Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm A

Cv 8,5-8.14-17; 1Pr 3,15-18; Ga 14,15-21

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. 18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. 19 Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. 20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. 21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”

Suy Niệm

Bài 1: AI YÊU MẾN THẦY, THÌ  SẼ GIỮ LỜI THẦY

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.

Cách đây không lâu, tôi có gặp lại một cha giáo dạy tôi ở chủng viện. Ngài có kể cho tôi một câu chuyện như sau. Có một bác sĩ làm ở bệnh viện E, tên là Hiếu và là người Công Giáo. Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, bác sĩ Hiếu đã được hỏi để chọn phân khoa trong bệnh viện, và bác sĩ quyết định chọn khoa cấp cứu- một nơi có thể nói là khó khăn và vất vả nhất trong bệnh viện. Nơi đó, người bác sĩ có thể bị chửi mắng, kêu than, và ngay cả tính mạng cũng bị đe dọa. Hơn nữa, nhiều lần khi hết ca trực, anh vẫn không đành trở về nhà vì nhìn thấy rất nhiều người đang cần cấp cứu. Anh nói rằng, dù mệt nhọc nhưng nhìn thấy người bệnh được cứu là anh thấy hạnh phúc.

Một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đem lại nhiều điều ngỡ ngàng cho cha giáo. Thực vậy, sau bao nhiêu thời gian học ở trường Đại học Y Hà Nội và làm việc ở môi trường bệnh viện đầy khắc nghiệt, người bác sĩ có thể lựa chọn cho mình những phân khoa nhàn hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Thế nhưng, bác sĩ Hiếu – một bác sĩ Công Giáo lại lựa chọn một lối đi của phục vụ chỉ với mong muốn là cứu sống bệnh nhân vì yêu mến con người.

Động lực nào thúc đẩy bác sĩ Hiếu chọn lựa và hành động như vậy? …Phải chăng, bác sĩ Hiếu đã và đang thực hành Lời mà Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng ngày hôm nay: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”.

 Câu nói trên của Chúa Giêsu được trích ở bài giảng chia tay của Người trong suốt bữa tiệc ly. Trong những giây phút cuối cùng này với các môn đệ, Người đã nói về những điều chính yếu. Người nói nhiều điều tự nhiên hướng về tương lai, về cách thức sống mà Người mong muốn nơi các môn đệ.

Yêu Chúa, đó là bổn phận của mỗi người chúng ta, nhưng thế nào là yêu Chúa?… Đó là “giữ các giới răn của Chúa”. Nhưng đâu là các giới răn của Chúa? …Chúng ta có thể nghĩ ngay đến mười giới răn. Nhưng điều đặc biệt là mười giới răn ấy được tóm rất gọn trong một tiếng thôi, đó là tiếng “Yêu”: yêu Chúa với tình yêu của một người con hiếu thảo, và yêu người với tình yêu như Chúa yêu ta. Ngắn gọn hơn nữa, chính Chúa còn cho chúng ta biết: những hành động việc làm của chúng ta có yêu người không là đủ, nghĩa là muốn biết chúng ta có yêu Chúa không và yêu Chúa như thế nào và yêu người không và yêu người ra sao?

Tình yêu phải được thể hiện bằng việc làm, chứ không căn cứ trên lời nói suông mà thôi. Ngôn ngữ của tình yêu cần được diễn tả qua những hành động cụ thể. Ánh mắt trìu mến và âu yếm vuốt ve của người mẹ đối với đứa con là tình mẫu tử của mẹ dành hết cho con vì yêu con. Những mồ hôi nước mắt, những hi sinh từng ngày của người cha giúp cho con cái hiểu được thế nào là yêu thương, hơn bất cứ lời dẫn giải nào về tình yêu.

Thiên Chúa là tình yêu, Ngài tỏ tình, Ngài bộc lộ tình yêu với con người, không chỉ bằng lời nói suông mà bằng cả một lịch sử: những can thiệp, những thể hiện cụ thể. Tất cả hành động của Thiên Chúa được cụ thể hóa trọn vẹn nơi Đức Giêsu. Chính nhờ Đức Giêsu, chúng ta biết thế nào là yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, đó việc Đức Giêsu không ngừng lắng nghe và thi hành ý muốn của Chúa Cha. Đồng thời, Người cho thấy tình yêu đến tận cùng dành cho con người. Tình yêu đối với Chúa Cha và tình yêu dành cho con người được thể hiện cách tuyệt hảo nơi biến cố Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu.

Có những người tuyên nhận tình yêu của họ với Chúa Giêsubằng lời nói, nhưng lại khước từ Người qua những hành động hoặc qua cách sống của họ. Tình yêu đích thực được bày tỏ bằng hành động. Điều này được thể hiện nơi Philipphê trong bài đọc 1 mà chúng ta vừa nghe. Cụ thể, vì đáp trả tình yêu của Đức Giêsu mà Philipphê đã đến một thành thuộc xứ Samaria để rao giảng, trừ quỷ và chữa lành bệnh tật cho họ. Vì họ tin yêu Tin Mừng Chúa Giêsu, như thế họ nhận được đầy Chúa Thánh Thần.

Thế nhưng, thật không dễ dàng sống theo tư cách một môn đệ của Đức Giêsu trong thế giới hiện đại này. Vậy làm sao để chúng ta có thể tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa? Điều này có phải là một đòi hỏi quá sức của Đức Giêsu? Thưa, không hề quá sức, vì Đức Giêsu đã lo liệu cách để giúp chúng ta giữ các điều răn của Ngài, đó là Ngài đã ban Thần Khí cho chúng ta. Khi yếu đuối, chúng ta phải cầu xin Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ ban sức mạnh, can đảm và mạnh mẽ để dám yêu mến Thiên Chúa và tha nhân.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy những ích kỷ, và hẹp hòi. Vì thế, hai chữ tình yêu vẫn còn rất mù mờ. Sứ mệnh của người Ki-tô chúng ta chính là viết lên một cách rõ ràng hai chữ tình yêu. Chúng ta không chỉ viết lên bằng những lời nói suông mà bằng những cử chỉ cụ thể của lòng bác ái. Những dòng chữ được viết bằng mồ hôi nước mắt, bằng quên mình chia sẻ có giá trị hơn bất cứ một quyển sách nào, cho dù quyển sách đó in bằng bạc bằng vàng. Thực vậy, trở lại câu chuyện của bác sĩ Hiếu, chúng ta có thể đoán được rằng, bác sĩ Hiếu không nói những lời nói suông về yêu mến Thiên Chúa nhưng anh đã hành động bằng việc lựa chọn một phân khoa đầy vất vả, và chọn lựa yêu mến sự sống con người hơn cả tiền bạc và danh vọng.

Ước mong sao, mỗi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn xác tín về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một tình yêu hiến dâng tột cùng mà chút nữa chúng ta được kín múc trong phần phụng vụ Thánh Thể. Chính khi xác tín và đón nhận tình yêu đó, chúng ta sẽ đáp trả lại bằng việc tuân giữ các giới răn của Chúa được cụ thể hóa bằng việc mến Chúa yêu người. Có như thế, cộng đoàn giáo xứ chúng ta mới lớn mạnh và mới là cộng đoàn đức tin đích thực để lan tỏa tình yêu Thiên Chúa đến mọi người. Amen.

Giuse Nguyễn Văn Cương – K21 – ĐCV Thánh Giuse Hà Nội

Bài 2: ĐẤNG BẢO TRỢ GÌN GIỮ CHÚNG TA

Chúng ta đang tiến gần đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, phụng vụ đang bắt đầu giúp chúng ta chuẩn bị mừng đại lễ này. Tin Mừng hôm nay thuật rằng trước khi Đức Giê-su lên trời, Người đã hứa gởi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta để giúp chúng ta chu toàn sứ mạng mà Người đã giao cho chúng ta, tức là loan báo Tin Mừng khắp thế giới. Chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần trong ngày được Rửa tội và Thêm sức. Nhưng chúng ta có ý thức Người đang ở trong chúng ta không, và có nghe theo sự hướng dẫn của Người không?

Loan báo Đấng Bảo Trợ đến

Trong bài đọc I, trích sách Công Vụ Tông Đồ, nói về Chúa Thánh Thần. Khi Phi-líp bị đuổi khỏi Giê-ru-sa-lem do cuộc bách hại mà những người do thái phát động chống các Ki-tô hữu, phó tế Phi-líp lánh sang miền Sa-ma-ri. Ông dùng dịp này để loan Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô cho dân Sa-ma-ri. Và nhiều người Sa-ma-ri đã xin lãnh nhận Phép Rửa. Hoạt động truyền giáo của Phi-líp đã có tiếng vang đến tai các tông đồ, nên ít lâu sau, chính Phê-rô và Gio-an đích thân đến Sa-ma-ri, và xác nhận những người Sa-ma-ri đã lãnh nhận Phép Rửa Tội cách hợp lệ. Tuy nhiên, họ chưa được đón nhận ơn Chúa Thánh Thần nên chưa nhận được hiệu quả của Người như; niềm vui, sự nhiệt thành, và làm được những dấu lạ…sau đó các tông đồ “đặt tay trên họ và họ nhận được Chúa Thánh Thần” (Cv 8,14-17).

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su nói về Thánh Thần với các môn đệ với một danh hiệu rất đặc biệt, Đấng Bảo Trợ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,16-17). Sau khi an ủi và hướng dẫn các môn đệ Chúa Giê-su tiếp tục đào sâu chủ đề này: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25-26). Chúa Thánh Thần là Đấng Phù trợ: Người ban sức mạnh giúp chúng ta sống. Sống một cách phi thường trong cuộc đời bình thường; sống bình thản và lạc quan trong những lúc khó khăn; sống quảng đại đang khi vác thập giá…Chúa Thánh Thần còn là nguồn tình yêu. Nhờ tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ tràn vào lòng chúng ta, cuộc sống chúng ta luôn là một màu hồng, cho dù khi thất bại, khi bị phụ bạc vô ơn, khi chịu đựng những tấn công của kẻ đố kị… giống như Đức Ki-tô ngày xưa trong cuộc chịu nạn.

Sứ vụ của Đấng Bảo Trợ

Chúa Thánh Thần tiếp tục sứ vụ của Chúa Giê-su, và hoàn tất công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa. Người được Đức Giê-su gọi là “Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Giáo hội đã có một kinh nghiệm sống động và mạnh mẽ về Chúa Thánh Thần như là: Đấng An Ủi, Đấng Bảo Vệ, Đấng Quan Phòng. Chúa Thánh Thần luôn ở bên trong và bên ngoài Giáo hội trong những lúc gian nan của bách hại, trong cả tiến trình lịch sử phát triển và đời sống hằng ngày. Sách Công Vụ Tông Đồ kể rằng: “Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9,14). Trong những thế kỷ đầu Giáo hội ở trong tình trạng bị bách hại, trong sự phát triển cách khó khăn, chúng ta thấy Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đóng một vai trò là cố vấn, là trạng sư, là người hướng dẫn và là Đấng bảo vệ thần linh của Giáo hội để chống lại những thế mạnh của thù địch. Người đã thêm sức, trợ giúp các thánh tử đạo và những Ki-tô hữu trước những thế mạnh của quan tòa, trong những vụ án đẫm máu để tuyên xưng đức tin, Người đã đặt trên môi miệng họ những lời lẽ khôn ngoan và tràn đầy lòng tin.

Sau thời bách hại, Chúa Thánh Thần chủ yếu được gọi với danh hiệu là Đấng An Ủi trong những cơn đau khổ và buồn phiền của cuộc sống. Sự an ủi của Chúa Thánh Thần là đích thật, hoàn hảo bởi vì Người an ủi khi chúng ta đau khổ khác với cách an ủi của con người, đôi khi con người chúng ta an ủi nhau thì càng thêm đau khổ, giống như rượu mới đổ vào bầu da cũ. Vì con người nhiều lúc đau buồn, khổ sở thì lại thiếu sự quan tâm của người khác, đôi khi còn chê bai, bị bỏ rơi, ngược lại khi gặp những người khá giả sung túc thì sẵn sàng an ủi và nịnh bợ. Còn đối với Chúa Thánh Thần, Người không so sánh và phân biệt cao thấp giàu nghèo, Người luôn sẵn sàng đồng hành để ủi an mỗi người chúng ta. Chúa Thánh Thần soi sáng giúp chúng ta biết Chúa Ki-tô và giáo huấn của Người hơn. Chúa Thánh Thần là Đấng Phù Trợ, giúp chúng ta sống bác ái, khiêm nhượng, hiền hậu, hy sinh theo gương Chúa Ki-tô. Chúa Thánh Thần cũng là nguồn Tình yêu nung nấu tâm hồn chúng ta mến Chúa yêu người tận tụy, sẵn sàng vác thánh giá hằng ngày theo Chúa Ki-tô.

Anh em hãy an ủi nhau

Nhờ Chúa Thánh Thần mà tình yêu Thiên Chúa đã đổ ra trong lòng chúng ta, nghĩa là nhờ tình yêu mà chúng ta biết yêu mến Thiên Chúa và tha nhân. Và cũng chính Thiên Chúa dạy chúng ta nghệ thuật an ủi người khác. Thánh Phao-lô giải thích điều này rất ý nghĩa khi Người viết: “Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an. Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách, để sau khi đã được Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan khốn khó”(2 Cr 1,2-4). Quả thật, nếu sự an ủi của chúng ta nhận được từ chính Thiên Chúa mà không được lan tỏa nơi người khác mà chỉ ích kỷ giữ lại cho mình, sự an ủi đó sẽ nhanh chóng biến mất, và không mang lại ý nghĩa thật sự.

Ngày nay, trong cuộc sống bên cạnh chúng ta có rất nhiều người đang dấn thân phục vụ để an ủi người khác. Họ chính là những người đang cúi mình xuống trên các bệnh nhân nan y, bệnh nhân ở các bệnh viện phong, các bệnh nhân AIDS…Họ là những người đang chăm sóc những người già, những người bị bỏ rơi, và rất nhiều tình nguyện viên sẵn sàng đến chăm sóc các bệnh nhân. Bên cạnh đó, còn rất nhiều người đang âm thầm chăm sóc các trẻ em là những nạn nhân của bạo hành bên trong cũng như bên ngoài gia đình. Họ là những người sẵn sàng đứng lên đấu tranh cho nhân quyền, bảo vệ công lý và hòa bình. Họ là những linh mục, tu sĩ đang an ủi người khác trong sứ vụ truyền giáo và mục vụ. Và chính mỗi chúng ta được mời gọi trở thành người an ủi của Thiên Chúa cho tha nhân. Amen.

Px. NVT