Chúa Nhật IV Mùa Vọng A

Is 7,10-14; Rm 1,1-7;Mt 1,18-24

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, bạn của bà, là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy thì thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse, con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần: bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng Tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”. Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Maria sinh con trai đầu lòng, thì Giuse đặt tên con trẻ là Giêsu.

EM-MA-NU-EL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA

Trong suốt Mùa Vọng, chúng ta mong chờ Đức Giê-su đến, chúng ta có thời gian để chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Nhưng chúng ta mong chờ Người mang gì đến cho chúng ta: Tiền bạc? Danh vọng? Sức khoẻ? Hay là gì khác? Lời Chúa hôm nay trả lời rằng: Người mang đến cho chúng ta chính bản thân Người, bởi vì Người là Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Đối với truyền thống Do Thái, tên gọi diễn tả một thực tại. Khi một người được đặt tên, thì tên gọi đại diện cho người đó. Tên gọi nói lên sứ vụ và căn tính của họ, họ hành xử theo tên gọi của mình. Vậy Em-ma-nu-el có nghĩa là gì?

Trong bài đọc I, tiên tri I-sa-i-a giới thiệu cho chúng ta về nhân vật A-khát. Khi ấy vương quốc Giu-đa đang bị đe dọa. Ngôn sứ I-sa-i-a khuyên vua A-khát đừng sợ, hãy trông cậy vào sự trợ giúp của Thiên Chúa. Nhưng vua A-khát hoài nghi. Để khuyến khích nhà vua thêm tin tưởng, I-sa-i-a cho nhà vua một dấu chỉ: “Này đây một phụ nữ sẽ thụ thai, sinh một con trai, và tên con trẻ sẽ là Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở với chúng ta” (Mt 1,23). Lời tiên tri này trước tiên ứng vào hoàn cảnh của vua A-khát: Quả thực, sau đó hoàng hậu, vợ vua A-khát đã thụ thai và sinh cho nhà vua một thái tử. Việc sinh ra thái tử là dấu chỉ chứng minh rằng Thiên Chúa sẵn sàng phù hộ cho vua A-khát nếu ông thực lòng trông cậy nơi Người.

Và lời tiên báo của tiên tri I-sa-i-a đã thành hiện thực, một người con trai đã được sinh ra từ cung lòng một người phụ nữ như lời đã hứa; tên con trẻ được đặt là Em-ma-nu-el, có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Thiên Chúa ở với dân Người và bảo vệ dân bằng sự hiện diện của mình. Như vậy, danh Gia-vê có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện ở bên cạnh và sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của con người, ý nghĩa đó được thể hiện nơi Đấng Em-ma-nu-el. Sự hiện diện này được ban cho chúng ta như là một món quà, mặc dù bị từ chối nhưng Thiên Chúa luôn đi bước trước. Ta sẽ ở với ngươi, vì Ta là Đấng Em-me-nu-el.

Đức Giê-su là Đấng Em-ma-nu-el

Đức Giê-su là Em-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Chỉ cần một so sánh rất tầm thường, chúng ta sẽ thấy đó là một ơn rất to lớn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người đã đến và ở với loài người qua công trình tạo dựng, qua lời Người trong Kinh Thánh và trong con người của Đức Giê-su ở giữa chúng ta. Chúa Giê-su theo bài đọc II diễn tả, Người thực sự là con người được xuất thân từ dòng tộc Đa-vít, Người thực sự là con của Đa-vít, đến từ dòng dõi vua, Người thực sự là con người. Người không chỉ là một con người thật mà còn là Thiên Chúa thật, Người được sai đến để ở giữa chúng ta. Người là Tin Mừng cứu độ. Người là Tin Mừng về sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính vì thế, thánh Phao-lô được chọn làm tông đồ để loan báo Tin Mừng này. Chúa Giê-su không chỉ đa tài đa năng mà còn là toàn tài toàn năng. Người nói “Này Ta ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Người đúng là Em-ma-nu-el, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Còn gì quý hơn!

Chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh

Ngày nay thói quen mừng lễ Giáng sinh có thể nói là rất phổ biến: Hầu hết mọi người trên thế giới, dù là người có đạo hay không có đạo, cũng đều quen mừng lễ Giáng sinh. Tuy nhiên, hầu như ai ai cũng coi đây là một dịp lễ vui, có nhiều hoa đèn, nhiều tiếng thánh ca. Giáng Sinh hình như đã trở thành lễ hội ngoại giáo, nhiều cửa hàng trang trí lộng lẫy điện và cây, có vô số các chương trình trên các kênh truyền hình quảng cáo mặt hàng, giảm giá đặc biệt trong thời gian này, chứ không phải điểm nhấn là ngày sinh của Đức Giê-su. Người chẳng được quan tâm đến. Như vậy, mừng lễ Đức Ki-tô mà không có Đức Ki-tô thì khác nào đám cưới mà không có cô dâu chú rể.

Trong dịp lễ Giáng sinh người ta cũng sáng tác nhiều tiểu phẩm văn nghệ rất cảm động, nhưng qua đó ta thấy được khía cạnh mỉa mai là lễ Giáng sinh đã không được mừng đúng ý nghĩa. Có một tiểu phẩm kể chuyện một em bé gái nghèo, đêm Giáng sinh phải co ro lặn lội trong sương tuyết để bán từng hộp que diêm, trong khi đó thì xa xa vọng lại tiếng hát thánh ca réo rắt; một tiểu phẩm khác kể chuyện một tên ăn trộm coi lễ Giáng sinh là dịp tốt để hành nghề, nó biết đêm đó nhà giàu nào cũng có nhiều bánh trái, cho nên nó đợi đến lúc người ta di dự lễ ở nhà thờ để lẻn vào ăn trộm, và xa xa vọng lại cũng những hồi chuông giáng sinh rộn rã.

Nếu Giáo hội chỉ thu mình trong các lễ nghi ở nhà thờ thì dần dần Giáo hội sẽ xa lìa con người và con người cũng xa lìa Giáo hội. Ngược lại, nếu Giáo hội dấn thân phục vụ những nhu cầu thiết thực của con người thì con người sẽ hòa mình cùng nhịp chảy của Giáo hội. Ngôi Hai Thiên Chúa giáng sinh là Em-ma-nu-el, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Giáo hội cũng phải là Em-ma-nu-el. Và mỗi tín hữu cũng phải là Em-ma-nu-el. Dịp mừng lễ chuẩn bị đón Chúa, cũng là cơ hội để mỗi người biết đón rước anh em mình, nhất là những người đang sống trong tội lỗi, cô đơn và nghèo khổ. Bởi lẽ, trong chính những con người đó là hình ảnh của Chúa cũng đang mong mỏi chúng ta hãy đến gặp gỡ chia sẻ niềm vui Giáng sinh với họ. Thật sự là niềm vui khi tiếng hát đêm Giáng sinh vang thật xa, đi thật gần đến với tất cả mọi người, trong mọi hoàn cảnh.

Lễ Giáng sinh đòi chúng ta đi vào mối hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và tin rằng chúng ta sẽ được yêu thương và luôn luôn được yêu thương nhiều hơn nữa. Bằng mọi cách, chúng ta hãy làm tất cả những gì có thể để cải thiện tình trạng bản thân mình. Nhưng sau khi đã làm, chúng ta hãy đặt vào tay Thiên Chúa những gì ngoài khả năng của mình. Chúng ta cần phải can đảm. Sợ hãi có thể là cơ hội, thậm chí là ân sủng vì nó có thể thúc đẩy chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa hơn là tin vào bản thân mình. Nỗi cô đơn cũng có thể là ân sủng. Vì thế, nếu chúng ta có cảm thấy cô đơn trong dịp lễ Giáng sinh, thì cũng đừng sợ hãi. Tâm hồn chúng ta luôn khao khát một điều gì khác, hay đúng hơn, một Đấng nào khác nữa. Trong mỗi tâm hồn đều có một chỗ trống để đón chờ một vị khách. Vị khách đó là Thiên Chúa. Amen!