bài 1 – DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN
Is 11,1-10; Rm 15,4-9;Mt 3,1-12
Ngày ấy, Gioan Tẩy Giả đến giảng trong hoang địa xứ Giuđêa rằng: “Hãy ăn năn thống hối, vì nước trời gần đến”. Chính ông là người mà Tiên tri Isaia đã tiên báo: “Có tiếng kêu trong hoang địa rằng: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”. Bởi vì chính Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Bấy giờ dân thành Giêrusalem, khắp xứ Giuđêa và các miền lân cận sông Giođan tuôn đến với ông, thú tội và chịu phép rửa do tay ông trong sông Giođan. Thấy có một số đông người biệt phái và văn nhân cũng đến xin chịu phép rửa, thì Gioan bảo rằng: “Hỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham. Vì ta bảo cho các ngươi hay: Thiên Chúa quyền năng có thể khiến những hòn đá trở nên con cái Abraham. Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, để các ngươi được lòng sám hối; còn Ðấng sẽ đến sau tôi có quyền năng hơn tôi và tôi không đáng xách giày Người. Chính Ðấng ấy sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”.
“Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Hẳn chẳng phải vô cớ mà vào Chúa Nhật thứ II Mùa Vọng trong cả ba Năm Phụng Vụ ABC, Giáo hội đều cho chúng ta nghe lại lời mời gọi: “Hãy dọn đường”. Trong cuộc đời mỗi người, chắc hẳn đã đi qua nhiều con đường, có con đường thì bằng phẳng dễ đi, có con đường lồi lõm khó chịu, và có những con đường vòng vèo khó đi. Như thế, phải chăng con đường tâm linh nối kết mỗi người chúng ta với Thiên Chúa cũng đang có vấn đề?
Để Chúa đến với ta
Trong các thành phố lớn, các con đường trọng điểm luôn bị ùn tắc, cho nên các nhà chuyên trách đã phải đưa ra nhiều dự án, đề nghị nhiều biện pháp hầu khắc phục. Lời Chúa hôm nay, cũng nhắc nhở chúng ta hãy xét lại lương tâm, hãy nhìn lại cách sống để mau chóng dọn dẹp đi những gì gây cản trở, không thuận lợi cho việc đón Chúa.
Có người sẽ nghĩ: Chúa đã đến trần gian từ lâu rồi, thế thì việc dọn đường đón Chúa liệu có ích gì? Có một lần tôi đi thăm khu bảo tàng dân tộc học ở Hà Nội cùng với lớp học của mình, khi tính toán mua vé vào đầy đủ, nhưng khi soát vé thì thiếu mất một chiếc, và tôi là người phải quay lại quầy để mua thêm vé họ mới cho vào trong. Cũng thế, Con Thiên Chúa đã đến trần gian bắc một nhịp cầu nối liền giữa Trời và Đất, giữa thiên đàng với trần gian, để con người và Thiên Chúa có thể gặp gỡ nhau. Điều đáng buồn là Thiên Chúa đến, nhưng con người vì lý do nào đó nhiều khi đã cản trở Người. “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” ( Ga 1, 11 ). Vì thế, dù Chúa đã đến hơn 2000 năm nay, nhưng vẫn cần những con đường để Chúa đến với mỗi người chúng ta.
Để có một con đường
Có lẽ nhiều người chúng ta đã từng đi tới sân bay Nội Bài, và để đến đó thường đi trên tuyến đường trên cao, một con đường thuận lợi hơn cho việc từ các tỉnh đến sân bay, vì nếu đi tuyến đường phía bên dưới thì sẽ gặp nhiều phương tiện lưu thông, ùn tắc, gây ảnh hưởng cho việc di chuyển có khi đến sân bay trễ giờ. Cho nên, dù tốn kém công của và sức lực, nhà Nước và những nhà chuyên môn vẫn quyết tâm hoàn thành con đường vành đại 3 ngày nay.
Nhìn vào cuộc sống tâm linh, có lẽ tâm hồn chúng ta cũng giống như con đường còn nhiều ngổn ngang kia. Cũng có những “ổ gà” lởm chởm của kiêu ngạo, những “ùn tắc vì chen nhau lấn đường” của hẹp hòi ích kỷ, những quanh co của gian dối bất công… Chúng ta còn đưa thêm vào tâm hồn mình những thứ không cần thiết như giận hờn, ghen tương, đố kỵ… Điều đó chẳng khác gì như làm tăng thêm lượng xe cộ khiến cản trở lưu thông, cản trở ta đến với Chúa. Như người ta đã dám đầu tư vào những con đường thế nào, chúng ta cũng cần phải can đảm điều chỉnh lại đời sống của mình. Biết rằng làm như thế là đồng nghĩa với hy sinh mất mát, nhưng nếu không đánh đổi thì sẽ chẳng bao giờ có được con đường đẹp, ý nghĩa và thuận lợi để Chúa đến với ta.
Làm người dọn đường
Có những con đường đã mở nhưng lại chưa thông thoáng. Cũng có những con đường cần phải thường xuyên dọn hằng ngày. Bởi thế, không thể thiếu những con người dọn đường. Gio-an Tẩy Giả đã đóng vai trò người dọn đường cách tuyệt vời. Cả cuộc đời ông là một lời kêu gọi. Cả cuộc đời ông chính là con đường. Ông sống cảnh tỉnh mỗi ngày để luôn sẵn sàng dọn đường đón Chúa trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói, Gio-an đã dành cả một đời để dọn đường.
Thời nào Thiên Chúa cũng cần có những người dọn đường, Gio-an trong chính cuộc sống dám vang lên tiếng kêu thức tỉnh nhân loại, biết làm chứng để cho con người nhận ra ơn cứu độ đã được ban tặng. Dọn đường là dám lội ngược dòng, không thể sống y như mọi người, nhưng là sống theo Tin Mừng của Chúa. Nếu ai cũng tham gia giao thông cách vô kỷ luật, thì làm sao tránh khỏi nạn kẹt xe, tai nạn giao thông tăng lên từng ngày. Dọn đường là chấp nhận bị thua thiệt, bị khước từ, đôi khi bị chê cười. Người dọn đường không chọn lối sống lập dị, cô lập, khác người nhưng dám sống một cuộc sống khiêm nhường, giản dị theo hướng Tin Mừng, giữa một thế giới đang hòa mình vào những đam mê dục vọng, dựa vào khoa học phát triển mà quên dần hình bóng của Thiên Chúa.
Tóm lại, Mùa Vọng là thời điểm thuận lợi cho mỗi người chúng ta xem xét lại con đường dẫn ta đến với Chúa, đến với anh em. Nếu con đường đó, còn nhiều chỗ chưa được hoàn thành, lồi lõm, khó đi, thì hãy dành thời gian và cố gắng để hoàn thành. Cuộc đời chúng ta cũng là một Mùa Vọng để chuẩn bị cho Chúa đến. Khi Chúa đến, nếu con đường của chúng ta đã san bằng thẳng ngay, thì chứng tỏ chúng ta đã sống Mùa Vọng đời mình trong tinh thần luôn sẵn sàng và đầy ý nghĩa. Amen.
BÀI 2 XÂY DỰNG NƯỚC THIÊN CHÚA TRONG CÔNG BÌNH VÀ BÁC ÁI
Lời Chúa hôm nay, cho chúng ta thấy tương lai tốt đẹp chính là Nước Thiên Chúa. Trong Nước này, chính Thiên Chúa sẽ trực tiếp cai trị và mọi công dân sẽ sống hạnh phúc trong công bình và bác ái.
Giấc mơ thái bình
Chắc hẳn mỗi người đã từng đọc báo, xem ti-vi, tin tức mỗi ngày cho chúng ta thấy thế giới không được thái bình. Thế giới của con người là chiến tranh, chiến tranh và chiến tranh. Bao nhiêu là chết chóc, bao nhiêu là sợ hãi, bao nhiêu là nước mắt. Các nhà du hành vũ trụ là những người đầu tiên được nhìn thấy trái đất từ bên ngoài. Từ ngoài vũ trụ nhìn vào, họ thấy trái đất như một gia đình đông đúc cùng cư ngụ trong một mái nhà chung. Một nhà du hành kể: Ngày thứ nhất trong vũ trụ, mọi người chúng tôi ai cũng nhìn xuống tìm đất nước của mình; ngày thứ hai tìm lục địa của mình, và ngày thứ ba ai nấy đều ý thức mình cùng chung một trái đất.
Trên đây là hai cái nhìn vào trái đất và loài người: một cái nhìn từ bên ngoài và một cái nhìn từ bên trong. Trong bài đọc I, Ngôn sứ I-sa-i-a cũng dùng một cái nhìn từ bên ngoài để mô tả cảnh thái bình mà ông nghĩ sẽ được thực hiện vào thời đại Mê-si-a: “Sói sống chung với chiên con, beo nằm chung với dê, bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm ngủ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô; trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc; các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào…” Đức Giê-su chính là Đấng Mê-si-a. Khi Người đến, Người đã thiết lập thời đại thái bình ấy. Thánh Mac-cô kể rằng trong 40 ngày ở hoang địa, Đức Giê-su đã sống chung một cách hòa thuận với các dã thú, và các thiên sứ hầu hạ Người (Mc 1,12). Giáo hội thời sơ khai cũng là một cảnh thái bình. Sách Công vụ tông đồ viết: “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền thờ. Khi làm lễ Bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến” (Cv 3,44-47). Nhưng rồi cảnh thái bình ấy đã dần dần biến mất: con người đối xử với nhau còn tệ hơn dã thú, thay vì chia sẻ cho nhau thì lại tranh giành với nhau, thay vì tất cả đồng tâm nhất trí thì mỗi người một ý không ai chịu ai, … Trong Mùa Vọng, chúng ta hãy nỗ lực tái tạo cảnh thái bình ngày xưa, ít ra là trong gia đình mình, trong khu xóm mình, trong giáo xứ, giáo phận và trong tập thể mà mình đang sống.
Thông cảm, tiếp rước và phục vụ
Khi Thánh Phao-lô muốn dạy các tín hữu phải sống với nhau thế nào để cộng đoàn Giáo hội của họ thực sự là một cuộc sống hạnh phúc trong Nước Chúa, Người đã chỉ cho họ 3 việc: thông cảm, tiếp rước và phục vụ nhau. Thông cảm: phải chăng lý do khiến nhiều người giận nhau, chỉ trích và kết án nhau… là vì họ chưa thông cảm cho nhau? Tiếp rước: phải chăng nguyên cớ của những cảnh “mạnh ai nấy sống”, “đèn nhà ai nhà nấy sáng”, “sống chết mặc bay”… là vì họ không tiếp rước nhau? Phục vụ: phải chăng nguồn gốc của những chèn ép, tranh giành, ích kỷ… là vì họ chưa phục vụ nhau? Thử tưởng tượng một tập thể mà ai cũng đều thông cảm, tiếp rước và phục vụ nhau. Cảnh tượng đó sẽ chẳng kém gì giấc mơ thái bình của ngôn sứ I-sa-i-a và bức tranh tuyệt vời của cộng đoàn tín hữu thời sơ khai.
“Hãy dọn đường Chúa”
Thánh Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II đã nói: “Con người là con đường của Giáo hội”. Nhưng có nhiều con đường rất khác nhau. Có những con đường toàn dây kẽm gai, đó là con đường của những kẻ thù hận nhau, nó ngăn chặn những tương giao qua lại. Có những con đường đầy ổ phục kích, đó là con đường của những kẻ cạnh tranh nhau, chờ cơ hội để khai thác nhau, lợi dụng nhau, làm hại nhau. Có những con đường hầm u tối, đó là con đường của những kẻ lọc lừa, gian dối. Có những con đường quanh co trong rừng rậm, đó là con đường của những kẻ lén lút sống trong vòng tội lỗi. Có những con đường gồ ghề lồi lõm, đó là con đường của những kẻ mang một tật xấu thâm căn cố đế, hoặc kiêu căng, hoặc hà tiện, hoặc đam mê sắc dục… Có những con đường cỏ dại mọc đầy, đó là con đường của những kẻ không vướng mắc tội nặng nhưng còn rất nhiều tội nhẹ. Có những con đường sa mạc cát nóng, đó là con đường của những kẻ khô khan việc đạo. Và cũng có những con đường thẳng tắp, đó là con đường bình an của những kẻ đạo hạnh, ngày càng tiến nhanh về Chúa.
Cuộc đời mỗi người chúng ta là một con đường: Con đường hai chiều đưa ta đến với Chúa và Chúa đến với ta, hay đưa ta đến với tha nhân và tha nhân đến với mình. Đó chính là con đường mà Chúa Giáng Sinh muốn đi, đi để đến với ta, và qua ta để đến với tha nhân. Người đến để mang cho chúng ta muôn ơn lành: ơn bình an, ơn hạnh phúc, ơn đạo hạnh. Dù lời mời gọi của thánh Gio-an Tẩy giả: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng” đã có từ rất lâu, nhưng vẫn rất phù hợp với mọi người hôm nay. Vì ở đâu có tội lỗi, ở đó rất cần ơn ăn năn sám hối. Bạn và tôi có tội. Cách duy nhất để dọn đường và sửa đường đón Chúa ngự vào tâm hồn là ăn năn sám hối. Amen.