Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
(Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
Chủ đề: Chúa Thánh Thần Là Nền Tảng Của Việc Loan Báo Tin Mừng
Cách đây vài ngày, tôi có liên lạc với một người bạn đang tu dòng Phan Sinh, thuộc một cộng đoàn truyền giáo tại Palestine. Khi hỏi về tình hình chiến tranh, anh bạn kể: “chiến tranh đã gây ra hậu quả quá nặng nề cho con người. Thành phố đã nhiều ngày mất điện, mất nước, hệ thống y tế tê liệt, các đoàn cứu trợ quốc tế không thể tiếp cận nạn nhân. Nếu như, bệnh viện là nơi được coi là an toàn nhất, thì nay cũng bị xơ xác bởi bom mìn. Hơn nữa, hàng ngàn người đã chết và không thấy dấu hiệu dừng lại. Đau khổ hơn, tôi phải chứng kiến 4 thầy trong dòng ra đi mãi mãi vì đi cứu trợ nạn nhân. Chính vì cái chết của họ, giờ đây trong dòng bao trùm sự hoảng loạn và bất an”. Sau khi kết thúc cuộc gọi, hình ảnh hậu quả chiến tranh luôn trong tâm trí tôi và tôi đặt câu hỏi, điều gì làm cho người môn đệ của Chúa có thể loan báo Tin Mừng trong tình trạng sợ hãi như vậy? Đây cũng là tâm trạng mà các tông đồ đã trải qua mà chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng.
Sau khi Đức Giêsu bị giới lãnh đạo Do Thái đóng đinh. Các môn đệ rơi vào tình trạng bế tắc cùng cực. Các ông mất định hướng và mất hy vọng. Chính vì vậy, một số người trong các ông đã quyết định trở về quê sinh sống hoặc quay trở lại nghề chài lưới. Những người ở lại thì sống trong cảnh bất an, lo sợ. Nhìn vào hoàn cảnh của các môn đệ lúc này giống như một bức tranh thật u sầu ảm đảm. Các ông như đàn chiên không người chăn dắt. Giới lãnh đạo Do Thái truy lùng các môn đệ ngày đêm. Tương lai của các ông giờ đây chỉ là một mầu đen và không thấy ánh sáng. Các môn đệ vừa lo sợ cho tương lai nhưng cũng lo sợ cho mạng sống của mình. Điều tốt nhất các ông có thể làm lúc này là đóng chặt cửa và ở im trong nhà.
Chính lúc các môn đệ sống trong cảnh không lối thoát như vậy, Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với các ông và nói: “Bình an cho anh em”. Lời chúc của Chúa là nguồn an ủi cho các môn đệ sau bao khủng hoảng. Nhưng sâu xa, lời chúc đó chứng minh một sự thật đang hiện ra trước mắt các ông, đó là Thầy của mình đã sống lại. Quả thật, càng thất vọng và sợ hãi bao nhiêu khi Thầy chịu chết, thì khi gặp lại Người, niềm vui của các ông đã vỡ oà, bởi Thầy đã chiến thắng sự chết và Phục Sinh. Do đó, sự hiện diện của Chúa tại đây và ngay lúc này chính là sự an ủi cho các môn đệ. Tựa như, đứa con bé bỏng đang nằm ốm liệt giường với bao đớn đau, nhưng lời nói dịu dàng cùng với sự hiện của người mẹ sẽ là niềm ản ủi lớn nhất cho đứa con đó: “Đừng sợ, mẹ đây con”. Thế nên, sự hiện diện của Đức Giêsu chính là niềm an ủi cho các môn đệ để đẩy lui sự sợ hãi và khủng hoảng. Đặc biệt, Chúa Giêsu Phục Sinh còn mở ra cho các ông sứ mạng loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho nhân loại.
Chúng ta biết rằng, xuất thân của các môn đệ chỉ là những kẻ chài lưới tầm thường, hay là kẻ thu thuế tội lỗi… Do đó, với sự yếu kém và giới hạn của bản thân chắc chắn các ông không thể loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho nhân loại. Vậy, điều gì làm cho các ông ra đi thực hiện lệnh truyền của Đức Giêsu?
Nối tiếp bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu ban bình an lần thứ hai cho các môn đệ qua việc trao ban Chúa Thánh Thần, để các ông thực hiện lệnh truyền được sai đi. Nếu như cái chết của Đức Giêsu làm cho sứ mạng của các môn đệ đi vào ngõ cụt, thì việc Người hiện ra có mục đích để họ tiếp tục thi hành sứ mạng của Người. Đức Giêsu tiếp tục ban bình an lần thứ hai cho các môn đệ qua việc trao ban Chúa Thánh Thần để các ông làm chứng cho sự phục sinh của Thầy (x. Ga 20, 21). Nhận lấy Thánh Thần cũng chính là mang vào mình hơi thở và sức sống của Đấng đã chiến thắng thần chết và phục sinh. Do đó, các ông có trong mình sức mạnh của Thiên Chúa để vượt thắng sự sợ hãi trước thế gian. Nhưng trên hết, các môn đệ ngụp lặn trong ơn Thánh Hoá của Chúa Thánh Thần, để trong mọi hoàn cảnh, các ông đều có thể thực thi việc loan báo Tin Mừng. Cách cụ thể, trong bài đọc I trích sách Công Vụ Tông Đồ, nhờ sức mạnh của Thánh Thần được trao ban cho các môn đệ. Các ông có khả năng nói được các thứ tiếng lạ đến nỗi dân chúng phải thốt lên: “Nào tất cả những người đang nói đây không phải là người Galilê ư? Nhưng tại sao mỗi người chúng tôi lại nghe họ nói tiếng bản xứ của chúng tôi” (x. Cv 2, …). Rõ ràng, nhờ ơn Thánh Thần của Đấng Phục Sinh, các môn đệ đã được biến đổi trở nên con người can đảm và đầy khả năng để cho Tin Mừng được công bố. Chính vì vậy, Chúa Thánh Thần là nền tảng cho các môn đệ dấn bước ra đi loan báo Tin Mừng.
Kính thưa quý thầy!
Khởi đi từ các Tông Đồ, Giáo Hội của Đức Kitô đã triển nở như ngày hôm nay, chắc chắn có sự sự hoạt động tích cực của Chúa Thánh Thần. Nếu như, Giáo Hội là một dân được Thiên Chúa kêu gọi, thì nhờ Chúa Thánh Thần quy tụ họ trở thành một thân thể mầu nhiệm của Chúa Phục Sinh. Nhắc lại câu chuyện ban đầu, khi gần kết thúc cuộc gọi, người bạn của tôi chia sẻ: “mặc dù cộng đoàn đang lo sợ trước bom đạn, nhưng lạ thay, chính lúc đó anh em trong dòng càng quan tâm, trợ giúp và chia sẻ với nhau nhiều hơn”. Quả thật, ngang qua biến cố chiến tranh, Chúa Thánh Thần hoạt động cách mạnh mẽ để mọi người hiệp thông với nhau trong cùng một đức tin. Để từ đó, mọi người đồng tâm nhất trí, cùng nhau vượt qua thử thách và làm chứng cho sự hiện diện của Chúa Phục Sinh nơi mảnh đất này. Như bài đọc II, thánh Phaolô xác quyết: “Chỉ có một thân thể nhưng có nhiều chi thể, vì trong một Thánh Thần, tất cả chúng ta được thanh tẩy để làm nên một thân thể” (1Cr 12, 12). Bởi vậy, Chúa Thánh Thần không chỉ Thánh Hoá người môn đệ, mà Người còn liên kết mọi người lại với nhau trong một thân thể Đức Kitô. Vì thế, Chúa Thánh Thần là nền tảng của việc loan báo Tin Mừng.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta được mời gọi xác tín Chúa Thánh Thần là nền tảng cho việc loan báo Tin Mừng của mỗi người chúng ta. Quả thật, Chúa Giêsu Phục Sinh đã ban Thánh Thần cho mỗi người chúng ta khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức. Ngoài ra, trong Bí Tích Thánh Thể, chúng ta được kết hiệp với Người cách đặc biệt nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Thế nên, chúng ta hãy thực sự ý thức trong việc rước lễ là đón nhận chính Chúa Giêsu vào lòng. Chắc chắn, có Chúa trong cuộc đời, mỗi người chúng ta sẽ đủ sức mạnh và lòng can đảm đối diện với khó khăn.
Ước mong, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi việc làm, chúng ta ý thức Chúa Thánh Thần là nền tảng của việc loan báo Tin Mừng.
Giuse Nguyễn Văn Lượng