Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Thường Niên – Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật V Thường Niên – Năm B

“Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta trong thử thách và đau khổ”

( Mc 1,29-39)

Chắc hẳn nhiều người trong chúng con không còn xa lạ với cái tên Destoiesky! Trong tác phẩm có tên “Dịch Hạch” của mình, nhà  văn này đã khéo léo chỉ ra một sự thật nơi con người, khi kể câu chuyện về việc quân đội Phát-xít hành hình một cậu bé vô tội. Nhiều người chứng kiến khi ấy đã hét lên trong đau đớn tuyệt vọng: “Lạy Chúa, Ngài ở đâu? Tại sao Ngài lại để những tội ác ấy diễn ra?”. Chỉ có duy nhất bà cụ tay run run chỉ thẳng vào đứa bé bị treo cổ ấy mà nói với giọng chắc nịch: “Chính Chúa đó!”.

Cha nghĩ, chúng con sẽ đồng ý với sự thật về con người mà Destoiesky vừa chỉ ra. Sự thật ấy là khi đứng trước sự dữ, hay khi phải đối diện với những đau khổ bất công, con người đều gặp phải cơn cám dỗ muốn chất vấn Thiên Chúa bằng câu hỏi: Tại sao? Thậm chí là nghi ngờ chính sự hiện diện và tình yêu của Người. Như trường hợp của Gióp trong bài đọc I chúng con vừa lắng nghe. Đau khổ thực sự với Gióp không phải ở việc mất hết tài sản, con cái hay bệnh tật, nhưng lại là tình trạng cô đơn tuyệt vọng trong tâm hồn, khi Thiên Chúa-Đấng Công Minh Chính Trực vẫn cứ lặng im trước đau khổ của ông

Vì thế, chúng con sẽ thấy toàn bộ bài đọc I là tiếng kêu trách của Gióp với giọng đầy ai oán. Ông thấy cuộc đời này như một cuộc nô dịch tủi nhục, phận đời của ông chỉ tựa bóng đêm với đau khổ ê chề. Gióp có lẽ là người phù hợp để ca lên thánh vịnh 42: “Châu lệ là cơm bánh đêm ngày, khi thiên hạ thường ngày cứ hỏi -này Thiên Chúa ngươi đâu”. Thiên Chúa đâu mà để cho ngươi khốn khổ như vậy?

Cha may mắn được đồng hành với nhiều người trẻ và sinh viên. Đồng thời, trong chính kinh nghiệm tuổi trẻ của cha, cha biết rằng ai trong chúng con cũng đều có những khó khăn và khổ sở nhất định trong cuộc sống. Ai trong chúng con và cả cha nữa, ít nhiều cũng gặp phải những khổ đau như Gióp vậy. Nhưng đâu sẽ là lối thoát và hy vọng cho những đau khổ, những vụn vỡ và cả những khủng hoảng của chúng ta trong cuộc đời? Không lẽ chúng ta cũng chỉ biết than trách như Gióp sao!

Tin Mừng hôm nay sẽ hé mở cho chúng ta niềm hy vọng ấy. Niềm hy vọng được thánh Maccô khéo léo mô tả rất hình tượng. Chúa Giêsu không hề đừng từ xa để chữa bệnh, hay chỉ đơn giản là phán một lời quyền năng chữa lành. Nhưng thay vào đó, Đức Giêsu đã thực sự “đụng chạm” đến thân xác của những con người khốn khổ ấy. Ngài đã cầm lấy tay bà mẹ vợ ông Simon và cơn sốt của bà liền tan biến. Chắc chắn với cùng một cách thức ấy, Ngài cũng đặt tay trên những người phong cùi, những người bị quỷ ám trong buổi chiều hôm ấy, tại Caphacnaum.

Cái “chạm” của Chúa Giêsu diễn tả rằng, Ngài muốn ôm lấy hết mọi khổ đau của con người. Một vị Thiên Chúa có thể đau nỗi đau của chúng ta. Ngài muốn trở nên một trong những những đớn đau của nhân loại.

Cha từng xem một video ngắn kể về một bà mẹ bế đứa con trai nhỏ của mình đi tiêm. Bà mẹ trẻ ấy đã run lên khi mũi tiêm đâm vào da thịt của đứa bé. Nó khóc ré lên, bà cũng khóc và ôm chặt đứa con. Nhưng kì lạ, đứa trẻ thấy mẹ khóc thì nó không còn gào to nữa. Cha tự hỏi, phải chăng nó biết rằng nó không cô đơn trong nỗi đau ấy. Nó không đau một mình, vì vẫn có mẹ đang chia sẻ và đau nỗi đau của nó.

Chính Đức Giêsu cũng muốn đau nỗi đau của chúng con, Ngài sẽ không cất đi những đau khổ bởi sẽ khiến chúng con trở nên hèn nhát, nhưng Ngài sẽ cùng chia sẻ với chúng con. Để không ai còn cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn như thể bị bỏ rơi trong nỗi đớn đau của riêng mình.

Mầu nhiệm nhập thể là minh chứng cho sự thật ấy. Thiên Chúa muốn gắn bó không rời với con người đến nỗi tự nguyện trở nên chính con người để hiểu và cảm thông với những giới hạn và yếu đuối của chúng ta. Trong suốt hành trình dương thế, Đức Giêsu cũng sống sự thật ấy, như trong Tin Mừng hôm nay, Chúa chạm đến những đau khổ của con người, để đau khổ ấy cũng thuộc về Người. Và còn tuyệt vời hơn nữa, Đức Giêsu chấp nhận bị bỏ rơi trong Cuộc Khổ Nạn, tự nguyện chết cô đơn trên thập giá. Ngài tự nguyện biến mình thành “cái” tận cùng! Tận cùng của đau khổ! Tột cùng của tình trạng bị bỏ rơi. Để bất cứ ai trong chúng con và cha, không ai còn có thể nói đau khổ của mình là không thể chịu được, vì có đi đến tận cùng nỗi đau ấy, ta cũng sẽ gặp Đức Giêsu Kitô. Ngài chấp nhận bị bỏ rơi để không ai bị bỏ mặc

Giờ ta mới thấy nhà văn Destoiesky có lý khi để bà cụ già chỉ tay lên đứa trẻ bị treo cổ mà nói: Chúa đó! Chính Chúa cùng chịu treo cổ bất công với đứa trẻ, chính Chúa cùng gánh vác những khó khăn, vất vả, và khổ đau trong kiếp nhân sinh của từng người chúng ta. Và hơn thế nữa, chính nhờ Đức Giêsu Kitô, với Người và trong Người mà những đau khổ của chúng ta có giá trị cứu độ, nhờ hiệp với của lễ là Mình và Máu của Người trên thập giá.

Chúng con chắc chắn sẽ hỏi cha: giờ chúng con con phải làm gì? Sau thánh lễ này, cha muốn chúng con hãy tập xét mình mỗi ngày, hằng tuần và hằng tháng. Hãy nghiệm xem Chúa đã ở đâu trong hành trình cuộc đời và trong những biến cố của chúng con suốt thời gian ấy.

Mẹ của cha bị u tuỷ, khi cha còn là chủng sinh năm Tu Đức. Nhiều người khi ấy xót thương và thấy tội nghiệp cho bà vì con cái lớn khôn, đến lúc được hưởng thì lại bệnh tật. Bà chỉ nói với cha thế này, con không được nghĩ như vậy nhé! Mẹ tạ ơn Chúa nhiều lắm, vì nếu lúc ba chị em con đang tuổi ăn học, mà mẹ mắc bệnh này, thì chúng con có được học hành đầy đủ như bây giờ không?

Chúng con thân mến, cha tin rằng, tất cả chúng con cũng sẽ nhạy bén với sự hiện diện của Thiên Chúa trong những nỗi đau khổ của mình, giống như mẹ của cha vậy. Hãy nhớ rằng, chúng con không bao giờ cô đơn hay bị bỏ rơi trong đau khổ, vì Thiên Chúa thực sự đang ôm lấy chúng con. Ngài cũng khóc khi chúng con phải khóc, Ngài cũng đau khi nỗi đau ập đến với chúng con. Chúng con hãy tin rằng, Chúa luôn ở bên cạnh chúng con trong bất kỳ cảnh huống nào, để cùng với chúng con vượt qua và chiến thắng!

Giờ đây, cha muốn chúng con hãy cùng đặt những khó khăn, những đau khổ của mình trên bàn thờ, để của lễ của cha và cũng là của chúng con được Thiên Chúa là Cha toàn năng chấp nhận mà trở nên ơn cứu độ cho mọi người.

Giuse Nguyễn Thành Nam