Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXX Thường Niên A

Suy Niệm Tin Mừng

Chúa Nhật XXX Thường Niên A

Chủ Đề: Mến Chúa Yếu Người

(Mt 22, 34-40)

Đạo Do thái trong Cựu ước dựa trên mười điều răn Thiên Chúa đã truyền dạy trên núi Si-nai. Nhưng với thời gian, trải qua các thế hệ, các kinh sư của họ đã giải thích thêm thành một bộ luật, gồm 613 điều, chia ra 248 điều tích cực tức là những điều khuyên làm; và 365 điều tiêu cực, tức là những điều cấm làm. Nhưng “lắm cây thì rậm rừng” che mất ánh sáng, càng đặt ra nhiều luật thì cuối cùng không biết luật nào quan trọng hơn, ngay cả những người thông thạo luật cũng khó mà xác định luật nào là quan trọng nhất. Điển hình, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy: một kinh sư đã hỏi Chúa Giê-su về vấn đề này. Chúa đã trả lời dễ dàng, bằng cách trưng ra hai điều đã có trong Sách Thánh: một điều trong sách Đệ Nhị Luật: “Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn” (Đnl 6,5) và một trong sách Lê-vi: “Hãy yêu thương người thân cận như chính mình” (Lv 19,18). Đó là hai điều quan trọng. Thật là rõ ràng và đầy đủ quá, không chê vào đâu được.

Như vậy, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương anh em đồng loại không phải là điều mới mẻ gì, vì đã có trong Cựu Ước. Nhưng cái mới, cái đặc biệt ở đây, trong Tân ước, trong đạo mới, đó là Chúa Giê-su đã đưa hai điều ấy lên ngang hàng với nhau: xưa kia, điều trên hết là yêu mến Thiên Chúa, rồi mới đến yêu thương anh em đồng loại; ngày nay Chúa Giê-su đưa điều yêu thương anh em đồng loại cũng giống như điều yêu mến Thiên Chúa. Do đó, đạo của chúng ta trở nên một đạo tình yêu. Cây Thánh giá chính là biểu tượng của hai mối tình chí thiết ấy: thanh gỗ dọc là bàn tay giơ lên Thiên Chúa, thanh gỗ ngang là vòng tay dang ra ôm lấy anh em. Nói khác đi, đạo có chiều cao đối với Thiên Chúa, nhưng cũng có chiều ngang đối với anh em.  Chúng ta không thể sống đạo chỉ có chiều cao mà bỏ qua hay quên lãng chiều ngang của đạo. Thiên Chúa và anh em đồng loại chỉ là một mối tình duy nhất đi về hai hướng: một tình yêu có hai đối tượng, chứ không phải là hai tình yêu.

Nếu ai hỏi chúng ta: Bạn có yên mến Thiên Chúa không? Có lẽ chúng ta sẽ cho là hỏi một câu dư thừa. Chúng ta có thể trả lời dễ dàng và không cần phải suy nghĩ gì. Nhưng nếu người ấy hỏi thêm: “Bạn có yêu thương anh em không?”. Chắc chắn không ai cho là câu hỏi dư thừa và có thể chúng ta không trả lời ngay được hoặc không thể trả lời dễ dàng phải không? Chắc nhiều người chúng ta cũng có tâm trạng ngượng nghịu, ngập ngừng của ông kinh sư trong Tin Mừng hôm nay. Chúng ta nghe Chúa phán: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”.

Chúng ta dễ dàng thưa lại với Chúa: “Lạy Chúa, con xin vâng”. Nhưng “Ngươi phải yêu thương anh em như chính mình ngươi”. “Lạy Chúa, con thương ai? Thương cả người tội lỗi ư? Thương cả người phụ bạc tôi ư? Thương cả người nói xấu, nói hành tôi ư? Thương cả người chống đối, phá hoại cộng đồng tôi ư? v.v… Thay vì hai chữ “Xin vâng” dễ dàng, có lẽ chúng ta sẽ nói thầm với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con xét lại đã”.

Trong cuốn phim châm biến “Don Camillo” của Ý có một câu chuyện như sau: Trong một vùng kia ở Ý, về mặt đạo có cha Đông Ca-mi-lô làm cha sở. Cha là một linh mục đặc biệt, vừa có óc khôi hài, vừa là một học sĩ. Về mặt hành chánh, có một ông làm xã trưởng. Ông là một người có đạo, nhưng hiện tại ông chẳng còn đạo nghĩa gì cả, tên ông là Pê-pôn. Một hôm, ông xã trưởng này làm việc gì dó có vẻ để khiêu khích đạo, nhắm vào cha sở. Cha Đông Ca-mi-lô tức mình lắm. Vốn có tinh thần đạo đức, ngài đi vào nhà thờ, đến trước tượng chuộc tội và đàm đạo với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho con được đánh cái thằng “chiên ghẻ”” ấy một trận. Chúa dạy phải yêu thương tha nhân như chính mình, nhưng đối với con người ấy, xin cho con xét lại. Nó không thương được”. Đột nhiên, bất ngờ, từ tượng chuộc tội có tiếng vọng ra: “Bàn tay con là bàn tay của một linh mục, bàn tay con đã được xức dầu làm phép, để ban ơn tha thứ”. Cha Đông Ca-mi-lô cúi xuống, nhưng rồi ngài lại ngẩng đầu lên và nói với Chúa: “Thưa Chúa, bàn tay con có được làm phép nhưng bàn chân con đâu có làm phép. Xin cho con đá nó một cái”.

Câu chuyện trên đây chỉ là một chuyện vui, nhưng cũng muốn nói cho chúng ta biết: luật bác ái yêu thương là luật đặc biệt của Chúa, không còn được xét lại nữa. Vấn đề yêu mến Chúa đối với chúng ta thì rõ ràng dứt khoát rồi, chúng ta không cần kiểm điểm gì nữa, vấn đề cần suy nghĩ và kiểm điểm, đó là chúng ta đã yêu thương người thế nào?

Hôm nay, chúng ta hãy kiểm điểm một điều thôi, điều này là bước đầu của tình yêu thương trọn hảo, đó là điều “Ngươi đừng làm cho kẻ khác điều ngươi không muốn kẻ khác làm cho ngươi”. Tuy mang tính tiêu cực, thụ động, nhưng nếu muốn giữ được điều ấy chúng ta lại phải thực hành những đức tính tích cực như: không nói xấu, không hận thù, không biển thủ, không ganh tị, không gian dối, không lường gạt, không trộm cắp… và hàng tá những cái không khác, mà nếu không xảy ra thì bản thân chúng ta sẽ tránh được biết bao nhiêu tội lỗi, và bộ mặt xã hội chúng ta đang sống, có lẽ sẽ thoải mái, tốt đẹp và an vui hơn biết bao. Xin Chúa cho chúng ta trước khi đạt được nhân đức trọn hảo để có thể yêu thương anh chị em như chính mình. Chúng ta xin cho chúng ta sự quyết tâm: không làm cho ai phải đau khổ, buồn phiền, bất hạnh vì những cử chỉ, lời nói hay hành động của chúng ta.

Tác giả: TMT