Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng – NĂM B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm B

Chủ Đề: Hãy Dọn Đường Cho Chúa Đến

(Mc 1,1-8)

Tôi còn nhớ rất rõ cảm xúc khi gia đình tôi nghe tin đứa em trai út bị nhiễm Covid 19 tại Sài Gòn. Bố tôi một người vốn rất mạnh mẽ đã ngay lập tức ôm mặt khóc, còn mẹ tôi thì ngất lịm. Vì hồi ấy chưa có đủ vaccin để tiêm cho mọi người, nên những ai mắc bệnh cũng đồng nghĩa với cái chết cận kề. Những ngày sau đó, cả nhà tôi thay nhau gọi video call để động viên em, ai cũng muốn bằng cách nào đó, có thể đến ngay bên để chăm sóc em. Nhưng điều đó là không thể, vì mọi nẻo đường đã bị phong tỏa. Thậm chí, ngay cả việc mà trước đây vốn rất bình thường là tham dự thánh lễ mỗi ngày, cũng trở nên thật xa vời. Biến cố ấy đã làm cho hình ảnh con đường đối với tôi trở nên thật giá trị. Bởi tôi nhận ra rằng, nó là cầu nối để con người có thể đến với Chúa và đến với nhau.

Ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã chấm dứt, việc đi lại trở nên thật dễ dàng. Kinh tế dần hồi phục, và những con đường mới, rộng rãi, chất lượng hơn cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Thậm chí trong thời đại công nghệ số, còn có một con đường đang làm thay đổi cả thế giới từng ngày, đó là mạng xã hội, nơi mà mọi thứ sẽ xuất hiện trước mắt chúng ta chỉ sau một động tác nhấp chuột. Chưa bao giờ trong xã hội loài người, chúng ta thấy có nhiều con đường như hiện nay. Dẫu vậy, một câu hỏi căn bản vẫn luôn xuất hiện trong tôi, là tất cả những con đường đó có làm cho người ta đến gần Chúa và đến gần nhau hơn không?

Câu trả lời xem ra là có. Khi thông tin về nạn lũ lụt tại Miền Trung, hay hoàn cảnh đáng thương của một ai đó được loan truyền trên các trang mạng xã hội, qua truyền thanh truyền hình, ngay lập tức sẽ tạo nên một làn sóng đồng cảm, những hành động cứu trợ cụ thể từ rất nhiều tấm lòng hảo tâm. Như vậy, những con đường hiện đại đã đưa người ta xích lại gần nhau trong sự hiểu biết, cảm thông và liên đới. Thật tuyệt vời hơn nữa, nếu bạn trẻ nào ngồi đây khi mở smart phone lên, lại biết tìm đọc các bài suy niệm Lời Chúa, hay đơn giản là để cho những giai điệu thánh ca dẫn dắt tâm hồn mình đến việc cầu nguyện, thì rõ ràng ngả đường thông tin đó là chiếc cầu nối đưa mình đến gần Thiên Chúa hơn.

Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng tốt đẹp như vậy. Cụ thể như việc sử dụng Internet, ngay lập tức nó sẽ đưa các bạn bước vào một thế ảo, mà nếu không làm chủ được bản thân, thì những phim ảnh đồi trụy, bạo lực, thù hận, sẽ làm cho các bạn ngày càng xa rời Thiên Chúa. Những con đường hiện đại ngày nay cũng đang bị lợi dụng để thực hiện vô vàn tội ác: buôn bán ma túy, bắt cóc tống tiền, cổ võ chiến tranh xung đột thay vì hòa giải thương yêu, làm cho con người xa nhau hơn. Từ những thực trạng ấy, chúng ta khám phá ra một chân lý: con người, chính con người mới là chủ thể của những con đường, chính con người tạo ra những con đường. Vì thế, những con đường vốn dĩ chỉ là phương tiện dẫn người ta đến gần Chúa và tha nhân, hay ngược lại, hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ nội tâm của mỗi người. Chúng ta sử dụng nó với một trái tim và ý hướng như thế nào? Đó chính là sứ điệp “Hãy dọn đường cho Chúa đến” mà các bài đọc trong sách thánh ngày hôm nay gửi đến chúng ta:

Tình cảnh của dân Israel thời ngôn sứ Isaia thật bi đát: tổ quốc mất, Đền Thờ cũng không còn, bản thân thì phải cúi mình làm nô lệ nơi đất khách quê người. Ngày ngày sau những giờ lao động khổ sai, họ ra ngồi bên những bến sông mà hướng về Đất Hứa với một nỗi nhớ khôn nguôi: “Giê-ru-sa-lem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại !” (Tv 136,5). Trong lúc hoàn toàn tuyệt vọng, tiên tri Isaia lại cất tiếng loan báo cho họ biết là sắp có một cuộc xuất hành mới. Nhưng để được Đức Chúa giải thoát khỏi ách thống trị của Babylon, thì việc cần thi hành ngay là:. “trong hoang địa, hãy dọn sẵn một con đường cho Chúa” (Is 40,3). Nghe thật phi lý, người Do Thái dọn sao được, khi mà chính bản thân họ đang phải khốn khổ đọa đày trong kiếp nô lệ, thân mình lo còn chẳng nổi nói gì lo dọn đường cho Chúa? Sang thời của thánh Gioan Tẩy Giả cũng vậy, lúc này dân Do Thái đang nằm dưới ách thống trị của đế quốc Rôma, lòng mong đợi Đấng Mêsia sẽ đến để khai mở một triều đại thái bình thịnh trị lại càng trỗi dậy mãnh liệt, và để chuẩn bị cho biến cố vĩ đại này, vị ngôn sứ kêu gọi dân chúng hãy dọn đường cho Chúa. Nhưng người Do Thái dọn sao nổi? Bởi thế, phải hiểu dọn đường ở đây là một sự thay đổi bên trong, hoang địa chính là cõi lòng, và thái độ thay đổi nội tâm ấy sẽ hình thành nên một con đường rộng thênh thang, qua đó Đấng Mêsia sẽ dễ dàng đến với lòng người, đến với dân Do Thái để giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày.

Các bạn trẻ thân mến! Lời mời gọi ấy chắc chắn không phải là thanh âm đã tắt lịm trong quá khứ, nhưng vẫn rất thời sự, là sứ điệp mà Thiên Chúa – ngang qua Lời vừa được công bố – đang gửi đến cho tôi, cho bạn, cho tất cả nhân loại hôm nay: hãy dọn một con đường tâm linh để Chúa có thể đến trong cuộc đời chúng ta. Nhưng bằng cách nào đây? Thưa bằng cách này: quanh co thì uốn cho ngay, đồi cao thì san cho bằng, hố sâu thì lấp cho đầy.

 “Quanh co thì uốn cho ngay”, khi tâm hồn còn ngập tràn những toan tính gian dối, lọc lừa, thì những con đường, những phương tiện hiện đại chỉ làm cho chúng ta xa Chúa và xa nhau hơn mà thôi. “Đồi cao thì san cho bằng”, bao lâu chúng ta còn để cho cõi lòng bị chi phối bởi thói kiêu căng, đố kị, ích kỉ thì việc đến gần Chúa và tha nhân sẽ mãi là điều không thể. Cuối cùng,“hố sâu thì lấp cho đầy”, người ta chỉ có thể xích lại gần nhau và gần Chúa hơn, khi những thung lũng của nghi kị, dục vọng đam mê bất chính được khỏa lấp. Muốn được như vậy, mỗi người cần sống triệt để lời mời gọi của thánh Gioan Tẩy Giả, nghĩa là hoán cải nội tâm, thay đổi cái nhìn, thay đổi cách nghĩ, để từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp trong lối sống hàng ngày, trong tương quan giữa người với người và trong quan giữa người với Thiên Chúa.

Cổ nhân có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, việc hoán cải nội tâm chắc chắn sẽ không hề dễ dàng, nhất là trong một xã hội đầy dẫy những cám dỗ và tội lỗi như hiện tại. Nhưng các bạn hãy an tâm, trên hành trình này chúng ta không hề đơn độc, vì Đức Giêsu đã đi con đường này trước rồi. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-8). Thật vậy, Đức Giêsu đã sống sự khiêm nhường, đơn sơ, khó nghèo, bác ái bao dung để dạy nhân loại biết bạt đi những gì là kiêu căng, ích kỉ, lọc lừa và thù hận. Người chính là đường, là sự thật, là sự sống để chúng ta bước theo mà tìm về với Đấng là Chân –Thiện – Mỹ và sống hòa thuận với nhau hơn.

Các bạn trẻ thân mến, Đức Giêsu đã thực sự đến trong lịch sử nhân loại và chắc chắn Người sẽ còn trở lại. Vì thế, cuộc đời mỗi người tín hữu phải là một Mùa Vọng kéo dài hướng về ngày Ngôi Lời lại đến trong vinh quang. Nhưng đó không phải là một biến cố xa vời của ngày tận thế, mà ngay trong từng giây phút hiện tại, chúng ta cần ý thức biến đổi con tim khối óc cho sẵn sàng, ngay thẳng, để Chúa có thể ngự đến bất cứ lúc nào, như lời thánh Phêrô nhắn nhủ nơi bài đọc 2: “Trong khi chờ đợi ngày đó, anh em phải cố gắng nên tinh tuyền, không chi đáng trách, để được bình an trước mặt Chúa” (2Pr 3,14). Đó cũng là ước mong của Giáo Hội nơi mỗi người trong khoảng thời gian đặc biệt của Mùa Vọng năm nay.

Chỉ ít phút nữa thôi, lời loan báo tràn đầy hy vọng và niềm vui của thánh Gioan Tẩy Giả sẽ thành hiện thực, khi chúng ta đón rước Chúa Giêsu Thánh Thể vào lòng. Vậy ngay từ lúc này mỗi người hãy dọn tâm hồn cho xứng đáng, để cảm nhận trọn vẹn hạnh phúc được Chúa đến viếng thăm trong cuộc đời. Và sau đó, khi lại tỏa ra trên mọi nẻo đường của cuộc sống, các bạn hãy chia sẻ niềm vui có Chúa ở cùng cho mọi người mình gặp gỡ, để người với người xích lại gần nhau hơn. Amen.

Tác giả: Giuse PVH