Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm A

Is 35,1-6a.8a.10; Gc 5,7-10;Mt 11,2-11

Khi ấy, Gioan ở trong ngục nghe nói về các việc làm của Chúa Kitô. Ông sai môn đệ đến thưa Ngài rằng: “Thầy có phải là Ðấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Ðấng nào khác?” Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ông nghe và thấy: người mù được thấy, người què đi được, người phong hủi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và tin mừng được loan báo cho kẻ nghèo khó; và phúc cho ai không vấp ngã vì Ta”. Khi những người được sai đến đã đi rồi, Chúa Giêsu liền nói với đám đông về Gioan rằng: “Các ngươi đi xem gì ở hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió ư? Vậy các ngươi đi xem gì? Một người ăn mặc lả lướt ư? Nhưng những người ăn mặc lả lướt thì ở nơi cung điện nhà vua. Vậy các ngươi đi xem gì? Một tiên tri ư? Phải, Ta bảo các ngươi, và còn hơn một tiên tri nữa. Vì có lời chép về ông rằng: “Này Ta sai sứ thần Ta đi trước mặt con, để dọn đường sẵn cho con”. Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả; nhưng người nhỏ nhất trong nước trời còn cao trọng hơn ông”.

DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN

“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4, 4-5).

 Đây là những lời đầu tiên phụng vụ hôm nay chọn để dẫn chúng ta vào Chúa Nhật “của niềm vui”. Màu sắc phụng vụ trong thánh lễ thật đặc biệt, không phải màu tím mà là màu hồng, diễn tả niềm vui mong chờ Chúa đến. Nhưng không phải là Chúa đã đến ở Bê-lem cách đây hơn 2000 năm hay sao? Tại sao lại nói là Chúa sắp đến? Thưa quả thực ở Bê-lem Chúa đã đến với trần gian, nhưng chưa đến với tâm hồn mọi người. Mà điều Chúa thiết tha mong muốn không phải là đến một nơi nhưng là đến với từng người.

Kháo khát của chúng ta được gặp Chúa

Cuộc sống vật chất hiện nay xem ra con người đầy đủ tiện nghi, không thiếu thốn gì. Nhưng nếu đi sâu đến tận đáy lòng, ta mới thấy còn nhiều khoảng trống mênh mông rất cần được lấp đầy: Khoảng trống “Không thiếu vật chất”: Mặc dù tiền bạc, của cải, tiện nghi có rất nhiều đến nỗi dư thừa, nhưng lòng người vẫn luôn thấy thiếu. Chỗ thiếu vắng này không thể lấy tiền mà mua được, không thể lấy vật chất mà lấp đầy được. Khoảng trống “tình yêu”: Con người ngày nay thường sống với nhau vì quyền lợi. Ai có lợi cho tôi thì tôi đến; ai không có lợi thì tôi thờ ơ, ai không còn có lợi thì tôi bỏ, ai có hại thì tôi tìm cách diệt trừ… Hình như tình yêu cũng được phân chia theo cấp bậc, đôi khi không có trong lòng người.  Khoảng trống tiếp theo là “vĩnh cửu”: Mọi thứ mà người có được đều chỉ là tạm bợ mau qua, kéo dài lắm cũng chỉ là “trăm năm trong cõi người ta”. Con người cần cái gì đó dài hơn, lâu hơn, mãi mãi… Những khoảng trống ấy thật là mênh mông, và không ai ngoài Chúa có thể lấp đầy. Họ đang tìm kiếm hạnh phúc và hạnh phúc đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa.

Bởi lẽ, có những người thực sự đã cảm nghiệm được hạnh phúc, nhưng hạnh phúc đó chỉ giới hạn và mau qua. Hạnh phúc mau qua bởi họ chọn đối tượng mang lại hạnh phúc chưa đúng. Con người thời nay đang rất cần Chúa, vì chỉ có Người mới đáp ứng được khao khát của con người. Thiên Chúa chính là tình yêu.

Dấu chỉ của tình yêu

Năm 1989, một trận động đất kinh khủng hầu như san bằng nước Ar-mê-ni, giết chết trên 30 ngàn người trong 4 phút đồng hồ!… Đang lúc xảy ra thiên tai như thế. Một người cha bỏ vợ con ở lại nhà, chạy đến trường tìm đứa con học ở đó. Đến nơi, ông chỉ thấy đống gạch vụn. Ông chắc là con ông đã bị chôn vùi trong đó. Nước mắt trào ra, ông vô cùng xúc động. Và lập tức ông chạy kiếm dụng cụ đào xới, hy vọng cứu thoát đứa con thân yêu?… Rồi các phụ huynh cũng chạy tới trường. Họ đứng trơ ra đó nhìn thương khóc con. Thấy ông kia đang cật lực đào xới. Họ nói: Không mong gì cứu. Đào xới mất công vô ích. Nhưng mặc ai nói gì thì nói, ông kia cứ đào cứ xới, mồ hôi chảy nhỏ giọt, mặt đỏ bừng. Mười tiếng đồng hồ, rồi mười lăm tiếng… Sau cùng ông nghe có tiếng động. Ông vội vàng kêu tên đứa con; và may thay ông nghe có tiếng vọng lại: Ba!… “

Mỗi nghĩa cử yêu thương của con người là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Trái tim của Thiên Chúa run lên từng nhịp xuyên qua mỗi hành động yêu thương của con người. Vì yêu thương loài người, Thiên Chúa đã ban Con Một Người sinh ra nghèo khó, sống 33 năm kham khổ, chịu chết treo khổ giá, để người mù xem thấy, kẻ què đi được… người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin mừng.

Người cha hy sinh chịu khổ cứu sống đứa con trên đây, phải chăng là hình ảnh Chúa thương cứu sống chúng ta và mời gọi chúng ta hy sinh cứu vớt anh chị em chúng ta. Mùa Vọng nhắc chúng ta nhớ: Vì thương muốn cứu sống mọi người, Chúa Cứu Thế đến với chúng ta, mời gọi chúng ta noi gương Người đối xử như thế với anh chị em chúng ta.

Thầy có phải là Đấng Thiên Chúa sai đến không?

Có một câu chuyện kể tiếp như sau: Một nhóm thương gia dự một cuộc họp. Người nào cũng báo trước với vợ con là sẽ về nhà đúng giờ ăn bữa tối. Nhưng cuộc họp kéo dài hơn dự định. Tan buổi họp, ai nấy hối hả chạy ra xe buýt. Một người xô phải quầy bán táo của một cậu bé, táo rơi tứ tung. Nhưng không ai dừng lại để lượm giúp cậu. Rồi mọi người đều lên được xe buýt, thở phào nhẹ nhõm. Nhưng ít giây sau, một người trong nhóm cảm thấy bứt rứt về chuyện cậu bé bán táo. Ông xuống xe trở lại chỗ cũ. Ông thấy cậu bé đang vất vả mò tìm từng trái táo để lượm lại. Thì ra cậu bị mù! Tội nghiệp quá, ông giúp cậu lượm lại từng quả cho đến hết. Một số quả đã bị giập. Ông móc túi dúi vào tay cậu bé một món tiền, rồi ra đi. Cậu bé bán táo hỏi với theo “Ông có phải là Chúa Giê-su không?” Theo một nghĩa nào đó, ông ta là hình ảnh của Chúa Giê-su. Thời nay, đang cần có nhiều Chúa Giê-su như thế.  Đức Giê-su ở giữa mọi người, ban ơn làm phúc cho mọi người mà loài người không biết, không nhận Người, khinh dể người. Và Gio-an là một ngôn sứ và cũng là vị Tiền hô, qua lối sống khổ hạnh khác thường, đã làm chứng cho Đấng Cứu Thế. Như Gio-an, mỗi người chúng ta cũng là chứng nhân cho Chúa Ki-tô trong cuộc sống hằng ngày. Martin Luther King đã nói: “Chúng ta không chỉ làm chứng bằng lời nói, mà còn bằng cuộc sống của mình”

Lạy Chúa Giê-su, Mùa Vọng là mùa mong đợi Chúa đến, nhưng không phải một Thiên Chúa uy nghi phép tắc mà là một Thiên Chúa nhỏ bé khiêm hạ. Một Thiên Chúa ôm trọn kiếp long đong và bấp bênh của phận người. Xin thanh luyện cái nhìn của chúng con về Chúa, cho chúng con dám sống như Chúa vì Chúa đã dám sống như chúng con. Amen.