Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm B
(Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8)
Ở Lại Trong Chúa Giêsu
Cuối năm 2019, đầu năm 2022, nạn dịch Covid 19 bắt nguồn từ Vũ Hán-Trung Quốc đã bùng nổ và lan rộng khắp toàn cầu. Những năm đó tôi còn đang là chủng sinh khoa thần như anh em bây giờ. Mặc dù đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa triệt để, nhưng cuối cùng dịch bệnh vẫn bùng nổ trong nhà trường, mà tôi là người bị phát hiện dương tính đầu tiên. Vì là người đầu tiên nên tôi được ‘quan tâm’ rất đặc biệt: từ việc bị cách ly riêng trong phòng y tế, đến việc phải chịu những ánh nhìn tò mò, và cả những lời trêu chọc rèm pha ngay ngắt. Tuy nhiên, những điều đó không làm tôi bận lòng, trái lại, tôi lại thấy tủi thân khi nghe anh em cùng lớp cất tiếng hát bài Cầu Xin Chúa Thánh Thần để khởi đầu một ngày học trên lớp. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác ở một mình trong phòng y tế lúc đó: cảm giác không thuộc về tập thể, cảm giác bị loại trừ và bỏ rơi. Mặc dù biết đó không phải là sự thật, nhưng rõ ràng kinh nghiệm không thuộc về một nơi chốn bên ngoài, cũng đã sinh ra bên trong tôi những cảm xúc tiêu cực và đớn đau biết bao!
Thế mới thấy, kinh nghiệm “không thuộc về” của Thánh Phaolô trong bài đọc I còn đớn đau hơn nữa. Quả thế, 14 năm[1] sau biến cố gặp Chúa Phục Sinh trên đường Đamas, hôm nay Phaolô mới lên Giêrusalem để “ra mắt” Tông Đồ đoàn. Mặc dù “ở trong” cùng một nơi chốn với các Tông Đồ, nhưng Phaolô lại không được các ông công nhận là một người thuộc về nhóm họ: Phaolô đã cố gắng nhập đoàn với các tông đồ, nhưng các tông đồ sợ ông vì không tin ông là một môn đệ[2]. Biến cố này của Phaolô là một thứ kinh nghiệm không thuộc về trong tương quan.
Thế nhưng, một tình trạng “không thuộc về” khác còn nguy hiểm hơn, liên quan đến tính sống còn: tình trạng không thuộc về chính Thiên Chúa. Tình trạng này được Chúa Giêsu đã cảnh báo trong bài Tin Mừng hôm nay: Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho, nó sẽ khô héo và bị quăng vào lửa[3]. Như quý thầy đã biết, đoạn Tin Mừng này nằm trong phần diễn văn từ biệt[4] của Chúa Giêsu. Vì thế đây là những lời nói tâm huyết và thổn thức nhất của Thầy Giêsu, muốn chuyển trao lại cho các môn đệ. Như thế, điều Chúa Giêsu muốn trối lại nhất trước khi Ngài ra đi bước vào Cuộc Khổ Nạn, lại là lời nhắn nhủ: “Hãy ở lại trong Thầy”[5]. Lời đó không chỉ ngỏ với các môn đệ xưa kia mà thôi, nhưng còn cho tôi và quý thầy, ngay tại đây và ngay lúc này. Vậy chúng ta phải làm gì để ở lại trong Chúa Giêsu đây?
Ở lại trong Chúa Giêsu trước hết là sống mối tương quan thân tình với Ngài: nuôi dưỡng một đời sống nội tâm cá vị, liên lỉ và thân mật với Ngài. Mỗi ngày trong chủng viện, khi quý thầy tích cực và chủ động tham dự các Giờ Kinh Thần Vụ, tham dự Thánh lễ, suy niệm Lời Chúa, thực hành các việc đạo đức, hay hồi tâm trước Thánh Thể… là quý thầy đang từng bước đi sâu vào mối tương quan với Chúa Giêsu cách thiết thực nhất. Quả vậy, mục đích của việc đào tạo thiêng liêng trong chủng viện chính là giúp quý thầy đi sâu vào tương quan đích thực với Chúa Kitô và trở nên ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần[6].
Ở lại trong Chúa Giêsu cũng là sống mối tương quan thân tình với cộng đoàn. Điều này được Gioan trình bày trong bài đọc II. Quả vậy, độc giả của thư 1Ga là một cộng đoàn đang chịu nhiều bách hại, cả thù trong lẫn giặc ngoài: vừa chịu ảnh hưởng của những tà thuyết và lạc giáo bên ngoài Giáo Hội, vừa có những rạn nứt về sự hiệp thông bên trong. Chính vì thế Thánh Gioan mới nhắc nhở tín hữu của ngài rằng: đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu cách chân thật và yêu bằng việc làm. Sau cùng, thánh nhân kết luận về điều kiện để có thể ở lại trong Chúa: Ai tuân giữ điều răn của Thiên Chúa mới ở lại trong Ngài, mà điều răn ấy lại chính là “yêu thương nhau”[7]. Như thế, mỗi khi quý thầy từ bỏ ý riêng để vâng phục bề trên và hiệp hành với anh em mình, là quý thầy đang thật sự ở lại trong ý muốn của Chúa và ở lại trong lề luật của Ngài. Như những cành nho trên cùng một thân cây, như những chi thể trong cùng một thân thể, ‘ở lại với Chúa’ cũng là ‘nên một với nhau’.
Cuối cùng, ở lại trong Chúa Giêsu còn là hoán cải chính bản thân mình. Động từ “ở lại”-μένω (mê-nô) gốc Hy Lạp còn có nghĩa là: sống, duy trì, tiếp tục, tuân theo, và trường tồn[8]. Điều này cho tôi một suy nghĩ ý rằng, “ở lại trong Chúa Giêsu” phải là một hành trình tiệm tiến, trước khi là một đích đến. Hành trình đó chắc chắn còn vô vàn những gian nan thử thách, đòi hỏi người môn đệ phải nỗ lực từng ngày. Như lời cầu nguyện của thánh Âutinh: xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con, mỗi khi quý thầy nỗ lực khám phá về huyền nhiệm bản thân mình, kiên trì trên bước đường tự trưởng thành và tự đào tạo, huấn luyện một lương tâm nhạy bén và một con tim biết rung động, thanh lọc ý hướng và biến đổi cách sống của mình, là quý thầy đang “từng bước trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô”[9] và ở lại trong Người. Trở lại với kinh nghiệm mắc COVID, những ngày cách ly còn lại sau đó, tôi đã vượt qua cảm xúc tiêu cực bị loại trừ kia, nhờ sự chăm sóc tận tình của anh em và sự quan tâm của các cha giáo; nhờ việc cầu nguyện và được Chúa đánh động. Sau đợt dịch, tôi đã có một thay đổi lớn nơi bản thân là biết khiêm nhường và hoà đồng hơn trong các mối tương quan với anh em mình và với Thiên Chúa.
Ước mong lời Chúa Giêsu nhắn nhủ trong Chúa Nhật V Phục Sinh này: “Hãy ở lại trong Thầy” luôn là tâm niệm sống cho quý thầy không chỉ trong tuần này, hay chỉ trong giai đoạn đào tạo tại Đại Chủng viện, nhưng còn là trong suốt cuộc đời sứ vụ của quý thầy sau này nữa. Giờ đây, quý thầy hãy tiếp ở lại trong Chúa Giêsu cách thâm sâu nơi Bí tích Thánh Thể mà chúng ta chuẩn bị cử hành.
Giuse Nguyễn Văn Tiềm
Trích dẫn:
[1] X. Gl 2,1.
[2] X. Cv 9,26.
[3] X. Ga 15,6.
[4] Diễn văn từ biệt: từ chương 14 đến chương 17.
[5] Ga 15,4.
[6] X. Ratio về việc Đào Tạo Linh Mục 2016, số 42.
[7] 1 Ga 3,23-24.
[8] Tham khảo từ điển của phần mềm BibleWorks.
[9] X. Ratio về việc Đào Tạo Linh Mục 2016, số 50