Chúa Nhật IV Mùa Chay A

1Sm 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Đi ngang qua, Đức Giê-su nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. 2 Các môn đệ hỏi Người : “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ?” 3 Đức Giê-su trả lời : “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. 4 Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng ; đêm đến, không ai có thể làm việc được. 5 Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian.”

6 Nói xong, Đức Giê-su nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, 7 rồi bảo anh ta : “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là :người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

8 Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói : “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao ?” 9 Có người nói : “Chính hắn đó !” Kẻ khác lại rằng : “Không phải đâu ! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi !” Còn anh ta thì quả quyết : “Chính tôi đây !” 10 Người ta liền hỏi anh : “Vậy, làm sao mắt anh lại mở ra được như thế ?” 11 Anh ta trả lời : “Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo : ‘Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa.’ Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy.” 12 Họ lại hỏi anh : “Ông ấy ở đâu ?” Anh ta đáp : “Tôi không biết.”

13 Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. 14 Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sa-bát. 15 Vậy, các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời : “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.” 16 Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói : “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát” ; kẻ thì bảo : “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. 17 Họ lại hỏi người mù : “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh ?” Anh đáp : “Người là một vị ngôn sứ !”

18 Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. 19 Họ hỏi : “Anh này có phải là con ông bà không ? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được ?” 20 Cha mẹ anh đáp : “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. 21 Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó ; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được.” 22 Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái. Thật vậy, người Do-thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. 23 Vì thế, cha mẹ anh mới nói : “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó.”

24 Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo : “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi.” 25 Anh ta đáp : “Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều : trước đây tôi bị mù mà nay tôi nhìn thấy được !” 26 Họ mới nói với anh : “Ông ấy đã làm gì cho anh ? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào ?” 27 Anh trả lời : “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa ? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng ?” 28 Họ liền mắng nhiếc anh : “Có mày mới là môn đệ của ông ấy ; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. 29 Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê ; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến.” 30 Anh đáp : “Kể cũng lạ thật ! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi ! 31 Chúng ta biết : Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi ; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. 32 Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. 33 Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì.” 34 Họ đối lại : “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ?” Rồi họ trục xuất anh.

35 Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi : “Anh có tin vào Con Người không ?” 36 Anh đáp : “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?” 37 Đức Giê-su trả lời : “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” 38 Anh nói : “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

39 Đức Giê-su nói : “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù !”

40 Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy, liền lên tiếng : “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ?” 41 Đức Giê-su bảo họ : “Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : ‘ Chúng tôi thấy ‘, nên tội các ông vẫn còn !”

Suy Niệm

Bài 1: Chúa Là Ánh Sáng Thế Gian

Kính thưa cộng đoàn, có lẽ mọi người ở đây đều không lạ gì con bọ xít, một con vật bé mà không dễ thương chút nào. Bản thân tôi cũng có một kỉ niệm đáng nhớ với con vật này. Lúc còn nhỏ, vào mùa vải chín, trong một lần ra vườn hái vải, khi ngước mắt lên nhìn thì tôi bị một con bọ xít tè vào mắt. Đôi mắt tôi lúc đó cay xè và bỏng rát. Mẹ tôi vội vàng đưa tôi ra trạm y tế để xử lí. Bác sĩ đã rửa mắt tôi bằng rất nhiều nước, sau đó đắp thuốc và băng lại. Kết quả là tôi rơi vào tình trạng gần như mù trong ba ngày vì mắt bị băng kín. Những ngày đó thật là một thảm họa đối với tôi bởi không nhìn thấy gì. Những việc rất đơn giản như lấy một cốc nước, hay đi lại cũng trở nên khó khăn. Tôi không thể làm được gì nếu không có người khác trợ giúp. Sự khó khăn trong mọi việc đã làm tôi cảm thấy rất khó chịu.

Không nhìn thấy trong thời gian ngắn đã vô cùng khó chịu, vậy thì anh mù trong bài Tin Mừng hôm nay chắc hẳn đau khổ hơn tôi rất nhiều. Anh ta đã bất hạnh ngay từ khi mới lọt lòng mẹ bởi anh bị mù bẩm sinh. Có lẽ trước khi gặp Đức Giêsu, anh không bao giờ có hi vọng thấy được ánh sáng, nhìn ngắm một thế giới đầy màu sắc, một điều rất bình thường nhưng lại trở nên vô cùng xa vời với một người mù. Sự bất hạnh của anh không chỉ dừng ở việc mù lòa, nhưng còn đau khổ hơn bởi anh bị coi như người có tội, không được Thiên Chúa chúc phúc. Vào thời đó, người Do Thái tin rằng nguyên nhân của những bất hạnh, tai ương hay bệnh tật là án phạt của tội. Những người Pharisêu coi anh ta là kẻ sinh ra đã tội lỗi ngập đầu. Chính các môn đệ cũng quan niệm như vậy khi các ông hỏi Đức Giêsu: Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh? Việc đóng khung những người bệnh với quan điểm coi họ là những kẻ tội lỗi dường như đã làm cho những đau khổ mà họ phải chịu tăng lên bội phần.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đi ngược lại với quan niệm của người thời đó. Cái nhìn của Thiên Chúa dường như ngược hẳn với cái nhìn loài người. Trong bài đọc thứ nhất, cách Thiên Chúa chọn người được xức dầu là Đavít, một người mà không ai ngờ tới, không theo những tiêu chuẩn nhìn người của Samuel. Đức Giêsu cũng không nhìn anh mù theo cái nhìn của người thời đó. Ngài phá bỏ quan niệm nhân quả gán đau khổ là hậu quả của tội. Trước khi chữa anh ta khỏi mù lòa thể xác, Ngài đã giải thoát anh ta khỏi cái ách quan niệm về tội mà người đời gán cho anh. Anh ta bị mù không phải do tội của anh hay tội của cha mẹ anh, nhưng là cơ hội để Thiên Chúa bày tỏ quyền năng của Ngài. Từ đó, Đức Giêsu công bố Ngài là ánh sáng thế gian. Ở Chúa nhật trước, chúng ta biết Chúa Giêsu là nước hằng sống thì hôm nay, Chúa Giêsu cho ta biết Ngài là ánh sáng thế gian. Để chứng minh Ngài là ánh sáng thế gian, Chúa Giêsu đã cho anh mù được thấy. Ngài xức bùn vào mắt anh ta và sai anh ta đến hồ Silôac để rửa, khi đến rửa thì anh thấy được.

Tôi vẫn nhớ khi tôi được tháo băng thuốc, dù chưa hoàn toàn nhìn rõ, nhưng tôi đã cảm thấy vô cùng hạnh phúc bởi đã thấy lại được ánh sáng, không còn sống trong tình trạng xung quanh là một màu đen tối nữa. Tôi nghĩ chắc hẳn anh mù khi được chữa lành, anh ta phải vui mừng hơn tôi biết chừng nào. Anh ta đã thấy điều mà từ khi sinh ra anh đã không được thấy, những khó khăn do sự mù lòa nay đã không còn bởi anh đã nhìn thấy được. Chính Đức Giêsu là ánh sáng chiếu vào cuộc đời tăm tối của anh, để anh thoát khỏi tình trạng mù lòa, để anh có thể nhìn thấy mọi vật xung quanh. Từ việc chữa khỏi mù thể xác, Đấng là ánh sáng đã mở con mắt tâm hồn cho anh, để anh nhận ra Ngài là Thiên Chúa, và can đảm tuyên xưng rằng: Lạy Ngài, tôi tin. Hơn nữa, nhờ ánh sáng Đức Giêsu mang lại, anh đã thoát khỏi quan niệm nặng nề về tội đã đè nặng bấy lâu nay. Anh không phải là tội nhân, cũng không phải là người gánh hậu quả tội lỗi của cha mẹ, nhưng anh là người được lòng thương xót của Thiên Chúa đoái nhìn, chính nơi anh mà nhiều người sẽ nhận ra quyền năng vĩ đại của Thiên Chúa.

Chắc hẳn cộng đoàn sẽ có nhiều người thắc mắc tại sao hôm nay tôi mặc áo lễ màu hồng. Chẳng phải chúng ta đang trong tâm tình ăn năn thống hối của Mùa Chay, và các cha sẽ mặc phẩm phục màu tím đó sao? Vâng, màu hồng của ngày Chúa Nhật thứ bốn Mùa Chay báo trước mầu nhiệm Phục Sinh. Màu hồng là màu của hừng đông, khi trời còn tối, thì hừng đông màu hồng báo hiệu sắp có ánh sáng. Tội lỗi, bóng tối đã bao trùm lên nhân loại kể từ khi nguyên tổ phạm tội. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người. Chúa Giêsu đã đến, Ngài là ánh sáng của Thiên Chúa, ánh sáng không chỉ chiếu trên anh mù nhưng còn chiếu soi vào thế gian tăm tối, để nhân loại được giải thoát. Nhờ Đức Giêsu, chúng ta được thoát khỏi bóng tối tội lỗi để bước vào ánh sáng, trở nên con cái ánh sáng như lời thánh Phaolô đã khẳng định trong bài đọc hai. 

Bị mù lòa thể lí đã đáng sợ rồi, tuy nhiên có một thứ mù lòa đáng sợ hơn nhiều, đó là mù lòa của những người đang sáng mắt. Những người Pharisêu đã chứng kiến rất nhiều lần Chúa làm phép lạ, và hôm nay được thấy dấu lạ lớn lao Chúa làm nơi người mù, nhưng họ vẫn không nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa. Họ tự nhận là những người sáng mắt, nhưng họ lại là những người mù. Có lẽ việc đóng chặt lòng mình khiến họ bị đui mù, không nhận ra công trình của Thiên Chúa dù nó xảy ra ngay trước mắt. Cả tôi và anh chị em, có lẽ không ít lần chúng ta như những người Pharisêu rơi vào tình trạng mù trong khi mắt còn đang thấy. Những khi chúng ta cố tình chìm đắm trong tội, khi chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ trước sự kêu cứu của người xung quanh, khi chúng ta cư xử với nhau không phải bằng tình bác ái mà bằng bạo lực, phải chăng lúc đó chúng ta đã trở nên những kẻ mù lòa, khép lòng mình lại không để cho ánh sáng của Đức Giêsu chiếu soi? Đấng là ánh sáng đã đến, nhưng nếu khép lòng mình lại thì chúng ta vẫn sống trong bóng tối.

Mùa Chay đã qua được nửa chặng đường, lời mời gọi ăn chay cầu nguyện, sửa đổi con người cũ vẫn tiếp tục được vang vọng. Tuy nhiên, chúng ta đã thay đổi được chút nào con người của mình chưa ? Nhờ phép rửa, chúng ta đã được trở nên con cái ánh sáng, được mời gọi bỏ đi nếp sống cũ, bỏ đi những tham lam ích kỉ, bỏ đi những lời nói chua cay, bỏ đi những thói hư tật xấu, sống một nếp sống mới của con cái ánh sáng. Ước mong sao trong thời gian còn lại của Mùa Chay, mỗi người biết mở lòng mình để ánh sáng của Đức Giêsu chiếu soi, nhất là nhờ ân sủng của Bí tích Thánh Thể mà chút nữa chúng ta lãnh nhận, biến đổi tâm hồn mỗi người, để chúng ta nên thánh thiện hơn, công chính hơn chứ đừng khép lòng mình lại để rồi lại trở nên những người mù sáng mắt.

Gioan B. Phạm Quang Giáp, K21, ĐCV Thánh Giuse Hà Nội.

Bài 2: CON MÙ LÒA, CHÚA LÀM CHO SÁNG

Mù loà là một bất hạnh nhất trên đời. Người ta vẫn nói: “Thà chết đi còn hơn bị mù”. Vì thế, người mù là một người bất hạnh và khổ sở triền miên, không phải chỉ là thiệt thòi đôi mắt, nhưng là một thiệt hại to lớn cho toàn thể con người, cho tất cả cuộc đời. Thế giới hữu hình xinh đẹp này chết đi trong lòng họ. Họ không có quan niệm gì về màu sắc, về hình bóng người thân yêu. Ánh sáng và bóng tối cũng như không. Chắc hẳn mỗi người chúng ta là những người sáng mắt đều đã có kinh nghiệm về bóng tối và ánh sáng. Đang trong một màn đêm tối tăm nóng bức mà bỗng có điện thắp sáng ai cũng sẽ vui mừng. Cho nên ta có thể nhận thấy chính ánh sáng mang lại niềm vui. Cũng như cuộc gặp gỡ giữa Đức Giê-su và người phụ nữ Sa-ma-ri-a bên bờ giếng Gia-cóp, việc chữa lành anh mù tại hồ Si-lô-ác là một trong những “dấu chỉ” lớn được Gio-an ghi lại “để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người”(Ga 20,31). Hơn bao giờ hết, Chúa đã làm cho người mù được sáng mắt, đem lại ánh sáng cho anh đồng nghĩa với việc đem lại niềm vui lớn lao tới anh. Anh được sáng mắt đồng nghĩa với việc được hưởng ba niềm vui; vui được sáng mắt, vui được tha thứ và vui được cứu độ.

Niềm vui được thấy

Trong bài Tin Mừng cho chúng ta biết về một anh mù bẩm sinh, nghĩa là anh ta không nhìn thấy từ khi sinh ra, mù từ trong bụng mẹ, anh ta không có quan niệm gì về cảnh vật và thế giới bên ngoài từ màu sắc đến cảnh đẹp xấu. Cuộc sống của anh chỉ một mầu duy nhất là mầu của đêm tối. Nay được Đức Giê-su chữa lành, mắt anh được sáng, được thấy mọi sự; thấy bầu trời trong xanh, thấy phong cảnh hữu tình, thấy muôn vàn tinh tú và hơn hết là được nhìn thấy người thân cận của mình, thấy cha mẹ và anh em ruột thịt, thấy bạn bè lối xóm từ lâu đã nghe tiếng mà chưa biết hình dạng ra sao. Hơn hết, từ trước tới giờ ngay chính khuân mặt của mình anh cũng không nhìn thấy, giời đây anh có thể chiêm ngắm dung nhan của chính mình. Anh có lẽ đã vỡ òa trong niềm vui sướng, vui sướng nào cho bằng niềm hạnh phúc tuyệt vời này.

Ngày nay, khoa học phát triển nên nhiều người được chữa khỏi căn bệnh mù lòa, họ là những người đã có cảm nhận rõ nét nhất như anh mù ở trong bài Tin Mừng hôm nay. Quả thật, khó có thể diễn tả được cảm xúc của những người sau những tháng ngày không nhìn thấy gì, giờ họ đã thực sự thấy cuộc đời thật có ý nghĩa. Tự mình có thể làm được những công việc mà không phải nhờ đến sự giúp đỡ của bất cứ ai, không phiền đến người nào và cũng như anh mù ở bên hồ Si-lô-ác được nhìn thấy con cháu, những người thân quanh mình. Đúng như nghệ sĩ Xuân Hồng đã viết lời hát “Mẹ cho con đôi mắt sáng để nhìn đời và để làm duyên”.

Niềm vui vì được tha tội

Người Do thái quan niệm rằng bệnh tật, tai nạn, rủi ro hay thất bại đều do tội lỗi gây nên. Con người xúc phạm đến Thiên Chúa nên bị Thiên Chúa giáng phạt, tội càng nặng thì hình phạt càng lớn. Bài Tin Mừng cho ta thấy, anh mù đau khổ vì không thấy đường đi, không thấy được gì, nhưng anh còn đau khổ hơn vì người đời coi anh là kẻ tội lỗi, tội nặng đến nỗi mù từ trong bụng mẹ. Đã đau đớn về thể xác anh còn bị gánh nặng về tinh thần đè nặng trên cuộc đời, khiến anh không đứng thẳng để ngửa mặt với trời và nhìn đời được. Đau buồn chồng chất đau buồn. Nhưng trong lúc tuyệt vọng đó, thì Chúa Giê-su xuất hiện, Người đã mang ánh sáng đến cho anh, chính Người đã sinh anh ra một lần nữa, là cho anh sáng mắt và đồng thời cũng khẳng định rằng: “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh.” (Ga 9,3). Chính từ lúc đó gia đình anh mù và chính bản thân anh được giải thoát khỏi mặc cảm của tội lỗi. Niềm vui của anh quả là rất lớn. Lúc này anh có thể bước đi cách tự tin và ngẩng cao đầu mà không sợ mọi người chỉ trỏ, kêu than, khinh bỉ nữa. Cũng từ lúc đó anh đã sẵn sàng giới thiệu Đức Giê-su cho người khác, anh khẳng định rằng Chúa Giê-su chính là Ánh Sáng, như lời Người đã nói với các môn đệ: “Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5).

Niềm vui vì được cứu độ

Được Đức Giê-su ban ánh sáng, anh mù nhận ra Người không chỉ là một vị ngôn sứ, một vị lương y, một ân nhân mà còn chính là Thiên Chúa. Nhưng chính nhờ vào lòng tin của anh mù, mà Chúa Giê-su đã cho anh được sáng mắt: “Anh nói: ‘Thưa Người, tôi tin.’ Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.” (Ga 9,38). Đây là một phép lạ chưa từng thấy trong nhân loại. Cho đến ngày nay, mặc dầu khoa học, y khoa, nhất là nhãn khoa, đã có thể dùng một loại ra-đa chữa cho người mù được thấy, hay dùng mắt của một người khác thay mắt cho người mù. Nhưng đó là đối với những người vì lý do nào đó mà bị mù. Còn đối với người mù bẩm sinh, thì khoa học vẫn còn bó tay. Trường hợp anh mù ở đây, Chúa Giê-su không dùng ra-đa hay thay mắt cho anh, mà Người dùng quyền năng Thiên Chúa làm phép lạ cho anh được sáng mắt, và qua đó anh được sáng con mắt đức tin: anh thấy Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, mà những người sáng mắt không thấy. Đó là một niềm tin lớn lao mà chính các Luật Sĩ, Biệt Phái không có được: niềm vui cứu độ. Tên của anh có thể giờ đây đã được ghi vào Nước Trời, anh được nghi danh vào quốc tịch Nước Chúa, đây là niềm vui lớn nhất mà mỗi chúng ta hằng mong đợi.

Khi sinh ra, mặc dù không bị mù về thể lý nhưng chúng ta bị tội nguyên tổ làm cho đôi mắt ra u tối. Nhưng nhờ bí tích Rửa Tội, Chúa Giê-su mở mắt tâm hồn chúng ta. Quả thật, để thấy rõ với chỉ một đôi mắt sáng chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là mù đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân khác; Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân, tính vô cảm làm ta mù không thấy những việc ta đã làm đau lòng anh chị em, tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình, tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình. Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật. Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh. Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng. Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người và khiến ta hay lên án người khác. Đó là căn bệnh mù nguy hiểm và nghiêm trọng hơn cả căn bệnh mù lòa thể xác.

Chúng ta hãy thành tâm xin Chúa mở lối soi đường, để quyết tâm không để cho những thói hư tật xấu, những lỗi lầm riêng làm cho cặp mắt tâm hồn của mình trở nên lu mờ tăm tối. Nguyện xin Chúa giúp mỗi người chúng ta thực hiện những quyết tâm trong mùa chay thánh này. Amen.

Vô Danh