Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật VI Thường Niên – Năm B

Chủ đề: Can đảm đến với Chúa

( Mc 1,40-45)

Trước đây, khi còn là thầy chủng sinh, tôi có đi giúp ở một giáo xứ kia. Trong thời gian giúp xứ ấy, có một gia đình mời tôi đến nhà để dùng bữa. Trong bữa ăn hôm đó, gia đình họ cũng mời thêm nhiều vị khách nữa. Đa số trong họ, tôi đều biết. Tuy nhiên, tôi để ý thấy một anh thanh niên lạ mặt, nên tôi hỏi anh ta “anh là người nơi khác đến đây đúng không?”. Anh ta trả lời “không, nhà con ngay đây thôi thầy ạ”. Bố của anh ta ngồi gần đó, thấy vậy thì nói “con út của con đấy thầy”. Tôi mới ngỡ ngàng, tôi về đây lâu mà chưa hề gặp anh ta. Tôi hỏi anh ta “anh hay đi lễ ở đây hay ở đâu, mà tôi chưa gặp anh lần nào”. Anh ta ngại ngần nói “con đi lễ ở đây thôi, nhưng con toàn ngồi ngoài”. Nói chuyện ra thì tôi mới biết, trước đây anh cũng từng là giúp lễ, cũng từng vào ở trong nhà xứ một thời gian. Nhưng mười lăm năm nay anh chưa xưng tội. Anh nói là từ khi vào đại học, chơi bời với các bạn rồi nảy sinh nhiều vấn đề, anh chưa dám xưng tội, lâu dần anh lại càng ngần ngại đến với tòa giải tội. Vậy nên khi đi lễ, anh ngồi ngoài để đỡ phải xấu hổ khi người ta rước lễ mà mình không rước lễ. Rồi cũng có khi anh bỏ lễ luôn.

Các bạn thân mến. Chắc hẳn các bạn cũng từng có những lúc trải qua kinh nghiệm như vậy. Mà chính bản thân tôi cũng thế. Đôi khi mặc cảm tội lỗi làm chúng ta ngần ngại đến với tòa giải tội, ngần ngại đến với Chúa. Chúng ta cảm thấy như có bức tường ngăn cách chúng ta với Chúa. Nhưng đó mới chỉ là những rào cản vô hình do chính chúng ta đặt ra. Còn có những rào cản lớn hơn nữa, đó là các yếu tố đến từ ngoại cảnh. Thế chúng ta mới thấy nỗi khốn khổ mà người bệnh phong trong bài Tin Mừng phải chịu lớn đến mức nào. Ngoài những mặc cảm về tình trạng của mình, họ còn bị một hệ thống luật lệ cũng như quan niệm thời đó khinh miệt, loại trừ. Bài đọc một, trích sách Lê-vi mà chúng ta vừa nghe, cũng đã liệt kê ra hàng loạt những chế tài đối với người mắc bệnh phong cùi: phải mặc áo rách, xõa tóc, che râu, khi ở nơi công cộng họ phải kêu lên “ô uế”, phải cách li với cộng đoàn. Đúng là một nỗi đau kép! Thể xác đớn đau vì bệnh tật; tinh thần thương tổn vì bị kì thị, bị loại trừ khỏi các hoạt động cộng đồng, phụng tự.

Trước những khó khăn đó, chúng ta phải làm sao?

Tôi cũng hỏi anh chàng lâu năm chưa xưng tội kia “thế anh định cứ như vậy mãi à?”. Anh buồn bã trả lời tôi là “không, rồi hôm nào đó con sẽ đi xưng tội chứ”. Nhưng vấn đề “hôm nào là khi nào?”. Trở lại với bài Tin Mừng, như chúng ta thấy, mặc dù luật lệ của người Do Thái khắt khe như vậy, câu mà người bệnh phong cùi được nói và phải nói nơi công cộng là “ô uế”, thì người phong cùi này đã can đảm chạy đến quỳ xuống mà van xin Chúa Giêsu “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Có thể nhiều người trong các bạn cho rằng anh ta “có bệnh thì vái tứ phương”. Nhưng với tôi, đó là sự can đảm, một sự can đảm được thúc đẩy bởi lòng tin. Anh ta dám vượt qua hết những rào cản của lề luật, của quan niệm đương thời mà chạy đến với Chúa. Nếu niềm tin của anh không đủ lớn, chắc hẳn anh đâu dám làm điều như vậy. Chúng ta để ý ngay câu anh ta xin với Chúa, nếu lẽ thường, người xin sẽ đưa ra yêu sách một cách trực tiếp như “xin chữa lành tôi”, “ xin cho tôi được sạch”. Nhưng ở đây, anh ta tin tưởng tuyệt đối ở tình thương của Chúa, và anh ta “dám” mở ngỏ cho hành động của Chúa khi anh ta nói “nếu Ngài muốn”.

Thái độ can đảm với niềm tin mạnh mẽ ấy của người phong cùi đã được Chúa đền đáp lại. Ngài đã đụng chạm tới anh ta, và anh ta đã được sạch. Có thể chúng ta thấy điều đó bình thường, nhưng ở thời điểm đó, đây là một cuộc cách mạng. Người bệnh phong “dám vượt rào”, chạy đến với Chúa để nài xin Ngài; đồng thời, Chúa Giêsu cũng cũng “dám” động vào người bệnh phong để chữa lành họ. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp, một cử chỉ đầy thân thương. Một vị Thiên Chúa cúi xuống, đụng chạm vào những vết thương đang mưng mủ, hôi tanh của người phong cùi. Thiên Chúa không ngại chạm đến những gì là nhơ nhớp để giải thoát con người. Cử chỉ “chạm vào” cũng có nghĩa là Ngài sẵn sàng mang lấy bệnh tật, cùng đau khổ với con người, bên cạnh đó, Ngài cũng truyền cho con người sức mạnh và tình yêu. Đây chính là ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể – Thiên Chúa xuống thế làm người.

Các bạn trẻ thân mến. Người phong cùi trong bài Tin Mừng quả đã có một quyết định táo bạo. Một quyết định khiến cuộc đời anh rẽ sang một chương mới. Với việc đã được Chúa chữa cho sạch, anh cũng được trở lại hòa nhập với cộng đồng, được tham dự các nghi lễ ở Đền thờ và Hội đường. Anh ta có một tương lai rực rỡ và tươi sáng, không ai còn kì thị anh ta nữa. Nhưng mà điều đáng để anh ta hạnh phúc nhất, đó là được Chúa ra tay cứu chữa – ơn cứu độ đã đến với anh. Hành động của anh ta là một bài học thật quý giá cho đời sống của chúng ta. Chúng ta can đảm đến với Chúa, Chúa sẽ rộng vòng tay ôm lấy chúng ta, chữa lành thương tích cho chúng ta. Vấn đề là chúng ta có dám hay không?

Trở lại với câu chuyện ban đầu tôi kể, có điều rất vui là anh chàng mười lăm năm chưa xưng tội kia, chỉ ít lâu sau đó, trong đợt dịch Covid 19, anh đã đến gặp cha xứ và xin được xưng tội. Chắc chắn, trong nội tâm anh đã có nhiều tranh đấu, khắc khoải; nhưng cuối cùng, anh đã chọn đến với Chúa. Từ đó, anh trở nên rất sốt sáng, anh cũng mới cưới cô vợ là ca viên trong ca đoàn. Hai vợ chồng anh rất hăng say các công việc chung của giáo xứ. Cha xứ, tôi và cả gia đình anh đều rất vui mừng vì những gì Chúa đã làm cho anh. Anh đã tìm lại được ý nghĩa cuộc sống, đã tìm thấy niềm tin và hy vọng nơi Chúa. Và nếu anh can đảm sống như vậy, cuộc đời anh sẽ luôn luôn có Chúa đồng hành.

Các bạn thân mến. Các bạn là những người trẻ, chỉ ít nữa thôi, các bạn sẽ phải bước vào ngưỡng cửa cuộc đời, sẽ phải sống trong một xã hội với đầy những xô bồ, những cám dỗ. Chắc chắn, sẽ có lúc các bạn phải đối diện với những khó khăn, những lúc tăm tối của cuộc đời. Sẽ có những bức tường ngăn cách các bạn với Chúa, bức tường khiến các bạn sống trong đớn đau, tội lỗi. Những lúc đó, các bạn đừng ngần ngại đến với Chúa, các bạn hãy can đảm lên. Vì chắc chắn, Chúa đang dõi mắt chờ đón các bạn. Chúa không ngại đụng chạm đến những thương tổn của các bạn. Người sẽ chữa lành và ôm lấy các bạn vào lòng. Bởi vì Chúa đến thế gian cốt là để làm việc đó.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy luôn biết can đảm chạy đến với Chúa, can đảm thân thưa với Ngài “Nếu Chúa muốn, Chúa có thể chữa lành cho con”. Amen!

Gioan B. Nguyễn Trung Hậu