu không thể làm xong đêm nay đâu”. Anh bạn trẻ cố gắng hết sức nhưng đến nửa đêm mà công việc vẫn chưa xong. Thế là chú bé run rẩy cầm những tờ giấy trong tay đến nói với ông giám đốc: “Thưa ông, cháu phải nghỉ thôi, cháu không thể làm việc xác ngày Chúa nhật. Cháu không thể phá bỏ lề luật Chúa”.
Ông chủ cố gắng thuyết phục chú bé rằng: vài giờ làm việc vào ngày Chúa nhật cũng không xấu lắm đâu. Nhưng chú bé đã được mẹ dạy dỗ, cứ đứng yên và chờ đợi cho đến khi ông chủ vỗ vai chú bé mỉm cười và bảo: “Được lắm, cháu có đức tính rất tốt, cháu là người cần có ở đây. Cháu có thể làm xong công việc đó vào ngày thứ hai. Cháu hãy đi nhà thờ, làm bổn phận thờ phượng Chúa. Xin Chúa chúc lành cho cháu”. Anh bạn trẻ đó tiến bộ vững chắc trong việc in ấn. Tên anh ta là John Harper, người sáng lập một nhà xuất bản “Harper and Brothers” nổi tiếng trên thế giới. Ở đây, cậu bé đã được ân thưởng nhờ đời sống đức tin, và câu chuyện trên cũng cho chúng ta một tấm gương về đời sống đức tin thật đáng để học hỏi.
Sự Phục Sinh củng cố đức tin
Trên thực tế chứng minh cho chúng ta thấy, người ta tin do nghe nhiều hơn tin vì thấy: đứa trẻ không dám thọc tay vào ổ điện là do nó nghe lời cha mẹ căn dặn chứ không phải vì đã có kinh nghiệm bị điện giật; cậu học sinh tin rất nhiều điều thầy cô dạy mặc dù chưa bao giờ cậu thấy, cha mẹ nói con cái nghe lời vì con cái tin vào lời nói của cha mẹ, nhiều người bạn chân trọng và tin vào lời nói của nhau bởi vì họ đã thực sự tin vào nhau… Và xét cho cùng, nội dung của một niềm tin có lẽ không quan trọng cho bằng lòng tín nhiệm vào uy tín của người thông tin: do không tín nhiệm vào một người ngoài đường cho nên dù hắn có hứa hẹn bao nhiêu điều tốt đẹp tôi vẫn không tin; hay một em bé không dễ dàng theo một người mà em chưa nhìn thấy hay chưa nghe tiếng bao giờ. Ngược lại do tín nhiệm vào cha mẹ, thầy cô, bạn bè và người thân nên các vị này bảo gì tôi cũng thật đáng để tin. Và như thế, cuối cùng, tin do tín nhiệm là một thể hiện của tình yêu. Do đó tin do tín nhiệm có giá trị hơn tin nhờ bằng chứng.
Nhưng cuộc đời luôn có những điều bất ngờ hơn những gì con người chờ đợi. Đức Giê-su thành Na-da-rét, Đấng mà quý vị đã treo trên thập giá và được mai táng trong mộ, sau ba ngày, Thiên Chúa đã làm cho Người từ cõi chết trỗi dạy nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Để củng cố đức tin cho các tông đồ, Đức Giê-su đã hiện ra với họ nhiều lần, trong đó có các phụ nữ và nhiều tông đồ khác khi họ họp nhau trong nhà. Trong lần đó không có Tô-ma, họ kể lại với ông: “chúng tôi đã thấy Chúa” nhưng ông không tin, ông nói: “nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25b). Và tám ngày sau khi các ông họp nhau lại thì Đức Giê-su hiện ra với các ông và nói với Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin. Ông Tô-ma thưa Người: ‘Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20,27-28). Điều đó chứng tỏ rằng đức tin của Tô-ma cũng bị thử thách và trải qua những giai đoạn khó khăn, nghiêm trọng đến nỗi ngay chính những anh em thân tín của mình nói cũng không tin. Cuối cùng thì chính Đức Giê-su đã giúp đức tin của ông được củng cố và ông tuyên xưng đức tin.
Đây cũng chính là hành trình đức tin của mỗi người chúng ta, chúng ta tin vào Chúa khi chúng ta được lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta theo Chúa khi chúng ta quyết tâm chọn lựa ơn gọi và xây dựng đời mình theo Chúa Ki-tô. Nhưng nhiều khi, chúng ta gặp thử thách, khó khăn, cám dỗ…chính những lúc đó đức tin của ta đang bị khủng hoảng, chán nản và muốn bỏ cuộc. Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều đã có kinh nghiệm trên trong chính đời sống hằng ngày, đôi khi chúng ta kêu xin Chúa, Chúa chưa ban ơn thì phàn nàn kêu than. Có khi chúng ta cũng nhiều lần kêu lên rằng: “Lạy Chúa, Người bỏ con ư?” Sao đời con lúc nào cũng buồn phiền, nghèo khó và đầy dẫy những gian nan thử thách…Nhưng mỗi người cần nhận ra rằng, hãy noi gương thánh Tô-ma, hãy trở về với cộng đoàn Giáo hội nơi mình đang sống, cần sống hiệp thông, lắng nghe nhau. Bởi lẽ, chính trong đời sống cộng đoàn sẽ dưỡng nuôi và củng cố đức tin cho ta, qua đó ta tìm được thấy Chúa, được gặp lại Chúa, tìm lại được đức tin qua việc tham dự các việc cử hành Lời Chúa, các bí tích và thánh lễ.
Bởi thế, cộng đoàn Giáo hội chính là trường học đức tin và là nơi củng cố đức tin. Cho nên, chúng ta đừng bao giờ sống một mình, nhưng cần lệ thuộc vào một cộng đoàn, gắn bó và tham dự vào các hoạt động của cộng đoàn đó. Giáo xứ, giáo họ, gia đình là nhà để chúng ta xây dựng một Giáo hội đầy yêu thương và nâng đỡ nhau, nhất là nâng đỡ những ai gặp khó khăn, thử thách để cộng đoàn chúng ta đang sống trở nên giống với cộng đoàn các tín hữu đầu tiên mà trong bài đọc I chúng ta vừa nghe. Amen.
Px. NVT