✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,38-48).
38 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Mắt đền mắt, răng đền răng. 39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : đừng chống cự người ác ; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. 40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. 41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. 42 Ai xin, thì hãy cho ; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi. 43 “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Suy Niệm
Bài 1
Kính thưa quý ông bà và anh chị em!
Cách đây 41 năm, hôm đó là thứ tư ngày 13 tháng 5 năm 1981, khi Đức Thánh Giáo hoàng Gio-an Phaolô II đang ban phép lành cho các tín hữu tại quảng trường thánh Phê-rô, bất ngờ từ giữa đám đông, người ta nghe thấy loạt âm thanh kinh hoàng rít lên: Đoàng! Đoàng!
Tiếng súng nổ ra, Đức Thánh Cha nằm xuống. Ngài vừa bị một tên khủng bố người Thổ Nhĩ Kỳ tên là Ali Agca ám sát ở một cự li rất gần. Một trong hai viên đạn xuyên qua ngực ngài và chỉ cách động mạch chủ vài milimet. Nhiều bác sĩ nghĩ rằng ngài sẽ không qua khỏi, nhưng nhờ sự gìn giữ của Thiên Chúa, ngài đã thoát khỏi cái chết một cách diệu kỳ.
Sự kiện ấy đã làm chấn động cả thế giới. Rất nhiều người muốn xử tử tên sát nhân và thế lực đứng đằng sau y. Nhưng điều làm thế giới ngạc nhiên là sau khi sức khoẻ đã bình phục, Đức Thánh Giáo hoàng đã đích thân vào nhà tù để an ủi, động viên và tha thứ cho kẻ đã bắn mình. Không những thế, ngài còn xin với Chính phủ Ý cho Ali Agca được giảm án tù.
Khi được các phóng viên hỏi động lực nào đã khiến ngài dễ dàng bao dung tha thứ như vậy, Đức Thánh Cha nói rằng ngài đã học điều đó nơi người thầy chí thánh là Đức Giêsu Kitô.
Vậy lời dạy nào của Đức Giêsu đã mang lại sự thuyết phục như vậy? Phụng vụ Lời Chúa hôm nay sẽ vén mở cho ta hiểu rõ điều đó.
Tiếp nối các bài giảng trên núi mà chúng ta đã được nghe trong các Chúa Nhật tuần trước, hôm nay, Chúa Giêsu dạy mỗi người chúng ta phải có lòng bao dung tha thứ với tất cả mọi người, thậm chí còn phải yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi chúng ta. Ngài nói: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.
Bài đọc 1 trích trong sách Lêvi cho chúng ta thấy rõ điều luật xưa mà Chúa Giêsu đã nhắc tới. Dưới chân núi Sinai, Đức Chúa truyền cho Mô-sê nói với con cái Israel: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu anh em đồng bào như chính mình”.
Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng kêu gọi chúng ta không chỉ dừng ở việc chỉ yêu đồng loại mà còn phải yêu kẻ thù và đi xa hơn nữa là cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình. Ngài mở rộng biên giới yêu thương đến chỗ không còn biên giới.
Có một lần, thánh Phê-rô hỏi Chúa Giêsu: “Thưa thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm con thì con phải tha thứ mấy lần? Có phải bảy lần không?” Chúa liền trả lời: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”, Thế nghĩa là gì? Nghĩa là chúng ta phải tha thứ luôn luôn và mãi mãi.
Chúa Giêsu không chỉ nói suông, Ngài đã dùng chính cuộc đời mình để dạy ta về bài học tha thứ. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Chúa luôn thể hiện tình yêu thương tha thứ cho con người. Chúa tha thứ cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình khi mà đám đông đang muốn ném đá chị. Chúa tha thứ cho Phêrô khi ông chối Chúa đến ba lần. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Chúa đã tha thứ cho một tên trộm cùng chịu đóng đinh và tột đỉnh là sự tha thứ của Chúa dành cho những kẻ sỉ nhục, đánh đòn và đóng đinh Ngài vào thập giá: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”. Chính cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là đỉnh cao của tình yêu thương tha thứ Kitô giáo, đó là sự tha thứ đến tột cùng. Nhờ tình yêu thương tha thứ của Chúa Giêsu, chúng ta được tẩy xoá muôn vàn tội lỗi: “Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra chúng ta được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người” (Ep 1, 7).
Thưa anh chị em! Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải bao dung tha thứ cho nhau vì tất cả nhân loại được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa; khi tha thứ cho nhau, chúng ta mới được gọi là con của Chúa và là anh em của nhau. Hơn nữa, trước mặt Chúa, tất cả chúng ta chỉ là những tội nhân, khi tha thứ cho anh em mình, chúng ta mới xứng đáng được Thiên Chúa thương xót và thứ tha.
Thực ra, theo các nhà tâm lý, tha thứ lỗi lầm cho người khác là tha thứ cho chính mình. Nghe có vẻ vô lý nhưng đó là sự thật, vì nếu ngày qua ngày chúng ta cứ nuôi oán giận, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, ta không chỉ tổn hại sức khoẻ thể xác, mà còn hao mòn cả tinh thần. Chính bản thân tôi cũng có kinh nghiệm trong điểm này. Mỗi khi giận giữ ai đó, oán trách ai đó, tôi luôn cảm thấy bức bí trong lòng, nó làm tôi khó chịu. Ngược lại, khi tôi biết cách mỉm cười và bỏ qua những lỗi lầm của người khác, tâm hồn tôi như được thoải mái và bình an hơn.
Một giọt mực rơi vào chén nước sẽ làm nước đục vì chén nước rất nhỏ. Nhưng giọt mực ấy rơi vào một đại dương bao la thì đại dương không hề hấn gì vì khả năng chứa đựng của nó lớn. Cũng vậy, khi tâm hồn ta bao dung thì sẽ bình an, ngược lại nếu tâm hồn ta nhỏ hẹp thì chính những lỗi lầm dù nhỏ bé cũng làm ta bị vẩn đục. Lớn hơn đất liền là biển cả, lớn hơn biển cả là trời xanh, lớn hơn trời xanh là tấm lòng bao dung của con người!
Chúng ta phải thành thực mà nhìn nhận rằng bao dung tha thứ là một điều khó, một thách đố trong đời. Ông cha ta vẫn có câu: Một điều nhịn là chín điều lành. Nhưng ngày hôm nay, các bạn trẻ bộc bạch rằng nhịn người khác khó lắm. Các bạn vẫn hay nói đùa với nhau: một điều nhịn là chín điều nhục. Phêrô khi nghe Chúa dạy phải tha bảy mươi lần bảy, ông vâng vâng dạ dạ thấm thía lời Thầy. Nhưng khi gặp toán quân đến bắt Chúa trong vườn Cây Dầu, ông cũng không giữ được bình tĩnh để rồi đùng đùng nổi giận, tuốt gươm chém đứt tai tên Mankhô. Tha thứ khó nên nó mới là điểm son của Kitô giáo. Khó không có nghĩa là chúng ta không làm được. Chính Chúa Giêsu đã đi bước trước để nêu gương cho chúng ta.
Bức ảnh đẹp nhất mà người ta chọn ra trong triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II không phải là hình ảnh các chuyến tông du, cũng không phải là hình ảnh ngài đọc kinh cầu nguyện mà chính là bức hình ngài động viên và tha thứ cho tên sát thủ Ali Agca.
Có một số anh chị em nói với tôi rằng chúng con đang sống rất bình yên ở giáo xứ miền quê này, chúng con không có kẻ thù nào để tha thứ. Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho giáo xứ chúng ta luôn được bình an, không có kẻ thù cướp đất, giết người. Nhưng qua việc lắng nghe Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy mở lòng tha thứ cho những ai xúc phạm hay làm ta không hài lòng. Cha mẹ, con cái tha thứ cho nhau; vợ chồng tha thứ cho nhau; anh chị em trong nhà tha thứ cho nhau; hàng xóm láng giềng tha thứ cho nhau; bạn bè tha thứ cho nhau. Làm được như thế, chúng ta mới thực là Kitô hữu, mới thực là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần như thánh Phaolô nói trong bài đọc II, để lát nữa đây, chúng ta xứng đáng rước Chúa Giêsu Thánh Thể ngự vào tâm hồn mình. Amen.
(Giuse Phạm Văn Thoại – ĐCVHN K21)
Bài 2: HOÀN THIỆN CUỘC SỐNG BẰNG YÊU THƯƠNG
Ở đời này, và cả ở đời sau, không có gì quan trọng cho bằng tình yêu. Hạnh phúc chính là yêu và được yêu lại. Nhưng chắc gì chúng ta đã hiểu đúng về tình yêu? Lời Chúa hôm nay giới thiệu cho chúng ta chủ đề để suy tư và áp dụng vào đời sống cụ thể hằng ngày đó là: “hoàn thiện cuộc bằng sống yêu thương”.
Thế nào là thánh?
Sách Lê-vi là một bộ sưu tập những khoản luật rất cổ xưa, trong đó các chương từ 17 đến 25 được gọi là “Bộ luật về sự thánh thiện”. Vấn đề căn bản được đặt ra trong bộ luật này là: Thiên Chúa là thánh, con người là tội lỗi. Vậy làm thế nào con người tội lỗi như chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa thánh thiện được? Câu trả lời tuy rất đơn giản nhưng lại rất sâu sắc: Hãy sống yêu thương như chính Thiên Chúa đã yêu thương. Sách Lê-vi diễn tả cuộc sống yêu thương theo hai phương diện: Phương diện tiêu cực là “Ngươi không được để lòng ghét người anh em…Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi.” (Lv 19, 17-18). Phương diện tích cực là “Ngươi hãy yêu mến đồng loại ngươi như chính mình ngươi”. (Lv 19, 18b).
Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta nghe được hai lời kêu gọi nên thánh như Thiên Chúa: “Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 9,2); “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Thánh là thế nào? Người ta thường hình dung vị thánh là một người khổ hạnh, xa lánh thế gian, chuyên chăm đọc kinh cầu nguyện, làm nhiều việc bác ái… Vì hình dung như thế, người ta ngưỡng mộ các vị thánh nhưng không thích làm thánh. Bài đọc I và bài Tin Mừng hôm nay hình dung vị thánh một cách rất dễ thương, dễ gần và đáng yêu: Thánh là người cố gắng giống Chúa. Mà vì Chúa là tình yêu cho nên thánh là người sống yêu thương, chẳng những yêu thương những người thân cận với mình, mà còn yêu thương cả những kẻ thù ghét mình. Một vị thánh như thế, ai mà không thích? Hình ảnh một vị thánh như thế, ai mà không muốn trở thành? Và những người thánh như thế, xã hội nào mà không cần đến? Vì thế, mỗi người trong chúng ta đều được kêu gọi trở nên thánh, nghĩa là hãy sống bằng một tình yêu nhưng không, một tình yêu không có sự căm thù, giận hờn đối với anh em khi họ sai lỗi. Nó phải được thực hiện với lòng yêu mến, chứ không phải một sự nóng nảy, tức tối, và càng không có chỗ cho thù hận, oán hờn trong trái tim chúng ta.
Trong bài đọc II, thánh Phao-lô nói với các tín hữu Cô-rin-tô rằng Giáo hội là thánh thiện, bởi vì Chúa Thánh Thần cư ngụ ở trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa là sự sống, làm cho cộng đoàn trở nên thánh thiện, chứ không phải nhờ công trạng, cũng như nhờ vào những cố gắng luân lý của chúng ta, vì chúng ta là những tội nhân. Do vậy, để trở nên thánh thiện, chúng ta phải có trách nhiệm với chính bản thân và với Giáo hội, chúng ta phải sẵn sàng để trở nên những con người sống theo hướng của Tin Mừng, trong một xã hội đầy khó khăn thử thách và khác biệt. Bởi lẽ sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần rất khác với sự khôn ngoan của con người thế gian. Tình yêu của thế gian này khác biệt so với tình yêu của Chúa Thánh Thần ban tặng và ảnh hưởng trên chúng ta.
“Mắt đền mắt, răng thế răng”
Toàn văn của khoản luật ăn miếng trả miếng được ghi trong sách Xuất hành như sau: “Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng” (Xh 21,24-25). Mục đích của khoản luật này là tuy cho phép trả đũa nhưng giới hạn sự trả đũa đúng mức bị gây hại: kẻ thù làm mình hư một mắt, mình có thể trả đũa làm cho nó hư lại một mắt (không được hai); nó đánh mình bầm, mình có thể đánh nó bầm lại (không được hơn)… Một điều đáng buồn là ngay trong thời đại ngày này, nhiều người chẳng những chưa giữ được giới hạn tối thiểu của luật Cựu Ước mà còn tệ hơn thế nhiều. Họ sống theo luật “Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Hãy nhìn tình hình xung đột ngay giữa cuộc sống thường ngày của chúng ta: Cạnh tranh hơn thua, chiến tranh, ẩu đả… vẫn luôn xảy ra trên bình diện quốc gia, tập thể, hội đoàn… Trên bình diện nhỏ hơn: hai đứa trẻ đánh nhau kéo theo hai gia đình xung đột với nhau; khi hai người cãi nhau, người này chửi một câu thì người kia đáp lại ba câu; xin lỗi có người nói “Cha mầy” thì người kia đáp lại “Tổ tiên sư mầy”. Làm thế nào để chấm dứt xung đột? Cách giải quyết “Mắt đền mắt răng đền răng” rất khó dừng lại ở giới hạn hợp lý mà thường có khuynh hướng leo thang trả đũa. Còn nếu giải quyết bằng cách “Hòn đất ném đi hòn chì ném lại” thì xung đột càng tệ hơn. Đến đây chúng ta mới thấy giáo huấn của Đức Giê-su rất khôn ngoan. Xung đột chỉ chấm dứt được khi một bên chịu nhường nhịn. Nhường nhịn không có nghĩa là mình yếu, mình thua, nhưng là mình đang cố gắng nên thánh như Thiên Chúa ở trên trời là Đấng thánh. Nếu thực sự chúng ta có lòng mến, có tình yêu thì cách giải quyết vấn đề nó hoàn toàn khác. Mình nhỏ đi để người khác lớn lên, không có nghĩa là mình nhỏ bé hay yếu thế hơn họ, nhưng chính lúc đó tình yêu trong chúng ta sẽ đơm hoa kết trái và thực sự lúc đó chúng ta mới cảm nhận được mình thực sự lớn, lớn trong đức mến và lớn trong tình yêu thương.
Hãy yêu thương kẻ thù
Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ A-ga-pê được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa được thực hiện nơi tâm hồn con người. Khi vươn tới đỉnh tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ. Chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ. Đó chính là ý nghĩa lời Đức Giê-su dạy “Anh em hãy yêu thương kẻ thù”. Phần tôi, tôi sung sướng vì Người đã không nói “Anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em” bởi vì có những người mà tôi khó có thiện cảm nổi. Thiện cảm là một cảm xúc. Tôi khó có thể có đón nhận một người đã làm hại gia đình tôi. Tôi khó có thể có thiện cảm với người bóc lột tôi. Tôi khó có thể có thiện cảm với người đè bẹp tôi dưới sự bất công. Không, không thể có một thiện cảm nào đối với người ngày đêm đe dọa giết tôi. Nhưng Đức Giê-su nhắc tôi rằng tình yêu còn lớn hơn thiện cảm, rằng tình yêu là thiện chí biết cảm thông, có tính sáng tạo, cứu độ đối với hết mọi người.
Hôm nay, Đức Giê-su cũng mời gọi mỗi chúng ta sống như thế qua việc thể hiện lòng vị tha và bác ái cao thượng đối với anh em mình, nhất là với kẻ thù của mình. Bằng cách đó, chúng ta mới trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Giê-su, và cuộc sống của chúng ta mới hoàn thiện. Amen.
(Vô Danh)