Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa

Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21

Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi, họ gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. Thấy thế, họ liền kể lại điều đã được nói với họ về Hài Nhi này. Nghe các người chăn chiên thuật chuyện, ai cũng ngạc nhiên. Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói với họ.  Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, nghĩa là đến lúc phải làm lễ cắt bì, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su; đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ.

ĐỨC MA-RI-A, MẪU GƯƠNG TUYỆT VỜI

 Hôm nay, ngày đầu tiên của năm mới, nguyện chúc cộng đoàn nhiều ơn thánh và bình an của Chúa xuân, nay cũng là ngày cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa nguyện cầu bình an cho toàn thế giới.

Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa- một đặc ân

Đức Ma-ri-a được ban cho bốn đặc ân rất cao trọng đó là: Ơn Vô nhiễm nguyên tội, ơn Đồng trình trọn đời, ơn Hồn xác lên trời và đặc ân hôm nay cộng đoàn chúng ta mừng kính là ơn làm Mẹ Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ cách đúng đắn, những tước hiệu này có thể làm cho chúng ta hiểu lầm, bối rối và thắc mắc. Trong bài chia sẻ này, tôi xin đề cập đến ơn làm Mẹ Thiên Chúa. Có lẽ, nhiều người đã từng thắc mắc Đức Mẹ là một con người bình thường như bao người phụ nữ khác nhưng lại làm Mẹ Thiên Chúa có phải là một sự phạm thượng không? Làm sao một thụ tạo bất toàn lại có thể sinh ra Thiên Chúa được?

Quả thật, thắc mắc này không phải bây giời mới đặt ra mà đã có từ rất xa xưa. Vào khoảng năm 428 Nestorius, giám mục ở Constantinople, phủ nhận tước hiệu này. Ông đã chủ trương rằng: “Chúa Giê-su có hai bản tính nên có hai ngôi vị. Đức Ma-ri-a chỉ là Mẹ của ngôi vị nhân tính của Chúa Giê-su, nên không phải là Mẹ Thiên Chúa”. Ông cho rằng: Đức Ma-ri-a chỉ là mẹ Chúa Giê-su theo nghĩa nhân danh sổ hộ khẩu ở trần gian, chứ không thể là Mẹ Thiên Chúa được.

Trước lạc giáo này thì công đồng chung được nhóm họp tại Ê-phê-sô vào năm 431 để giải quyết và đưa ra tuyên tín rằng: “Ngôi Lời Thiên Chúa đã kết hợp với  nhục thể trong lòng Đức Ma-ri-a, do đó Đức Ma-ri-a đã sinh ra Ngôi Lời nhập thể, và đáng được gọi là Mẹ Thiên Chúa”. Tước hiệu này không có nghĩa là Đức Ma-ri-a là người sinh ra Ba Ngôi Thiên Chúa, nhưng là người sinh ra Chúa Giê-su Ki-tô, là Thiên Chúa thật và là người thật, nên Đức Ma-ri-a được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Đây là tín điều được Giáo hội tuyên xưng, là chân lý đức tin buộc mỗi người chúng ta phải tin.

Đức Ma-ri-a mẫu gương tuyệt vời

Mỗi khi cử hành lễ Mẹ Thiên Chúa, chúng ta không chỉ dừng lại ở việc suy tôn và chiêm ngắm dung mạo cao cả của Đức Mẹ, nhưng chúng ta còn được mời gọi hãy noi gương Mẹ để sống như Người đã sống. Thánh Lu-ca đã nhắc đi nhắc lại mẫu gương của Mẹ: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”. (Lc 2,19.51).

Mẹ là mẫu gương của người luôn biết lắng nghe Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và đem ra thực hành trong chính đời sống của Mẹ. Trước khi mang Ngôi Lời trong dạ, Mẹ là một con người tuyệt vời trong đời sống, Mẹ đã cưu mang Lời Chúa trong tâm hồn. Mẹ quả là gương mẫu tuyệt hảo cho mỗi chúng ta về việc lắng nghe và thực hành lời của Chúa. Cũng chính nhờ đời sống đức tin cách xâu xa mà Đức Mẹ Ma-ri-a mới sẵn sàng thưa lời “Xin vâng”.

Từ lời xin vâng của Mẹ, một kỷ nguyên mới được mở ra: Thiên Chúa đã đi vào giữa lòng nhân loại; Ngôi Hai đã nhập thể nơi cung lòng của Mẹ… Thế nhưng, cũng từ khi nói lời xin vâng đó, Mẹ bắt đầu đón nhận biết bao khó khăn thử thách, gian nan. Gian nan khi không tìm được chỗ trong quán trọ, mặc dù đã đến ngày sinh; gian nan khi đang trong đêm phải cùng thánh Giu-se và con trẻ trốn sang Ai-cập, vì người ta đang lùng để giết Hài Nhi Giê-su; gian nan khi bị lạc mất con trong đền thờ 3 ngày…; và nhất là khi đứng dưới chân thập giá để chứng kiến cái chết của người con một yêu dấu của mình. Thử hỏi, có người mẹ nào cầm lòng được, khi phải chứng kiến cảnh người ta hành hạ đứa con mình rứt ruột đẻ ra?  Trong khi Mẹ Ma-ri-a còn hơn cả một người Mẹ, thử hỏi, Mẹ không đau đớn sao được! Nếu Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa, thì mỗi Ki-tô hữu chúng ta cũng được chia sẻ vinh dự đó. Bởi vì, chính Chúa Giê-su đã nói: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những người đã nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 8,21).

Giáo hội là mẹ, nghĩa là Giáo hội, và mỗi người trong chúng ta tiếp tục sứ mạng của Đức Ma-ri-a, là những người tiếp tục sinh hạ Chúa Ki-tô cho người khác. Để làm được điều đó, chúng ta cần biết sống cho đi, bằng tinh thần phục vụ hy sinh, bằng lời cầu nguyện và đời sống chứng tá của chúng ta. Mỗi người trong trách vụ của mình cần biết hướng dẫn người khác trong việc học hỏi Lời Chúa, dạy giáo lý, huấn luyện đức tin cho con cái và giới trẻ, cùng giúp các em thiếu nhi trong giáo xứ biết sống theo gương Mẹ Ma-ri-a mà chăm chỉ cầu nguyện – hy sinh – rước lễ và làm việc tông đồ. Dẫu biết rằng, để thực thi sứ vụ tông đồ mà Thiên Chúa trao phó nơi mỗi người sẽ gặp phải những khó khăn và thử thách, nhưng có Đức Mẹ ở bên cùng đồng hành với chúng ta, Đức Mẹ cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta, nên chúng ta hãy can đảm vượt qua mọi rào cản để cùng nhau loan báo Lời Chúa đến với anh chị em của mình, nhất là những người đang khao khát chân lý và niềm tin.

Lễ Mẹ Thiên Chúa kết thúc tuần Bát Nhật Giáng Sinh làm tỏa sáng vẻ đẹp kỳ diệu của tình yêu cứu độ. Ngôi Hai đã vâng phục nhập thể cứu rỗi nhân loại. Với tiếng xin vâng, Đức Ma-ri-a làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể và làm Mẹ hết thảy những ai được tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Đức Ki-tô. Ngày đầu Năm Mới, xin Mẹ ban bình an và cho chúng con thêm tuổi thêm khôn ngoan, thêm nhân đức, thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Amen.