Suy Niệm Tin Mừng – Lễ Mình Và Máu Chúa Kitô – Năm B

Lễ Mình Và Máu Chúa Kitô – Năm B

(Xh 24, 3-8; Hr 9, 11-15; Mc 14, 12-16. 22-26)

Chủ đề: Tấm Lòng Chia Sẻ

Giáo xứ chúng ta đang bước vào mùa gặt lúa trong thời tiết oi ả của những ngày đầu hè. Hôm qua, lúc đi xức dầu về, khi đi bộ trên những con đường đầy rơm rạ và thóc lúa, tôi chợt nhớ lại câu chuyện đã xảy ra cách nay đã 40 năm, khi tôi còn bé. Cũng trong mùa vụ, ở một giáo xứ nọ, có gia đình nghèo kia đang ăn cơm trưa. Sau khi dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, người bố và mẹ chăm sóc những người con bằng những bát cơm do chính tay mình làm ra. Họ không chỉ chia sẻ cho con cái những thực phẩm để nuôi sống thân xác, nhưng còn chia sẻ cho con cái tình yêu bằng sự quan tâm, săn sóc, vỗ về.

Hình ảnh đó làm tôi liên tưởng đến đoạn Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay. Chúa Giêsu đã chia sẻ tấm bánh và chén rượu cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Đồ ăn và đồ uống đó không còn đơn thuần là thực phẩm nữa, nhưng là chính Mình và Máu của Ngài. Hình ảnh Chúa bẻ ra, trao ban cho các môn đệ, diễn tả sự chia sẻ của ăn, chia sẻ lương thực cho con người. Đồng thời, hình ảnh đó cũng diễn tả sự chia sẻ tình yêu, và hơn hết Chúa Giêsu chia sẻ ơn cứu độ cho con người.

Chúng ta học được gì qua hành động đó của Chúa? Nói cách khác, chúng ta phải làm gì để đáp lại sự chia sẻ ấy?

Trong giai đoạn công khai, Chúa Giêsu đã nhiều lần hóa bánh ra cho hàng ngàn người ăn no nê. Trong tất cả những lần đó, sau khi dâng lời chúc tụng, Chúa đã bẻ ra, trao  cho các môn đệ, và các môn đệ trao cho dân chúng (x. Mt 14,19; 15,36; Mc 6,41; 8,6; Lc 9,16) . Như thế, sự chia sẻ của Chúa không dừng lại nơi các môn đệ. Việc đó cần được tiếp tục chia sẻ cho những người khác nữa. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa cũng muốn mời gọi mỗi người trong cộng đoàn chúng ta chia sẻ tấm bánh Thánh Thể mà chính Chúa đã bẻ ra trong mỗi thánh lễ. Sự trao ban của Chúa nơi Bí tích Thánh Thể còn là một mệnh lệnh đòi buộc mỗi Kitô hữu chia sẻ cho mọi người xung quanh trong đời sống hàng ngày, nhất là những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn.

Trở lại câu chuyện về gia đình kia, khi họ đang ăn cơm, bỗng có một người phụ nữ đã khá lớn tuổi đi vào. Cô ta ăn mặc rách rưới, mái tóc hoa tiêu, khuôn mặt khắc khổ, gầy gò. “Ông bà làm ơn làm phước cho tôi xin bát gạo” – người phụ nữ lên tiếng. Người mẹ đã nhanh chóng vào đong một bát gạo. “Con bưng bát gạo biếu cô đi” – người mẹ nói với người con út. “Con đưa lễ phép và cười tươi nhé” – người bố không quên dặn dò. Một hình ảnh thật đẹp thưa quý cụ ông bà anh chị em. Người bố người mẹ đó không chỉ chia sẻ cho con cái là người thân trong gia đình. Họ còn hướng dẫn, chỉ bảo những đứa con tiếp tục chia sẻ miếng cơm cho người người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Hôm nay, tôi mời gọi anh chị hãy đón nhận mệnh lệnh của chính Chúa Giêsu Thánh Thể: chia sẻ tấm bánh Thánh Thể cho những người có hoàn cảnh khó khăn đang sống ngay bên chúng ta. Sự chia sẻ vật chất để không ai phải sống trong cảnh đói khát. Sự chia sẻ tinh thần qua việc thăm hỏi để không còn ai cảm thấy bị bỏ rơi. Và như thế, việc tham dự thánh lễ không dừng lại ở bài hát kết lễ, nhưng nó còn được âm vang mãi trong “bài ca bác ái, sẻ chia”. Việc rước kiệu Thánh Thể không dừng lại ở các chặng mà cộng đoàn vừa cử hành rất long trọng, nhưng nó còn là một cuộc rước kéo dài mãi đến tận cõi lòng những người cô thế cô thân, những người bị bỏ rơi trong giáo xứ.

Nhưng, chúng ta phải chia sẻ thế nào? Dấu hiệu nào giúp ta chia sẻ theo đúng tinh thần của Tin Mừng?

Chúng ta cùng nhớ lại lời của người bố dặn người con út: “Con đưa lễ phép và cười tươi nhé”. Một lời nói ngắn gọn thôi, nhưng vừa diễn tả sự tinh tế, vừa nói lên lòng quảng đại. Sự tinh tế để giúp mang lại niềm vui khi chúng ta chia sẻ, vật chất cũng như tinh thần. Quả thực, các cụ thường nói, “của cho không bằng cách cho”. Cách chia sẻ làm cho người nhận đón nhận không chỉ vật chất, nhưng còn đón nhận niềm vui, niềm hạnh phúc.

Như thế, thì sự chia sẻ không còn phụ thuộc vào giá trị vật chất nhiều hay ít nữa, nhưng còn phụ thuộc vào lòng quảng đại của người cho nữa. Dù chúng ta là người giàu có hay nghèo khó, chúng ta đều có thể cho đi. Điều quan trọng, mỗi khi chúng ta chia sẻ cho người khác, hãy để cho chúng ta “bị nghèo đi”. Là Thiên Chúa giàu sang phú quý, nhưng Chúa Giêsu đã trở nên nghèo khó khi nhập thể, khi chia sẻ thân phận con người. Người đã bị nghèo đi để làm cho con người được trở nên giàu có (x. 2 Cr 8,9). Chúa đã được sinh ra trong cảnh nghèo hèn nơi hang đá. Chúa đã sống cùng cha mẹ nơi Nadarét nhỏ bé. Trong suốt cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã luôn ở với và ở cùng những người nghèo khổ, bệnh hoạn tật nguyền. Và cuối cùng, Chúa đã chết tức tưởi trên thập giá mà không có một mảnh vải che thân. Quả thật, Chúa Giêsu đã chia sẻ với con người đến tận cùng sự nghèo đói và khổ đau. Như gia đình nghèo kia, dù một chút thôi, chắc chắn họ đã bị nghèo đi khi chia sẻ cho người ăn xin đó. Hay như người đàn bà góa nghèo đã trắng tay khi bỏ 2 đồng kẽm (là toàn bộ tài sản của bà) vào thùng tiền dâng cúng (x. Mc 12,42). Nói cách khác, cảm giác xót xa, cảm giác thiệt thòi, cảm giác tiếc nuối khi chia sẻ cho người khác là chính những dấu hiệu rõ ràng nhất của tinh thần Tin Mừng.

Chúng ta chỉ dừng lại ở việc chia sẻ vật chất hay chia sẻ tinh thần hay sao? Có gì khác biệt trong việc từ thiện bác ái của những người Kitô hữu và những người lương dân tốt lành khác?

Quý cụ ông và anh chị em có biết số phận cậu bé năm xưa không? Cậu bé trong gia đình nghèo năm xưa đã đi tu, trở thành linh mục. Cậu bé ấy chính là người đang nói với cộng đoàn bây giờ đây. Tôi đã từng hỏi bố mẹ: “tại sao nhà mình phải cho người xa lạ kia gạo vậy bố? Tại sao nhà mính phải đối xử tốt với họ vậy?” Bố tôi thường cười không nói gì. Mẹ tôi thì giải thích nhưng tôi không hiểu lắm. Mãi sau này, khi đi tu rồi, tôi mới biết giá trị của những bài học đó. Bài học về yêu thương và chia sẻ cho người khác, nhất là những người nghèo khổ. Nhờ đó, tôi đã mơ ước được làm linh mục để chia sẻ Tin Mừng đến tất cả mọi người. Và trên hết là chia sẻ ơn cứu độ, hầu mọi người “lãnh được gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa” (Hr 9,15).

Bài đọc 2, tác giả thư Híp-ri đã nói: Đức Kitô đã đến làm thượng tế  để đem phúc lộc cho thế giới. Người đem ơn cứu độ cho chúng ta (x. Hr 9,11-13). Chính Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng đã nói: “Này là Máu Thầy, đổ ra vì muôn người”. Bí tích Thánh Thể là lương thực thần linh cho chúng ta được tham dự vào đời sống vĩnh cửu. Như thế, khi tham dự Bí tích Thánh Thể, chúng ta không dừng lại ở việc chia sẻ vật chất hay tinh thần, nhưng còn là chia sẻ ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Đây chính là điểm độc đáo và nổi bật, giúp mọi người nhận biết ta là môn đệ Đức Kitô.

Nguyện xin Chúa Giêsu Thánh Thể ban cho mỗi người chúng ta, luôn biết yêu mến Ngài qua việc tham dự Thánh lễ, các giờ Chầu. Không dừng lại ở đó, chúng ta còn biết mang Thánh Thể đến với mọi người qua việc chia sẻ vật chất hay tinh thần cho người khác. Và hơn hết, chúng ta luôn hăng hái chia sẻ ơn cứu độ cho  mỗi người chúng ta gặp gỡ. Chỉ như thế, Bí tích Thánh Thể luôn sống động và mang lại ơn thánh cho đời sống đức tin của mỗi người chúng ta. Amen.

Vicente Nguyễn Trọng Cương