Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXXIV Thường Niên A

SUY NIỆM TIN MỪNG

CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN A

CHỦ ĐỀ: ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ VUA VŨ TRỤ

(Mt 25, 31-46)

Chúa Giê-su là vua, Ngài có một cung cách làm vua khác các vua chúa trần gian. Theo quan niệm thông thường, làm vua tức là cai trị. Cai trị cũng hàm ý thống trị, sai khiến. Chúa Giê-su đã đảo lộn quan niệm ấy, Ngài nói với các môn đệ: “Trong các con, ai muốn làm lớn thì hãy phục vụ người khác”. Ngài cũng đã nói về chính mình: “Con Người đến không để được phục vụ, nhưng để phục vụ”. Như vậy, theo ý nghĩa Ki-tô giáo, làm vua chính là phục vụ.

Một điều đặc biệt nữa, Chúa Giê-su là vua, thì mọi người Ki-tô hữu cũng được tham dự vào chức vụ vương đế của Ngài. Nói khác đi, Chúa Giê-su làm vua, người Ki-tô hữu cũng làm vua. Mới nghe câu nói này, chắc có người ngạc nhiên. Nhưng đó là sự thật. Người tín hữu làm vua. Nói như thế không phải là nói chơi cho vui hay có ý bôi bác mà là có cơ sở. Đó là nhờ bí tích Rửa tội người tín hữu được chia sẻ quyền làm vua của Chúa Giê su. Như vậy, người tín hữu làm vua là do tự bản chất Ki-tô hữu của mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là làm vua, nhưng là làm vua như thế nào. Chắc chắn người tín hữu không leo lên ngai vàng để sai khiến, để thống trị người khác, nhưng họ sống trong môi trường của mình và chu toàn sứ mạng làm trung gian. Trước hết, như một ông vua Do thái xưa, người tín hữu chuyển lại ý Chúa cho mọi người và làm cho tinh thần Chúa Giê-su thấm nhập vào trong mọi sinh hoạt của con người, khiến cho mọi lãnh vực: văn hoá, kinh tế, chính trị, khoa học… đều qui về Thiên Chúa.

Thêm vào đó, người tín hữu cần đóng góp một cách hữu hiệu để mở rộng nước Thiên Chúa, gieo rắc tinh thần công bình, bác ái, niềm tin cũng như yêu thương nơi mọi người. Tóm lại, noi gương các vua Do thái, và nhất là noi gương Chúa Giê-su, người tín hữu hôm nay quyết tâm làm trung gian giữa Thiên Chúa và mọi người. Chúng ta được thúc bách Tin Mừng hoá môi trường, và qui hướng mọi sự về Thiên Chúa, trong tinh thần phục vụ đích thực, phục vụ bằng việc làm tốt.

Chúa Giê-su đã rất nhấn mạnh đến phục vụ bằng việc làm tốt. Cách phục vụ đó rất thích hợp với óc thực nghiệm của con người nhất là con người thời nay. Cụ thể như bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa đã giải thích: “Khi các con cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống là các con đã cho chính Ta ăn, cho chính Ta uống”. Với chi tiết đó, chúng ta thấy những người được Chúa chúc phúc khi phục vụ tha nhân, họ đã không hề có ý nghĩ mình phục vụ Chúa, mà đơn giản có thể chỉ là vì tình người, hoàn toàn là nhân bản. Đơn giản thế thôi, tự nhiên thế thôi. Thật không ngờ, với việc phục vụ thiết thực, cụ thể bằng việc làm tốt như thế đã được Chúa đánh giá rất cao. Chúa gọi kẻ phục vụ như thế là phục vụ cho chính Ngài, được Chúa Cha chúc phúc, được hưởng phúc thiên đàng.

Người ta đã kể lại một câu chuyện như sau: Một hôm, có vị bá tước và một người đầy tớ của ông đi xa về vào lúc rạng đông, thì gặp một người ăn xin ngồi bên vệ đường. Người này thấy khách đi qua, đã giơ tay xin làm phúc. Vị bá tước ra lệnh cho người đầy tớ cứ việc đi. Thay vì tiếp tục đi, người hầu đã ghì xe ngựa lại. Vị bá tước nhổm người lên trong xe và quát lớn: “Tiếp tục đi, không được ngừng”. Bình thản như không, người đầy tớ tháo đai lưng, cởi áo ngoài, móc ở túi ra một đồng bạc, đưa cho người hành khất và nói: “Thưa anh, vì lòng mến Chúa Ki-tô”. Rồi người đầy tớ khoác áo lại, buộc đai lưng, cầm cương quất roi cho ngựa lên đường. Đi được một quãng, vị bá tước hỏi người đầy tớ: “Anh nói gì với lão ăn mày vậy?”. Người đầy tớ trả lời: “Thưa ngài, tôi đã nói thưa anh, vì lòng mến Chúa Ki-tô”. Nghe thế, như có sức mạnh vô hình thúc bách, vị bá tước ra lệnh quay trở lại. Hai người đã gặp lại người ăn xin vẫn còn ngồi bên vệ đường. Vị bá tước đã dốc vào cái bát gỗ của người ăn xin tất cả số tiền trong túi ông mang theo, và cũng nói như người hầu đã nói: “Thưa anh, vì lòng mến Chúa Ki-tô”. Rồi ông ra lệnh quay ngựa trở về.

Qua câu chuyện này, tác giả ca tụng gương cao đẹp của lòng bác ái cao thượng. Chúng ta hãy ghi sâu vào trí nhớ, để câu chuyện thành tiếng hô hào lòng bác ái của chúng ta. Nếu tâm hồn chúng ta có thể lập lại không ngừng: “Vì lòng mến Chúa Ki-tô”, thì lòng yêu người trở nên dễ dàng cho chúng ta hơn. Chúng ta hãy ghi nhớ chân lý này: trong tha nhân, chúng ta gặp chính Chúa Ki-tô. Chúng ta phục vụ tha nhân là chúng ta phục vụ Chúa Ki-tô, chúng ta đối xử với tha nhân thế nào là chúng ta đối xử với chính Chúa Ki-tô thế ấy. Mỗi khi làm một việc gì cho ai, chúng ta hãy thầm nói: “Vì lòng mến Chúa Ki-tô”.

Tác giả: TMT