Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật II Mùa Chay – Năm B
Chủ đề: Thử thách và vinh quang
( Mc 9,2-10)
Thời còn đi học, tôi rất ấn tượng với câu chuyện về nhà sáng chế vĩ đại Thomas Edison. Để phát minh ra bóng đèn sợi đốt, ông phải thử các loại vật liệu khác nhau tới 10.000 lần. Nghĩa là ông đã trải qua gần 10.000 thất bại, một con số khủng khiếp. Tôi tự hỏi tại sao Edison lại có thể kiên trì sau rất nhiều lần thất bại như vậy? Điều gì giúp ông vững lòng trước thử thách đó?
Tổ phụ Apraham trong bài đọc 1 mà chúng ta vừa nghe, phải đối diện với thử thách cay nghiệt về đức tin. Ông được Thiên Chúa ban cho một người con trong lúc tuổi già. Đứa con ấy là báu vật vô giá, là sự sống của ông, là tương lai của dòng dõi ông. Đồng thời, lời hứa của Thiên Chúa dành cho ông về một dòng dõi đông đúc khi ông rời bỏ quê hương nay dần được sáng tỏ qua đứa con này. Khi mà niềm hy vọng vào lời hứa ấy lớn dần thì lại là lúc Thiên Chúa yêu cầu ông hiến tế con một của mình. Đứng trước sự lựa chọn không hề dễ dàng nhưng ông vẫn sẵn sàng vâng lời Thiên Chúa. Trước thử thách nghiệt ngã, tại sao Apraham có thể tin tưởng cách tuyệt đối vào Thiên Chúa như vậy?
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta câu trả lời qua kinh nghiệm của các môn đệ. Khi Đức Giêsu loan báo về cuộc Khổ Nạn, các môn đệ, đặc biệt là Phêrô, đã ngăn cản. Các ông không thể chấp nhận ý tưởng Chúa Giêsu bị loại bỏ và bị giết chết cách nhục nhã. Bởi lẽ, các ông vẫn mong đợi một Đấng Mesia quyền năng, mạnh mẽ, thống trị. Làm thế nào các ông có thể đi theo một Đấng Mesia với kết cục thảm hại như thế? Hiểu được điều này, Đức Giêsu dẫn các ông lên núi và biến hình trước mắt các ông. Từ hình dạng đến y phục của Đức Giêsu đều biến đổi làm cho các môn đệ cảm thấy ngỡ ngàng và ngây ngất.
Sự biến đổi diệu kỳ của hình dạng và y phục nơi Đức Giêsu là một cách biểu lộ vinh quang phục sinh của Ngài. Qua đó, Đức Giêsu muốn minh chứng cho các môn đệ vinh quang mà họ sẽ được hưởng cùng với Ngài. Khi hướng về vinh quang phục sinh của Đức Giêsu, các môn đệ vững tin vào Ngài. Như thế, biến cố Hiển Dung trở thành lời hứa, sự đảm bảo và nguồn trợ lực giúp các môn đệ đón nhận thập giá để tiến tới vinh quang phục sinh cùng với Đức Giêsu.
Cũng trong chiều hướng đó, chúng ta thấy được nguồn mạch giúp Apraham vượt qua thử thách. Nếu các môn đệ được nâng đỡ bởi biến cố Chúa Giêsu biến hình thì với Apraham đó là những thị kiến, những cuộc thần hiện của Thiên Chúa (x. St 15,5-6). Với lời hứa của Thiên Chúa, Apraham trở thành gương mẫu đức tin không những cho dân tộc mà còn cho tất cả chúng ta. Nhưng trên hết, nhờ được chiêm ngắm vinh quang và quyền năng của Thiên Chúa, Apraham có động lực để hoàn toàn tin tưởng và phó thác vào Ngài.
Đến đây ta cũng hiểu vì sao dù thất bại tới 10.000 lần nhưng Edison không nản chí. Edison thấy được con người sẽ sống trong sự ngập tràn của ánh sáng, mọi sinh hoạt được soi tỏ, trẻ em được vui chơi, học hành… Đó là những viễn ảnh rực rỡ, tươi đẹp mà thử nghiệm mang lại khi thành công. Chính vì thế, thay vì bỏ cuộc, ông lại có thêm động lực để tiếp tục để hiện thực hóa viễn ảnh đó.
Nếu Edison và Apraham thấy trước những viễn tượng tươi đẹp để làm động lực cho mình, thì Chúa Giêsu đã thấy điều gì khi đón nhận cuộc thương khó? Chúa Giêsu yêu thương chúng ta là những kẻ tội lỗi. Vì chúng ta, Ngài hoàn toàn vâng theo chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ngài nhập thể làm người, đảm nhận thử thách thập giá để cứu độ chúng ta bằng sự phục sinh vinh quang. Nhờ cuộc tử nạn và phục sinh, Chúa Giêsu đem lại ơn cứu độ cho nhân loại khắp nơi và mọi thời.
Kính thưa cộng đoàn, những đau khổ và thử thách sẽ đến trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta chỉ có thể đón nhận đau khổ, thử thách khi biết hướng tới vinh quang mà Chúa Giêsu đã hứa. Ngày hôm nay, khi gặp những đau khổ, thử thách, chúng ta có nhận thấy vinh quang phục sinh Chúa Giêsu đang chờ đợi chúng ta không?
Thật ý nghĩa khi Chúa Nhật I Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiến đấu với những cơn cám dỗ cùng Đức Giêsu. Để rồi, nơi Chúa Nhật II Mùa Chay hôm nay, chúng ta được chiêm ngắm vinh quang phục sinh của Ngài. Đó là lời cam kết, mời gọi Giáo Hội dành cho chúng ta: chiến đấu trong thử thách để chiến thắng trong vinh quang.
Trong Mùa Chay này, chúng ta được mời gọi hướng tới cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu. Sống tâm tình Mùa Chay là đón nhận những đau khổ, thử thách hàng ngày để kết hiệp với thập giá của Chúa Giêsu. Đồng thời, Mùa Chay không chỉ gói gọn trong 40 ngày, bởi lẽ cuộc đời chúng ta là một Mùa Chay nối dài. Trong Mùa Chay cuộc đời, chúng ta không ngừng được mời gọi sống tâm tình thập giá qua những biến cố hàng ngày để hướng về Mùa Phục sinh viên mãn trên Nước Trời.
Trên hành trình ấy, có thể đau khổ, thử thách sẽ khiến chúng ta sợ hãi, nản chí như các môn đệ ngày xưa. Nhưng chúng ta vững tin vì biết rằng Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện ở bên chúng ta. Hơn thế nữa, Ngài vẫn đang tiếp tục hiển dung qua Thánh Lễ để nâng đỡ đức tin của chúng ta. Thật vậy, Bí tích Thánh Thể mà chúng ta sắp cử hành là nguồn mạch thiêng liêng giúp chúng ta chiến đấu với đau khổ, thử thách. Nhờ kết hiệp với Chúa Giêsu qua Bí tích Thánh Thể, chúng ta sẽ vững bước trên con đường thập giá để để tiến tới Vinh quang cùng với Ngài. Amen.
Giuse Trần Văn Bốn