Suy Niệm Tin Mừng – Lễ Thánh Gia Thất – Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Lễ Thánh Gia Thất

Chủ Đề: Gia Đình – Trường Học Vâng Phục

(Lc 2, 22.39-40)

Hồi còn ở Giáo xứ A, tôi nhớ hôm đó tôi đang chuẩn bị đi dâng lễ thì điện thoại đổ chuông. Tôi nhấc máy lên thì nghe thấy ông trùm thưa rằng: cha ơi, nguy to rồi. Tôi bảo ông cứ bình tĩnh. Ông thều thào nói: cha ơi, bà Hoa bị con gái thiêu chết rồi. Tôi được biết, gia đình Bà Hoa có 2 người con: cô con gái và cậu con trai út. Ông chồng đã qua đời trước đó vài năm vì ung thư dạ dày, sau nhiều năm rượu chè, say xỉn. Cô con gái lấy chồng ở thôn kế bên. Cho nên bà Hoa ở cùng với gia đình người con trai út, trên mảnh đất 2000 m2. Mọi thứ diễn ra êm đềm, cho đến hôm xảy ra sự việc. Vì hôm đó là lễ các linh hồn, nên cô con gái về thăm mẹ, tiện thể đi thắp hương, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên và bố mình. Khi mọi thứ xong xuôi, về đến nhà cô con gái bắt đầu đòi mẹ chia thêm đất cho mình. Sau một hồi cự cãi, cô phóng xe đi. Những tưởng cô tức giận, bỏ về nhà chồng. Đột nhiên, cô trở lại, tay cầm can xăng rồi cứ thế đổ lên người bà Hoa và châm lửa đốt. Chỉ trong chốc lát, người bà Hoa trở thành ngọn đuốc sống.

Tôi tự hỏi tại sao chị lại lạnh lùng thiêu chết mẹ mình? Có lẽ chị ra tay hành động vì miếng đất đó có giá trị chăng? Chắc không phải, vì miếng đất đó nằm cách xa đường, lại còn méo nữa. Hơn nữa, nó có phải đất thành phố đâu. Vậy thì phải chăng là chị không được ăn học đến nơi đến chốn? Chị ta cũng có bằng này cấp nọ mà. Hay có thể do chị bị ức chế, kích động khi chứng kiến mẹ quý cậu út hơn mình, lại chia cho cậu ấy nhiều đất hơn nữa? Rốt cuộc, vì đâu mà mái ấm gia đình lại trở thành chiến trường? Tôi nghĩ, đó là chủ nghĩa cá nhân, cụ thể là lối sống ích kỉ, chỉ làm theo ý riêng. Nếu không được như ý mình thì bất chấp tất cả.

Thưa anh chị em! Chúng ta thử tưởng tượng, nếu ai cũng sống ích kỷ, ai cũng làm theo ý riêng thì sẽ thế nào nhỉ? Trong gia đình, nếu con cái không vâng lời, cãi lại cha mẹ thì gia đình đó có hạnh phúc không? Hay trong các hội đoàn, chín người mười ý, ai cũng cho mình là đúng, là nhất thì sao? Lớn hơn một chút, trong giáo xứ, nếu con chiên không nghe lời mục tử thì giáo xứ có hiệp nhất không? Nếu con chiên nổi loạn, kết bè kéo cánh để chống đối cha xứ của mình thì cộng đoàn đó có bình an không?

Trong một bức tranh nhiều điểm tối như thế, vậy phải làm sao đây thưa anh chị em? Lời Chúa trong ngày lễ Thánh gia thất hôm nay mang đến cho chúng ta một tia sáng. Thánh sử Lu-ca phác hoạ cho chúng ta gương mẫu sống tâm tình con thảo với Thiên Chúa của thánh gia thất. Các ngài đã không làm theo ý riêng nhưng thực hiện các công việc của Thiên Chúa theo cách của Thiên Chúa. Không chỉ vâng lời Thiên Chúa trong việc chu toàn lề luật mà thôi nhưng cả cuộc đời của các ngài đã thực hiện điều đó.

Đức Ma-ri-a, có lẽ như bao cô gái khác cũng đã lên kế hoạch cho cuộc đời của mình. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Thiên thần xuất hiện và báo tin Mẹ sẽ mang thai. Tôi nghĩ rằng, Mẹ có thể từ chối lời mời gọi của Chúa và chọn con đường dễ dàng hơn. Mẹ có thể nói: “Ồ Không, cảm ơn”. Chắc chắn điều đó sẽ dễ dàng hơn việc phải giải thích về cái thai của mình cho thánh Giu-se và gia đình. Mẹ biết mình sẽ phải đối diện với những nghi ngờ, những lời thì thầm, những tiếng cười khúc khích. Chắc hẳn lúc đó Mẹ cũng bối rối và sợ hãi lắm. Ấy vậy mà Mẹ vẫn can đảm, đáp lại thánh ý của Thiên Chúa bằng sự vâng phục. Nhờ sự vâng phục này, Đức Mẹ đã mang Đấng cứu độ đến với chúng ta.

Chúng ta cũng thấy điều đó nơi thánh Giu-se. Giu-se một chàng trai đang độ thanh xuân, vừa đính hôn với cô gái trẻ Ma-ri-a. Cuộc sống đang tươi đẹp, thì đùng một cái, Ma-ri-a thông báo mình có thai. Chắc hẳn khi nghe tin đó thánh Giu-se sốc lắm. Biết bao suy nghĩ hiện lên trong đầu của ngài. Có lẽ, hôm đó thánh Giu-se trằn trọc cả đêm, để rồi đi đến quyết định dứt áo ra đi trong âm thầm. Chính lúc đó, thánh Giu-se đã nghe được tiếng Chúa chỉ dẫn cho mình. Lập tức, Thánh Giu-se đã vâng phục thánh ý Thiên Chúa và đi theo kế hoạch của Ngài. Bất chấp tương lai phía trước có như thế nào, thánh Giu-se tin tưởng Chúa sẽ dẫn dắt mình vượt qua.

Còn Chúa Giê-su, Ngài đã vâng lời như thế nào? Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha để xuống trần gian và trở thành thành viên của gia đình nhân loại. Ngài học vâng phục ở trường học mang tên gia đình Na-da-rét. Ngài vâng lời cha mẹ của mình. Anh chị em có thấy đây là một điều kỳ diệu không? Lẽ thường, con người phải vâng phục Thiên Chúa. Nhưng ở đây Chúa Giê-su là Thiên Chúa lại vâng lời con người. Đấng Tạo hoá lại vâng lời tạo vật. Trong vườn cây Dầu, Chúa Giê-su chiến đấu với cơn cám dỗ. Tôi nghĩ lúc đó, Chúa Giê-su cũng bị cám dỗ làm theo ý riêng. Tuy nhiên Ngài vẫn một lòng một ý với Cha Ngài. Ngài vâng theo chương trình của Chúa Cha “vâng lời cho đến chết, chết trên cây thập giá”. Đây là biểu hiện cao cả nhất của sự vâng phục.

Thưa anh chị em! Gia đình thánh gia đã luôn vâng phục thánh ý Chúa. Vậy đâu là ý Chúa muốn cho mỗi người chúng ta? Bài đọc thứ nhất, sách Huấn ca dạy chúng ta về cách sống của con cái trong gia đình. Nếu con cái kính trọng, biết ơn và vâng lời cha mẹ thì chắc chắn gia đình đó sẽ được nhiều phúc lành và trường thọ. Còn trong bài đọc hai, thánh Phao-lô khuyên chúng ta hãy thực hành các nhân đức trong gia đình. Nếu cha mẹ yêu thương, chịu đựng và tha thứ cho nhau, thì chắc chắn gia đình đó sẽ êm ấm thuận hoà. Nếu cha mẹ luôn chu toàn bổn phận trong việc giáo dục và làm gương sáng cho con cái, thì gia đình đó sẽ sinh được nhiều hoa trái thiêng liêng. Nếu mỗi thành viên trong gia đình biết hy sinh những ý riêng, mà thực thi ý Chúa thì chắc chắc gia đình đó luôn có niềm vui, bình an và hạnh phúc. Mặc dù, trong cuộc sống hiện nay, không ít người vẫn đang gặp rắc rối, đau khổ hay những điều bất ổn. Đó có thể là những em nhỏ đang sống trong gia đình bố mẹ ly dị, ly thân. Đó cũng có thể là hoàn cảnh của người vợ có người chồng cờ bạc, rượu chè, trai gái. Hay đó cũng là hoàn cảnh của những ông chồng có vợ đi ngoại tình, bỏ bê chăm sóc con cái. Những lúc như thế dường như chúng ta không thấy Chúa ở đâu. Vâng theo ý Chúa lúc này thật khó. Và chúng ta thường bị cám dỗ buông xuôi. Thế nhưng, chúng ta được mời gọi bám chặt vào Chúa, nhận ra Chúa luôn hiện diện, đồng hành và nâng đỡ chúng ta.

Thưa anh chị em! Khi cử hành lễ Thánh Gia thất vào Chúa Nhật sau Chúa Giáng sinh, Giáo Hội khuyến khích chúng ta hướng về gia đình thánh gia, để tìm cảm hứng, gương sáng và sự khích lệ. Một mặt, chúng ta cố gắng xây dựng gia đình mình thành gia đình thánh. Mặt khác, chúng ta còn được mời gọi mở ra với một gia đình rộng lớn hơn, gia đình của Thiên Chúa, là Hội Thánh. Để giờ đây, chúng ta cùng nhau quây quần bên bàn tiệc gia đình, kín múc ân sủng của Chúa, nhờ hiến lễ được Chúa Giê-su thực hiện ngang qua sự vâng phục cho đến chết của Ngài. Xin Chúa chúc lành cho mỗi gia đình của anh chị em. Amen.

Giuse NVH – K.XXII