Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm B
(Cv 4,8-12; 1 Ga 3,1-2; Ga 10,11-18)
Đồng Hình Đồng Dạng Với Đức Giêsu Mục Tử
Tôi còn nhớ cách đây hơn 10 năm, tôi có cơ hội được cùng với 7 thầy trong lớp đến trải nghiệm hè theo chương trình của Đại chủng viện, tại trại phong Vân Môn thuộc Giáo phận Thái Bình. Quãng thời gian đó để lại nơi tôi rất nhiều kỷ niệm và cảm nghiệm sâu sắc. Tôi đến hòa mình vào nhịp sống của người phong, được nghe chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời của họ, được giúp họ làm những công việc đơn giản nhưng đong đầy ý nghĩa. Nhưng đó là cảm nhận sau khi tôi đã ở đó một thời gian và quen với mọi người, chứ đầu tiên tâm trạng của tôi rất sợ, tôi sợ khi ngửi thấy cái mùi rất đặc trưng của người bệnh phong, nhất là vào mùa hè oi ả. Tôi sợ khi nhìn thấy những khuôn mặt, những cánh tay, những bàn chân đã bị tàn phá bởi căn bệnh tàn ác.
Khi nói đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện về cuộc đời cha thánh Đa Miêng. Ngài là một linh mục trẻ mới 33 tuổi, mang nơi mình biết bao khao khát, dự định và hoài bão về sự dấn thân phục vụ. Ngài đã tự nguyện đến đảo Molokai, được ví như địa ngục trần gian. Nơi đây, những người phong cùi rách rưới, dơ bẩn, nằm la liệt trên đường, kêu gào thảm thiết vì đau đớn. Họ bị gia đình, dòng họ, xã hội ruồng rẫy, xua đuổi đầy ra đảo, vì sợ lây nhiễm và không có thuốc chữa trị. Cha Đa Miêng sống với người phong bằng cả trái tim yêu thương, không sợ hãi và phân biệt đối xử. Ngài ăn uống với họ, đụng chạm đến họ, quỳ xuống để rửa, băng bó những vết thương lở loét, ban những bí tích sau cùng cho những người hấp hối. Chúng ta thấy sự hy sinh dấn thân và can đảm của Cha thánh Đa Miêng lớn biết chừng nào.
Đời sống chứng nhân của cha Thánh Đa Miêng vẽ lên nét đẹp của người mục tử trong thế giới. Ngài là đốm sáng phản chiếu ánh sáng chân dung Mục Tử Nhân Lành minh họa trong Tin Mừng hôm nay. Thiên Chúa không chỉ biết và yêu thương đoàn chiên của Ngài ở trên cao hay yêu từ xa. Nhưng ở đây, Đức Giêsu, Con Thiên Chúa đã trở nên xác phàm và cắm lều giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Ngài mặc lấy tất cả những gì là mong manh, yếu đuối, trần trụi nơi con người. Đức Giêsu đã đi khắp nơi để rao giảng Tin Mừng về Nước Trời, Người chạnh lòng thương khi nhìn thấy đám đông lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt (x. Mt 9,36), Người ngồi đồng bàn với những người thu thuế, động chạm đến những người phong, những người đau yếu bệnh tật để chữa lành họ. Và hơn hết, Người đã hy sinh chính mạng sống khi chấp nhận chịu khổ hình, chết trên thập giá và phục sinh vinh hiển vì ơn cứu độ của đoàn chiên, như Thánh Phêrô đã quả quyết trong bài đọc thứ nhất. Quả thật, cả cuộc đời của Đức Giêsu là một cuộc đời dâng hiến. Mọi sự đều biểu lộ tình yêu, Ngài đã thể hiện một tình yêu đến cùng, tình yêu cao cả hiến mạng vì người mình yêu (x. Ga 15,13). Như thế, Chúa Giêsu chính là hiện thân của người mục tử nhân lành.
Sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã trao phó sứ vụ chăm sóc đoàn chiên cho Giáo Hội qua Thánh Phêrô “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,17). Như thế, qua bí tích Truyền chức, các linh mục trở thành hiện thân của Chúa Kitô nơi trần gian. Các linh mục được mời gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, Mục Tử Nhân Lành. Để làm được điều đó, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi các mục tử hãy mang lấy mùi chiên và sống với mùi chiên. Ngài muốn các mục tử thực sự gần gũi đoàn chiên của mình, đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, Mục Tử Nhân Lành và đồng hình đồng dạng với tất cả những người mà mình được ủy thác chăm sóc.
Trở lại với câu chuyện về cha Đa Miêng, người ta không rõ khi nào thì cha bị lây bệnh phong, nhưng chắc chắn là một ngày trong năm 1884 khi ngài bị phỏng ở chân mà không thấy đau. Căn bệnh tấn công ngài như bất cứ người nào khác: từ từ, chân tay và mặt mũi ngài sưng to và biến dạng. Vào ngày 15 tháng Tư 1889, ngày thứ Hai Tuần Thánh, căn bệnh đã chấm dứt cuộc đời cha Đa Miêng, khi mới 49 tuổi. Chúng ta tự hỏi, động lực nào đã thôi thúc cha dám sống và dấn thân? Phải chăng cha đi tìm sự vinh danh, để trở nên một vị đại ân nhân hay một anh hùng? Như thế thì xem ra bọt bèo quá, khờ dại quá. Nhưng cuộc đời dâng hiến của cha chỉ thực sự có ý nghĩa khi cha nhận ra Thiên Chúa biết và yêu cha, Ngài đã hiến mạng vì cha. Chính sức mạnh tình yêu đó đã giúp cha sống trọn vẹn và hiến mạng cho đoàn chiên bị ruồng bỏ, bị loại trừ. Qua đó, cha Đa Miêng cho ta thấy vẻ đẹp của một cuộc đời, vẻ đẹp của một trái tim thật gần gũi với trái tim của Đức Giêsu, Mục Tử Nhân Lành. Cha đã trở nên giống Chúa Giêsu mục tử hơn bao giờ hết qua chính cuộc đời và cái chết của mình, hầu cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào.
Quý thầy thân mến, không chỉ cha Đa Miêng, nhưng trong Giáo Hội của Chúa, đã và đang có rất nhiều vị mục tử trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, qua đời sống âm thầm, hy sinh phục vụ, trở nên hao mòn như ngọn nến. Bước theo Chúa, tôi và quý thầy cũng được mời gọi họa lại đời mình theo gương mẫu Đức Giêsu, Mục Tử Nhân Lành. Trước lời mời gọi của Chúa vẫn còn đó những thử thách, những khó khăn. Đã có những giây phút tôi sợ hãi khi đối diện với những người phong như kinh nghiệm lúc đầu tôi kể. Quý thầy trong hành trình theo Chúa cũng đã kinh qua những khó khăn, thử thách và đôi lần muốn buông xuôi, bỏ cuộc. Quả thật, hành trình trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu mục tử không bao giờ là dễ dàng, hay có thể thực hiện một sớm một chiều. Nhưng hành trình đó thôi thúc mỗi người nỗ lực hun đúc đời mình cùng với thời gian qua sự hy sinh, dấn thân, quảng đại. Vậy ngay từ bây giờ, được ở mái trường Giêsu, được học với Chúa, chúng ta hãy nỗ lực để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Mục Tử Nhân Lành qua việc học tập, rèn luyện các nhân đức và cùng với Chúa Thánh Thần để tự đào luyện con người mình mỗi ngày trở nên tốt hơn.
Cùng với đó, chúng ta cũng dâng lên Chúa những hy sinh, những ước nguyện làm của lễ, để cầu nguyện cho ơn thiên triệu, xin Chúa cho có nhiều bạn trẻ can đảm, quảng đại đáp lại lời mời gọi đầy yêu thương của Chúa. Qua đó, mỗi người cũng ý thức hơn về hồng ân được Chúa yêu thương, chọn gọi, ngõ hầu giúp mỗi người luôn nỗ lực hoàn thiện bản thân, hân hoan theo Chúa và dấn thân phục vụ. Amen.
Antôn Nguyễn Công Minh