Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIII Thường Niên A

SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN

CHỦ ĐỀ: VỐN LIẾNG

(Mt 25, 14-15.19-21)

Chúa Giê-su đã giảng dạy dụ ngôn các yến bạc vào ngày thứ ba tuần thánh, ở bên sườn đồi cây dầu. Qua dụ ngôn này, Chúa muốn bảo cho mọi người biết Chúa sẽ quang lâm. Chúa sẽ trở lại trần gian xét xử từng người về công nghiệp, công việc họ đã làm ở trần gian. Vì thế, bao lâu còn sống ở trần gian thì cần làm lợi số vốn Chúa đã ban cho.

Chúa đưa ra hình ảnh một ông chủ phương Đông, giàu sang, uy quyền có nhiều con ăn đứa ở, nhiều tôi tớ, nghĩa là có nhiều nô lệ. Họ hoàn toàn lệ thuộc vào ông chủ từ cơm ăn áo mặc đến sinh mạng. Họ không có gì làm của riêng, tất cả đời sống là để sinh lợi cho gia chủ. Trong câu chuyện hôm nay, ông chủ trao cho mỗi người một số vốn khác nhau. Người thứ nhất năm yến, người thứ hai hai yến, người thứ ba một yến. Rồi ông ra đi công tác phương xa.

Sau một thời gian, người thứ nhất và người thứ hai đã làm lợi cho ông chủ. Còn người thứ ba thì không. Hai người trước, tuy vốn liếng khác nhau. Nhưng họ giống nhau ở một điểm, là có cùng một thời gian và cùng sức cố gắng. Sự cố gắng đã làm cho họ hăng say nhiệt tình làm việc. Họ biết mình là thân phận tôi tớ, đang nấm giữ tài sản của chủ và chỉ mong sao cho tài sản đó tăng lên. Vì thế họ đã đầu tư khả năng, sức lực, thời giờ, dịp tiện, óc sáng tạo, để đem lại lợi ích thiết thực. Đó là những con người có tinh thần trách nhiệm, lợi dụng từng cơ hội để sinh lợi cho gia chủ.

Ngược lại, người thứ ba là một người lười biếng, cố chấp, lại còn lên mặt xét đoán ông chủ. Anh ta không biết lo xa, chỉ biết sống có hiện tại, sợ liên lụy, ngại cố gắng, chiều theo tính lười biếng mà chôn giấu số vốn chủ đã trao. Chúng ta biết một người lười, thì dù công việc nhẹ đến đâu cũng là gánh nặng, một mộ u giữa đường cũng là một con sư tử. Những nhà tâm lý học đã nói: kẻ lười biếng tự tiêu diệt khả năng làm việc của bắp thịt, khiến máu tích độc, tâm thần buồn bực, ít sáng kiến, bi quan và hận đời. Cho nên, kẻ lười biếng được gọi là “mẹ đẻ các nết xấu”, là “thuốc độc”, là “đống rác” cho con người. Hơn nữa, kẻ lười biếng là kẻ đòi hỏi hường thụ, và đòi hỏi nhiều nhất, trong khi đó họ lại bỏ phí khả năng, không chịu phục vụ ai. Họ coi công việc lớn là không thể làm được, công việc bé là bất xứng đối với họ. Cho nên, họ lười biếng, buông xuôi.

Đối với chúng ta, dụ ngôn này có ý nghĩa thế nào? Chúng ta biết, ông chủ giàu sang uy quyền đây là Thiên Chúa, con ăn người ở là chúng ta. Các vốn liếng là các ơn thánh, tức là tất cả những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta, như thân xác mạnh khỏe, tài năng, nghị lực, sức mạnh, địa vị, tiền của, dịp may, không gian, thời gian, giao tế, ân nhân, được hưởng một nền giáo dục Ki-tô giáo, được xưng nhận là con Thiên Chúa, được chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu ngày mai… Bằng con mắt đức tin, chúng ta sẽ thấy đời mình chìm ngập trong ơn thánh của những người không phải là một yến, nhưng là nhiều hơn cả người năm yến nữa. Cho nên, bổn phận của chúng ta là phải làm sinh lợi tối đa. Không phải là năm mươi nhưng là một trăm phần trăm. Nói khác đi, chúng ta phải làm việc và làm lợi cho Chúa. Phải sinh lợi tối đa những gì Chúa đã trao ban. Mỗi người Chúa trao ban cho khác nhau về nơi chốn, thời gian, khả năng, dịp tiện… Mỗi người, không ai giống ai cả. Nhưng chúng ta không thể dựa vào đó mà không làm gì cả. Mỗi người có thời vụ và nhiệm vụ của mình. Chúng ta không giống nhau về khả năng, nhưng có thể giống nhau về cố gắng. Thà cố gắng mà không có tài, còn hơn có tài mà không cố gắng làm lợi cho Chúa.

Một điều nữa chúng ta cũng nên biết là cả ba hạng người Chúa Giê-su kể trong dụ ngôn đều giống nhau ở một điểm là họ đều được trao vốn. Vậy mọi người chúng ta đều có một điều giống nhau, đó là đời sống để làm việc: việc lớn, việc nhỏ. Đa số chúng ta ai cũng muốn làm việc lớn, được nhiều lợi, được nhiều người biết đến. Nhưng Chúa bảo chúng ta hãy làm việc nhỏ. Chúng ta cần trung tín trong những việc nhỏ bé trước đã. Chỉ khi nào chúng ta làm được những việc nhỏ bé, chúng ta mới có khả năng làm những việc lớn lao hơn. Những việc nhỏ chính là nấc thang đưa tới thành công lớn. Không ai có thể làm việc lớn cho Chúa nếu trước hết họ không làm được những việc nhỏ cho Ngài. Nếu chúng ta không trung thành trong việc nhỏ thì không ai tin tưởng trao cho chúng ta việc lớn hơn. Một người không trung thành trong việc nhỏ thì cũng không có khả năng lãnh phần thưởng lớn được.

Chúng ta hãy bắt chước người đầy tớ thứ nhất và thứ hai: chăm chỉ, siêng năng làm việc và làm lợi cho chủ, chứ đừng theo người đầy tớ thứ ba: lười biếng, không chịu làm việc gì cả. Chúng ta hãy nhớ: không có việc gì quá nhỏ mà không đáng làm, và cũng không có việc gì quá nhỏ mà không đem lại lợi ích. Vấn đề là chúng ta có chịu làm hay không. Chúng ta sinh ra để làm việc như con chim sinh ra có đôi cánh, bay đi để kiếm ăn, kiếm mồi cho con, thì con người có hai tay để làm việc nuôi sống mình và người khác. Hãy tự mình làm việc, rồi trời sẽ giúp cho.

Người ta kể rằng: có một bác đánh xe bò kia, xe của bác bị sa xuống bùn lầy, bác liền ngồi xuống năn nỉ khấn vái thần Héc-quyn cứu giúp, thì được vị thần này trả lời: “Này, ngươi hãy ghé vai vào bánh xe đi, thử làm coi có được không. Ngồi một chỗ mà than làm chi”. Người ấy liền nghe lời và làm ngay rồi được thoát nạn.

Tóm lại, dụ ngôn Chúa Giê-su giảng dạy hôm nay cũng như những điều tìm hiểu trên đây nhắc nhở chúng ta hãy nhớ rằng: chúng ta phải siêng năng làm việc, nếu chưa có việc lớn thì chúng ta hãy làm việc nhỏ. Chúng ta phải tận dụng tài năng, sức lực, ân lộc Thiên Chúa ban để xây dựng sự nghiệp đời này và sự nghiệp đời sau.

Tác giả: TMT