Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm B

Chủ đề: Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng

( Mc 1,12-15)

Tuần trước, tôi được anh Hân bên giáo xứ Yên Lộ mời đến làm phép nhà. Nhìn anh hiền lành, chất phác như anh Tiền đây, vậy nên ít ai biết: anh từng là một “tay anh chị” khét tiếng. Khi anh mười lăm tuổi, mẹ đột ngột qua đời. Buồn bã, học hành sa sút, anh đã thi trượt cấp ba. Theo đám bạn rủ rê, anh ra Hải Phòng đi bụi rồi trở thành “dân đòi nợ thuê”. Anh kể với tôi: Không có biến cố tại Cảng Hải Phòng thì con không thoát khỏi con đường tội ác cha ạ? Hôm ấy, khi đi siết nợ, anh bị đối phương tấn công, rất may, mã tấu chỉ sượt qua ngực, chém đứt ảnh tượng chịu nạn anh đang đeo. Biến cố ấy khiến anh thức tỉnh !

Bài trích sách Sáng Thế hôm nay cũng kể lại cho chúng ta một biến cố, không chỉ của một con người nhưng còn là biến cố của toàn nhân loại: Lụt Hồng Thủy. Nhắc đến biến cố này, nhiều người hỏi rằng: Tại sao Thiên Chúa lại tàn ác như vậy? Thiên Chúa đâu có tàn ác, trái lại, tình thương của Ngài đã cứu vớt và tái tạo nhân loại. Tội ác là do con người nhưng Thiên Chúa không hủy diệt tất cả, Ngài đã cứu gia đình Nô-ê và mọi sinh vật trên tàu của ông. Không những thế, Ngài còn ký kết với ông và dòng dõi ông một giao ước với lời hứa: Hồng Thủy sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Thiên Chúa còn để lại dấu chỉ là “cây cung trên mây”như bảo đảm của lời hứa. Cây cung – vũ khí để tiêu diệt kẻ thù trong những trận chiến cổ thời vùng Trung Cận Đông, giờ đây, Ngài khiến nó thành dấu chỉ của tình yêu, của hi vọng, của vòng tay ôm lấy cả nhân loại, mà chúng ta gọi là “cầu vồng”. Chẳng phải mỗi khi thấy cầu vồng chúng ta được thắp lên hi vọng và thốt lên: “sau cơn mưa, trời lại sáng” đó sao?

Tuy nhiên, sau cuộc tái tạo, con người tiếp tục phạm tội. Làm sao Thiên Chúa có thể giải thoát con người khỏi tội lỗi? Tác giả thư thứ nhất của Thánh Phê-rô cho thấy: Thiên Chúa yêu con người đến nỗi đã kí kết với con người một giao ước vĩnh cửu, bằng Máu và Nước của Đức Ki-tô – Con dấu yêu của Ngài. Đức Ki-tô trở nên dấu chỉ của tình thương, nhưng cũng là tình thương, là Đấng cứu độ nhân loại. Lụt Hồng Thủy tàn sát tất cả vì tội lỗi con người,, nhưng với cái chết, Đức Ki-tô đã cứu sống con người và xóa bỏ tất cả tội lỗi và sự chết muôn đời.

Như vậy, Lụt Hồng Thủy chỉ là hình bóng của Phép Rửa mà Đức Ki-tô thiết lập bởi chính Máu và Nước của Người. Nhờ sự Phục Sinh, Người còn dẫn đưa con người đến sự sống mới theo Thần Khí.

Hai bài đọc nhắc nhớ đến bí tích Rửa Tội là hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa ban cho mỗi người chúng ta. Trong Chúa Nhật I Mùa Chay này, điều đó giúp chúng ta ý thức: Tôi đã và đang sống ơn Bí tích Rửa tội ra sao? Tôi đang tiến bước hay thoái lui trên hành trình nên Thánh? Quả thật, hành trình đó luôn đầy rẫy những cám dỗ: nghiện ngập, mê tín, hưởng thụ… Để chiến thắng những cám dỗ ấy, chúng ta phải làm gì? Bài Tin Mừng sẽ cho chúng ta câu trả lời.

Thánh Marcô thuật lại việc Đức Giê-su chịu cám dỗ. Tuy không mô tả cách cụ thể những cám dỗ như trong Mt (4,1-11) và Lc (4,1-13), chỉ với hai câu ngắn gọn, nhưng trình thuật đã diễn tả những ý nghĩa sâu sắc.

Trước hết, chính Thánh Thần “đẩy Người vào hoang địa”. Điều đó nói lên: việc vào hoang địa là cần thiết và bắt buộc trong chương trình cứu độ; đồng thời, nó cũng bao hàm ý muốn tự nguyện của Đức Giê-su, Người để Thánh Thần soi sáng và hướng dẫn.

Hơn nữa, Đức Giê-su để mình được chia sẻ những yếu đuối của con người khi sống kinh nghiệm của chính dân Ít-ra-en bốn mươi năm trong sa mạc. Đó là nơi thử thách và thanh luyện, đồng thời cũng là nơi chứng tỏ lòng trung thành với Thiên Chúa. Tuy nhiên, dân Ít-ra-en đã thất bại trước cám dỗ bởi bất tuân phục Thiên Chúa và đánh mất lòng tin vào Ngài. Hậu quả, thế hệ đó không được vào đất hứa. Trái lại, nhờ vâng phục thánh ý Chúa Cha, Đức Giê-su đã chiến thắng Xa-tan, kết quả, “ Người sống giữa loài dã thú và được các thiên thần hầu hạ”. Hình ảnh đó không chỉ gợi lên khung cảnh hài hòa trong vườn Địa Đàng trước khi tổ tông phạm tội, mà còn là dấu chỉ của thời kỳ mới, thời cứu độ của Triều đại Thiên Chúa.

Nhìn vào chiến thắng của Đức Giê-su, chúng ta khẳng định rằng: con người có thể thắng vượt cám dỗ. Để chiến thắng những cám dỗ ấy, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào Đức Giê-su và thi hành lời Người: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Quả thật, nếu chỉ nhìn vào những yếu đuối, lầm lỗi, chúng ta dễ rơi vào bi quan và thất vọng. Nhưng Đức Giê-su đã mở ra con đường mới: Sám hối là tin vào Tin Mừng – tin vào tình thương của Thiên Chúa và tin vào chính Người. Thật vậy, chỉ khi nhận ra rằng: Thiên Chúa luôn yêu thương tôi, Đức Ki-tô đã chết để cứu chuộc tôi, giờ đây, trái tim Người tiếp tục rỉ máu vì tôi lầm lỗi, nhưng vẫn giang rộng vòng tay sẵn sàng ôm tôi vào lòng; mỗi người chúng ta mới có động lực dứt khoát và mạnh mẽ để sám hối. Nhờ ơn Chúa trợ giúp, sám hối không còn là đau khổ, thất vọng nhưng trở thành niềm vui và hi vọng , giúp chúng ta trở về trong vòng tay yêu thương của Ngài và làm hòa với anh chị em.

Trở lại biến cố đời anh Hân. Anh thức tỉnh nhờ kỉ vật mẹ để lại, nhưng hơn hết, anh đã nhận ra tình thương của Chúa, chính Ngài đỡ cho anh nhát chém định mệnh. Sám hối về những lầm lỗi đã phạm, anh làm lại cuộc đời. Anh chia sẻ: Nếu không có Chúa thì giờ này con đang ngồi bóc lịch trong tù hoặc “xanh cỏ” rồi Cha ạ. Hiện tại, anh không chỉ là ông chủ một xưởng gỗ lớn tại Hà Đông mà còn cộng tác nhiệt thành với cha xứ trong vai trò trưởng ban Caritas của Giáo xứ.

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để mỗi người chúng ta trở về với Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần thêm ơn trợ lực để biết: “Sám hối và tin vào Tin Mừng” qua việc lắng nghe Lời Chúa, siêng năng lãnh nhận bí tích nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải…Nhờ đó, chúng ta tiến bước trên con đường nên Thánh. Nguyện chúc anh chị em Mùa Chay Thánh tràn đầy ân sủng và bình an!

Giờ đây, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những lầm lỡ, thiếu sót để nhờ kết hợp với hy tế của Đức Ki-tô, chúng ta được nhận lãnh ơn tha thứ, xứng đáng đón nhận Mình và Máu Thánh Người!

Phêrô Lê Đàm Khuê