Suy Niệm: Lễ Các Thánh Nam Nữ – Bị Đè Bẹp Nhưng Được Hạnh Phúc

Suy Niệm: Lễ Các Thánh Nam Nữ

Bị Đè Bẹp Nhưng Được Hạnh Phúc

Debbie Hoefling là một học sinh trung học ở Lockport, bang Illinois nước Mỹ. Được giáo sư môn xã hội học khuyến khích, Debbie quyết định không nói một lời nào trong vòng bảy ngày. Cô muốn có kinh nghiệm thế nào là câm, là mất khả năng nói được. Ngày đầu tiên Debbie đi mua đồ với mẹ cô. Hai cô gái bán hàng cười khúc khích khi Debbie cố gắng làm dấu hiệu cho biết thứ đồ cô muốn mua. Một cô gái nói khá to rằng: “Hãy coi đứa bù nhìn kia”. Hai cô gái cố ý đâm sầm vào Debbie làm cho cô gần té xuống. Debbie hiểu rõ đây là cách cảm nhận khi mình khác biệt với người khác, khi mình bị tổn thương. Một tuần lễ trôi qua, Debbie tuyên bố: “Tôi rất hạnh phúc và biết ơn vì có thể nói được”.

Theo dòng chảy của lịch sử nhân loại, hàng triệu người bị tổn thương. Nhiều người chịu cảnh bất lợi, chịu thua thiệt vì sống ngược dòng đời. Họ sống ngược với xu hướng của thời đại bởi lẽ họ muốn theo mối phúc thật của Chúa: “Phúc cho những người có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.

Thuở xưa, những lời này liên quan tới những người nghèo của cải trên thế giới này, những người chấp nhận thân phận nghèo khổ, những người giàu có nhưng chia sẻ sự giàu có với người khác. Ngày nay, các chuyên viên Kinh Thánh giải thích lời này với ý nghĩa rộng hơn. Họ giải thích rằng: tinh thần nghèo khó bao gồm những người bị chịu khổ đau trong tâm hồn.

Không chỉ những người mất khả năng nói là bị tan vỡ trong tâm hồn. Người mù, người què, người điếc, người có tâm trí chậm hiểu thì cũng thế. Chúng ta hãy nghĩ đến những người già, người bệnh, người cô độc, người dốt nát, người ít học, người thất nghiệp … Tâm hồn những người này bị kìm hãm và trói buộc biết bao! Họ lo âu, thất vọng, vỡ mộng, ít hấp dẫn, không được yêu, không bạn hữu. Những người thiếu nhà ở, thiếu lương thực, thiếu quần áo, tâm hồn họ tan nát là dường nào! Những người khác màu da, khác quốc tịch, khác giai cấp xã hội, họ bị dồn nén biết chừng nào!

Thánh Tâm Chúa Giêsu hằng đi ra tới những tâm hồn sầu khổ. Lòng thương xót của Chúa luôn chạm tới và xoa dịu những tâm hồn mang đầy thương tích. Chúa nhắc bảo chúng ta rằng những người đang chịu đau khổ đó được chúc phúc. Họ được hạnh phúc vì Chúa Giêsu yêu thương họ với một tình yêu đặc biệt, Ngài kêu gọi họ: “Hết thảy những ai mệt mỏi và vất vả, hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ ủi an” (Mt 11,28).

Còn chúng ta, có thể chúng ta cách nào đó cũng đang sầu khổ trong tâm hồn, bị kiệt sức vì phải phấn đấu trong đời sống, phải gánh vác trọng trách gia đình và cộng đoàn. Những lúc như thế, chúng ta cần nhớ rằng mình thật quan trọng trước mặt Chúa. Chính Chúa Giêsu đã kinh qua sâu xa nhiều điều đã nghiền nát tâm hồn của Ngài: sự khước từ, sự căm hờn, sự vô ơn, đau khổ về tinh thần và thể xác cho đến cái chết đẫm máu đầy nhục nhã. Chúng ta đừng ngạc nhiên vì chúng ta thật quí báu đối với Chúa. Chúng ta đừng ngạc nhiên vì chúng ta là người được Chúa tuyển chọn. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên vì Chúa muốn chúng ta ở với Ngài trong Nước Trời.

Quả thực, không thời gian nào thuận tiện để suy nghĩ về chân lý này khi chúng ta cùng với toàn thể Hội Thánh tôn vinh các Thánh Nam Nữ. Các Thánh đã trải qua những thử thách làm cho tâm hồn các ngài bị tổn thương khi còn tại thế. Nguyện xin các Thánh chuyển cầu mạnh sức cho chúng ta để chúng ta kiên tâm bền chí sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa dẫu chịu thiệt thòi hay khổ đau ở đời này, ngõ hầu chúng ta được thông phần hạnh phúc đích thực và viên mãn cùng các Thánh trong vương quốc của Thiên Chúa.

Tác giả: TMT