Lễ Thánh Gia Thất

Hc 3,2-6; Cl 3,12-21; Mt 2,13-15.19-23

Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”. Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa. Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: “Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết”. Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: “Người sẽ được gọi là Nadarêô”.

ĐỀ GIA ĐÌNH ĐƯỢC HẠNH PHÚC

Hôm nay, chúng ta long trọng cử hành lễ Thánh Gia Thất, là gia đình của Chúa Giê-su, trong đó có mẹ Ma-ri-a, thánh cả Giu-se và Chúa Giê-su. Đây là mẫu gương gia đình tuyệt vời mà mỗi gia đình Ki-tô giáo cần noi theo nhất là khi đối diện với khó khăn và thử thách. Bên cạnh những lo lắng về đời sống vật chất, chúng ta cũng cần suy nghĩ về những đức tính cần thiết để nuôi dưỡng đời sống gia đình ngày trở nên hoàn thiện hơn, những đức tính đó đều có nơi gia đình thánh gia mà chúng ta mừng lễ hôm nay.

Những phẩm chất cần có

Trong bài đọc I, trích sách huấn ca, chúng ta nhận thấy rằng một gia đình luôn có niềm vui và hạnh phúc khi mỗi thành viên trong gia đình biết yêu thương và giúp đỡ nhau. Nhờ đó, gia đình sẽ trở thành mảnh vườn để các nhân đức phát triển. Nếu con cái biết sống hiếu thảo với ông bà cha mẹ và cha mẹ biết quan tâm, chăm sóc và yêu thương con cái, thì gia đình đó sẽ đầm ấm hạnh phúc. Đặc biệt, con cái cần ý thức chăm sóc và nuôi dưỡng cha mẹ khi họ về già, ốm yếu, đây là cơ hội để người con tỏ lòng hiếu thảo với họ, vì chính các ngài đã dành cả đời tần tảo nuôi dạy con cái. Đây cũng là yếu tố chính yếu của một gia đình muốn trở nên thánh thiện. Như vậy, thảo hiếu với ông bà cha mẹ và chăm sóc dạy dỗ con cái không chỉ là hiện diện với nhau khi cuộc sống thịnh vượng và bình an, hay chỉ khi cơm lành canh ngọt, nhưng cả khi gia đình gặp thử thách gian nan, đau yếu, già nua, bệnh tật… đó là lúc chữ Hiếu được thể hiện cách rõ nét nhất.

Trong bài đọc II, cho chúng ta thấy, tình yêu hay lòng bác ái là yếu tố, là mối giây giữ cho gia đình được thuận hòa ấm êm. Tuy nhiên, tình yêu mà thánh Phao-lô nói ở đây bằng những hạn từ rất cụ thể, Người nói với các thành viên trong gia đình rằng: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”. Đồng thời, Người nhắn nhủ với những người làm vợ rằng: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa”.  Người nhắc bảo những ai làm chồng: “Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt vợ”. Cuối cùng, Người khuyên bảo những ai làm cha mẹ và làm con: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc cha mẹ đừng làm con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng”.

Trên đây quả là những lời nhắn nhủ thật quan trọng cho mỗi gia đình chúng ta, gia đình là trường học, là môi trường để cho mỗi thành viên phát triển nhân cách và nên thánh. Nhất là trong những lúc gặp khó khăn thử thách, tình yêu thương sẽ giúp gia đình đứng vững và vượt qua được khó khăn đó.

Gia đình thánh gia

Gia đình Na-da-rét là một gia đình như bao gia đình khác. Chúng ta thấy hình như các gia đình thánh gia đều nghèo. Vì nghèo không có vốn đầu tư kinh doanh nên gia đình Na-da-rét phải lấy sức mình ra làm việc để sinh sống. Trong đó, thánh Giu-se làm thợ mộc, Đức Ma-ri-a làm nội trợ suốt ngày bận rộn với những việc nấu nướng, giặt giũ, may vá, quét dọn… Chúa Giê-su khi còn nhỏ thì phụ giúp cha mẹ, lớn lên nối nghiệp thánh Giu-se làm nghề thợ mộc. Đây là một gia đình lao động, tay chân. Chúng ta biết rằng, lao động tay chân thì vất vả: Đổ mồ hôi, tay chân chai sạm, quần quật suốt ngày… nhưng vẫn không có nhiều của cải dư giả.

Trong bài Tin Mừng, ta tìm thấy hai bằng chứng về tình trạng không dư giả của gia đình Na-da-rét: Thứ nhất, khi ông bà dâng Chúa Giê-su vào Đền Thờ cùng với lễ vật theo luật định, những gia đình khác người thì: Dâng tiền, dâng chiên cừu, còn gia đình của thánh Giu-se chỉ dâng có một đôi chim câu là thứ lễ vật của những người nghèo. Thứ đến, khi đi Bê-lem, hai ông bà không có tiền thuê nhà trọ nên đành phải trú chân trong hang đá, chỗ làm nơi tạm trú cho súc vật. Gia đình này không dư dả. Vì không có dư giả nên dĩ nhiên cũng có những lúc túng thiếu, những ngày lo âu vì miếng cơm manh áo. Vì túng thiếu nên cũng dễ hiểu không được người đời coi trọng mà còn bị khinh chê. Ta nhớ lúc Chúa Giê-su đã đi rao giảng mà vẫn còn có người nhận xét về Người bằng một giọng khinh chê “Con ông thợ mộc như thế mà là Đấng Cứu thế cái nỗi gì”.

Nhưng gia đình Na-da-rét lại khác tất cả các gia đình khác: Khác ở chỗ tự ý chọn cuộc sống lao động chân tay nghèo nàn, là Con Thiên Chúa, Chúa Giê-su có thể chọn sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng Người đã chọn sinh ra trong một gia đình lao động nghèo nàn như thế. Khác ở chỗ mặc dù nghèo nhưng những người trong gia đình này không lục đục với nhau như thường thấy trong các gia đình gặp khó khăn, thử thách: Khi túng thiếu chúng ta sinh ra bực bội, gắt gỏng, gia đình hay xung đột với nhau. Khác ở chỗ dù nghèo nhưng không gian tham, trộm cắp như thường thấy trong nhiều gia đình.

Gia đình chúng ta

Trong thực tế cuộc sống chúng ta nhận thấy, có nhiều gia đình giàu đang sống trong bất hòa: Chồng thì say sưa, ngoại tình, vợ thì cờ bạc, ngồi lê đôi mách, con cái thì đua đòi, chơi bời lêu lỏng, tập tành nhiều thói xấu. Ngay cả những gia đình nghèo nhưng không biết thu xếp công việc, cho con cái đi chơi suốt ngày thì chúng cũng hư: Làm biếng, trộm cắp, ăn nói sàm sở, chửi thề nói tục, đủ thứ…Tuy nhiên, nhiều gia đình biết tổ chức công việc rất khéo: Con cái những bạn còn nhỏ thì giao cho chúng những việc nhỏ, như quét nhà, rửa chén, giữ em; những bạn lớn hơn thì tập cho chúng may vá, nấu cơm, nuôi heo, làm vườn, làm gia công những đồ tiểu thủ công nghiệp… Giờ nào học thì học, còn những giờ khác thì làm việc, ai cũng có việc tùy theo độ tuổi và sức khỏe. Dần dần thành nếp, mọi người đều cần cù siêng năng, biết dùng thời giờ của mình làm việc hữu ích, biết giá trị của đồng tiền và nhờ đó biết tiết kiệm không hoang phí. Nhờ đó, những gia đình tuy nghèo nhưng không đến nỗi thiếu thốn vì ai cũng siêng năng và biết xoay sở.

Ngược lại, trong một số gia đình chúng ta, cha mẹ thì làm ăn rất là vất vả nhưng con cái thì lại không tập cho chúng làm, để chúng đi chơi hầu như suốt ngày. Chúng vừa chẳng giúp gì cho gia đình, vừa là một gánh nặng cho gia đình, lại vừa lây nhiễm đủ thứ thói xấu ngoài xã hội. Đó là những gương sáng và gương xấu.

Nguyện xin Chúa giúp mỗi người biết sáng suốt để chọn lựa. Hơn hết và trên hết mỗi gia đình chúng ta hãy noi gương gia đình Na-da-rét để mỗi ngày hoàn thiện và thánh thiện hơn. Amen.

Vô Danh