Chúa Nhật VI Thường Niên A

Hc 15,15-20; 1 Cr 2,6-10; Mt 5,17-37

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Ta đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao  cả trong Nước Trời. Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là ngốc, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với ngươi, thì ngươi hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa ngươi ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao ngươi cho tên lính canh và ngươi sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật các ngươi biết: “Ngươi sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!” Các con đã nghe nói với người xưa rằng: “Chớ ngoại tình”. Còn Ta, Ta bảo các con: “Hễ ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi. Nếu con mắt phải của con nên dịp tội cho con, thì hãy móc nó mà ném xa con; vì thà mất một chi thể còn lợi hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con nên dịp tội cho con, thì hãy chặt mà ném nó xa con; vì thà mất một chi thể còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục”. Cũng có lời dạy rằng: “Ai lý dị vợ mình, thì hãy trao cho vợ tờ ly dị”. Còn Ta, Ta bảo các con: Hễ ai ly dị vợ mình, trừ trường hợp tà dâm, thì làm cớ cho vợ ngoại tình; mà ai cưới người vợ đã ly dị, cũng phạm tội ngoại tình”. Các con cũng đã nghe có lời bảo người xưa rằng: “Chớ thề gian, nhưng hãy giữ trọn lời mình thề với Chúa”. Còn Ta, Ta bảo các con: “Đừng thề chi cả; đừng lấy trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa; Đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua Cao cả. Cũng đừng chỉ đầu người mà thề, vì ngươi không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hay đen được. Nhưng lời nói của các con phải là: Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt chuyện là bởi ma quỷ mà ra”.

YÊU THƯƠNG LÀ CHU TOÀN LUẬT CHÚA

 Người ta thường nói “Quốc hữu quốc pháp, gia hữu gia quy”, nghĩa là nước có luật nước, nhà có luật nhà. Chúng ta thuộc về Nước Thiên Chúa nên chúng ta cũng phải biết và tuân giữ Luật của Nước Thiên Chúa. Việc tuân giữ luật Chúa không chỉ là thực hành luật Chúa hay ý Chúa một cách bề ngoài hình thức, nhưng phải được bắt nguồn từ một con tim mà ở đó có sự vâng phục, việc làm của ta là việc làm theo ý của Thiên Chúa.

Tự do vâng phục và khôn ngoan tuân giữ luật Chúa

Trong bài đọc I, sách Huấn Ca cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa đã ban cho mỗi người tự do để vâng phục Thiên Chúa. Sự vâng phục đến từ một trái tim hoàn toàn tự do, chứ không phải một sự ràng buộc chúng ta. Nó cũng không phải là điều áp đặt trên chúng ta, nhưng trên hết đó là một món quà tuyệt vời mà Thiên Chúa ban tặng, nó xuất phát từ bên trong sâu thẳm của tâm hồn mỗi người. Quả thật, nhờ tự do của chúng ta dẫn đến sự trung thành với Thiên Chúa, nhưng ngược lại cũng nhờ tự do chúng ta cũng dễ dàng nói không với Thiên Chúa. Nguyện ước mỗi người chúng ta có thể sử dụng tự do mà Chúa ban như một phần quan trọng nhất của đời sống tâm linh con người, của trái tim yêu thương để trung thành với lề luật của Thiên Chúa.

Huấn Ca là một quyển sách do Ben Sira biên soạn. Sách này là một sưu tập những ý tưởng khôn ngoan của các bậc tiền bối trong thiên hạ nói chung và trong dân Do thái nói riêng. Trong đoạn được Phụng vụ trích đọc hôm nay, Ben Sira cho rằng người khôn ngoan là người tuân giữ luật Chúa. Ông lập luận: Thực ra muốn giữ luật Chúa hay không là tuỳ vào mỗi người, cũng như mỗi người đứng trước hai con đường. Ai muốn đi con đường nào tuỳ ý.  Con đường thứ nhất là nước, sự sống, sự lành; con đường thứ hai là lửa, sự chết và sự dữ, thực ra đây không phải là đường mà là muốn đi đâu thì đi, không có chỉ dẫn, không có định hướng, không có ngăn cản. Sống theo luật Chúa chính là khôn ngoan lựa chọn theo con đường thứ nhất.

Tuân giữ Luật Chúa

Nhiều người cho rằng: “luật là luật”. Những người này thuộc các khoản luật và buộc người ta tuân giữ một cách nô lệ từng khoản luật ấy. Lúc đó, luật trở thành chủ, và con người trở thành nô lệ, phụ thuộc luật. Cho nên, cuộc sống con người trở nên quá nặng nề, gò bó, ích kỷ và không chịu nổi. Luật của Pha-ri-sêu là như thế đó! Ngày Sa-bát, nếu có người bệnh cũng không được chữa, bởi vì ‘luật’ cấm không được làm việc gì trong ngày đó. Nếu chú ý đọc hết bài giảng trên núi của Đức Giê-su (từ đầu chương 5 đến hết chương 7 Tin Mừng Mát-thêu), chúng ta sẽ ngạc nhiên là tuy Người nói đến luật cũ và luật mới, nhưng Người chỉ giải thích những khoản luật cũ chứ không đưa thêm khoản luật nào ‘mới’ của Người cả. Đức Giê-su không thêm luật, không thay đổi luật nhưng Người chỉ cho thấy tinh thần của luật. Vì thế, ta có thể nói: Luật của Chúa Giê-su không chỉ là luật, mà quan trọng hơn hết là tinh thần của lề luật. Tinh thần là sự sống của luật. Đã có quá nhiều khoản luật, chỉ thiếu tinh thần và sự sống thôi. Sau này, trong một cuộc đối thoại với một luật sĩ, Đức Giê-su có nói tới hai khoản ‘luật’ quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Nhưng thực ra hai khoản đó cũng đã có sẵn trong bộ luật cũ Cựu Ước. Khoản luật thì vẫn cũ, cái mới là tinh thần: tinh thần ‘yêu’ và tinh thần ‘mến’. Người Ki-tô hữu chúng ta đang cố gắng tuân giữ rất nhiều luật: Luật Chúa và luật Giáo hội. Nhưng hãy lưu ý kỹ điều này: nếu chỉ giữ ‘luật’ mà không sống đúng ‘tinh thần’ của luật thì ta sẽ thành nô lệ, sẽ thành Pha-ri-sêu.

Trong bài Tin Mừng Chúa Giê-su tuyên bố rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn”. Người đến là để hoàn tất luật và chỉ cho chúng ta biết lề luật sẽ được hoàn tất như thế nào. Người nói với chúng ta ba điều liên quan đến giới răn:

Giới răn thứ nhất của lề luật đó là không được giết người. Nhưng Thiên Chúa nói nếu trong lòng bạn nóng giận với anh em mình, thì tội giết người đã bắt đầu rồi. Khi chúng ta “nổi giận với anh em mình”, nghĩa là vì giận quá mà không còn coi người anh em mình như anh em nữa, trái lại coi họ là người dưng, thậm chí là kẻ thù. Nói tóm lại là giận đến nỗi mất tình huynh đệ. Trong trường hợp này ‘giận’ đồng nghĩa với ‘giết’: không phải giết chết một mạng sống mà giết chết một mối tình, vì người trước đây là anh em, là bạn hữu nay vì giận hờn, ghen ghét, thù hận không còn là anh em và bạn hữu của mình nữa.

Điều răn thứ hai là tương quan với phụ nữ, người không có liên hệ với tôi, một người phụ nữ không phải là vợ của tôi. Có thể nhiều người trong chúng ta nói rằng: tôi chẳng có tình nhân nào cả ngoài vợ hay chồng của tôi nên tôi không phạm luật Chúa. Nhưng Chúa Giê-su nói: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” có thể nhận thấy điều Chúa nhấn mạnh đến việc phạm tội là bắt nguồn từ trong lòng mỗi người.

Điều răn thứ ba Chúa Giê-su muốn nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay là; sự chân thành với chân lý không cần phải những người làm chứng, bạn và tôi không cần phải dùng những lời hoa mỹ hay tất cả mọi hình thức bên ngoài để che giấu sự gian dối thiếu chân thật của mình. Nhưng Chúa Giê-su kêu mời mỗi chúng ta hãy thể hiện lòng thành thật, có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỷ.

Như vậy, chu toàn lề luật là phải được bắt nguồn từ trong trái tim của chúng ta, nơi đó chứa đựng một tình yêu vô vị lợi đối với tha nhân. Đó là một trái tim chứa đầy sự kính trọng đối với anh em mình, đặc biệt đối với những người phụ nữ, một trái tim trung thành và trung tín.Tác giả Thánh vịnh 118 xác tín rằng Thiên Chúa ban luật cho con người chỉ nhằm lợi ích cho họ, bởi vì Luật Chúa là con đường an toàn và vững chắc dẫn tới sự sống. Vì xác tín như thế, nên tác giả cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin tỏ cho con biết đường lối thánh chỉ Người và dạy cho con biết tuân cứ luật pháp của Người”.

Nguyện cho lời thánh vịnh thúc đẩy mỗi người chúng ta làm mới lại cuộc sống mỗi ngày, và cách làm mới an toàn nhất là khôn ngoan sống theo luật Chúa. Amen.