Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật II Phục Sinh – Năm B

(Cv 4,32-35; 1Ga 5,1-6; Ga 20,19-31)

Xem Và Đặt Tay Vào Tay Và Cạnh Sườn Của Chúa

Cách đây vài năm, em gái tôi khi đi làm về thì bị tai nạn, bị gãy ngón tay cái và xước xát chân tay. Cháu gái tôi lúc đó mới 5 tuổi, thấy mẹ phải băng bó, nó lại gần cầm vào tay mẹ và hỏi: mẹ bị đau à? Mẹ nó nói: Ừ, mẹ đang bị đau! Nó lại hỏi: mẹ đau ở đâu? Mẹ nó mở một vết thương ở tay ra cho nó xem, nó đưa tay ra sờ sờ bên cạnh vết thương rồi còn thổi phù phù vào vết thương đó. Nó làm như mẹ nó làm mỗi khi mà nó bị đau. Trẻ con nó rất thân thương và đơn giản.

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật II Phục Sinh hôm nay, thánh Gioan thuật lại cho chúng ta về hai lần Chúa Giê-su hiện ra với các Tông đồ đều vào ngày thứ nhất trong tuần. Trong hai lần hiện ra, chúng ta thấy có rất nhiều hình ảnh khác nhau, xong cũng có những hình ảnh giống nhau.

Trong lần hiện ra đầu tiên, Chúa cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn của Ngài. Tin Mừng không miêu tả rõ cho tôi và anh chị em biết tay và cạnh sườn của Chúa như thế nào.

Khi nhắc về tay và cạnh sườn, hình ảnh này gợi lên trong tôi về cuộc sống của chúng ta. Bàn tay của chúng ta không phải lúc nào chúng ta cũng sẵn sàng cho người khác xem. Một bàn tay đẹp, trắng, nuột nà chúng ta dễ dàng đưa ra bên ngoài để cho người khác nhìn thấy. Nhưng một bàn tay lem luốc, nứt nẻ chúng ta thường ngại ngùng và không muốn để cho người khác nhìn thấy nó. Tuy nhiên, bàn tay còn nói lên cái gì khác nằm ở bên trong cuộc sống của chúng ta. Vậy bên trong đó là cái gì?

Bàn tay là nói lên chức năng làm việc, chức năng bảo vệ hay chức năng phản kháng, là hành động của chúng ta. Chúng ta có thể đoán được phần nào về một ai đó khi nhìn vào bàn tay của họ, là người làm lụng vất vả hay là một người nhàn hạ. Nhưng nó không phải là tất cả về con người đó. Quả thế, trong cõi lòng của tôi và anh chị em vẫn luôn còn có những điều không thể nói với người khác, cho người khác xem, ngay cả những người thân thiết nhất. Tại sao, chúng ta lại không muốn cho người khác xem thấy?

Bởi vì chúng ta không hoàn toàn tin vào họ, ở nơi cõi lòng chúng ta vẫn còn một sự đề phòng. Anh chị em cứ suy nghĩ kỹ mà xem. Ngay cả trong gia đình của anh chị em, người vợ, người chồng, cha mẹ con cái có hiểu hết về nhau hay không, và có tin tưởng tuyệt đối để chia sẻ với nhau tất cả mọi vấn đề và mọi suy nghĩ của mình hay không? Tôi phải đảm bảo với anh chị em rằng: Không! Một cách xâu xa trong cõi lòng của chúng ta vẫn còn có một sự gì đó khó nói với người khác, khó để cho người khác xem thấy. Vậy thì ở trong cuộc đời này có ai để chúng ta hoàn toàn tin vào hay không?

Chỉ có Chúa là Đấng mà chúng ta hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối. Bằng chứng là Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra với chúng ta và cho chúng ta xem “Tay và Cạnh sườn” của Ngài, nghĩa là Ngài cho chúng ta xem tất cả cõi lòng của Ngài. Ngài đến với chúng ta không một chút gì phòng vệ và cảnh giác, bởi Ngài đã hoàn toàn tin chúng ta và muốn chúng ta được sống. Ngài cho chúng ta thấy, Ngài là một con người và một Thiên Chúa hoàn toàn đáng tin cậy. Ngài muốn chúng ta tin vào Ngài và đến với Ngài với tất cả những gì là thâm sâu nhất là “tay và cạnh sườn” của chúng ta. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được mời gọi làm như Ngài là mở đôi tay và cạnh sườn của mình ra với người khác, là trở nên người tin cậy đối với anh chị em của mình.

Hình ảnh thứ hai mà tôi muốn nói với anh, chị, em đó là hình ảnh Chúa Giê-su hiện ra với các môn đệ tám ngày sau đó. Lần này, Ngài đi tới với Tô-ma, bởi lẽ ông chưa tin khi nghe các môn đệ nói: “đã được thấy Chúa”. Chúa Giê-su không chỉ mời gọi Tô-ma hãy xem tay và cạnh sườn, nhưng còn mời gọi Tô-ma hãy đặt tay vào tay của Ngài, và đặt tay vào cạnh sườn của Ngài. Điều này nói lên cái gì vậy thưa anh chị em?

Bàn tay của chúng ta có một sự cảm nhận rất là thiêng liêng. Như tôi đã kể với anh chị em nghe về đứa cháu của tôi, tôi nhận thấy từ lúc mẹ nó bị đau, và nó được chạm vào chỗ đau của mẹ nó, nó đã được biến đổi. Nó cảm nhận được cái đau của mẹ nó, nó trở nên ngoan và dễ bảo hơn. Và tôi có thể cảm nhận là nó có thể làm mọi thứ vì mẹ nó, dù chỉ là một đứa trẻ 5 tuổi.

Để một người biến đổi không hề dễ dàng khi chỉ dùng bằng lời lẽ thưa anh chị em. Nhưng sự biến đổi dễ dàng lại xảy ra trong những biến cố, kinh nghiệm cá nhân trong cuộc sống. Và để ai đó tin và thay đổi cái nhìn về chúng ta, thì chúng ta phải để họ chạm vào lịch sử cuộc đời của chúng ta.

Chuyện đó không hề dễ dàng đối với tôi và anh chị em. Bởi kinh nghiệm cho chúng ta thấy chúng ta không dễ dàng để cho người khác chạm vào cái tôi là những thất bại, những tổn thương, những nỗi đau và những điều thầm kín của mình. Chuyện đó không dễ dàng, nhưng nó không phải là không thể. Bởi lẽ chúng ta đã có Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài đã hiện ra và đã đi bước trước cho chúng ta.

Ông Tô-ma đã không tin Chúa sống lại cho tới khi được thấy và được đặt tay vào “Tay và cạnh sườn” Chúa. Hình ảnh mời gọi Tô-ma đặt tay vào “tay và cạnh sườn” là một hình ảnh trao yêu thương, trao cơ hội cho Tô-ma cảm nhận được tình thương của Chúa để được biến đổi. Và hôm nay, Chúa cũng đang nói với chúng ta hãy đặt tay vào “tay và cạnh sườn” của Chúa, và hãnh đón nhận lấy những việc làm, nỗi đau và tình thương của Chúa. Thật thế đời sống trong đức tin của chúng ta chỉ được biến đổi khi đặt tay vào “tay và cạnh sườn” của Chúa.

Đặc biệt trong ngày hôm nay, Giáo Hội cử hành lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót. Chúng ta lại càng được mời gọi để chạm vào “tay và cạnh sườn” là máu và nước vẫn hằng tuôn chảy ra cho chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta sắp cử hành, chúng ta tiếp tục được đặt tay vào “tay và cạnh sườn” của chính Chúa, để được biến đổi và được sự sống đời đời. Amen

Gioan Nguyễn Văn Năng