Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm B

Chủ đề: Sự Ngạc Nhiên Của Đức Tin

( Mc 1,21-28)

Tại Provence miền Nam nước Pháp, có một hang đá giáng sinh rất nổi tiếng. Khi các du khách tới thăm, người ta thường để ý đến một nhân vật nhỏ bé với hai bàn tay mở ra trống trơn. Đặc biệt, trên khuôn mặt của nhân vật biểu lộ một vẻ ngạc nhiên khó tả. Chính vì thế, mọi người đã đặt tên cho nhân vật này là “ngạc nhiên”. Một ngày kia, mấy nhân vật ở đó tỏ ra rất khó chịu với anh “ngạc nhiên”. Bởi vì anh chẳng có gì để dâng tặng Chúa Hài Nhi. Thế rồi, họ mắng anh: “Mày không biết xấu hổ hay sao? Mày đến chầu Hài Nhi Giêsu mà không mang theo gì cả?”. Nhưng anh “ngạc nhiên” không hề phản ứng. Trong khi đó, đôi mắt của anh vẫn mở to và chăm chú nhìn vào Hài Nhi Giêsu. Những lời ấy vẫn cứ tiếp tục trút xuống trên anh, khiến Ðức Maria phải lên tiếng để biện hộ cho anh như sau: “Quả thực anh ‘ngạc nhiên’ đã đến với Hài Nhi Giêsu với hai bàn tay trắng. Nhưng anh đã mang đến món quà cao đẹp nhất: đó là sự ngạc nhiên của anh! Ðiều này có nghĩa là tình yêu bao la của Thiên Chúa đã chiếm trọn tâm tư của anh”.

Sự “ngạc nhiên” là điều tự nhiên nơi bản tính con người. Tôi còn nhớ, hồi tôi còn còn là sinh viên, tôi thấy trên giá sách của thư viện có rất nhiều đầu sách mang dòng chữ: “Mười vạn câu hỏi vì sao?”, điều đó cho thấy, con người luôn ngạc nhiên trước vũ trụ bao la và không ngừng đặt ra những câu hỏi để tìm hiểu và khám phá. Triết gia Platon cho rằng: để nhận ra chân lý, thì chúng ta cần phải biết ngạc nhiên và ông gọi đó là sự “ngạc nhiên của triết học”. Quả thực, có biết ngạc nhiên, có biết đặt câu hỏi, con người mới có thể nhận ra chân lý và khám phá ra những điều mới lạ. Vậy, trong đời sống đức tin, chúng ta có cần đến sự ngạc nhiên không?

Lời Chúa trong Chúa Nhật tuần trước đã cho chúng ta thấy thái độ quan trọng cần phải có để được ơn cứu độ đó là phải: “Sám hối và tin vào Tin Mừng”. Thái độ sám hối như là chìa khoá giúp chúng ta mở ra cánh cửa của Tin Mừng cứu độ. Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, thánh Marcô đã diễn tả cho chúng ta thấy thái độ rất đặc biệt của dân chúng, đó là thái độ ngạc nhiên. Tin Mừng kể rằng: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1,22). Sự ngạc nhiên càng tăng lên, khi họ chứng kiến Đức Giêsu ra lệnh cho thần ô uế xuất khỏi một người mà nó nhập vào. Tin Mừng kể tiếp: “Mọi người đều kinh ngạc và tự hỏi, thế nghĩa là gì?” Đấng mà dân chúng “sửng sốt”“kinh ngạc” ấy chính là Đức Giêsu Kitô. Ngài chính là vị ngôn sứ mà Môsê tiên báo trong bài đọc I. Ngài chính là Môsê mới, có uy quyền và trổi vượt hơn tất cả các ngôn sứ.

Thái độ ngạc nhiên của dân chúng trước uy quyền của Thiên Chúa đã dẫn họ tới niềm tin vào chính Ngài. Nhờ thế, họ có thể được cứu độ. Hơn thế nữa, sự ngạc nhiên còn thúc đẩy họ trở thành những người loan truyền danh Chúa ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê (x. Mc 1,28). Đối với các môn đệ, khi chứng kiến những lời giảng dạy và việc làm của thầy mình, chắc chắn các ngài cũng ngạc nhiên. Và nhờ thế, các môn đệ càng thêm lòng tin vào Thầy của mình.

Sự ngạc nhiên đối với con người là điều dễ hiểu, nhưng đối với Chúa Giêsu, chúng ta có thấy Ngài ngạc nhiên khi nào không? Câu trả lời là có. Bởi vì, Đức Giêsu có hai bản tính: bản tính Thiên Chúa và bản tính con người. Thế nên, Ngài cũng biết buồn vui, hạnh phúc, đau khổ và tất nhiên Ngài cũng biết ngạc nhiên. Tin Mừng thánh Matthêô cho chúng ta thấy, khi chứng kiến lòng tin của viên đại đội trưởng, Đức Giêsu đã ngạc nhiên mà thốt lên rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (Mt 8,10).

Chúng ta đang sống trong thời đại công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Con người đã khám phá và phát mình ra nhiều những thành tựu khoa học kỹ thuật. Những thành công đó thật đáng khen ngợi, nhưng nó cũng dễ làm cho con người rơi vào thái độ tự phụ mà quên đi sự ngạc nhiên về Thiên Chúa là Đấng quyền năng, đã sáng tao vũ trụ và con người. Hơn thế nữa, chúng ta đang sống giữa nơi thành thị xa hoa lộng lẫy, những tiện nghi, những tiếng ồn ào, những ánh đèn lung linh cũng dễ làm chúng ta đánh mất sự ngạc nhiên trước mầu nhiệm và tình yêu của Thiên Chúa. Thêm vào đó là những cám dỗ của ma quỷ và của xác thịt, có thể làm chúng ta xa rời Thiên Chúa.

Lời Chúa trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay như một lời nhắc nhở tôi cũng như cộng đoàn, hãy kiểm tra lại sự nhạy bén của con tim và lý trí của mình trong đời sống đức tin. Bởi vì, nhiều khi chúng ta quá hững hờ với mầu nhiệm và tình yêu của Thiên Chúa. Nhiều khi chúng ta đi tham dự thánh lễ như một cái máy. Nhiều khi chúng ta rước Chúa vào lòng như một thói quen.

Mỗi người chúng ta có một con tim, một lý trí, một hoàn cách sống và một cảm thức đức tin khác nhau. Vậy phải làm thế nào để luôn có được sự ngạc nhiên của đức tin? Trước tiên, chúng ta cần phải mở lòng mình ra để cho Chúa Thánh Thần tác động. Hãy tập chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên và các loài thụ tạo để nhận ra bàn Thiên Chúa là tác giả. Hãy nhìn nhận hình ảnh của Thiên Chúa nơi tha nhân để sẵn sàng yêu thương và phục vụ. Cuối cùng, là trung thành và kiên trì trong việc cầu nguyện, siêng năng tham dự các cử hành phụng vụ, nhất là việc tham dự thánh lễ.

Quả thực, sự ngạc nhiên trong đời sống tự nhiên là điều cần thiết để mở ra những chân lý và khám phá, cũng thế trong đời sống đức tin chúng cũng cần có thái độ ngạc nhiên. Bởi lẽ, sự ngạc nhiên của đức tin là chìa khoá giúp chúng ta mở ra trong mối tương quan với Thiên Chúa. Sự ngạc nhiên của đức tin là động lực thúc đẩy mỗi người chúng khám phá ra mầu nhiệm và tình yêu của Thiên Chúa. Cầu chúc cho mỗi người chúng ta luôn có một con tim nhạy bén, một lý trí sáng suốt để luôn có được sự ngạc nhiên của đức tin. Đặc biệt, trong phần phụng vụ Thánh Thể mà chúng ta chuyển bị tham dự, chúng ta hãy tham dự một cách sốt sắng, hãy mở lòng mình ra để cho Chúa Thánh Thần tác động và hãy biết ngạc nhiên trước mầu nhiệm cao trọng này. Nhờ đó, chúng ta sẽ được Chúa thương ban cho muôn phúc lành và được ban ơn cứu độ trong ngày sau hết. Amen!

Giuse Đinh Văn Tân