Suy Niệm Tin Mừng
Chúa Nhật XXXII Thường Niên A
Chủ Đề: Cẩn Thận – Sẵn Sàng
(Mt 25, 1-13)
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại dụ ngôn mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Chúng ta thấy Chúa Giê-su không đề cập tới chàng rể mà chỉ chú ý tới các cô trinh nữ, tất cả là mười người. Con số này chẳng có liên quan gì tới bài học chứa đựng trong dụ ngôn, chúng ta không cần chú ý. Chúa Giê-su cho biết: có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Chúng ta biết được năm cô khờ dại là dựa vào sự kiện các cô không chuẩn bị đủ dầu để đốt đèn, nghĩa là các còn có bổn phận cầm đèn đi đón và soi đường cho chàng rể, đồng thời cũng tham dự vào tiệc cưới. Thế mà các cô lại không mang theo dầu hay mang theo ít quá .
Theo phong tục đông phương, giờ cử hành nghi lễ tiệc cưới có thể cử hành vào bất cứ giờ nào. Vì thế, chàng rể có thể lưu lại với bạn bè và thân nhân tại nhà cha mẹ chàng lâu hơn và thực tế đã quá lâu, cũng vì thế các trinh nữ phải chờ lâu quá, nên mệt mỏi và ngủ thiếp đi. Vào nửa đêm, chàng rể đến, mọi người thức dậy và đốt đèn lên. Các cô khờ dại lại hết dầu, phải ra hàng quán mua dầu và về trễ, nên không được vào dự tiệc cưới.
Chúng ta nên nhớ đây chỉ là một dụ ngôn thôi, chứ thực tế không có đám cưới nào hay đám rước dâu nào lại xảy ra như thế cả. Dù chàng rể có tới trễ, chắc chẳng ai ngủ được, phương chi các cô trinh nữ, quần áo đầu tóc chỉnh tề như thế làm sao mà ngủ nổi? Khi nói dụ ngôn này, Chúa Giê-su chỉ muốn dạy chúng ta một bài học là hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Chúng ta thấy chàng rể trong dụ ngôn đã không cư xử như những chàng rể thông thường. Đúng thế, thật rõ ràng, Chúa Giê-su muốn nói tới một chàng rể đặc biệt và một tiệc cưới cũng đặc biệt, trong tiệc cưới đó, mọi người phải tuân giữ những luật lệ khác với những luật lệ thông thường.
Chàng rể đặc biệt đó chính là Chúa Giê-su, mười trinh nữ là toàn thể nhân loại, được Thiên Chúa yêu thương và đón mời về dự tiệc cưới Nước Trời. Dầu và đèn là các điều kiện cần có để được tham dự tiệc cưới ấy. Còn việc chàng rể đến chậm, đến trễ, đến bất ngờ ám chỉ việc Chúa đến. Chắc chắn Chúa sẽ đến, nhưng hoàn toàn bất ngờ, đột xuất nên ai khôn ngoan thì phải sẵn sàng luôn. Như vậy, dụ ngôn này trước hết nói đến tất cả nhân loại, phải sẵn sàng chờ đón ngày chung cục của thế giới. Đó là ngày cánh chung, ngày tận thế hay là ngày Chúa quang lâm để phán xét toàn thể nhân loại. Ngày đó không ai biết trước được. Đàng khác, dụ ngôn này cũng nhắc tới giờ chết của mỗi người, cũng rất là bất ngờ, không ai biết trước được khi nào mình chết. Cho nên, đòi hỏi mỗi người phải hết sức cẩn thận và sẵn sàng. Đây chính là bài học Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta.
Trong đời sống hằng ngày, làm bất cứ việc gì, người cẩn thận thường là người thành công. Ngược lại, kẻ bất cẩn thường chỉ chuốc lấy thảm hại. Người cẩn thận là người đứng trước một việc gì cũng tìm hiểu thật kỹ lưỡng, hiểu biết việc phải làm, hiểu biết cách làm và biết cách dự phòng. Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy, ai tập được tính cẩn thận này, thì đường về trời chắc chắn sẽ được bảo đảm. Chúa đã nhắc bảo nhiều lần: phải sẵn sàng, phải khôn ngoan, phải tỉnh thức, nghĩa là phải cẩn thận.
Nếu chúng ta muốn giờ Chúa đến không thành một tai hoạ, chúng ta phải biết sẵn sàng đón Chúa. Muốn đón Chúa chúng ta phải có đèn. Đèn muốn hữu dụng phải có dầu. Dầu đốt mãi cũng phải hết. Chúa đến lại chẳng rõ lúc nào: lâu hay chóng, sớm hay muộn, là việc ở ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Vậy để chắc chắn, chúng ta phải tích trữ dầu, trữ càng nhiều càng tốt. Dầu đây là đời sống thánh thiện, đời sống tốt lành của chúng ta, loại dầu này, nếu có trữ lượng phong phú, việc sẵn sàng của chúng ta đã thành hiện thực. Thời gian chờ đợi Chúa, chúng ta cứ yên tâm, bình thản mà sống không phải lo lắng gì cả.
Dụ ngôn mười trinh nữ cho thấy: cả khôn cả dại đều ngủ cả, chứ đâu phải chỉ có những cô dại mới ngủ. Nhưng cái làm cho mười cô trở thành khôn dại khác nhau, là ở chỗ cẩn thận và sẵn sàng. Năm cô khôn đã ngủ, nhưng ngủ trong thái độ sẵn sàng, còn năm cô dại đã ngủ trong một thái độ chểnh mảng, tới đâu hay tới đó. Nhưng đến khi “hay” được thì đã quá muộn.
Người ta đã ví đời người như một chuyến đi. Ngày bắt dầu là ngày chào đời, ngày tới đích là ngày giã từ cuộc sống. Trần gian là đại dương dậy sóng, con tàu chính là bản thân mình. Chuyến đi này là một chuyến đi không rõ ngày tới. Con tàu lại mỏng manh, bé nhỏ, đòi chúng ta phải luôn cảnh giác, phải chuẩn bị hành trang lâu dài, phải khôn khéo chèo chống, phải nhận rõ phương hướng, phải tránh né đá ngầm, được thế chúng ta mới hi vọng vượt biển tới đích an toàn tốt đẹp.
Tác giả: TMT