Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật III Phục Sinh – Năm B
(Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24.36-48)
Chiến Thắng Sợ Hãi Với Chúa Phục Sinh
Năm cha được 5 tuổi thì cậu mất. Hôm đó bố mẹ phải về quê để lo đám tang cho cậu, mấy anh em được giao cho trông nhà. Tối hôm đó, cũng chỉ đùa 1 chút, nên ông anh cả đợi lúc cha vào buồng thì khóa cửa, tắt điện rồi dọa ma. Mặc kệ cho đứa em khóc lóc, còn các anh ở ngoài cười mãn nguyện. Từ ngày đó, cha trở nên sợ hãi mọi thứ, nhất là bóng tối. Nỗi sợ ấy khiến cha mất ăn, mất ngủ liên miên.
Chúng con có sợ ma không?
Sẽ có nhiều bạn cũng từng sợ như cha. Thế nhưng nỗi sợ ấy không thấm gì so với nỗi sợ của các Môn Đệ hôm xưa. Sau biến cố tử nạn của Thầy mình, các Môn Đệ hoảng sợ và tán loạn. Họ sợ vì cái chết quá bi thảm của Thầy, đang còn ám ảnh. Họ sợ người Do Thái hãm hại.
Còn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Luca kể, các môn đệ đang tụ họp với nhau thì Chúa Giêsu hiện ra, đứng giữa các ông và bảo: “‘Bình an cho anh em’. Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”. Ngạc nhiên thay, sau lời chúc bình an của Đức Giê-su, lẽ ra các môn đệ phải được bình an, mà đàng này các ông lại vô cùng hoảng loạn. Điều đó cho thấy, đây là nỗi sợ ở mức độ cao nhất trong cuộc đời các môn đệ. Chưa bao giờ mà các ông kinh hãi như thế.
Cuộc sống này cũng có nhiều bóng ma sợ hãi khiến con người rơi bế tắc và cùng khốn. Đó là: ganh ghét, hận thù, bất công, bệnh tật, chiến tranh, xung đột.
Mấy bữa nay chúng ta thấy chiến tranh giữa Nga và Ukraina đang diễn ra thật khủng khiếp. Nó làm cho biết bao người dân vô tội phải hứng chịu hiểm họa khôn lường. Có lần Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói: “Chiến tranh thế giới thứ 3 đang xảy ra từng phần, ở nơi này hay nơi khác”.
Bóng ma chiến tranh cũng đang xảy ra ngay trong gia đình chúng ta, mỗi khi cha mẹ không yêu thương nhau, con cái không vâng lời cha mẹ. Và bóng ma ấy cũng đang xảy ra nơi mỗi chúng ta, khi chúng ta sợ chết, sợ ghét, sợ bị bỏ rơi, sợ thi cử…
Khi phải đối điện với những bóng ma sợ hãi đó, chẳng lẽ: chúng ta cũng như các Môn Đệ chỉ biết hãi hãi và quy hàng sao?
Nhớ lại hồi nhỏ, khi cha còn đang vật lộn với biến cố ám ảnh, sợ ma, bố mẹ của cha lo lắng và tìm cách để chữa trị nhưng không khỏi.
Nhưng rồi một buổi tối nọ, mẹ bị ốm nặng, bố sai cha ra ngoài chuồng lợn cho lợn uống nước. Cha sợ đi một mình nên thưa với bố:
– Bố ơi, con rất sợ bóng tối. Con sợ đi một mình.
Nghe nói thế, ông liền đứng dậy cầm đèn dẫn cha ra trước hiên nhà. Ông thắp đèn đặt vào tay cha và hỏi:
– Với đèn sáng này, con thấy rõ đến đâu?
– Con thấy rõ tới nửa đường ra cổng.
Ông lại bảo cha hãy cầm đèn đi ra tới đó. Khi cha tới nơi, ông hỏi theo: từ đó con nhìn tới đâu nữa?
– Con nhìn tới cổng.
Ông giục cha đi tới cổng. Từ cổng cha nhìn thấy chuồng lợn, thấy rõ ràng từng con lợn.
Từ hiên nhà, ông lại nói vọng ra:
– Con hãy đổ nước cho lợn uống rồi trở về nhà.
Thế là từ đấy cha không còn sợ nữa.
Các con thân mến, nếu trước kia chỉ nhờ ngọn đèn và từng bước hướng dẫn mà bố giúp cha hết sợ ma, thì hôm nay, Chúa Giêsu dùng chính Ánh Sáng Phục Sinh để làm cho các Môn Đệ hết sợ. Nếu như bố chỉ có thể giúp cha hết sợ hãi tâm lý, thể xác; thì Chúa Phục Sinh đã làm cho các Môn Đệ hết cái sợ thẳm sâu, đó là sợ chết. Ngài kiên nhẫn và từng bước giúp cho ông hiểu chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Ban đầu Ngài cho họ xem những vết thương ở tay, chân để giải thích rằng Ngài không phải hồn ma mà là người có xương và thịt thực sự. Họ vẫn còn “chưa tin vì mừng vui và kinh ngạc” thì Ngài lại cùng ăn và giải nghĩa Kinh Thánh cho họ. Nhờ thế, lòng các Môn Đệ bừng sáng và nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện.
Sự hiện diện đó minh chứng chắc chắn rằng: Chúa đã đã sống lại thật và chiến thắng sự chết. Ngài đang hiện diện với chúng ta từng ngày. Ngài hiện diện nơi người nghèo, nơi cộng đoàn, đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể. Chúng ta hãy tin tưởng, phó thác vào sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta sẽ đón nhận được niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh.
Tuy nhiên, niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh không thể chỉ giữ riêng cho mình, nhưng phải loan truyền cho muôn dân, vì Chúa phán“Các con sẽ là chứng nhân cho Thầy”.
Vậy chúng ta làm chứng nhân bằng cách nào?
Có một triết gia từng nói rằng: “Nếu không kinh qua đau khổ thì đừng mong nói về đau khổ cho người khác”.
Quả vậy, nếu ngày trước kia không trải qua biến cố sợ ma làm cho khổ sở, thì hôm nay cha khó có thể cảm thông và chia sẻ nỗi sợ và đau khổ của người khác. Nói như vậy không có nghĩa cha muốn chúng con phải đi tìm đau khổ, tìm sợ hãi… nhưng Chúa muốn chúng con hãy đón nhận đau khổ như ân ban, như phương thế hữu hiệu để đón nhận ân sủng Chúa Phục sinh. Nói cách khác, chúng con hãy làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống vui tươi, lạc quan và tin tưởng của mình vào Chúa.
Cách thế để làm được điều đó là gì?
Bài đọc I, tác giả sách Công vụ Tông Đồ cho ta biết là “ăn năn hối cải, để được xóa bỏ tội lỗi”. Chúng ta hãy khiêm tốn trước mặt Chúa vì con người ai cũng yếu đuối và tội lỗi. Nhất là siêng năng đến với Bí tích Hòa Giải để được Chúa chữa tận căn tội lỗi. Vì tội lỗi là căn nguyên của mọi sợ hãi.
Sợ hãi cũng sẽ được đẩy lui khi chúng ta nhận biết sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Tác giả thư thứ nhất của Thánh Gioan, trong bài đọc 2 dạy: chúng ta hãy “Tuân giữ giới răn của Chúa” để nhận biết sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Vì“Ai nói biết Ngài mà không giữ giới răn Ngài, đó là kẻ nói dối”. Chúng ta tuân giữ giới răn Chúa bằng việc: năng gặp gỡ và đến với Người trong Thánh Lễ, trong giờ kinh tối trong gia đình, nhất là đến gặp Người trong những giờ cầu nguyện riêng tư, một mình đối diện tâm sự thân mật với Chúa.
Đấng Phục sinh khích lệ chúng ta hãy xác tín vào sự hiện diện quyền năng và đầy yêu thương của Người, nhất là sự hiện diện nơi Bí tích Thánh Thể chúng ta sắp cử hành, thì mọi sợ hãi sẽ bị xua tan. Chính mỗi chúng ta, vì được mang danh Chúa Kitô, cũng hãy trở nên khí cụ của bình an, xua tan sợ hãi, lan toả yêu thương và chiếu sáng niềm hy vọng trong cuộc đời. Hãy chiến thắng sợ hãi với Chúa Phục Sinh! Amen.
Phaolô Nguyễn Văn Ninh