Suy Niệm Tin Mừng – Lễ Chúa Thăng Thiên – Năm B

Lễ Chúa Thăng Thiên Năm B

(Cv 1,1-11; 1, 17-23; Mc 16, 15-20)

Chủ đề: Niềm Hy Vọng Nước Trời

Trong những năm gần đây, giáo xứ chúng ta là nơi quy tụ của nhiều gia đình đến từ nhiều miền quê đến đây kiếm kế sinh nhai. Chắc hẳn, cuộc sống của không ít người trong chúng ta đã có lúc gặp những khó khăn vất vả. Nhất là sau đại dịch Covid vừa qua, có những gia đình phải phá sản vì tình trạng kinh doanh ế ẩm, một số người khác thì mất việc làm và phải chật vật với cuộc sống. Trong mỗi ngày sống, chúng ta luôn phải đau đáu nỗi lo lắng về cơm áo gạo tiền để nuôi sống bản thân và gia đình. Vì thế, có không ít người cho rằng đời là bể khổ, vượt qua bể khổ là qua đời. Tuy nhiên, đời có thực sự là bể khổ không?

Khi cảm nhận nỗi vất vả của những người lao động đang bươn trải mỗi ngày nơi thành phố này, tôi thường nhớ về mẹ tôi, một người mẹ luôn tần tảo vất vả lo cho cuộc sống gia đình. Khi tôi đang học năm thứ nhất của đại học thì bố tôi qua đời, nhiều người hỏi tôi, liệu tôi có tiếp tục đi học được không, vì một mình mẹ tôi phải lo cho bốn anh em tôi ăn học. Những ngày tháng sau đó, dù kinh tế gia đình tôi có gặp nhiều khó khăn nhưng mẹ tôi vẫn quyết tâm cho chúng tôi đi học vì mẹ hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn cho anh em chúng tôi.

Những niềm hy vọng chóng qua ở cuộc sống đời này đã nâng đỡ những mảnh đời vất vả như trường hợp của mẹ tôi hay hoàn cảnh của không ít người nơi cộng đoàn chúng ta, thì chắc hẳn niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mai sau trên Nước Trời, một tình trạng hạnh phúc viên mãn bên Chúa, không phải đau khổ và không phải chết cũng sẽ càng là động lực nâng đỡ chúng ta vượt qua những khó khăn vất vả trong cuộc sống này.

Niềm tin và niềm hy vọng đó được diễn tả cách đặc biệt trong ngày lễ hôm nay. Sau những ngày Giáo Hội vui mừng tuyên xưng niềm tin vào sự sống lại của Chúa Giêsu thì hôm nay, Giáo Hội tiếp tục hân hoan mừng đại lễ Chúa Giêsu lên Trời.  Trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, thánh Máccô thuật lại:“Chúa Giêsu được đưa lên Trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19). Theo quý cộng đoàn, Chúa Giêsu về Trời là đi về đâu? Trong Kinh Thánh, Trời thường được dùng để chỉ nơi Thiên Chúa ngự (x.Tv 115, 26). Việc Chúa Giêsu lên Trời, ngự bên hữu Chúa Cha, không có nghĩa là lên ở nơi nào đó trong không gian như những nhà du hành vũ trụ, nhưng là cách nói để diễn tả việc Chúa Giêsu về cùng với Chúa Cha. Biến cố này mang lại niềm hy vọng cho chúng ta về một cuộc sống sau cái chết, nơi mà chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu sau khi vượt qua những gian lao vất vả của cuộc đời này. Điều mà từ trước đến nay con người chỉ dám ước mơ thì nay chính Chúa Giêsu đã đạt đến, Ngài đã đi trước để dọn đường cho chúng ta.

Niềm hy vọng chúng ta sẽ được lên Trời với Chúa tiếp tục được củng cố trong bài đọc 2, khi thánh Phaolô khẳng định: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm Đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể của Đức Kitô” (Ep 1, 22-23), lẽ nào chúng ta là phần chi thể của Hội Thánh lại không được thông phần với Đầu là chính Đức Kitô.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là, việc Chúa Giêsu lên trời có phải là Ngài mãi xa cách chúng ta? Thưa không, việc Chúa Giêsu lên trời có nghĩa là chúng ta không còn được thấy một Đức Giêsu ở nước Dothái nữa, nhưng vẫn có thể chiêm ngắm Ngài nơi Bí tích Thánh Thể, đụng chạm Ngài khi rước lễ, lắng nghe Ngài qua Lời của Ngài trong Kinh Thánh, nhận ra Ngài nơi tha nhân và vẫn được Ngài đồng hành, hướng dẫn qua Thánh Thần của Ngài. Cách đặc biệt, Chúa Giêsu còn trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Thêm vào đó, chúng ta có thể nắm chắc niềm hy vọng được lên Trời bởi vì chính Chúa Giêsu niềm hy vọng của mỗi người chúng ta đã từng chung chia thân phận con người với chúng ta nay được lên Trời vinh hiển. Ngay từ khi giáng sinh, Ngài đã phải sống trong hang bò lừa hôi hám, đã lao động với bàn tay con người, đã rong ruổi đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đã chịu khổ hình trên Thập giá, chịu chết, chịu táng xác trong mồ. Tuy nhiên, Ngài đã vượt qua những khó khăn vất vả, vượt qua những khổ hình đau đớn, chiến thắng thần chết nay Ngài đã sống lại và lên Trời.  Để rồi tất cả những ai biết kết hợp những khổ đau, vất vả trong cuộc sống đời này với cuộc đời, cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô cũng sẽ được lên trời hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa. Như thế, việc hướng lòng về trời không làm cho chúng ta coi thường, bỏ quên những bổn phận trần thế nhưng cho chúng ta biết thi hành những bổn phận đó vì tình yêu thương tha nhân và vì khao khát được kết hợp với Chúa.

Hơn thế nữa, một bổn phận quan trọng của chúng ta nơi cuộc sống trần thế này là thực thi lệnh truyền của Chúa Giêsu, trước khi Ngài về trời: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loại thọ tạo” (Mc 16,15). Việc loan báo Tin Mừng không chỉ là “loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại”, nhưng còn là việc chia sẻ niềm hy vọng sẽ đạt đến đích điểm của cuộc đời là được chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trên quê Trời vĩnh cửu. Công việc này bắt đầu từ trong gia đình, công sở, giáo xứ của chúng ta, rồi sau đó loan truyền cho “đến tận cùng trái đất”.

Trở lại câu chuyện của gia đình tôi, có lần tôi hỏi mẹ tôi, điều gì đã giúp mẹ vượt qua những khó khăn vất vả để lo kiếm tiền cho anh em chúng con học hành đầy đủ mà vẫn vui tươi như vậy? Mẹ trả lời, chỉ cần có niềm hy vọng rằng các con có thể ăn học bằng chúng bằng bạn, sống có ích, là mọi vất vả đều tiêu tan. Qua đó tôi nhận ra, khi chúng ta hướng về một mục đích, một niềm hy vọng nào đó thì mọi khó khăn vất vả trong cuộc sống đều có thể vượt qua.  Đời sẽ không còn là bể khổ nếu chúng ta tìm thấy ý nghĩa nơi những khổ đau. Vì thế, chúng ta được mời gọi đón nhận những hy sinh vất vả ngay trong những bổn phận của cuộc sống gia đình, không chỉ vì mục đích phục vụ những người mà chúng ta yêu thương nhưng qua đó còn là chu toàn bổn phận của mình, mà chu toàn bổn phận là nên thánh, là góp phần xây dựng Nước Trời ngay tại trần thế này.

Cuối cùng, niềm hy vọng Nước trời còn được diễn tả mỗi khi chúng ta tham dự Thánh lễ, nhất là nơi Bàn Tiệc Thánh Thể, đó là hình ảnh báo trước của Bàn Tiệc Nước Trời mai sau. Ước gì mỗi khi tham dự Thánh lễ, chúng ta thêm xác tín hơn vào niềm hy vọng Nước Trời, để rồi sau khi Thánh lễ kết thúc, chúng ta không chỉ sống niềm hy vọng đó trong mỗi ngày sống mà còn mang niềm hy vọng đó vào cuộc đời để nâng đỡ, khích lệ những mảnh đời lam lũ, vất vả, góp phần làm cho thế giới tràn đầy niềm tin yêu và hy vọng. Chính khi đó, đời sẽ không còn là bể khổ bởi vì niềm vui Nước Trời đã khởi sự trong mỗi hy sinh, lao nhọc của chúng ta và niềm hy vọng Nước Trời thực sự là điểm tựa vững chắc cho đời sống đức tin của mỗi người chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Amen.

Gioan B. Phạm Văn Tiền