Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm A

Cv 2,14a.36-41; 1Pr 2,20b-25; Ga 10,1-10

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 “Thật, tôi bảo thật các ông : Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. 2 Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. 3 Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh ; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. 4 Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. 5 Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” 6 Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.7 Vậy, Đức Giê-su lại nói : “Thật, tôi bảo thật các ông : Tôi là cửa cho chiên ra vào. 8 Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp ; nhưng chiên đã không nghe họ. 9 Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. 10 Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Suy Niệm

Bài 1:

Trước Thánh Lễ, “ĐGH, ĐHY, ĐGM, các LM, nam nữ tu sĩ nhí” của giáo xứ chúng ta đã giúp mỗi chúng ta hiểu hơn về ơn thiên triệu linh mục, về các dòng tu nam nữ.

Nếu một ngày nào đó, các con em của chúng ta đây trở thành ĐGM, LM, nam nữ tu sĩ “áo gấm về làng”, “vinh quy bái tổ” thì thật là hồng phúc cho giáo xứ chúng ta. Quý cụ, ông bà và anh chị em có mong ước điều đó không? Nhưng nếu chúng ta chỉ dừng lại ở mong ước thôi thì chưa đủ. Chúa Nhật Chúa Chiên Lành hôm nay còn mời gọi chúng ta dấn bước hơn nữa vào việc cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu?

Trong thời gian đi mục vụ từ lúc còn là chủng sinh, khi được hỏi có muốn cho con em mình đi tu không, nhiều cha mẹ chia sẻ với tôi rằng quả thật, “tu là cõi phúc, tình là dây oan” và họ rất mong con em mình đi tu nhưng lại sợ không dám cho đi. Bởi lẽ, theo họ đi tu khó lắm, chẳng may đứt gánh giữa đường thì lỡ cả cuộc đời, lại phải đối diện với những lời ong tiếng ve từ dư luận. Họ băn khoăn, trăn trở như chính cha mẹ tôi ngày trước và thường kết thúc với câu quen thuộc trăm sự nhờ các cha, các thày, các sơ.

Thậm chí một số người còn cho rằng lễ Chúa Chiên Lành là lễ dành riêng để khuyên nhủ các Đức cha, các cha hoặc những người đang bước theo ơn gọi linh mục, tu sĩ cần nỗ lực làm sao trở nên mục tử nhân lành như Chúa Giê-su chứ chẳng liên quan gì nhiều đến những người sống đời gia đình như họ. Nếu có, bổn phận của họ cũng chỉ là cầu nguyện, đóng góp vật chất để giúp đỡ các Đấng mà thôi.

Lời Chúa hôm nay chắc chắn nhắc nhở chúng tôi – những mục tử – cần học theo gương của vị Mục Tử Nhân Lành. Nhưng tôi muốn nói với anh chị em rằng Thiên Chúa cũng nói với anh chị em nơi đây và hôm nay. Theo anh chị em, ngoài Thiên Chúa, ai là mục tử trước tiên của các em nhỏ này? Có phải các cha không? Đối với con cái, cha mẹ chính là hình ảnh sống động và dễ hiểu nhất về Chúa Giê-su – vị Mục Tử Nhân Lành được diễn tả trong Tin Mừng hôm nay. Như Chúa Giê-su biết rõ từng con chiên thế nào, cha mẹ cũng biết rõ con cái, biết tính tình, sở thích, sở trường, sở đoản của từng đứa. Như người mục tử, cha mẹ chăm chút, lo lắng cho con cái từng ly, từng tí: “Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm. Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Như Chúa Giê-su là cửa bảo vệ và mở ra cho đoàn chiên đến với đồng cỏ xanh, suối nước mát, cha mẹ cũng chính là cửa bảo vệ con cái khỏi những sói dữ, trộm cướp là những hiểm nguy hay tệ nạn xã hội. Cha mẹ còn là cửa mở ra cho con cái một tương lai tốt đẹp.

Hơn thế nữa, cha mẹ Công giáo còn là những mục tử hướng dẫn con cái về phần hồn qua việc trao ban đức tin, dạy con làm dấu và các kinh nguyện đơn giản, giúp con yêu mến Thiên Chúa và Giáo Hội. Thật không quá khi gọi gia đình chính là vườn ươm, là “Chủng viện đầu tiên”, là “cái nôi nuôi dưỡng ơn thiên triệu” như vị Tôi Tớ Chúa – ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận khẳng định: “Chủng viện thứ nhất, đệ tử viện thứ nhất, trường sư phạm thứ nhất là gia đình công giáo. Không vị giám đốc tài ba nào, hay chuyên môn đến đâu có thể làm thay cha mẹ được” (Đường Hy vọng, 505).

Chính Đức Giê-su – vị Mục Tử Nhân Lành – mà chúng ta mừng lễ hôm nay cũng đã sinh ra, lớn lên trong một mái ấm gia đình, có cha có mẹ. Mái ấm Na-za-reth là trường học đầu tiên với thầy cô giáo chính là Thánh Giuse và Đức Maria. Với 30 năm sống trong gia đình, Người lớn dần về mọi mặt, chín chắn và trưởng thành để sẵn sàng lãnh nhận sứ vụ Chúa Cha trao phó. Người học được tâm tình tín thác và luôn thi hành thánh ý Thiên Chúa đến mức hy sinh mạng sống mình, chịu chết trên thập giá để đưa nhân loại về với Thiên Chúa. Người chính là Mục Tử Nhân Lành đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Cũng phải nói thêm rằng chẳng có ĐGH, ĐGM, hay linh mục nam nữ tu sĩ nào từ trời rơi xuống. Tất cả đều cần được cha mẹ sinh thành, dưỡng dục và lớn lên trong một mái ấm gia đình.

Đến đây, tôi cũng nhớ đến một câu chuyện rất ý nghĩa về ĐGH Pi-ô X. Ngay sau khi được tấn phong Giám mục, ngài trở về nhà và hớn hở khoe chiếc nhẫn Giám mục của mình: “Mẹ ơi, mẹ xem nhẫn Giám mục của con có đẹp và sang trọng không?” Bà cố đáp: “Đẹp, đẹp lắm con à”. Rồi bà cố giơ bàn tay gầy guộc và chỉ vào chiếc nhẫn cưới cũ kỹ trên tay mà nói : “Nếu không có chiếc nhẫn cưới xấu xí này của mẹ, thì làm sao con có chiếc nhẫn Giám mục đó?” Câu nói ấy, tuy đơn sơ, mộc mạc của một bà mẹ nhà quê nhưng thật sâu sắc và đầy ý nghĩa về vai trò của cha mẹ đối với ơn gọi của con cái.

Như thế, việc cổ vũ ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ nên bắt đầu từ chính gia đình, từ các bậc cha mẹ bởi lẽ cha mẹ chính là mục tử, là cánh cửa mở ra để hướng con cái đến ơn gọi riêng của từng đứa nhất là ơn gọi dâng hiến. Vậy cha mẹ có thể làm gì để vun trồng ơn thiên triệu nơi con cái mình?

Tôi biết anh chị em phải vất vả, đầu tắt mặt tối để lo cho gia đình có cuộc sống đầy đủ, sung túc. Nhưng tôi muốn mời gọi anh chị em hãy dấn thêm một bước nữa trong vai trò mục tử về phần hồn của con cái để khích lệ ơn gọi nơi chúng. Anh chị em hãy cố gắng duy trì giờ kinh chung trong gia đình để cầu nguyện cho con cái cũng như dạy các con biết cầu nguyện, yêu mến Chúa. Anh chị em hãy dành thời gian tâm sự, thủ thỉ với các con về sự cần thiết, cao quý của đời tu để chúng dần dần nhận ra ơn gọi riêng của mình. Tuy nhiên, hãy khích lệ con cái chứ đừng ép buộc chúng. Hãy để con cái lựa chọn theo ý Chúa thực sự muốn nơi chúng. Đó cũng chính là những gì cha mẹ tôi đã làm cho tôi từ khi tôi còn nhỏ.

Không dừng lại ở đó, cha mẹ tôi cũng cố gắng để tôi được gặp gỡ với các cha, các thầy, các sơ khi đưa tôi đi lễ hay khi có dịp thuận tiện. Anh chị em cũng hãy tạo điều kiện cho con cái có cơ hội gặp gỡ với các cha, các thày, các sơ, tham gia lớp tìm hiểu ơn gọi và nhất là thúc giục con cái, đưa con cái đến tham dự Thánh Lễ hằng ngày. Trong giáo xứ, tôi cùng với các sơ có mở lớp tìm hiểu ơn gọi nhưng nhiều bậc cha mẹ không dám cho con em mình tham gia vì sợ nhỡ không tu được lại bị người khác dị nghị, dèm pha. Anh chị em đừng ngại bởi lẽ mục đích của lớp ơn gọi chính là giúp con em của chúng ta nhận ra ơn gọi mà Thiên Chúa muốn trên cuộc đời chúng. Không thành linh mục hay nam nữ tu sĩ thì ít ra cũng có nền tảng căn bản để trở nên những Ki-tô hữu đạo đức.

Chính Thiên Chúa đã hứa: “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước” (Gr 3, 15). Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không thấu những lời cầu nguyện chân thành và tha thiết của anh chị sao? Chẳng lẽ Người lại không hoàn tất những công lao khó nhọc mà anh chị em đã nỗ lực trong việc cổ vũ ơn gọi Linh mục và tu sĩ nơi con cái mình sao?

Giuse Trần Xuân Thủy – K21 – ĐCV Thánh Giuse Hà Nội

Bài 2: Bước Theo Bước Chân Của Vị Mục Tử Nhân Lành

Hôm nay, Giáo hội cử hành lễ Chúa nhật IV phục sinh được gọi là Chúa nhật Chúa Chiên Lành, để cầu nguyện cho ơn thiên triệu, hay còn gọi là ơn gọi linh mục, ơn gọi thánh hiến. Hình ảnh người mục tử nhân lành và đoàn chiên là hai hình ảnh nổi bật trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay.

Người Mục Tử nhân lành

Chân dung Chúa Chiên Lành mà Giáo hội trình bày trong Tin Mừng Gio-an hôm nay có phần khác với chân dung Chúa Chiên Lành được nói đến trong các sách Tin Mừng Nhất lãm. Trong khi Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca đề cao sự kiện người chăn chiên lo lắng chăm sóc cho đoàn chiên, thì Tin Mừng Gio-an lại diễn tả người chăn chiên hy sinh mạng sống cho đoàn chiên, có thể nói nhấn mạnh đến chiều kích hiến thân vì đàn chiên của mình. Đoạn Tin Mừng  hôm nay, là phần đúc kết diễn văn dài của Chúa Giê-su về thân thế người chăn chiên lành. Tin Mừng Gio-an rất khéo léo diễn tả bằng cách so sánh vai trò người chăn chiên với kẻ trộm, người chăn chiên với kẻ lạ mặt, và người chăn chiên với kẻ chăn thuê. Trong khi quảng diễn, Người còn thêm một vài suy tư thần học để làm cho sứ điệp của Chúa Giê-su thêm sâu sắc:

Chúa Giê-su tự mạc khải thân thế và sứ mệnh của Người: Tôi là người chăn chiên nhân lành, Người khẳng định chính Người là người chăn chiên chứ không phải ai khác, không phải người chăn chiên khó tính, ích kỷ hay độc quyền nhưng là người luôn luôn quan tâm đồng hành tới từng con chiên trong đoàn chiên của mình. Người chăn chiên nhân lành hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Thuật ngữ “Tôi là” còn muốn diễn tả hoạt động của Chúa vẫn còn tiếp tục chứ không kết thúc: Người vẫn còn là Chúa chiên của từng người trong chúng ta, vẫn còn lo lắng cho từng con chiên trong cộng đoàn chúng ta.

Giữa Chúa Giê-su và đoàn chiên có một sự quen biết, thông cảm và yêu thương: Tôi là người chăn chiên nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, muốn nói đến tương quan thân tình, chỉ khi quan tâm tới nhau ta mới muốn lắng nghe và muốn biết về nhau. Ở đây Đức Giê-su biết từng con chiên một, không trừ một ai. Đến nỗi Chúa sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Trong bài đọc I, trích sách Công Vụ, thánh Phê-rô được tràn đầy Thánh Thần, đã có một bài giảng xuất thần về Người mục tử nhân lành: “Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô” (Cv 2,36). Bài giảng đã đánh động dân chúng và có khoảng 3000 người đã theo đạo. Và trong bài đọc II, còn cho chúng ta thấy rõ hơn về mẫu gương người mục tử nhân lành:Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1 Pr 2,22-23). Như vậy, Đức Giê-su chính là vị mục tử nhân lành đã hiến mạng sống mình đoàn chiên.

Đoàn chiên là ai?

Đoàn chiên được nói đến  đây không chỉ bao hàm dân Do thái xưa kia, mà còn ám chỉ dân toàn thế giới, trong đó có mỗi người chúng ta. Nói khác đi, máu chiên đổ ra cho tất cả mọi người. Vì thế, Lời của Chúa ngày xưa vẫn càng hiện thực hơn: Tôi còn những đoàn chiên khác không thuộc đoàn này. Tôi cũng phải đưa chúng về, chúng sẽ nghe tiếng tôi và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một Chúa chiên. Sự kiện Chúa yêu thương đoàn chiên đến hy sinh mạng sống là một ơn hoàn toàn nhưng không. Không phải tổng trấn Phi-la-tô, không phải dân Do thái, cũng không phải con người, có quyền cất mạng sống của Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã muốn như thế:  Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được. Thánh Phao-lô trong đoạn kết bức thư gửi tín hữu Do thái, đã nối kết công việc mục vụ của Chúa Ki-tô với sự kiện Người hiến mạng sống cho đoàn chiên và sự kiện Người sống lại. Chết đi và sống lại đây chính là Giao ước mới Người đã ký kết với chúng ta và từ đó sẵn sàng cứu giúp chúng ta, để không một con chiên nào trong đoàn chiên có thể nói là mình không được hưởng nhờ công nghiệp cuộc Tử nạn và Phục sinh của Người.

Bài học áp dụng

Con người thời nay rất ghét phải sống như một con người vô danh giữa một đám đông, như một con số âm thầm giữa lòng tập thể. Mỗi người như một bộ phận nhỏ trong guồng máy khổng lồ, âm thầm và cô đơn làm cho xong phần việc của mình. Tại sao có những người cố tình có những hành vi ngênh ngang, ăn mặc lố lăng, nếp sống lập dị khác người… ? Vì đó là cách để cho người khác chú ý tới họ. Đức Giê-su đối với chúng ta thì khác hẳn. Người không vơ đũa cả nắm coi hết mọi người y như nhau. Trái lại, Người biết rõ từng người một với cá tính riêng, hoàn cảnh riêng, chỗ mạnh chỗ yếu riêng, khả năng của mỗi người cũng khác nhau, và Chúa biết họ đang cần gì. Từ đó, Người yêu thương mỗi người theo một cách riêng, phù hợp và có ích cho họ.

Cử hành Lời Chúa hôm nay, Giáo hội mời gọi mỗi người hãy suy niệm về biến cố Chúa Phục Sinh vẫn luôn hiện diện với chúng ta và với mỗi con chiên trong đoàn chiên của Chúa. Chúa Phục sinh vẫn đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể để nuôi sống chúng ta là đoàn chiên của Người. Bởi vậy, chúng ta được mời gọi tham dự thánh lễ cách sốt sắng, nơi đó Chúa nuôi dưỡng chúng ta qua bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Chúng ta là đoàn chiên của Chúa, chúng ta được mời gọi lắng nghe tiếng nói của Giáo hội nơi Huấn quyền, nơi các giám mục, và các linh mục hướng dẫn, ngõ hầu chúng ta nghe tiếng Chúa trong Giáo hội của Người.

Ngày hôm nay, các linh mục đang phải đối diện với nhiều khó khăn và áp lực thách đố trong đời sống sứ vụ mục tử của mình, chúng ta được mời gọi cầu nguyện cho các linh mục, cộng tác tích cực với cha xứ để xây dựng cộng đoàn giáo xứ, giáo họ của mình mỗi ngày phát triển. Cách riêng hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, chúng ta sốt sắng cầu nguyện cho Giáo hội ngày càng có nhiều người sẵn sàng dấn thân phục vụ Chúa trong ơn gọi thánh hiến và tu trì, nhất là nơi mảnh đất thân thương này cũng cần có những thành viên cộng tác cách đắc lực với Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng mỗi ngày.

Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta trở thành con chiên của Chúa, không phải những con chiên bướng bỉnh, ích kỷ, lười biếng mà là những con chiên biết chủ mình là ai, biết tiếng chủ và sẵn sàng bước theo sự dẫn dắt của chủ mình. Amen.

Px. NVT