Chúa Nhật III Mùa Chay A

Xh 17,3-7; Rôma 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

5 Khi ấy, Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. 6 Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.

7 Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy : “Chị cho tôi xin chút nước uống !” 8 Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. 9 Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói : “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao ?” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. 10 Đức Giê-su trả lời : “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” 11 Chị ấy nói : “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống ? 12 Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này ? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” 13 Đức Giê-su trả lời : “Ai uống nước này, sẽ lại khát. 14 Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”

15 Người phụ nữ nói với Đức Giê-su : “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” 16 Người bảo chị ấy : “Chị hãy gọi chồng chị, rồi trở lại đây.” 17 Người phụ nữ đáp : “Tôi không có chồng.” Đức Giê-su bảo : “Chị nói : ‘Tôi không có chồng’ là phải, 18 vì chị đã năm đời chồng rồi, và người hiện đang sống với chị không phải là chồng chị. Chị đã nói đúng.” 19 Người phụ nữ nói với Người : “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ … 20 Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này ; còn các ông lại bảo : Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” 21 Đức Giê-su phán : “Này chị, hãy tin tôi : đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. 22 Các người thờ Đấng các người không biết ; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. 23 Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. 24 Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” 25 Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” 26 Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”

27 Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ. Tuy thế, không ai dám hỏi : “Thầy cần gì vậy ?” Hoặc “Thầy nói gì với chị ấy ?” 28 Người phụ nữ để vò nước lại, vào thành và nói với người ta : 29 “Đến mà xem : có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Ki-tô sao ?” 30 Họ ra khỏi thành và đến gặp Người.

31 Trong khi đó, các môn đệ thưa với Người rằng : “Ráp-bi, xin mời Thầy dùng bữa.” 32 Người nói với các ông : “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” 33 Các môn đệ mới hỏi nhau : “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng ?” 34 Đức Giê-su nói với các ông : “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người. 35 Nào anh em chẳng nói : Còn bốn tháng nữa mới đến mùa gặt ? Nhưng này, Thầy bảo anh em : Ngước mắt lên mà xem, đồng lúa đã chín vàng đang chờ ngày gặt hái ! 36 Ai gặt thì lãnh tiền công và thu hoa lợi để được sống muôn đời, và như thế, cả người gieo lẫn kẻ gặt đều hớn hở vui mừng. 37 Thật vậy, câu tục ngữ “kẻ này gieo, người kia gặt” quả là đúng ! 38 Thầy sai anh em đi gặt những gì chính anh em đã không phải vất vả làm ra. Người khác đã làm lụng vất vả ; còn anh em, anh em được vào hưởng kết quả công lao của họ.”

39 Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng : ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. 40 Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. 41 Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. 42 Họ bảo người phụ nữ : “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”

Suy Niệm

Bài 1: Nước Hằng Sống

Tại một giáo xứ kia, có một chị tên Minh Anh quê ở Ninh Bình đến gặp tôi kể về cuộc sống của chị. Từ hồi nhỏ thì chị tỏ ra là người chăm chỉ đi nhà thờ. Sau đó, khi lập gia đình, chị tập trung vào làm ăn để cuộc sống ổn định nên thời gian để đến với Chúa ít dần hơn. Khi có kinh tế, gia đình chị đã có nhà lầu, xe hơi, và có những đứa con chăm ngoan và học giỏi. Tuy nhiên, chị lại tiếp tục chia sẻ: Thưa Cha, dù cuộc sống của con hiện giờ không phải lo lắng nhiều thứ nhưng con lại thấy rất nhàm chán và vô vị. Dù gia đình con yêu thương nhau nhưng dường như con chưa cảm thấy thực sự hạnh phúc. Con vẫn cảm thấy có điều gì đó rất thiếu mà con vẫn chưa thể nào giải thích được. Xin Cha hướng dẫn cho con để giúp con thoát khỏi cuộc sống hiện tại! Nếu xét bình thường như bên ngoài, đáng lẽ ra chị phải là một người hạnh phúc. Nhưng tại sao lại vậy? Đó là thắc mắc của rất nhiều người trong đời sống ngày nay.

Hình ảnh niềm khao khát hạnh phúc của chị trong câu chuyện trên thật trùng hợp với Bài Tin Mừng nói đến sự khát khao sơ đẳng nhất của con người, đó là khát nước. Khi Chúa Giêsu đến, Ngài cũng chia sẻ với chúng ta cái cơn khát tự nhiên. Đi đường xa mệt mỏi, Ngài ghé bên bờ giếng gặp một phụ nữ Samari và ngỏ lời xin nước uống. Chúa Giêsu đã mở đầu cuộc tâm sự bằng việc xin nước uống. Và từ chỗ xin nước uống, Chúa Giêsu đã giúp cho người phụ nữ kia khám phá ra chính chị mới là người đang khát, không những khát nước mà còn khát một cái gì đó sâu xa hơn.

Rõ ràng, nước trong câu chuyện giữa Đức Giêsu và người phụ nữ Samaria là một hình ảnh ẩn dụ để diễn tả về lòng nhân từ tha thứ và ân huệ lớn lao của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ là sự sống đời đời cho tất cả mọi người khao khát Chúa, chẳng phân biệt ai cũng không phân biệt nơi chốn nếu họ tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Hơn nữa, ân huệ cao cả mà chúng ta đã được lãnh nhận trong dòng nước thanh tẩy, là chính Thánh Thần mà Chúa Giêsu đổ vào trong lòng chúng ta. Vì vậy, thánh Phaolô cũng nói ơn Thánh Thần là nước kỳ diệu Thiên Chúa đổ vào lòng các người tin: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta”.

Và cơn khát nước cũng xuất hiện trong bài đọc I trích sách Xuất Hành. Dân Do Thái đi trong sa mạc đã khát nước. Mặc dù khát nước chỉ là một nhu cầu sơ đẳng, nhưng họ đã đòi hỏi rất quyết liệt: thà trở lại Ai cập sống kiếp nô lệ mà còn có nước uống hơn là chết khát nơi sa mạc. Nếu Môsê không tìm ra nước thì ông sẽ bị họ ném đá; và nếu Thiên Chúa không làm ra nước cho họ thì họ không tin có Chúa ở giữa họ nữa!

Trong câu chuyện người phụ nữ Samari, chúng ta hiểu rằng mặc dù đang ở bên giếng nước nhưng cõi lòng của chị vẫn còn khát. Chị thèm khát một tình nghĩa đậm đà. Chị tưởng rằng tình đời sẽ thoả mãn được cơn khát ấy nên chị đã lăn xả vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Trải qua 5 đời chồng rồi, nay đã là người thứ 6 mà chị vẫn còn khát. Và để giúp chị, Chúa đã đi từ một thực tại hữu hình là nước uống để đưa chị đến một thực tại vô hình là Nước Hằng Sống, một thứ nước uống vào không bao giờ còn khát nữa. Ngài đã đưa chị từ giếng Giacóp đến nguồn Nước Hằng Sống, đó là “các ân huệ của Chúa” và nhất là “ơn cứu độ”. “Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước dồi dào đem lại sự sống đời đời”.

Quả thực, khi suy nghĩ về cơn khát của người phụ nữ Samari này, chúng ta đã nhận ra chỉ có Đức Giêsu là Nguồn Nước Hằng Sống để lấp đầy những cơn khát con người. Tuy nhiên, làm sao chúng ta khám phá ra nguồn Nước Hằng Sống là chính Chúa Giêsu trong cuộc đời mình?

Trước hết, mỗi chúng ta phải khám phá lại con người và cuộc sống của mình, khám phá lại bằng cái nhìn nội quy tức là nhìn lại chính mình. Vì nhiều khi cuộc sống của anh chị em và tôi quá bận rộn, đến nỗi không có những khoảnh khắc thinh lặng để bình tĩnh nhìn lại chính tâm hồn. Tất cả những kinh nghiệm trải qua trong cuộc đời và tất cả những gì đang diễn ra trong cuộc sống, chúng ta không đủ bình tĩnh, đủ kiên nhẫn để nhìn lại và vì thế chúng ta không thấy được con người thật của bản thân. Khi đối thoại với người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu giúp cho chị nhìn lại cuộc sống của chị và khám phá ra con người thật của chị. Muốn khám phá ra con người thật, chúng ta cần phải để cho bản thân đối diện với Lời Chúa, để đọc lại tất cả những kinh nghiệm trong đời sống: Chúng ta đã năng nổ đi tìm dục tình, tiền bạc và vinh quang của cải trần thế, thế nhưng tất cả những cái chúng ta kiếm tìm đó nó có lấp đầy được những khát vọng sâu xa nhất trong tâm hồn tôi không?

Phải chăng, câu chuyện về người chị đã đến với tôi ở đầu bài giảng cũng nằm trong vòng xoáy của vật chất? Tôi chỉ khuyên với chị ấy rằng: Chị hãy cố gắng tham dự Thánh lễ hàng tuần. Sau mỗi Thánh lễ, chị hãy thinh lặng, hồi tâm, cầu nguyện và lắng nghe với Chúa bằng tất cả trái tim chị. Có thể, chị đang thiếu Chúa nên chị chưa thể cảm nhận được tình yêu của Ngài đã yêu thương và chưa thấy được hạnh phúc. Tạ ơn Chúa! Sau một thời gian, chị ấy quay trở lại và cám ơn tôi vì đã tìm lại được Thiên Chúa là Nguồn Hạnh Phúc trong cuộc đời của chị. Như vậy, khi chúng ta để cho Lời Chúa phán xét bản thân, thì bản thân sẽ khám phá ra được nguồn an ủi.

Hơn nữa, cùng với sự khám phá đó, chúng ta cần khám phá ra Chúa Giêsu là mạch Nước Hằng Sống trong đời sống hằng ngày. Chúa Giêsu là Thiên Chúa tình thương nên dù chúng ta là ai, dù chúng ta sống trong tình trạng nào, dù cuộc đời chúng ta có xấu xa bê bối thế nào đi nữa, thậm chí tội lỗi chúng ta có nhiều và nặng nề tới đâu, Chúa sẽ tẩy xóa hết và tha thứ hết, để mỗi người chúng ta sống trong tình yêu thương bao la của Chúa. Nhưng với điều kiện là chính chúng ta phải cố gắng dứt bỏ con người tội lỗi hôm qua, để sống cho Chúa ngày hôm nay, cần dứt bỏ cuộc sống cũ để tiến sang cuộc sống mới bằng sự thành thật với con người thực của mình. Do vậy, chúng ta cần đến gặp Chúa Giêsu, thống hối ăn năn để được tha tội và đổi mới cuộc đời qua bí tích Hòa Giải.

Nếu như hai Chúa Nhật đầu Mùa Chay mời gọi mỗi người chúng ta tìm cách vượt thắng những cơn cám dỗ, những thử thách trong đời sống đức tin của mình, thì Chúa Nhật tuần III Mùa Chay này là thời gian nhắc nhớ mỗi người nhận ra Chúa Giêsu là Nguồn Suối Nước vô tận và kín múc ơn thánh ấy nơi bàn tiệc Thánh Thể, qua Lời Chúa và các Bí tích. Hãy đến và gặp gỡ Ngài để được đón nhận ơn cứu độ.

Ước gì Mùa Chay cũng là thời gian tốt nhất để chúng ta làm lại hành trình đức tin, hành trình khám phá như người phụ nữ Samari này, để nhờ đó cũng giống như người phụ nữ này, khi chị ấy chạy về làng nói cho mọi người biết về con người lạ lùng mà chị đã gặp. Và người ta dựa vào lời chứng của chị mà tin vào Chúa Giêsu. Như vậy, nếu chúng ta khám phá được ở trong cuộc đời của mình cái mạch Nước Hằng Sống mà Chúa Giêsu ban tặng, thì hy vọng qua chúng ta sẽ có nhiều người đến với Chúa Giêsu và tin vào Ngài hơn. Những tâm tình đó chúng ta cùng nhau dâng trong Thánh Lễ hôm nay để sớm trở thành hiện thực.

Giuse Trần Tiến Độ, K21, ĐCV Thánh Giuse Hà Nội.

Bài 2: Ân Sủng Chúa Tràn Đầy

 Thiên Chúa luôn yêu thương chúng ta, không bao giờ từ bỏ con người cho dù họ tội lỗi và không xứng đáng, nhưng Thiên Chúa luôn trao ban ân sủng. Thánh Phao-lô đã nói: ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5,20).

Thiên Chúa luôn sẵn sàng trao ban ân sủng

Trong bài đọc I, sách Xuất Hành cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã giải phóng dân Ít-ra-el ra khỏi ách nô lệ Ai cập bằng những hành động diệu kỳ, nhất là biến cố Thiên Thần vượt qua các gia đình Do thái và biến cố vượt qua Biển. Ban đầu dân Ít-ra-el rất phấn khởi và sùng mộ Thiên Chúa. Nhưng những khổ cực và thiếu thốn trong cuộc hành trình qua sa mạc đã dần dần khiến họ nản lòng. Họ bắt đầu càu nhàu, đòi trở lại Ai cập, nhiều khi còn nổi loạn, họ kêu trách ông Mô-sê và Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn, và trả lời cho dân bằng cách là ban cho họ những đòi hỏi họ cần lúc bấy giờ là nước. Thiên Chúa giàu lòng thương xót, người không ghét bỏ và thù hận ai. Bởi lẽ, Người hiểu thấu nỗi khổ của họ và ban cho họ những gì họ cần.

Thánh Phao-lô là người đã sống cái cảm nghiệm của người phụ nữ Sa-ma-ri-a. Từ khi tin vào Đức Ki-tô, Người đã nói “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20). Có Đức Ki-tô sống trong mình, thánh Phao-lô đã trở thành người đi khắp nơi loan báo Tin Mừng về Đức Giê-su Ki-tô. Mặc dù gặp bao gian khổ, Người không thể không loan báo Tin Mừng ấy được. Trong bài đọc II, thánh Phao-lô nhắc bảo mỗi chúng ta rằng tình yêu Thiên Chúa và ơn cứu độ của Chúa Giê-su ban không phải bởi những gì chúng ta xứng đáng. Ân sủng đến từ cuộc khổ nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Ki-tô chứng minh rằng tình yêu đó là hoàn toàn nhưng không do lòng nhân hậu của Thiên Chúa dành cho con người. Bởi lẽ, Chúa Giê-su đã chết cho chúng ta trong khi chúng ta là những con người yếu đuối, những người kém đức tin, những người đang sống trong tình trạng tội nhân. Chúa Giê-su chết vì chúng ta và như thế niềm hy vọng của chúng ta đặt trên nền tảng vững chắc là tình yêu của Chúa Giê-su và ân sủng bền vững do Người ban tặng.

Trong bài Tin Mừng, chúng ta lắng nghe câu chuyện về cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với người phụ nữ Sa-ma-ri-a tại bờ giếng Gia-cóp. Đức Giê-su ban đầu xin người phụ nữ Sa-ma-ri-a cho Người uống nước, sau đó tự mặc khải Người chính là Nước trường sinh “Ai uống nước này sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Vượt qua giới hạn

Chúng ta biết rằng mọi sự đang chống lại người phụ nữa này. Trong thời điểm đó người Sa-ma-ri-a và người Do thái đang thù đích và ghen ghét nhau. Người Do thái cho rằng người Sa-ma-ri-a là dân ngoại, người không có niềm tin, mà người phụ nữ được nhắc đến trong Tin Mừng là người Sa-ma-ri-a. Người Do thái họ không dùng những gì người dân ngoại đã dùng, kể cả thức ăn và nước uống, nếu dùng thì sẽ trở nên ô uế. Hơn nữa, vào thời đó người phụ nữa thuộc vào những người thấp cổ bé họng, không có thế đứng trong xã hội, không có quyền lợi và ưu tiên nào cả, ở đây lại còn là một phụ nữ thuộc dân ngoại. Lý do gì mà người phụ nữ này dám nói chuyện với Chúa Giê-su? Thứ đến ta thấy lịch sử của người phụ nữa chẳng mấy là tốt đẹp, những năm đời chồng, bà thuộc nhóm người khác thường. Có thể nhận thấy, tất cả những lý do trên có thể tạo khoảng cách không cho Chúa gặp gỡ chị. Nhưng người bắt chuyện và cởi mở trước đó chính là Chúa Giê-su. Điều đó đi ngược lại với lẽ thường, chị không nghĩ được rằng một người Do thái có thể nói chuyện với chị, với một người Sa-ma-ri-a như thế này được. Và chị cũng không nghĩ ra được một người đàn ông Do thái có thể nói chuyện với một người phụ nữa dân ngoại. Ngạc nhiên lớn nhất của chị là con người này biết hết lịch sử về mình, những điều mà chị giữ trong lòng không bày tỏ ra.

Từ những trao đổi về cuộc sống cá nhân, cuộc sống hướng chị tới những điều cao cả hơn: “Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23). Chính những điều này làm cho chị thắc mắc Người có phải là một ngôn sứ hay là Đấng Mê-si-a không? Người phụ nữ dẫu không xứng đáng, nhưng qua cuộc gặp gỡ này, Chúa Giê-su đã ban cho chị ân sủng, hồng ân tuyệt vời nhất là chị đã nhận biết Người là Đấng Mê-si-a, và nhờ Người để chị tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa. Chị thờ phượng với tâm tình kết hợp với Đức Giê-su, Đấng đã xưng mình là đường, là sự thật và là sự sống.

Ân sủng được lan tỏa

Quả thật, ân sủng này không chỉ giới hạn nơi một người phụ nữ nhưng còn cho những người khác nữa. Qua hành động chị chạy về báo tin cho những người ở trong làng biết rằng chị đã gặp Đức Ki-tô. Và họ kéo nhau ra để gặp Người. Nhờ đó, nhiều người trong dân ngoại đã tin và đón nhận Chúa Giê-su. Chị đã trở thành một tông đồ của Chúa Giê-su, một nhà truyền giáo nhiệt thành. Chính nhờ Chúa Giê-su yêu thương và tôn trọng chị. Từ đó, chị hăng say lên đường loan báo Tin Mừng.

Ân sủng này từ một cuộc gặp gỡ nếu được dùng theo tiêu chuẩn của thế gian có thể không được ban cho người phụ nữ, vì thân thế của chị hoàn toàn bất xứng với ân sủng đó. Nhưng Thiên Chúa thì hành động hoàn toàn khác với tiêu chuẩn của thế gian. Thiên Chúa bảo đảm cho mọi người tội lỗi, cho tất cả những ai bất xứng rằng: “Ơn Ta đủ cho con” (2 Cr 12,9). Ơn Ta không bao giờ cạn đối với con.

Kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Giê-su của người phụ nữ Sa-ma-ri là cái mẫu gặp gỡ Chúa của chúng ta, và yêu cầu chúng ta hãy cố thực hiện một cuộc gặp gỡ như thế trong Mùa Chay này. Chúng ta cần đến gặp Chúa Giê-su và thống hối để được tha tội và đổi mới cuộc đời. Chúa Giê-su là Thiên Chúa tình thương, là đại dương tình thương, nên dù chúng ta là ai, dù chúng ta sống trong tình trạng nào, dù cuộc đời chúng ta có xấu xa, bê bối thế nào đi nữa, thậm chí tội lỗi chúng ta có nhiều và nặng nề đến đâu, vẫn không sao cả. Bởi vì, ơn cứu độ, lòng thương xót của Thiên Chúa vượt trên mọi giới hạn của con người. Tình yêu của Chúa lớn hơn tội lỗi của con người, nên Chúa sẽ tẩy xoá hết, Chúa sẽ tha thứ hết, để mỗi người chúng ta sẽ là một giọt tình thương trong đại dương yêu thương bao la của Chúa. Mùa chay là thời gian thuận tiện để mỗi người chúng ta suy ngắm tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa, đồng thời cũng là cơ hội để canh tân đời sống của mình như là cách thức để đáp lại lòng thương xót và ân sủng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Amen.

Vô Danh