Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm A

Cv 6,1-7; 1Pr 2,4-9 ;Ga 14,1-12

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. 2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. 3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. 4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”

5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường ?” 6 Đức Giê-su đáp : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”

8 Ông Phi-líp-phê nói : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.” 9 Đức Giê-su trả lời : “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha’ ? 10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy ; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. 12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.”

Suy Niệm

Bài 1. “Thầy là đường là sự thật và là sự sống” (x. Ga 14,6).

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay làm tôi nhớ lại giai đoạn mình còn là chủng sinh. Vào những kỳ hè và năm tập vụ bề trên giáo phận thường gửi tôi đến những xứ đạo vùng Tây Bắc biên giới Việt – Lào. Hành trình mục vụ của tôi là những con đường đất đá, quanh co, treo leo trên sườn núi, những đèo dốc thẳng đứng. Đường đi khó khăn, khiến nhiều người lần đầu chứng kiến không khỏi hãi hùng. Những con đường ấy ngày nắng thì bụi đất mù trời, còn ngày mưa thì trơn trượt, tiến không được lùi cũng không xong. Rồi nhiều khi có xe máy mà vẫn phải cuốc bộ vì không còn lối đi. Nước mưa đã làm cho cây cối, đá sỏi lấp đầy mặt đường, chẳng còn chỗ nào cho xe lăn bánh. Đó chính là những cản trở khi tôi đi mục vụ, đến với cộng đoàn, dạy giáo lý trên các bản vùng cao, và nhiều lúc tôi cũng thấy nản lòng vì quá vất vả, khó khăn. Đó là những con đường đầy gian nan, thử thách mà tôi đã từng trải nghiệm. Chắc chắn quý cộng đoàn đang hiện diện nơi đây cũng đã ít nhiều từng đi qua những con đường đầy khó khăn và trở ngại như vậy. Đường đi đã như vậy, thì đường đời cũng khó tránh khỏi những thử thách, gian truân, đặc biệt là con đường Đức Tin.

Nếu Chúa nhật trước, Tin Mừng nói về Chúa Giêsu là Chúa chiên lành, là mục tử nhân hiền luôn yêu thương và chăn dắt đoàn chiên, thì bài Tin Mừng hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy tin và dõi bước theo Ngài, vì “Ngài là đường là sự thật và là sự sống” (x. Ga 14,6). Cũng như con đường luôn luôn phải có đích đến thì mỗi người chúng ta cần xác tín rằng cuộc lữ hành trần thế là hành trình đưa tới một quê hương khác. Đích điểm của chúng ta, những người tin vào Đức Giêsu, không dừng lại ở cuộc đời dương thế này, bởi vì thế gian chỉ là một đoạn đường trên hành trình về với Chúa. Cũng chính vì cuộc sống đời này chưa phải là cùng đích nên cần có một cuộc lên đường. Nhưng đâu mới là con đường dẫn tới đích thực sự? Chúng ta tìm thấy câu trả lời qua Lời Chúa hôm nay, chính Chúa Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta biết Ngài là đường. Chúa Giêsu chính là con đường dẫn chúng ta đi về với Chúa Cha và cùng đích của chúng ta là ở nơi Thiên Chúa, như Ngài đã nói: “để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3) và “không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua thầy” (Ga 14,6).

Như vậy, Chúa Giêsu chính là trung gian, là cầu nối giữa chúng ta đến với Chúa Cha. Chỉ duy nhất nơi Ngài là đường dẫn tới sự sống đời đời. Nhưng chúng ta phải làm như thế nào để bước theo con đường này? Đó sẽ là một hành trình đầy gian nan, thử thách. Nếu không đủ kiên trì trong ơn thánh Chúa thì chúng ta không thể đi tới cùng. Bước theo Chúa, đòi hỏi mỗi người hãy từ bỏ “những nét sống cũ, để mặc lấy con người mới nơi Đức Kitô” (x. Ep 4,24). Nghĩa là chúng ta hãy từ bỏ con người tội lỗi của mình để hướng tới sự thánh thiện của Thiên Chúa. Vì con đường của Chúa là đi vào cửa hẹp, qua đau khổ, sự chông gai, và qua khổ giá như chính Đức Giêsu đã đi, chứ không phải rộng thênh thang như đường đi của chúng ta.

Cũng vậy, trong bài đọc hai, thánh Phêrô mời gọi các tín hữu hãy canh tân đời sống để tiến gần với Đức Kitô hơn. Ngài nhắc nhở các tín hữu nhớ lại phẩm giá cao quý mà Thiên Chúa đã ban cho họ, để chu toàn trách nhiệm và đáp lại tình yêu của Đức Kitô. Với phẩm giá, vì các Kitô hữu là giống nòi được tuyển chọn, là dân tế tự, là dân thánh và là dân riêng của Thiên Chúa (x. 1Pr 2,9). Với trách nhiệm, vì Đức Kitô là chính đá tảng, còn các Kitô hữu là những viên đá sống động để xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng. Cho nên, họ phải loan bào Tin Mừng, dâng lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa, xây dựng một cộng đoàn hòa bình và tình huynh đệ.

Chúa Giêsu là đường, nhưng con đường của Ngài là đi từ đau khổ tới hạnh phúc. Dù có gian nan hay thử thách thế nào, thì đã có Chúa dẫn đường, cho nên chúng ta không sợ lạc đường nữa. Chính Chúa đã đi bước trước và chúng ta chỉ dõi theo dấu chân của Ngài mà thôi. Con đường của Chúa là con đường tình yêu và phục vụ, vì thế muốn theo dấu chân Ngài thì chúng ta cần dấn thân để phục vụ. Trên hành trình theo Chúa sẽ không tránh khỏi vô vàn thập giá đang đợi chờ, điều quan trọng là biết vững tin và sẵn sàng hy sinh chịu đau khổ cùng với Chúa Kitô. Đó là con đường mà Đức Giêsu mời gọi mỗi Kitô hữu chúng ta cùng đi với Ngài.

Trong tâm tình thầy trò, Chúa Giêsu đã tiết lộ cho các môn đệ biết Ngài chuẩn bị trở về với Chúa Cha. Mặc dù đây là trong khung cảnh của bữa tiệc ly và trước cuộc khổ nạn Chúa Giêsu sắp phải chịu, nhưng Ngài đã hướng các môn đệ tới một tương lai dáng ngời. Định hướng cho các ông một con đường mới, con đường tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Qua đó, Ngài tiếp tục mạc khải cho các môn đệ biết, chính Ngài là đường đi về với Chúa Cha.

Trở lại câu chuyện trên, khi phải đối diện và vượt qua những con đường đất đá, gập ghềnh hết sức khó khăn ấy, tôi thấy mình được tăng thêm đức tin và niềm tín thác vững vàng vào Chúa hơn. Đằng sau sự khó khăn của đoạn đường là những khuôn mặt, là những Kitô hữu, con người đơn sơ và nghèo khổ, cùng với đó là đức tin và niềm hân hoan của cộng đoàn. Cho nên, qua những gương mặt tràn đầy niềm tin ấy, tôi đã cảm nhận được Chúa luôn đồng hành với mình trên hành trình đầy gian nan, thử thách đó. Cũng vậy, thế gian này có muôn nẻo đường đi, có những lúc chúng ta đứng giữa ngã ba đường mà không biết đi về hướng nào mới đúng, mới phải. Gian nan thử thách đang chờ đó, muôn cạm bẫy đang giăng sẵn đó, chỉ chờ chúng ta sảy chân mà thôi. Nhưng nếu biết tin tưởng và trung thành đi đến cùng trên con đường Giêsu, chắc chắn Ngài sẽ dẫn chúng ta tới quê Trời hạnh phúc. Chính hôm nay, cũng như các môn đệ, mỗi người chúng ta được mời gọi không chỉ đi vào bữa tiệc ly mà vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô, đó cũng chính là Bí tích Thánh Thể mà chúng ta sắp cử hành. Ước mong mỗi người chúng ta luôn biết lắng nghe lời Chúa, tin vào sự Phục Sinh của Đức Kitô, để biết sẵn sàng đối diện với những thách đố trên con đường giương thế này mà hướng tới quê hương đích thực là Thiên Đàng. Amen.

Phêrô Sùng A Ăng – KXXI ĐCV Thánh Giuse Hà Nội

Bài 2:  SỨ MẠNG CỦA CHÚA PHỤC SINH

Có câu chuyện sau đây chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã nghe. Năm gã mù Ấn Độ đứng chung quanh một con voi. Gã sờ vào hông voi thì bảo voi giống bức tường. Gã sờ chiếc ngà bảo voi giống thanh gươm. Gã sờ cái vòi lại bảo voi giống rắn to. Gã khác sờ đụng tai bảo voi giống cái quạt. Gã cuối cùng sờ vào cái đuôi bảo voi giống sợi dây thừng. Còn chúng ta thì nghe người Công giáo nói Chúa như thế nào? Người Do thái giáo giới thiệu Chúa một kiểu. Tín đồ Hồi giáo giới thiệu Chúa cách khác. Vậy sự thật Chúa Giê-su là ai? Chúa Giê-su đã tuyên bố Người biết Thiên Chúa bằng một cách thức mà không một vị lãnh đạo tôn giáo nào dám tuyên bố.

Và hơn thế nữa, Người còn đồng hóa mình với Thiên Chúa. Người với Thiên Chúa là một. Điều này không một vị lãnh đạo tôn giáo nào dám làm. Và hôm nay Người còn khẳng định: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Thiên Chúa là ai?

Trước nhất, Đức Giê-su là đường. Chắc chắn một điều là chúng ta không thể nhìn nhận Chúa như một con đường băng của sân bay, đường cao tốc, đường thủy …nhưng Người là con đường để liên kết giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người đến với Thiên Chúa bằng chính con đường nhập thể. Người mở con đường để dẫn đến hạnh phúc đích thực, đó là con đường trải qua thánh giá mà Người đã đi qua nhờ mầu nhiệm tử nạn. Con đường đó là con đường hẹp nhưng dẫn ta tới vinh quang, còn con đường rộng thênh thang dẫn ta tới sự diệt vong.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho chúng ta một manh mối khi Người công bố: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha”. Nếu chúng ta muốn có một vài ý tưởng về Thiên Chúa giống như cái gì, thì hãy ngắm nhìn Chúa Giê-su, Đấng Thiên Chúa làm người. Điều Người nói và việc Người làm tỏ cho chúng ta biết “Thiên Chúa giống như cái gì”. Chúa Giê-su là Đấng luôn yêu thương. Người nuôi dưỡng những người; đói khát, yên ủi người buồn sầu, tới gần người đau yếu tàn tật. Chúng ta hãy đứng bên chân thánh giá, ngắm nhìn và lắng nghe. Một người chết vì yêu thương mọi người chúng ta. Người nói cho chúng ta biết: “Thiên Chúa là tình yêu” theo những lời của thánh Gio-an nói rằng: Thiên Chúa hoàn toàn là yêu thương. Chúng ta hãy ngắm nhìn Chúa dẹp yên bão táp, chữa lành mọi thứ bệnh tật, làm cho mấy ổ bánh mỳ ra nhiều để nuôi hàng ngàn người ăn.

Chúa Ki-tô cho ta biết quyền năng của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng toàn năng. Chúa Giê-su đã nhiều lần nhắc đi nhắc lại quá khứ và giải thích ý nghĩa chính xác của nó. Đức Giê-su đọc ra cái não trạng của những ai chất vấn Người. Đức Giê-su biết có những điều họ đang suy nghĩ. Người biết tương lai. Người báo trước chính xác những biến cố sẽ xảy ra, như trong Tin Mừng hôm nay. Người báo trước những điều lạ lùng mà các tông đồ sẽ thực hiện. Thiên Chúa thấu biết mọi sự; quá khứ, hiện tại, tương lai, Thiên Chúa là Đấng thượng trí.

Chúa Giê-su là Đấng hằng tha thứ. Chúng ta nhớ đến Ma-da-lê-na, hãy nhớ đến người bất toại, hãy nhớ đến tiếng kêu của Chúa Giê-su trên thánh giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Thiên Chúa giống như cái gì? Người là Đấng tha thứ cho bạn, cho tôi và cho mọi người. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và sẵn sàng tha thứ.

Đức Giê-su chính là sự sống. Quả thế, Đấng Phục sinh là Đấng hằng sống, là nguồn sự sống và là Đấng ban sự sống mới cho chúng ta. Bởi lẽ, trong lịch sử loài người, chưa có ai có thể đi vào sự sống mới của Thiên Chúa. Người đã chiến thắng sự chết, bẻ gãy xiềng xích tội lỗi và sự dữ vốn kìm hãm con người trong âm phủ, và ban có con người sự sống vĩnh cửu, để chúng ta được sống và sống dồi dào. Như thế chính Chúa Giê-su giới thiệu cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai, và dẫn chúng ta đến với Người là Đấng sự thật soi sáng và hướng dẫn chúng ta trong đời sống, Người chính là sự sống đời đời mà mỗi người chúng ta hằng khao khát.

Bài học áp dụng

Sau khi phục sinh trong thân xác vinh hiển, Chúa Giê-su đã hiện ra với các tông đồ, để hướng dẫn và củng cố đức tin cho các ông. Đồng thời, Chúa Giê-su cũng lưu tâm tới mọi người không trừ một ai, nhất là những người neo đơn không ai săn sóc. Người là Đấng hay thương xót và muốn mọi điều tốt cho con cái mình. Đức Giê-su là Đấng quan phòng hoàn toàn tốt lành. Người mời gọi chúng ta: “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Có nhiều điều làm cho con người ngày hôm nay còn xao xuyến: bệnh tật luôn rình sẵn như đại dịch Co-vít từng trải qua, bão lũ hạn hán luôn rình chờ, khủng hoảng kinh tế làm thiếu công việc nên không đủ để chi tiêu trong cuộc sống, xa cách người thân vì phải tha phương kiếm sống, áp lực học hành vì phải cố gắng để theo kịp thời đại và bằng chúng bạn, không cùng đẳng cấp vì gia đình ta còn khó khăn nên muốn bằng bạn bè khá giả hơn mình mà không được… Đức Giê-su biết tất cả những điều đó, nhưng Người vẫn khuyên “Lòng chúng con đừng xao xuyến”, vì Người nhìn mọi sự từ trên cao. Từ cao nhìn xuống, cái nhìn của Người bao quát hơn và thấy trọn vẹn hơn: Người không chỉ thấy hiện tại đang bế tắc mà còn thấy tương lai xán lạn. Nhờ cái nhìn ấy nên mặc dù trong Vườn Cây Dầu Người thấy hình như đang đứng trước ngõ bí, nhưng Người vẫn tiến bước nên cuối cùng đã đến ánh sáng phục sinh. Nếu có đức tin mạnh thì chúng ta không còn xao xuyến nữa.

Quả đúng như lời Thánh vịnh hôm nay, Chúng ta có gì phải sợ trên con đường dương thế? Đã có chính Đức Giê-su đi bên cạnh chúng ta; Người dẫn chúng ta về nhà Chúa Cha; Người nuôi chúng ta bằng tình yêu thương của Người; Người luôn bênh vực chúng ta và cứu chúng ta thoát khỏi cái chết đời đời. Chính bởi lẽ đó, mỗi người trong cộng đoàn chúng ta hãy tín thác nơi lòng nhân hậu và giàu lòng thương xót của Chúa, dâng ngày sống nơi Chúa, dâng nhưng lo lắng và dự tính của ta trong bàn tay của Chúa, để Chúa hướng dẫn, gìn giữ chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được điều mong đợi theo như sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nếu mỗi người có đức tin bằng hạt cải thôi, chúng ta cũng có thể chuyển núi dời non, như Chúa đã nói: “Ai tin vào Thầy, người đó còn làm được những việc lớn lao hơn nữa”. Xin cho mỗi người chúng ta có một đức tin mạnh mẽ và cá vị với Chúa Giê-su, ngõ hầu chúng ta có sức mạnh thực hiện những điều lớn lao cho Chúa và tha nhân trong đời sống mỗi người. Amen.

Fx. NVT