Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A

Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27,66

THÁI ĐỘ SỐNG CỦA MỖI NGƯỜI

Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, tuần cao điểm của năm phụng vụ, để cử hành và tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh vinh hiển của Đức Giê-su, Chúa chúng ta.

Xin gửi đến cộng đoàn câu chuyện sau: Vào năm 378 trước Công nguyên, Archias là vua xứ Thébes Hy Lạp, tổ chức một bữa tiệc linh đình. Đang lúc tiệc tùng với các quan đại thần, thì có một người gởi tới một lá thư tốc hành có đề hàng chữ “Tối mật, rất nghiêm trọng. Xin đọc ngay”. Nhà vua đọc xong, đút túi nói: Quan trọng gì thì cũng phải chờ đến ngày mai. Nhưng chỉ mấy giờ sau đó, Pelopidas móc nối với nội thù, cầm đầu một nhóm quân phản loạn, chủ trương cướp chính quyền, xông vào, bóp cổ nhà vua chết tươi ngay trên bàn tiệc. Khi ông chết rồi, người ta đọc được một bức thư nặc danh nhưng mô tả chi tiết cuộc sát hại nhà vua. Nếu như vua chịu khó đọc trước thì đã có thể ứng phó mà thoát nạn. Đó là thái độ không sẵn sàng. Còn Chúa Giê-Su thì ngược lại, Người biết trước và luôn sẵn sàng.

Việc Chúa Giê-su đi vào Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là một điều hết sức đặc biệt. Chúa Giê-su vốn âm thầm khiêm hạ, không thích ồn ào náo nhiệt. Đám đông tìm đến chúc mừng tôn Người lên làm Vua, thì Người lẩn tránh. Nhưng hôm nay là cơ hội duy nhất, Chúa bằng lòng để cho dân tung hô và chính Chúa chủ động gây nên lòng phấn khích nơi dân chúng. Chúa xử dụng quyền năng như một Chúa Tể: Sai các môn đệ đi mượn con lừa cho dẫu là không thuộc sở hữu của mình, vì Chúa cần dùng. Cả thành Thánh lúc ấy náo động. Người người tung hô, trải áo cho Chúa đi qua. Đó là một quang cảnh rầm rộ, một biển người chen chúc đi theo ca hát… Thế mà đám lính sừng sỏ La mã đã không dám đến lập biên bản hay giản tán đám đông.

Chúa chấp nhận sự tôn vinh dành cho Thiên-Chúa qua Tv 117 “Chúc tụng Đấng nhân danh Thiên Chúa ngự đến”, nghĩa là Đấng Mê-si-a, Đấng đến từ chốn Trời cao. Chúa bằng lòng chấp nhận sự chào đón tung hô Người là “Con Vua Đavít”, nghĩa là nguồn gốc đáng tin cậy của Đấng Cứu Thế. Các trẻ em Do thái cũng tán tụng Chúa như Tv 8 “Chúa cho miệng trẻ thơ măng sữa vang tiếng ngượi khen Người”. Qua đó, Chúa muốn chứng tỏ Người là Đấng Cứu Tinh, đến để giải phóng cứu thoát nhân loại. Qủa xứng đáng muôn lời chúc tụng tôn vinh.

Nhưng lòng dạ của con người, mau thay đổi do sự mâu thuẫn giữ lời nói và việc làm, mâu thuẫn giữa thái độ sống, giữa lời tuyên xưng niềm tin và đời sống cụ thể. Sự thay lòng đổi dạ này là sự kiện lịch sử trong chính vụ án Giê-su, mà Giáo hội đã truyền lại cho chúng ta trong bài đọc Lời Chúa hôm nay. Chúng ta vừa được nghe và thấy dân Do thái đón Chúa rất hoàng tráng nhưng mấy hôm sau cũng chính những con người đó hô rất to: “Đóng đinh nó đi, giết nó đi” thay vì câu hò reo tung hô “Vạn tuế con Vua Đa-vít”. Một thái đọ bất nhất của con người. Chúng ta nghĩ gì khi nghe bài tường thuật cuộc thương khó của Đức Giê-su? Phải chăng chúng ta xúc động vì một người vô tội mà phải gánh chịu biết bao đau khổ như thế? Phải chăng chúng ta giật mình nhìn lại bản thân để xem coi mình thuộc về loại những kẻ lạnh lùng hành khổ Người, hay đang vui lòng chịu khổ như Người? Chúng ta có nằm trong thái độ của Phê-rô không? Hay của Giu-đa? Hay của những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó?

Phê-rô trước khi Chúa chưa bị bắt thì mạnh mẽ tuyên xưng sống chết với Người và ngay sau đó rất ngắn khi được hỏi “Ông có phải là môn đệ của Đức Giê-su không” Phê-rô đã chối ngay tức thì, chối những ba lần. Hay Giu-đa vừa ngồi ăn với Chúa, cùng bàn với Chúa, rồi bán rẻ Chúa với 30 đồng bạc. Hay những nhà lãnh đạo tôn giáo lúc đó, họ là những người cứng nhắc về lề luật, thành kiến và khó thay đổi trong xác tín niềm tin của mình. Họ là những người đạo đức giả, chạy theo bề ngoài nhưng tâm địa đầy độc ác và gian thâm.

Tuy nhiên, khi suy niệm cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su, chúng ta không chỉ tưởng nhớ những gì xảy ra trong quá khứ, nhưng suy niệm chính thái độ sống của những nhân vật trên, từ đó soi lại bản thân mỗi người xem mình có dính bén đến những thái độ đó không? Mới hôm qua chúng ta đọc kinh, cầu nguyện sốt sắng, tham dự thánh lễ đầy đủ nhưng hôm nay đã chối Chúa rồi. Mới hôm qua xưng tội hứa với Chúa sẽ không phạm nhưng nay đã phạm mất rồi. Ở trong nhà thờ ta thánh thiện tôn thờ Chúa, nhưng khi ra ngoài ta có sống lọc lừa, vô đạo, gian dối với anh chị em mình không?

Qua Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy, Giu-đa đã tuyệt vọng khi biết mình đã phạm tội, và ông đi thắt cổ tự tử, đó là thái độ tuyệt vọng trước tội lỗi và đánh mất niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa, một thái độ bế tắc. Thái độ này mỗi người chúng ta cần hết sức cố gắng để không bị vướng vào. Thái độ thứ hai là cứ ở lỳ trong tội lỗi. Những người lãnh đạo tôn giáo lúc đó là những người trực tiếp kết án Chúa Giê-su, nhưng sau khi Chúa phục sinh họ vẫn cố tình không chấp nhận và sám hối, không biết ăn năn để trở về với Chúa. Thái độ này mỗi người chúng ta cũng cần tránh. Thái độ thứ ba là sám hối ăn năn. Đó là thái độ của Phê-rô, Người ý thức tội của mình, khóc lóc, sám hối và khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình, xin Chúa thứ tha. Nhờ đó Phê-rô đã có kinh nghiệm về tội lỗi và sám hối, Phê-rô đã trở thành người đứng đầu của Giáo hội và hướng dẫn cộng đoàn, nhờ thái độ khiêm tốn và sám hối của mình.

Như vậy, tuyệt vọng, ngoan cố, ở lỳ trong tội lỗi, hay sám hối trở về, trong cả ba thái độ đó anh chị em và cả tôi nữa chọn thái độ nào? Câu trả lời tùy thuộc vào mỗi người trước mặt Chúa trong Tuần Thánh này. Amen.

Px. NVT