Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật Lễ Lá – Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật Lễ Lá – Năm B

Chủ đề: Ý Nghĩa Nỗi Cô Đơn Cùng Cực Của Chúa Giêsu

(Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15,47)

Trước đây, khi tôi đang trong giai đoạn học triết học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội, vào mỗi sáng Chúa Nhật, tôi cùng một số thầy được Bề trên sai đi mục vụ tại bệnh viện K9 – Hà Đông, nơi điều trị những bệnh nhân HIV AIDS. Nhiệm vụ chính yếu của chúng tôi là đến để gặp gỡ, lắng nghe và sẻ chia phần nào những đau khổ của những bệnh nhân này.

Phải thú thật rằng, trước khi đến với họ, tôi cảm thấy hơi sợ và có phần coi thường, khinh rẻ. Nhưng sau khi tiếp xúc, tôi cảm thấy họ đáng thương hơn là đáng ghét, đáng được tôn trọng hơn là bị coi thường. Bởi vì, mọi người xung quanh, thậm chí là gia đình đã đẩy họ đi xa hơn trên con đường lầm lỡ.

Đơn cử như anh thanh niên tôi có cơ hội trò chuyện đã chia sẻ rằng, điều làm anh đau đớn nhất không phải do những cơn vật vã vì đói thuốc, nhưng là sự coi thường và xa lánh của mọi người. Đã bao năm anh không dám về quê vì sợ bị những ánh mắt soi mói, dè bỉu, đay nghiến của làng xóm. Chính gia đình cũng khước từ và ruồng bỏ anh. Đi đến đâu anh cũng bị mọi người xa lánh. Nhiều lần anh cũng muốn dứt bỏ, nhưng dứt bỏ thế nào đây khi bên cạnh anh chỉ còn những anh em nghiện khác. Và cứ thế, dòng đời tiếp tục xô đẩy, anh ngày càng dấn sâu hơn vào con đường nghiện ngập.

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, đã nhiều năm trôi qua, câu chuyện của những bệnh nhân HIV AIDS, đặc biệt là những gì anh thanh niên chia sẻ vẫn để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Và trong bối cảnh của Phụng vụ Lời Chúa, Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, câu chuyện ấy gợi nhắc tôi liên tưởng cách mạnh mẽ đến nỗi đau của Chúa Giêsu trong hành trình thập giá của Ngài.

Suốt hành trình cuộc thương khó, Chúa Giêsu đã phải trải qua biết bao nhiêu là cung bậc của nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Ngài bị chính môn đệ mình phản bội hay chối bỏ đến ba lần ngay trước mắt; bị các môn đệ khác bỏ rơi; bị dân chúng lật mặt khi vừa mới đây tung hô Ngài là Vua, là Đấng Thiên Sai, thì giờ chế nhạo, đồng thanh hô vang “Đóng đinh nó vào thập giá”; bị người đời xét xử, bị quân lính nhục mạ, đánh đòn cách dã man. Tất cả những nỗi đau ấy dồn dập tuôn đến như những vết cứa xé lòng để đến độ Ngài phải kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”.

Chúa Giêsu trong bản tính nhân loại đã liên đới với con người cách trọn vẹn. Cho nên, sau khi đón nhận vào mình tất cả những nỗi đau, Ngài cũng mang tâm trạng như bao con người đang chịu đau khổ và kêu lên tiếng kêu trong sự cô đơn cùng cực vì vắng bóng Thiên Chúa. Như thế, trong hành trình thập giá, nỗi đau đớn nhất của Chúa Giêsu không hệ tại ở nỗi đau thể xác nhưng ở nỗi cô đơn cùng cực, hoàn toàn bị bỏ rơi.[1]

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, chiêm ngắm hành trình thập giá của Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra nỗi cô đơn của Chúa Giêsu phản ánh nỗi cô đơn, tuyệt vọng của con người vì vắng bóng Thiên Chúa. Chính bởi không nhận ra Đức Giêsu là Chúa nên con người mới đối xử với Ngài cách thậm tệ như vậy. Sự vắng bóng Thiên Chúa biểu lộ khi chúng ta gặp đau khổ, mất niềm tin vào Thiên Chúa; hay khi chúng ta loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, để mình dần chìm vào trong u tối của những đam mê tội lỗi, của đau khổ và sự chết. Theo Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI: “Cái chết là nỗi cô đơn tuyệt đối. Và cô đơn đến mức không còn tình yêu nào xuyên thấu, đó là địa ngục”.[2] Anh thanh niên trong câu chuyện tôi kể đang phải chịu một địa ngục như thế. Anh cảm thấy một nỗi trống vắng khủng khiếp, một nỗi đau cứa tận vào trái tim mà anh cho là còn tồi tệ hơn cả cái chết.

Còn gì đau khổ hơn khi nỗi cô đơn sẽ giam hãm chúng ta trong ngục tối của địa ngục. Vậy phải làm thế nào để vượt qua nó? Tia hy vọng nào sẽ là cầu nối để tiếng vọng của tình yêu vang đến nơi tăm tối nhất là địa ngục?

Chúa Giêsu, trong lúc tuyệt vọng nhất trước ngưỡng cửa của cái chết, Ngài vẫn hướng về Chúa Cha là cùng đích, là chốn tựa nương để cất lên tiếng kêu trong thái độ cầu nguyện,[3] biểu lộ niềm tin, sự phó thác và vâng phục Chúa Cha cách tuyệt đối. Và trong thái độ ấy, một nghịch lý đã diễn ra, chính khi tiếng kêu tuyệt vọng trong sự cô đơn vì thiếu vắng Thiên Chúa được cất lên, thì cũng là lúc Thiên Chúa hiện diện cách gần gũi nhất. Điều này được Thánh Phaolô chứng thực nơi bài đọc II, chính vì Chúa Giêsu đã tự nguyện bỏ mình và chấp nhận thập giá nên Ngài mới được tôn vinh. Như thế, Chúa Giêsu đã chiến thắng nỗi cô đơn cùng cực bằng sự vâng phục Chúa Cha cách tuyệt đối, chấp nhận chết đi để nhân loại được sống.

Anh thanh niên tại bệnh viện K9 đã bắt gặp được tia hy vọng, khi anh cảm nhận hơi ấm tình người vẫn còn hiện diện với anh ngang qua những cuộc trò chuyện, chia sẻ. Anh nói rằng, sự hiện diện của chúng tôi đã thắp lên cho anh chút hy vọng vì đã lâu lắm rồi anh mới có cảm giác được người khác quan tâm, yêu thương và chia sẻ như này. Anh đã mỉm cười, một nụ cười toát lên niềm vui mà chỉ anh mới có thể diễn tả hết. Chính tình yêu ngang qua sự sẻ chia đã kéo anh khỏi đêm tối của cô đơn, lạc lõng. Cho nên, ngõ mở cho sự giải thoát khỏi cô đơn chính là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới đem lại ý nghĩa và hướng đi cho đau khổ. Còn đối với chúng ta, những người có đức tin thì tia hy vọng đó, tình yêu đó là chính Chúa Giêsu khi Ngài mang lấy tất cả những đớn đau, tuyệt vọng của chúng ta lên cây thập giá và chết đi. Cái chết đã đưa Chúa Giêsu đi đến điểm kết của nỗi cô đơn, đó là địa ngục. Nhưng chính trong ngõ cụt ấy lại mở ra một tia sáng huy hoàng vì Đức Giêsu không chỉ là con người, Ngài còn là Thiên Chúa tình yêu. Ngài chết đi và xuống tận cõi sâu thẳm là Ngục Tổ Tông để mang tình yêu cho những ai đang khao khát chờ mong vì thiếu vắng Thiên Chúa. Để từ đó, Ngài kéo chúng ta vào trong vinh quang bằng cuộc Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Điều mà chúng ta sẽ cử hành vào Đêm Vọng Phục Sinh sắp tới.

Như thế, thập giá trở nên biểu tượng vĩ đại của tình yêu. Nơi đó, chính Con Thiên Chúa đã hiến mình để cứu nhân loại khỏi chết đời đời. Đó là lời mời gọi mỗi người cùng bước vào hành trình thập giá với Ngài trong Tuần Thánh này để đón nhận Tình Yêu. Đón nhận là mở lòng ra để tiếng vọng tình yêu đi tới bằng hành động cụ thể là ăn năn sám hối và lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Chính nhờ mở lòng như thế, chúng ta sẽ hạnh phúc được đón rước Chúa đến ngự vào, xua tan mọi âu lo, muộn phiền, cô đơn. Lời mời gọi đó hướng chúng ta cách đặc biệt đến Bí tích Thánh Thể, Bí tích tình yêu. Nơi đó, Chúa Giêsu tiếp tục chết đi cho chúng ta và trao ban tình yêu là chính Ngài qua việc chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh, điều mà chúng ta chuẩn bị được tham dự ngay trong Thánh lễ này. Kính chúc cộng đoàn một Tuần Thánh cảm nghiệm sâu sa ý nghĩa sự cô đơn cùng cực của Chúa Giêsu đã chịu vì tội lỗi của chúng ta. Amen.

Antôn Bùi Ngọc Đoàn

[1] Ratzinger, Đức Tin Hôm Qua Hôm Nay Và Mãi Mãi, sđd, tr.321.

[2] Ratzinger, Đức Tin Hôm Qua Hôm Nay Và Mãi Mãi, sđd, tr.323.

[3] Tiếng kêu của Chúa Giêsu là câu đầu tiên trong Thánh Vịnh 22 – Thánh Vịnh mà dân Ítraen dùng để cầu nguyện trong những lúc họ gặp đau khổ.