Suy Niệm Tin Mừng – Lễ Chúa Ba Ngôi

Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi

(Đnl 4, 32-34. 39-40; Rm 8, 14-17; Mt 28, 16-20)

Chủ đề: Con Người Là Tuyệt Tác Của Ba Ngôi Thiên Chúa

Tôi có quen một anh ở giáo xứ Hà Đông. Vợ anh là tân tòng, quê ở Đoan Hùng – Phú Thọ. Khi vợ anh mang thai đứa thứ hai, bác sĩ siêu âm nói: “Con của anh chị bị hở hàm ếch lớn và suy dinh dưỡng. Tôi khuyên anh chị nên bỏ đứa bé, vì sinh bé ra cũng rất khó nuôi, trong khi đó anh chị là vợ chồng trẻ”. Xã hội hôm nay nhiều người theo Thuyết ưu sinh. Người theo thuyết này chỉ giữ lại thai nhi khỏe mạnh, không dị dạng. Nếu thai nhi có dấu hiệu dị tật, họ sẽ phá thai. Như thế, lời khuyên của bác sĩ dành cho anh chị là điều bình thường đối với những người theo chủ thuyết ưu sinh này. Nhưng anh chị quyết định giữ lại đứa bé mà không phá thai. Quyết định của anh chị khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Tại sao đôi vợ chồng trẻ ấy lại quyết tâm giữ lại đứa con của mình dù biết tình trạng của bé như vậy? Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần đặt con người trong tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa, mầu nhiệm mà Giáo Hội cho chúng ta cử hành trong Chúa Nhật VIII Thường niên hôm nay.

Lễ Chúa Ba Ngôi được đặt ngay sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, kết thúc mùa Phục sinh và tiếp tục với mùa Thường niên. Giáo Hội nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Đây là mầu nhiệm cao cả và thâm sâu nhất của đức tin Kitô giáo. Nó vượt khỏi tầm suy luận và hiểu biết của con người. Do đó, chúng ta chỉ có thể biết được nhờ Thánh Kinh và Chúa Giêsu.

 Nơi bài đọc thứ nhất, tác giả sách Đệ Nhị Luật đã khắc họa hình ảnh một Thiên Chúa vĩ đại, mạnh mẽ, oai hùng với những chiến công hiển hách. Qua đó, ông kêu gọi dân hãy trung thành với Thiên Chúa để được hạnh phúc và bình an. Nơi bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói rõ ràng cho chúng ta về Ba Ngôi Thiên Chúa trong lệnh truyền giáo. “Anh em hãy đi khắp tứ phương Thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Mầu nhiệm cổ xưa này được chính Chúa Giêsu truyền lại cho Giáo Hội và được Giáo Hội sống cho tới ngày nay. Vậy đâu là vị trí của con người trong Ba Ngôi Thiên Chúa?

Cả vũ trụ này được tạo dựng bởi tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sách Sáng thế chương một và hai diễn tả, Thiên Chúa tạo dựng muôn loài từ hư vô bằng Lời Quyền Năng của Ngài. Riêng con người, Thiên Chúa tạo dựng họ cách tinh tế và khác biệt. Ba Ngôi đặt ra câu hỏi: Chúng ta tạo nên con người thế nào đây? Và Ngài tạo dựng nên con người giống hình ảnh của Thiên Chúa và có nam có nữ, Ngài như một người thợ gốm khi lấy bùn đất mà nặn nên con người, thổi hơi vào lỗ mũi và con người trở thành một sinh vật sống. Như thế, con người là một tuyệt tác của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài là Chúa Giêsu xuống thế để: “mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Khoảng ba mươi tuổi, Người đi rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, chữa bệnh, trừ quỷ. Cuối cùng, Ngài chịu chết trên cây Thánh giá để cứu chuộc con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự chết. Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu gồm cuộc tử nạn, cái chết và sự phục sinh của Người được hoàn tất bằng việc tuôn đổ Chúa Thánh Thần tình yêu cho con người vừa làm cho người Kitô hữu trở nên con cái Thiên Chúa như Thánh Phaolô diễn tả trong bài đọc hai, vừa trao ban sức mạnh để người tín hữu cam đảm sống chứng nhân Tin Mừng giữa lòng dân tộc. Như vậy, vẻ đẹp của một người không hệ tại ở địa vị, tiền tài, danh vọng, chức tước hay những mối tương quan, nhưng vì Thiên Chúa đã đặt con người là trung tâm của công trình sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa. Trong Ba Ngôi Thiên Chúa, tôi và từng người trong anh chị em đều là tuyệt tác.

Đến đây, ta mới hiểu tại sao cặp vợ chồng trẻ ở Hà Đông đã quyết tâm giữ lại đứa con của mình dù biết trước tình trạng của cháu là hở hàm ếch lớn và suy dinh dưỡng. Khi được bác sĩ khuyên phá thai, anh nói với Bác sĩ: “Nó đã là người và là con của tôi, tôi không thể bỏ nó”. Nghĩ lại sự kiện đó, anh tâm sự với tôi, “Chú Hùng ạ, khi bác sĩ thông báo tình hình của cháu Mai, anh lạnh hết người, cảm giác sợ hãi và bất lực bao phủ lấy anh. Anh ngồi phệt xuống ghế và không nói được gì. Lúc đó, anh nghĩ bác sĩ nói đúng. Nhưng mình là người có đạo, giáo lý của Đạo mình dạy con cái là ơn Chúa ban, chính Ba Ngôi Thiên Chúa tạo nên cháu, nhiều người muốn cũng không được, dù cháu có bị như thế thì mai sau cháu nó lớn, anh chị cố gắng dành dụm, cho bé đi thẩm mỹ, còn hơn là bỏ, tội lắm”. Tính tới nay cháu Mai đã được phẫu thuật ba lần, khuôn mặt không còn dấu vết hở hàm ếch, nhưng xinh xắn, đáng yêu. Anh chị kia đã ở cùng đáy của sự đau khổ. Thử hỏi có đau khổ nào bằng đau khổ của người cha người mẹ khi thấy đứa con mình chưa được sinh ra đã mang bệnh như vậy? Trong khi đó họ lại là đôi vợ chồng trẻ. Nhưng họ không bỏ cuộc, họ tin tưởng vào Chúa và Thiên Chúa đã ban cho họ như lòng họ mong ước.

Cộng đoàn phụng vụ thân mến, chúng ta là những người tha hương cầu thực. Nhiều người trong chúng ta có điều kiện, công ăn việc làm ổn định, nhưng hầu hết trong chúng ta là những người nghèo, công việc bất ổn, lương tháng không đều, thâm chí còn bị hiểu lầm hay đè nén. Nếu cái nghèo và sự bất công xã hội là những lý do khiến anh chị em buồn bã, thất vọng thì anh chị em luôn có một lý do để vui mừng và hi vọng là anh chị em là tuyệt tác của Ba Ngôi Thiên Chúa. Với Thiên Chúa, từng người trong anh chị em là duy nhất và vô giá. Thiên Chúa đồng lao cộng khổ với anh chị em. Ngài đón nhận những khổ sở của anh chị em và trao ban cho anh chị em ơn thánh và niềm hi vọng. Trong Ba Ngôi Thiên Chúa anh chị em không đơn độc. Thiên Chúa đã yêu chúng ta như vậy đó. Vậy chúng ta đáp lại tình yêu ấy bằng cách nào?

Khi anh chị em tham dự Thánh Lễ, anh chị em hãy tham dự cách sốt sáng và chăm chú, đặc biệt là phần cử hành Thánh Thể. Bởi vì, Thánh Thể mà lát nữa chúng ta cử hành chính là một bữa tiệc của Ba Ngôi Thiên Chúa dọn ra cho chúng ta với của ăn của uống là Mình và Máu Chúa Giêsu.

Song song với đó là hành động yêu thương bản thân mình và người khác. Từng người trong chúng ta là một tuyệt tác của Thiên Chúa. Do đó, mỗi người hãy tự tin vào bản thân, yêu mến đời sống mà Thiên Chúa đã trao ban dù đời sống ấy có nhiều điều không dễ chấp nhận. Đồng thời, mỗi người hãy thay đổi cái nhìn của mình về người khác. Ngay tại đây, lúc này, hay khi anh chị em bước ra khỏi nhà thờ, gặp gỡ bất cứ ai đó dù họ nghèo đói, bệnh tật, què quặt, đui mù, điếc lác, bẩn thỉu hãy tôn trọng, nâng đỡ và trợ giúp họ trong khả năng của mình, như thánh Phaolô khuyên:“kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu” (2Cr 8,15), để đời sống của mỗi người trong anh chị em là phản ánh tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa với anh chị em mình. Amen.

Giuse Nguyễn Văn Hùng