Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay- Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật III Mùa Chay – Năm B

Chủ đề: Thanh Tẩy Đền Thờ

( Ga 2,13-25)

Mỗi buổi chiều thứ bảy, tôi thấy các bà các chị hội Mân Côi đến quét dọn nhà thờ từ trong ra ngoài. Lần nào cũng đốt cả đống lớn lá cây. Việc làm của các chị đã góp phần chuẩn bị một nơi xứng đáng cho việc cử hành phụng vụ. Việc làm đó mang đến một không gian sạch sẽ thoáng mát, để mọi người trong giáo xứ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật sốt sáng hơn. Cám ơn các bà các chị.

Nhà thờ là nơi thờ phượng, nơi cầu nguyện gặp gỡ Chúa. Nếu nhà thờ bụi bẩn, hay khuôn viên không được sạch đẹp, chúng ta thấy không xứng đáng với việc thờ phượng Thiên Chúa nên chúng ta dọn dẹp sạch sẽ. Cũng vậy, trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su xua đuổi những người bán chiên, bò, bồ câu và những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ: “đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán (Ga 2,16). Nhà của Thiên Chúa là nơi thánh thiêng, là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện, là nơi quy tụ các tín hữu đến tôn thờ Thiên Chúa. Do đó, Chúa Giê-su đã thực hiện hành động thanh tẩy Đền Thờ, trả lại cho Đền Thờ đúng với giá trị của nó là nơi dành cho việc thờ phượng Thiên Chúa.

Kính thưa quý ông bà anh chị em, có khi nào chúng ta tự hỏi: tại sao Chúa Giê-su lại có hành động giận dữ như vậy? Hành động ấy được diễn tả bằng các cụm từ: lấy dây làm roi, xua đuổi, lật nhào,…. Trong khi đó, sự hiện diện của những người đổi tiền, bán chiên, bò, bồ câu rất cần thiết, vì họ phục vụ khách hành hương đến từ xa, cần mua thú vật tại chỗ để dâng của lễ trong Đền Thờ theo Luật Chúa truyền. Khi bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem để tiến dâng cho Chúa, hẳn là rất hài lòng khi mua được cặp bồ câu non ngay trong Đền Thờ (Lc 2,22-24). Ở đây, hành động thanh tẩy Đền Thờ của Chúa Giê-su mang tính cách ngôn sứ. Khi đuổi những người buôn bán ra khỏi Đền Thờ, Chúa Giê-su muốn thay đổi việc thờ phượng của người Do-thái. Khi lật nhào các quầy hàng, Người muốn lật nhào thứ tôn giáo hám lợi, mà Đền Thờ là tượng trưng. Chúa Giê-su thanh tẩy Đền Thờ và nền Phụng tự cũ hầu xây dựng một Đền Thờ mới, cùng thiết lập một nền phụng tự mới. Việc đi từ cũ sang mới này sẽ được thực hiện nhờ cái chết và sự phục sinh của Người.

Hôm nay, Chúa Giê-su xua đuổi những người buôn bán, đổi tiền ra khỏi Đền Thờ, vì Người không muốn nơi thánh thiêng trở thành cái chợ. Người không muốn nhà Cha của Người bị xúc phạm. Thái độ quyết liệt của Chúa Giê-su đòi chúng ta phải xét lại chính mình. Nhiều lúc chúng ta cũng biến nhà thờ thành nơi trình diễn áo quần thời trang, kiểu tóc mới nhất. Có người đến nhà thờ để thắp sáng hào quang cho chính mình hơn là cho Chúa. Có những lễ cưới phô trương như để thể hiện đẳng cấp. Có những đám tang mà nhà thờ phải treo cờ tang như một biển tím, một rừng tang. Đồng tiền đã che mờ nét tôn nghiêm nhà Chúa. Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây (Ga 2,16). Lời bất bình đó của Chúa Giê-su vẫn đang nói với ông bà anh chị em và tôi hôm nay. Thái độ thanh tẩy Đền Thờ của Chúa Giê-su, mời gọi thanh tẩy thái độ của chúng ta đối với nhà thờ này. Người muốn nhà thờ phải là nơi dành cho việc thờ phượng, nơi tĩnh lặng để con người gặp gỡ Thiên Chúa.

Ngôi Đền Thờ vật chất mà cũng cần được thanh tẩy để xứng đáng cho việc thờ phượng Thiên Chúa, huống chi là ngôi Đền Thờ thiêng liêng. “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại. Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (Ga 2,20-21). Đền Thờ thiêng liêng là chính thân mình huyền nhiệm Chúa Ki-tô. Chúng ta vẫn nói Chúa Ki-tô là đầu và Giáo Hội là thân mình huyền nhiệm. Như thế, Giáo Hội cũng là Đền Thờ thiêng liêng của Thiên Chúa. Đền Thờ Giáo Hội được xây dựng không phải bằng những viên gạch vô tri, nhưng bằng những viên đá sống động (1Pr 2,5), đó là những môn đệ của Chúa Giê-su, tất cả các tín hữu được cứu chuộc bằng cái chết của Người. Và xi-măng gắn chặt các viên đá sống động này để làm nên Đền Thờ tuyệt hảo đó, chính là Tình Yêu. Do đó, Chúng ta đừng lấy danh nghĩa Giáo Hội, danh nghĩa giáo xứ hay cộng đoàn của mình để làm việc thương mại, kinh doanh và mưu ích cá nhân. Đừng biến những giờ phút cầu nguyện thành chuyện buôn bán.

Hơn nữa, không chỉ có Giáo Hội là Đền Thờ của Thiên Chúa, nhưng chính ông bà anh chị em và tôi cũng là Đền Thờ của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã nói điều đó: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16-17). Mỗi khi phạm tội là lúc ông bà anh chị em và tôi đang biến Đền Thờ của Thiên Chúa thành hang trộm cắp, và như thế là xua đuổi Thiên Chúa ra khỏi lòng mình. Hãy đem tất cả những thứ này ra khỏi đây (Ga 2,16). Chúng ta cũng cần mở lòng để Chúa Giê-su, Đấng là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa mà bài đọc 2 thánh Phao-lô nhắc tới, thanh tẩy Đền Thờ tâm hồn chúng ta. Sự thanh tẩy được thực hiện nơi Bí tích Hòa Giải. Đặc biệt, Mùa Chay là cơ hội để sám hối, trở về với Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương, là thời gian để dọn tâm hồn đón mừng mầu nhiệm Chúa Giê-su Phục Sinh. Chúng ta đã đi được nửa chặng đường Mùa Chay. Vậy chúng ta đã làm gì để dọn tâm hồn đón mừng Chúa Phục Sinh? Quý ông bà anh chị em và tôi được mời gọi chạy đến với Bí tích Hòa Giải, để giao hòa với Chúa và Hội Thánh. Trở về với Thiên Chúa cũng có nghĩa là sống theo giáo huấn của Chúa, sống theo thập điều giao ước mà bài đọc 1 đã nói với chúng ta. Trở về với Thiên Chúa cũng có nghĩa là sống mầu nhiệm Thánh Thể trong suốt cuộc đời của chúng ta, và mầu nhiệm ấy chúng ta sắp cử hành đây. Như thế, tâm hồn anh chị em và tôi sẽ xứng đáng là Đền Thờ Thiên Chúa ngự trị.

Chúa Nhật III hôm nay cũng là ngày khảo hạnh các người dự tòng. Họ đã sống thời gian dự tòng để chuẩn bị lãnh nhận các Bí tích Khai Tâm Ki-tô giáo trong đêm vọng Phục Sinh sắp tới. Chúng ta cùng cầu nguyện cho họ để họ mạnh mẽ tiến bước trong đức tin Công Giáo, xứng đáng trở nên đền thờ Thiên Chúa ngự trị khi họ nhận lãnh các Bí tích Khai Tâm Ki-tô giáo. A-men.

Vincent Bùi Mạnh Cừ