Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên – Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật III Thường Niên – Năm B

Chủ Đề: Sám hối để được cứu độ

(Mc 1,14-20)

Chắc chắn trong đời sống đạo của mình, chúng ta không ít lần cảm nhận rằng bản thân mình thật tội lỗi, phạm hết lần này đến lần khác. Chính cảm giác này khiến chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa sẽ chẳng bao giờ tha thứ cho mình. Thiên Chúa sẽ phạt vì những tội chúng ta đã phạm. Trong đầu chúng ta sẽ nghĩ ra nhiều câu hỏi mà Chúa sẽ hỏi mình: tại sao con lại phạm tội đó? Tại sao con phạm đi phạm lại tội này? Vì sao con phạm lắm tội thế? Vì vậy, rất nhiều lần chúng ta sợ không dám đi xưng tội vì nghĩ rằng cha giải tội sẽ thay mặt Chúa trách phạt và kết án mình. Kinh nghiệm đó gợi lên trong chúng ta về hình ảnh của một Thiên Chúa thích trừng phạt vì tội lỗi của con người.

Hình ảnh của một Thiên Chúa trừng phạt con người vì tội của họ đã đi vào trong cả cách dạy dỗ con cái của chúng ta. Mỗi khi con cháu của chúng ta phạm lỗi, chúng ta đều nói: đừng làm thế con nhé, Chúa phạt đấy! Hoặc nếu chúng nói tục chúng ta khuyên chúng đừng lặp lại vì như thế sẽ bị Chúa cắt lưỡi. Theo thời gian, con cháu chúng ta lớn lên với những điều đó và chúng sẽ tiếp tục làm như thế đối với những thế hệ tiếp theo. Và như vậy, Thiên Chúa của chúng ta mãi mãi là Thiên Chúa cứ thấy tội là phạt. Đó quả là một Thiên Chúa quá nghiêm khắc. Vậy Thiên Chúa của chúng ta chỉ như vậy thôi sao? Liệu Ngài có nghiêm khắc đến nỗi không thể tha thứ cho những lỗi phạm của con người hay không?

Bài đọc 1 kể cho chúng ta biết việc ngôn sứ Giôna được Thiên Chúa sai đến thành Ninivê để loan báo cho họ biết rằng còn 40 ngày nữa thành sẽ bị phá huỷ (x. Gn 3,4) vì họ đã làm nhiều điều gian ác (x. Gn 1,2).  Cứ như quan niệm của chúng ta, thành Ninivê sẽ bị huỷ diệt vì tội lỗi của thành. Tuy nhiên, trái ngược lại với suy nghĩ đó, sau khi được loan báo, cả thành Ninivê bắt đầu ăn chay: từ vua đến dân, từ người già đến trẻ nhỏ. Nhờ việc sám hối mà họ được tha thứ và thành đã không bị phá huỷ như đã được báo trước. Nhờ sám hối mà họ được cứu sống.

Thưa cộng đoàn phụng vụ, lời mời gọi sám hối là sứ điệp mà các ngôn sứ không ngừng rao giảng. Trong Cựu Ước, mỗi khi dân Israel phạm tội, Thiên Chúa lại sai những vị trung gian đến để cảnh cáo và mời gọi họ trở về với nẻo chính đường ngay. Đó là cách thức Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài. Đối với chúng ta ngày nay, những người làm cha /mẹ đều mong muốn con cái mình sám hối và đi xưng tội. Hơn thế nữa, mỗi khi tham dự thánh lễ, Giáo Hội cũng mời gọi con cái mình thú nhận tội lỗi để xứng đáng tham dự thánh lễ. Vậy điều gì thôi thúc chúng ta sám hối tội lỗi?

Trước khi mô tả những việc làm thể hiện sự thống hối của dân thành Ninivê, bài đọc 1 cho biết rằng họ tin vào Thiên Chúa. Thật lạ lùng, đứng trước thảm hoạ huỷ diệt, họ đã không cậy nhờ những nước xung quanh, cũng không tin vào những ngẫu tượng nhưng tin vào Thiên Chúa. Việc họ sám hối xuất phát từ một niềm tin sâu xa nơi Thiên Chúa. Họ tin rằng chỉ Thiên Chúa mới có thể giải thoát họ khỏi sự huỷ diệt. Chỉ Thiên Chúa mới cứu sống được họ. Chính nhờ sự sám hối và sự tin tưởng nơi Thiên Chúa đã giúp họ tránh khỏi cái chết.

Từ kinh nghiệm của dân thành Ninivê, chúng ta thấy được ý nghĩa mới về sự sám hối trong sứ điệp “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15) của Chúa Giêsu. Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi con người sám hối và tin vào Ngài. Tuy nhiên, Thiên Chúa không còn dùng các ngôn sứ để kêu gọi con người trở về nẻo chính đường ngay như trong thời Cựu Ước. Trong thời Tân Ước, Ngài làm với một cách thức hoàn toàn mới mẻ đó là sai Con Một xuống trần gian để vén mở cho con người biết ý định của Ngài. Ý định đó là cứu độ tất cả nhân loại trong Chúa Giêsu. Với sự hiện diện của Chúa Giêsu, Triều Đại Thiên Chúa đã đến. Những ai tin nhận Chúa Giêsu đều được gia nhập Nước Trời. Bởi thế, sám hối và tin vào Tin Mừng chính là cách biểu lộ sự sám hối hoàn hảo nhất. Sám hối bằng cách tin vào Chúa Giêsu, một Thiên Chúa làm người.

Khi lần chuỗi Mân Côi Năm Sự Sáng, chúng ta nguyện rằng: “Thứ ba thì ngắm Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót …”. Giáo Hội không chỉ dạy chúng ta tin vào Thiên Chúa vì điều này điều kia. Trên hết, Giáo Hội dạy chúng ta tin vào Thiên Chúa giàu lòng xót thương vì đó động lực để chúng ta sám hối tội lỗi của mình. Nhưng hành vi sám hối cần được diễn tả bằng việc làm cụ thể giống như cách thức mà dân thành Ninivê đã biểu lộ nhưng với một cách thức khác. Hành động bây giờ của chúng ta đó là việc siêng năng lãnh nhận Bí tích Hoà Giải. Việc lãnh nhận Bí tích này ban cho chúng ta ơn tha thứ mọi tội lỗi nhờ đó chúng ta được xứng đáng tham dự cách trọn vẹn vào mầu nhiệm của Bí tích Thánh Thể trong mỗi thánh lễ, đặc biệt trong thánh lễ hôm nay.

Thưa cộng đoàn phụng vụ, Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay cho thấy rằng Thiên Chúa của chúng ta không phải là một Thiên Chúa chỉ biết trừng phạt. Trên hết, đó là một Thiên Chúa giàu lòng thương xót và luôn luôn tha thứ dù tội lỗi của con người nặng nề đến mức nào. Vì thế, chúng ta đừng sợ đi xưng tội bởi vì Thiên Chúa luôn đón nhận và tha thứ. Thiên Chúa luôn yêu thương nên Ngài không sai Con mình đến không phải để lên án nhưng để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn. Sợ xưng tội là chưa tin vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Chúng ta hãy xác tín rằng Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt khi tha thứ tội lỗi cho con người. Vì thế, chúng ta hãy gạt bỏ suy nghĩ về một Thiên Chúa trừng phạt. Thay vào đó, hãy tin vào một Thiên Chúa thích tha thứ tội lỗi cho con người.  Bởi vậy, chúng ta đừng ngại sám hối và xưng thú tội lỗi của mình với Thiên Chúa nơi Bí tích Hoà Giải. Chúng ta hãy siêng năng đến với Bí tích này để được nghe lời tha thứ của Thiên Chúa: “Ta tha tội cho con”. Hôm nay cũng là Chúa Nhật Lời Chúa. Vì thế, chúng ta hãy để lời của Chúa Giêsu “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” vang lên trong tâm hồn chúng ta nhằm hướng chúng ta về với Ngài bằng cách sám hối tội lỗi của mình. Nhờ đó, chúng ta được thứ tha tội lỗi và được Người đưa vào Nước Trời. Amen.

Giuse Lê Kim Quý