Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật Phục Sinh – Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật Phục Sinh – Năm B

(Cv 10,34a. 37-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9)

Chủ đề: Vui Mừng Trong Hy Vọng

Năm 2015 sau khi kết thúc kỳ thi vào Đại Chủng Viện, tôi được bề trên chọn gọi để tiếp tục tu học tại Chủng Viện Xuân Lộc. Trong bối cảnh có rất nhiều anh em khác đang phải chờ đợi để được vào Chủng Viện, thì với tôi đây là niềm vui và mơ ước ngoài sức tưởng tượng. Những ngày sau đó, tôi nhận được rất nhiều những lời chúc mừng từ anh em, bạn bè và người thân. Một niềm vui khôn tả đang lớn dần trong tôi. Niềm vui đó chưa được bao lâu thì tôi nhận được thông báo từ cha đặc trách ơn gọi của Giáo phận, vì lý do giấy tờ nên tôi sẽ hoãn đi Chủng Viện năm nay. Như một tiếng sét bên tai, tôi không tin nổi vào tai mình, dự định tiêu tan, tâm trạng tôi lúc đó thật sự chán nản và có phần thất vọng. Tôi thiết nghĩ, chắc chắn trong cộng đoàn chúng ta cũng có không ít người có kinh nghiệm như tôi, khi phải đối diện với những bi kịch trong cuộc sống. Có trải qua những kinh nghiệm như thế, chúng ta phần nào cảm thông với các môn đệ Đức Giêsu, trước cái chết của Thầy, cùng một tâm trạng lo lắng, sợ hãi và thất vọng bao trùm các ông.

Các môn đệ sau khi đã bỏ mọi sự, chài lưới, ruộng vườn, vợ con và cả cha mẹ để bước theo Thầy Giêsu với ước mong về một tương lai tươi sáng hơn. Bước đầu, các ông đã được phần nào như mình mong muốn, khi lời rao giảng của Thầy Giêsu được mọi người nồng nhiệt hưởng ứng và đã có rất đông người tin và theo Đức Giêsu. Trước một tương lai tương sáng như thế, bất chợt bi kịch ập đến, Thầy Giêsu bị bắt và bị kết án tử. Dự tính của các môn đệ tiêu tan, viễn tượng về một tương lai tương sáng đã khép lại, cái chết của Thầy như thể một dấu chấm hết cho tất cả. Giống như bầy ong vỡ tổ, cái chết của Thầy Giêsu làm các môn đệ tan tác, mỗi người một phương. Những bước chân rệu rã của hai môn đệ trên đường trở về quê nhà yêu dấu, nói lên tất cả tâm trạng của các ông, chán nản, sợ hãi và thất vọng.

Các môn đệ của Đức Giêsu là thế, còn chính Thầy Giêsu thì sao? Hơn ai hết, chính Đức Giêsu đã đi đến tận cùng của nỗi sợ khi một mình Ngài phải đối diện với thực tế trần trui trước mắt. Còn nỗi sợ nào lớn hơn khi máu và nước chảy tràn trên thân thể Đức Giêsu. Còn nỗi đau và sợ hãi nào lớn hơn khi không một ai bên cạnh lúc này, giữa lúc Đức Giêsu cảm thấy như thể vắng bóng Thiên Chúa. Thêm nữa, nỗi thất vọng lớn nhất trong cuộc đời Đức Giêsu phải đối diện đó chính là lúc Ngài chết trên thập giá. Trước nỗi đau cùng cực cả về thân xác lẫn tinh thần và hơn hết Thiên Chúa như thể bỏ rơi Ngài. Đức Giêsu đã đau đớn thốt lên lời Thánh vịnh 22: Lạy Chúa! Sao Ngài nỡ bỏ con.

Cái chết của Đức Giêsu như thể đặt dấu chấm hết cho mọi hy vọng của các môn đệ cũng như cả nhân loại, thì bất chợt một tia sáng của niềm vui và hy vọng được thắp lên. Ngôi mộ trống, xác của Đức Giêsu không còn, thay vào đó là các băng liệm được xếp ngay ngắn gọn ngàng. Trước cảnh tượng đó, Gioan tin rằng Chúa đã Phục Sinh. Hơn thế nữa, nhiều lần Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ. Đức Giêsu sẽ chỉ là một nhân vật lịch sử thuần túy nếu như Ngài đã không sống lại. Nói như thánh Phalo: nếu Đức Giêsu không sống lại thì niềm tin của chúng ta trở nên vô ích và chúng ta trở thành những kẻ đáng thương nhất.

Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu như một khúc quanh để rồi làm thay đổi tất cả, các môn đệ trước đây run rẩy vì sợ hãi, nỗi thất vọng bao phủ các ông. Thì giờ đây, trước sự sống lại của Chúa Giêsu, các ông được thắp lên ngọn lửa của niềm vui và hy vọng. Chính niềm vui và hy vọng tràn trề này, đã khiến các ông mạnh dạn rao giảng về Đấng Phục Sinh từ trong cõi chết, như trong bài đọc một chúng ta vừa nghe. Phêrô với tất cả niềm tin tưởng xác tín đã long trọng tuyên bố và làm chứng: chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Thêm vào đó, những bước chân rệu rã trên hành trình trở lại cố hương của hai môn đệ trên đường Emmau. Giờ đây, khi được Đấng Phục Sinh hiện ra và đồng hành, lòng các ông bừng cháy lên niềm vui và hy vọng, để rồi các ông nhận ra Người. Khi đó, lòng các ông hân hoan một niềm vui khôn tả, sẽ không còn những bước chân nặng nề của sợ hãi và thất vọng. Trái lại, thay vào đó là sự hân hoan, niềm vui và trên hết là một chân trời hy vọng mở ra trước mắt các ông.

Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã đi đến tận cùng của sợ hãi và thất vọng để chia sẻ nỗi niềm với tôi và anh chị em. Nhưng trên hết, Ngài đã chiến thắng nhờ sự Phục Sinh của Ngài. Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu mang lại cho toàn thể nhân loại niềm vui và hy vọng chứa tran. Nhớ lại kinh nghiệm của bản thân, tôi sẽ không là linh mục của Chúa nếu như ngày đó tôi không gặp cha linh hướng để chia sẻ với ngài những suy nghĩ của bản thân. Trước sự hướng dẫn và nâng đỡ của cha linh hướng, đã mở ra cho tôi một niềm vui và hy vọng mới. Chính điều đó đã hun đúc tôi tiếp tục cố gắng học tập và tu luyện, để rồi hôm nay tôi hiện diện nơi đây với quý ông bà và anh anh chị em.

Biến cố Phục Sinh mà hôm nay chúng ta mừng lễ, sẽ chỉ là một tiếng vọng trong quá khứ và sẽ tắt lịm trong các cuộc vui hay trong những bữa tiệc mừng lễ tạm thời, nếu như chúng ta không để cho chính tình yêu của Đấng Phục Sinh đó đụng chạm tới tâm hồn chúng ta, để rồi biến đổi chúng ta. Vậy chúng ta làm gì để có thể sống biến cố này cách trọn vẹn? Bài đọc hai thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôxê cho chúng ta câu trả lời. Tin tưởng vào Đấng Phục Sinh mời gọi chúng ta sống hướng thượng, tức là yêu mến những sự trên trời. Nói cách khác, Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại vì chúng ta, vì thế chúng ta được mời gọi lăn đi những tảng đá là sự bất công, ích kỷ và hận thù. Thay vào đó, chúng ta được mời gọi sống sự sống mới trong Đức Kitô, tức là sống các giá trị mà Tin Mừng đòi hỏi, là bác ái, là những hành động và lời nói mang lại niềm vui và sự bình an trong gia đình và xã hội.

Chúa đã sống lại và Ngài đang hiện diện giữa chúng ta ở đây và lúc này, cách đặc biệt và trọn vẹn nhất trong Bí tích Thánh Thể mà chúng ta sẽ cùng nhau cử hành. Nguyện xin Đức Kitô Phục Sinh tuôn đổ dồi dào bình an, niềm vui và hy vọng của Ngài xuống trên anh chị em. Amen!

Giuse Chu Văn Tiện