Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm B

Suy Niệm Tin Mừng – Chúa Nhật VI Phục Sinh – Năm B

(Cv 10,25-26.34-35.44-48; 1Ga 4,7-10; Ga 15, 9-17)

Yêu Người Như Chúa Yêu

Vào tháng 3 năm 2014, Nhật Bản đã xẩy ra động đất làm thiệt hại nặng nề về con người và tài sản vật chất. Khi trận động đất qua đi, các nhân viên cứu hộ bắt đầu đi tìm những người mất tích. Họ vào một ngôi nhà nhỏ và đã phát hiện thi thể một người phụ nữ. Tuy nhiên, họ thấy cách tạo hình cơ thể của cô khá kỳ lạ; cô quỳ gối và cơ thể nghiêng về phía trước, tay cô như đang giữ một thứ gì đó. Linh tính mách bảo, một nhân viên cứu hộ quyết tâm tìm bằng được “điều bí mật” nào đó xung quanh người đã mất. Thật bất ngờ, anh phát hiện một đứa bé trai được bọc trong chăn, đang ngủ ngon lành bên dưới thi thể của người mẹ. Khi mở tấm chăn, họ thấy một chiếc điện thoại đặt cạnh em bé với một dòng chữ trên màn hình: “ nếu con có thể sống, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”. Người mẹ đã dành trọn tình yêu cho con đến quên cả mạng sống của mình.

Tình yêu là động lực để người mẹ trẻ kia hy sinh cả tính mạng cho con của mình. Do đó, tình yêu là điều không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Bởi vậy, mỗi chúng ta sống trong cuộc đời này đều cần tình yêu và rất cần tình yêu. Có thể nói, tình yêu là lẽ sống, là niềm hạnh phúc, là sự bình an của tất cả chúng ta. Bởi đó, tình yêu là điều mà các tôn giáo luôn hướng tới. Phật giáo dạy: Từ bi hỷ sả. Khổng giáo thì dạy: Bốn bể anh em một nhà. Vậy, tình yêu của Kitô giáo mà Chúa Giêsu mời gọi có gì đặc biệt? Đối với Chúa Giêsu yêu thương là một giới răn, là một lệnh truyền: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15,12). Yêu thương như Chúa yêu đó là điều mới mẻ và quan trọng làm nên cái riêng của Kitô giáo. Luật Cựu Ước dạy: “Hãy yêu thương đồng loại như chính mình” (Lv 19,18. Đnl 6,5). Luật đó lấy bản thân làm tiêu chuẩn, tôi yêu bản thân tôi thế nào thì tôi cũng yêu người khác như vậy. Tuy nhiên, tình yêu đó vẫn còn giới hạn vì vẫn còn quy về mình. Vì thế, Chúa Giêsu đưa ra những đòi hỏi mới về tình yêu và Người đã đưa tình yêu đó lên cao điểm: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 15,12). Chúng ta không còn lấy mình làm tiêu chuẩn nhưng lấy Chúa làm tiêu chuẩn và kiểu mẫu trong việc yêu thương tha nhân: “Yêu người như Chúa yêu”. Vậy Chúa Giêsu đã yêu như thế nào?

Vì yêu thương nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống thế làm người, sống như một con người. Người tỏ lòng thương xót với các tội nhân, nâng đỡ những người nghèo khổ và bất hạnh. Người yêu nhân loại đến nỗi hiến thân chịu chết trên thập giá. Tình yêu Người dành cho nhân loại là một tình yêu “nhưng không”, tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu. Tình yêu của Chúa Giêsu còn được Thánh Gioan nói đến trong bài đọc hai, đó là tình yêu đi bước trước:“ không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta”( 1 Ga 4,10). Tình yêu của Chúa Giêsu mang tính phổ quát, Người muốn cứu độ tất cả, không loại trừ một ai. Điều đó được nói đến trong bài đọc một, Chúa đã kêu gọi Thánh Phêrô ra khỏi cộng đoàn người Do Thái mà đem Tin Mừng Phục Sinh đến với dân ngoại. Bởi vì, dân ngoại cũng được ban cùng một Chúa Thánh Thần như dân Do Thái. Thiên Chúa không thiên vị người nào nhưng mở lòng đón nhận tất cả mọi người.

Tình yêu đã giúp người mẹ trong câu chuyện hy sinh tính mạng cho người con. Khi ngôi nhà đổ xuống, người mẹ trẻ kia đã cong mình lên gánh lấy đống đổ nát để che chở cho người con của mình. Vì tình yêu nên người mẹ đã sẵn sàng chết vì con. Tình yêu của người mẹ dành cho con thật đáng trân trọng. Tuy nhiên tình yêu đó thật nhỏ bé trước tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Chúa Giêsu không chỉ hiến thân để một người được sống nhưng để cho cả nhân loại được sống. Chúa Giêsu còn ban cho chúng ta một điều răn mới: “ Yêu người như Chúa yêu”. Bởi vậy, chúng ta chỉ có thể yêu “như Chúa đã yêu” khi chúng ta dám xả thân đến mức như Chúa Giêsu đã hiến dâng mạng sống cho chúng ta. Yêu “như Chúa đã yêu” không phải là tình yêu vị kỷ (Eros), yêu chỉ để lợi dụng, chỉ để chiếm đoạt. Nhưng, yêu “như Chúa đã yêu” chính là tình yêu vị tha (Agape), sẵn sàng hiến dâng, hy sinh cho người khác.

Tôi tin chắc rằng mỗi chúng ta đều thuộc giới răn yêu thương mà Chúa dạy. Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta đã làm điều đó như thế nào? Tôi biết là Chúa dạy tôi yêu tha nhân, nhưng tôi đã sống thế nào? Chúng ta yêu mà vẫn còn tính toán thiệt hơn, chúng ta dễ yêu người yêu mình hay nói cách khác là ta chỉ thích yêu người có lợi cho mình. Tình yêu của chúng ta vẫn còn mạng nặng tính vụ lợi. Vì thế cả tôi và anh chị em vẫn chưa thoát khỏi lối sống của người thế gian: người ta đối xử với tôi thế nào, tôi đối xử lại như thế. Thế nên cách sống của chúng ta chưa thể làm chứng cho Tin Mừng và chưa thể giới thiệu khuôn mặt Thiên Chúa Tình Yêu cho người khác được. Bởi vậy, để có thể giới thiệu một Thiên Chúa Tình Yêu, thì chính chúng ta phải sống yêu thương. Chúng ta không thể nói về Thiên Chúa Tình Yêu khi chính mình không sống yêu thương. Chúng ta không thể cho người khác cái mà chính chúng ta không có. Bởi đó, chúng ta hãy sống yêu thương ngay bây giờ và ngay hôm nay. Chúng ta hãy yêu như Chúa đã yêu chúng ta. Yêu mà không mong đền đáp nhưng yêu một cách vô vị lợi, luôn biết cảm thông và tha thứ.

Trong Chúa nhật tuần trước, chúng ta được mời gọi hãy ở lại trong tình yêu của Chúa. Ở lại để cảm nhận được tình Chúa yêu ta, nhờ đó giúp chúng ta can đảm lên đường đem tình yêu đó đến cho tha nhân. Trong Chúa nhật hôm nay, Chúa nhật VI Phục Sinh, Chúa mời gọi chúng ta hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Do đó, để “ Yêu người như Chúa yêu” chúng ta cần có được quả tim của Chúa, một quả tim nhạy bén, quảng đại, hy sinh và giàu tình thương. Bởi thế, Bí Tích Thánh Thể mà chúng ta được kêu gọi đến lãnh nhận mỗi khi tham dự thánh lễ, có mục đích tạo nên trong lòng chúng ta quả tim của Chúa Giêsu. Do đó, việc tham dự bàn tiệc Thánh Thể giúp chúng ta yêu mến Chúa hơn và nên giống Chúa hơn. Từ đó, giúp chúng ta sống yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta. Amen.

Giuse Nguyễn Văn Thưởng