Chúa Nhật V Mùa Chay năm A

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

1 Khi ấy, có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. 2 Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người. Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. 3 Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.” 4 Nghe vậy, Đức Giê-su bảo : “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa : qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”

5 Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.

6 Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. 7 Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ : “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê !” 8 Các môn đệ nói : “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao ?” 9 Đức Giê-su trả lời : “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao ? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. 10 Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình !”

11 Nói những lời này xong, Người bảo họ : “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc ; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” 12 Các môn đệ nói với Người : “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại.” 13 Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. 14 Bấy giờ Người mới nói rõ : “La-da-rô đã chết. 15 Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.” 16 Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn : “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy !”

17 Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. 18 Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. 19 Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. 20 Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. 21 Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. 22 Nhưng bây giờ con biết : Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” 23 Đức Giê-su nói : “Em chị sẽ sống lại !” 24 Cô Mác-ta thưa : “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” 25 Đức Giê-su liền phán : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. 26 Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không ?” 27 Cô Mác-ta đáp : “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”

28 Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ : “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy !” 29 Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. 30 Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. 31 Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.

32 Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói : “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” 33 Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. 34 Người hỏi : “Các người để xác anh ấy ở đâu ?” Họ trả lời : “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem.” 35 Đức Giê-su liền khóc. 36 Người Do-thái mới nói : “Kìa xem ! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy !” 37 Có vài người trong nhóm họ nói : “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư ?” 38 Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. 39 Đức Giê-su nói : “Đem phiến đá này đi.” Cô Mác-ta là chị người chết liền nói : “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” 40 Đức Giê-su bảo : “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?” 41 Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói : “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. 42 Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.” 43 Nói xong, Người kêu lớn tiếng : “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ !” 44 Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo : “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.”

45 Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.

Suy Niệm

Bài 1: Người là sự sống lại và là sự sống

Có lẽ, cái chết là điều mà chúng ta ngại nói đến nhất, là điều chúng ta không mong muốn nhất, và cũng là điều làm cho chúng ta phải đau khổ nhất. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy: sự sống của con người rất mong manh, thần chết hay đến bất ngờ. Trong thời gian gần đây, chỉ có khoảng một tháng thôi, trên các trang mạng xã hội của các Giáo phận, Giáo xứ, và cả cá nhân nữa, nhiều cáo phó đã được xuất hiện, mà nổi bật lại là của những người trẻ: các em Thiếu nhi, Huynh – Dự trưởng, thậm chí các thầy và các cha trẻ cũng có.

Khi xem các tin tức và đọc những lời bình luận trên đó, tôi đã rất xót thương và đồng cảm với những gia đình có người thân qua đời. Vì chính bản thân tôi cũng đã từng ở vị trí như họ. Trong tình cảnh gia đình có người thân qua đời, tôi đã rất đau buồn, đầy bi thương, và cũng nhiều nước mắt; thậm chí nhiều khi tôi còn có cả những lời than van đầy tiếc nuối, cùng những sự tuyệt vọng đến vô cùng.

Chắc hẳn, nhiều người trong cộng đoàn chúng ta, ít nhiều cũng có sự đồng cảm này. Và bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa tái hiện cho chúng ta thấy sự đồng cảm đó qua cái chết của anh La-da-rô. Hơn nữa, sẽ còn hứa hẹn cho chúng ta những bài học quý báu khi chúng ta đứng trước những mất mát đau thương, cùng những sự nuối tiếc đầy tuyệt vọng trong cuộc sống trần gian đầy khắc nhiệt này.

Trở lại bài Tin Mừng hôm nay, dưới ngòi bút của tác giả Gio-an, câu chuyện tang gia trong gia đình ba chị em Mát-ta, Ma-ri-a và La-da-rô dường như được tái hiện trước mắt chúng ta. Cũng giống như bao gia đình có người thân mất, một không khí ảm đạm đầy đau thương bao trùm gia đình, cùng với đó là những tiếng khóc không nên lời của người thân, họ hàng, và láng giềng. Và có lẽ sẽ là đau thương hơn, vì người mất ở đây lại là một thanh niên trẻ, người em út và cũng là cậu con trai duy nhất của một gia đình có điều kiện, khá giàu có. Thật là bi thảm khi đứng trước một tương lai ngời sáng, đầy triển vọng đang đón chờ. Chắc hẳn, ai ở trong tình cảnh này cũng sẽ rất đau xót, tiếc nuối, và thất vọng. Không biết người thân của La-da-rô sẽ ra sao đây?

Bài Tin Mừng cho thấy, dù ở trong tình cảnh bi thảm như vậy, nhưng hai chị em Mát-ta và Ma-ri-a vẫn vững niềm tin vào sự sống lại của thân xác ngày tận thế, nổi bật hơn là niềm tin tuyệt đối vào Đức Giê-su, khi cả hai cùng thưa với Người: “Lạy Thầy, nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết”. Nghe qua, cứ ngỡ là lời trách móc, than van, những nó lại là một lời tuyên xưng niềm tin mạnh mẽ. Trước niềm tin mạnh mẽ đó, Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha, và với quyền năng Thiên Chúa trên sự sống và cái chết, Người đã làm phép lạ cho La-da-rô đã chết được sống lại như trong bài Tin Mừng đã trình bày.

Qua phép lạ này, Đức Giê-su muốn dẫn đưa mọi người vào niềm tin ở nơi Người là sự sống lại và là sự sống. Không phải bây giờ, Người mới dạy người ta điều đó, mà Người đã không ngớt làm cho mọi người tin Người có sự sống đời đời từ ngày ra đi rao giảng Tin Mừng. Và hôm nay, sắp bước vào con đường khổ nạn, Người thấy phải khẳng định điều đó mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để củng cố niềm tin của mọi người, nhất là các môn đệ và những người thân tín. Và cũng là dịp để Chúa Giêsu báo trước về cái chết và sự sống lại của chính Người, và việc phục sinh thân xác của chúng ta trong ngày tận thế. Giờ đây, mỗi người chúng ta hãy nhìn lại chính mình, xem chúng ta đã tin và đã sống niềm tin vào Chúa Giê-su là sự sống lại và là sự sống như thế nào trong thời gian qua?

Trở lại với cuộc sống hiện tại nơi trần thế này, trong tình cảnh khi gia đình có người thân yêu qua đời, chắc hẳn chúng ta đều đau buồn, thương tiếc và tuyệt vọng trong một thời gian, dù ít hay nhiều tùy thuộc vào mỗi người có cái nhìn ra sao, và niềm tin vào Chúa như thế nào. Chính bản thân tôi nhiều khi cũng vậy. Nhưng, qua Lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta hãy mau mắn vững tin vào Thiên Chúa. Như dân Ít-ra-en năm xưa. Dân Ít-ra-en đã đã hy vọng mãnh liệt và kiên nhẫn đợi chờ lời hứa của Thiên Chúa ban sự giải thoát. Đó là sự phục hồi lại dân tộc qua ngôn sứ E-dê-ki-en dẫu có phải gặp nhiều thử thách gian nan, cùng chịu muôn vàn khổ đau và tuyệt vọng do tội bất trung. Và lịch sử dân Ít-ra-en cho thấy lời hứa đó đã được thực hiện vào năm 539, dân Israel đã được trở về, xây dựng lại quê hương.

Quả thật, khi có niềm tin vào Thiên Chúa, mọi sự dường như không thể nhưng lại trở thành có thể cách dễ dàng. Đặc biệt, một khi chúng ta vững niềm tin vào Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống, chúng ta sẽ biến đau thương thành sức mạnh, biến gian nan thử thách thành cơ hội, biến tiếc nuối thành hy vọng, và cái chết chỉ là một “giấc ngủ” bởi vì chắc chắn sự phục sinh sẽ xảy đến như một điều tất yếu. Để có được niềm tin vững vàng như vậy, chúng ta phải làm gì đây? Thiết nghĩ: Trước hết chúng ta phải cầu xin Chúa ban cho đức tin, vì đức tin là hồng ân Chúa ban. Tiếp đến, mỗi người chúng ta hãy củng cố đức tin của mình qua việc cầu nguyện, thực hành Lời Chúa trong cuộc sống trần thế, cùng tuân giữ các Điều răn của Chúa và Hội Thánh. Đặc biệt, siêng năng tham gia các cử hành Phụng vụ, nhất là Bí tích Thánh Thể.

Cuối cùng, dẫu có gặp thử thách gian nan hay tuyệt vọng đến đâu, thì chúng ta phải biết nhớ đến Chúa, đồng thời cũng phải tin tưởng và phó thác nơi Ngài, như lời tác giả Thánh vịnh Đáp ca hôm nay, tin tưởng Thiên Chúa sẽ kéo mình lên (khỏi vực thẳm tối tăm) và ban lại cho mình sự sống. Tóm lại, một khi: Tin vào Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống, chúng ta hãy sống yêu thương tự hiến như Đấng đã sống và đã chết cho tình yêu. Tin vào Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống, chúng ta hãy chết đi cho tội lỗi để được sống lại vinh quang với Đấng Phục sinh. Tin vào Đức Giê-su là sự sống lại và là sự sống, chúng ta hãy chết cho tình yêu trần thế, để sống cho niềm tin Nước Trời.

Trong tâm tình của Mùa Chay – Mùa sám hối trở lại cùng Chúa – Mùa chuẩn bị chia sẻ cuộc phục sinh của Đức Giê-su – cách riêng, là những ngày gần cuối cùng của Mùa Chay, chúng ta hãy khẩn trương chuẩn bị tâm hồn cho thật xứng đáng, thật tốt đẹp để đón mừng Chúa Phục Sinh. Ước gì mỗi người chúng ta hôm nay biết đặt trọn niềm tin vào Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất. Chính Người làm cho thân xác phải chết vì tội lỗi chúng ta được sống lại, và sống vĩnh cửu với Người. Để qua Thánh lễ này, Người sẽ ban thêm đức tin cho chúng ta, một đức tin đủ mạnh để chúng ta can đảm đối diện với những khó khăn trong cuộc sống trần thế này và dẫn chúng ta đến cõi sống muôn đời mai sau.

 

Giuse Nguyễn Văn Khanh – K XXI, ĐCV Thánh Giuse Hà Nội.

 

Bài 2: CHỈ CÓ CHÚA MỚI LÀM CHO SỐNG

Chúng ta đã bước vào tuần cuối cùng của mùa chay với chủ đề “Chỉ có Chúa mới làm cho ta sống”. Trong thời gian mùa chay thánh thiêng vừa qua, chắc hẳn có nhiều người trong anh chị em đã sám hối trở lại cùng Chúa, nhiều dự tòng đang chuẩn bị đón nhận cuộc sống mới. Trong các bài đọc Lời Chúa hôm nay cũng đề cập nhiều về sự phục sinh hay phục hồi, sự trở lại.

Thiên Chúa cho dân Người sống lại

Trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực. Nhưng Giáo hội, được Mặc Khải của Thiên Chúa dạy bảo, quả quyết rằng con người được Thiên Chúa dựng nên để đạt tới cứu cánh hạnh phúc sau những khổ cực trần thế này. Hơn nữa, đức tin Ki-tô giáo còn dạy rằng giả như con người không phạm tội, thì đã không phải chết; sự chết này sẽ bị đánh bại khi Đấng Cứu Thế toàn năng và nhân ái mang lại cho con người sự cứu rỗi mà vì tội lỗi, họ đã đánh mất. Bởi vì, Thiên Chúa đã và đang kêu gọi con người đem toàn thân kết hợp với Người trong sự thông hiệp vĩnh viễn vào sự sống bất diệt của Thiên Chúa.

Trong bài đọc I trích sách tiên tri Ê-dê-ki-en. Vị tiên tri này được luôn nhắc đến như một nhân vật của mùa chay. Ông được nhìn thấy một thị kiến về những bộ xương khô nằm la liệt trên thung lũng. Đó là hình ảnh về dân tộc Ít-ra-en đang bị lưu đày bên Ba-by-lon, tâm trạng chán chường tuyệt vọng. Họ nói “Xương chúng tôi đã khô”. Họ bị chết về tinh thần: hoàn toàn tuyệt vọng rồi. Thân xác của họ cũng như chết luôn, vì sống trong nô lệ thì cũng như chết mà thôi. Tất cả điều đó xảy đến là do tội lỗi mà dân đã phạm. Thiên Chúa bảo ngôn sứ Ê-dê-ki-en hãy an ủi và nói với họ: “Đây Ta sắp cho Thần Khí vào các người và các ngươi sẽ được sống… Ta sẽ đem các người lên khỏi mồ, hỡi dân Ta. Ta sẽ dẫn các ngươi về lại thửa đất của Ít-ra-en” (Ed 37, 6-13). Chỉ có Thần Khí Đức Chúa mới có thể giải thoát con khỏi cảnh lưu đày và sự chết, nên Thiên Chúa đã hứa ban Thần Khí cho dân Người.

Hầu hết những quan tâm của chúng ta đều là lo cho cuộc sống thể xác: ăn uống, tiền bạc, thuốc men, hưởng thụ… Và rất nhiều tội ta phạm cũng vì quá lo cho cuộc sống thể xác này. Thánh Phao-lô nói sự sống thần khí quan trọng hơn sự sống thể xác; và chúng ta vẫn tuyên xưng “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Nhưng hình như ta không sống đúng theo niềm tin ấy. Nếu ta thực sự tin như thế thì: Ta đâu có quá sợ chết, hay ta đâu có quá bám víu vào những thứ nuôi cuộc sống thân xác này. Đức Giê-su nói “Ai dám liều bỏ sự sống thì sẽ được sự sống đời đời”. Trong bài đọc II, thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng chỉ có Thánh Thần của Chúa Giê-su mới có thể mang lại sự sống cho chúng ta: “nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11). Hay nói cách khác, nếu không có Thần Khí của Đức Chúa, cho dù con người có khỏe mạnh mấy cũng chết, đó là lý do Chúa Giê-su nói: “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,36).  Quả thật, sự sống thần khí có thể chết vì tội, nhưng có thể sống lại nhờ Thiên Chúa “Nếu Đức Ki-tô ở trong anh em thì dù thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần khí cũng ban cho anh em được sống” (Rm 8,10). Vì thế, Thần Khí Đức Chúa là sự hiển nhiên về hoạt động và sự sống Thiên Chúa trong chúng ta.

Đức Giê-su làm cho La-da-rô sống lại.

Bài Tin Mừng hôm nay, trình bày cho chúng ta về việc Chúa Giê-su chứng tỏ quyền năng của Người trên cái chết qua phép lạ cho La-da-rô sống lại. La-da-rô là người bạn thân thiết của Chúa Giê-su, anh bị bệnh nặng. Hai người chị là Mát-ta và Ma-ri-a đã cố gắng chữa trị nhưng không được, và anh đã chết trước khi Chúa Giê-su đến. Khi Chúa Giê-su đến thì anh đã chết được bốn ngày và đang nằm trong mồ. Với niềm tin của chị Mát-ta vào Đức Giê-su “Nếu Thầy ở đây, thì em con đã không chết”, nhờ niềm tin đó Chúa Giê-su đã nói: “Em chị sẽ sống lại”. Mát-ta nghĩ Người đang nói về sự sống ngày sau hết. Nhưng Chúa Giê-su xác định lại cách rõ ràng và chắc chắn rằng: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống, ai tin vào Thầy, thì dù có chết cũng sẽ được sống. Chị có tin thế không?” Cô trả lời: “Con tin”. Họ tới mộ và Chúa Giê-su đã truyền cho La-da-rô trỗi dạy và đi ra khỏi mồ.

Như vậy, qua phép lạ Chúa Giê-su chứng minh Người chính là sự sống lại và là sự sống. Người làm phép lạ nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hơn nữa, phép lạ cho La-da-rô sống lại là hình bóng báo trước về sự phục sinh của Chúa Giê-su sau này. Chúng ta cũng cần phân biệt sự phục sinh của Chúa Giê-su khác với sự sống lại của La-da-rô. La-da-rô chết và sống lại, nghĩa là được quay lại sự sống bình thường ở thế gian này, vẫn là cuộc sống tạm thời. Còn Chúa Giê-su phục sinh là người đầu tiên đi vào sự sống mới, sự sống đời đời. Một khi đã sống lại, Chúa Giê-su không còn chết nữa, sự chết không làm chủ được Người nữa, còn La-da-rô thì vẫn phải chết.

Bài học áp dụng

Tôi tin vào sự chết và tin rằng sự chết là một phần của sự sống. Tôi tin rằng chúng ta được sinh ra để chết, chết để có thể sống trọn vẹn hơn. Tôi tin rằng chúng ta được sinh ra để chết, mỗi ngày chết một phần: một phần ích kỷ, một phần tự phụ, một phần tội lỗi. Tôi tin rằng mỗi khi chúng ta bước từ giai đoạn này sang giai đoạn khác của cuộc đời, thì đều có một cái gì đó chết đi và một cái gì đó mới sinh ra. Tôi tin rằng chúng ta nếm mùi sự chết trong những lúc cô đơn, phiền muộn, thất vọng, thất bại, bị ruồng bỏ. Tôi tin rằng mỗi ngày chính chúng ta tạo ra cái chết cho mình bằng cung cách chúng ta sống. Với đức tin của người tín hữu, tôi tin rằng cái chết không dập tắt được ánh sáng. Bởi lẽ, Chúa Giê-su có quyền trên sự sống và sự chết. Người luôn sẵn sàng cứu giúp bất cứ ai, và với bất kỳ giá nào.

Chúa Giê-su yêu mến và kêu gọi chúng ta bằng tên riêng của mỗi người, như Chúa đã kêu gọi La-da-rô: “La-da-rô, hãy ra đây”. Nếu chúng ta lắng nghe và vâng lời Người, Người sẽ mang lại sự sống, sự phục sinh cho sự yếu hèn và thân xác hay chết nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Lạy Chúa, chúng con là những người tội lỗi vì đã nhiều lần hoài nghi tình thương của Chúa khi chúng ta gặp những khó khăn trong cuộc sống. Chúng con cũng là những người tội lỗi vì đã coi trọng sự sống phần xác hơn sự sống linh hồn.

 Nguyện xin Chúa Thánh Thần, gìn giữ và hướng dẫn chúng ta nhận ra những lỗi phạm để thanh tẩy bản thân mỗi ngày. Amen.

 

Vô Danh