Chúa Nhật I MC Năm A

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 4, 1-11)

1 Sau khi chịu phép rửa, Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. 2 Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. 3 Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi !” 4 Nhưng Người đáp : “Đã có lời chép rằng : Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” 5 Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, 6 rồi nói với Người : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng : Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 7 Đức Giê-su đáp : “Nhưng cũng đã có lời chép rằng : Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” 8 Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, 9 và bảo rằng : “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” 10 Đức Giê-su liền nói : “Xa-tan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng : Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” 11 Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

BÀI 1CHIẾN ĐẤU ĐỂ ĐƯỢC SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Một người kia đến xin cha xứ giúp đỡ, thưa cha con bị nghiện rượu nhiều năm rồi, con đã làm nhiều cách để cai rượu mà không bỏ được, xin cha giúp con. Cha xứ nói với anh, mỗi ngày anh thử uống bớt đi một chút, cứ như vậy sau một thời gian anh sẽ bỏ được rượu. Ba tháng sau, cha xứ thấy anh ta quay lại với bộ dạng vẫn say xỉn. Anh nói với cha, thưa cha con cảm ơn cha, cách cai rượu của cha hay quá, con đã bỏ được rượu. Hôm nay con thấy rất vui và con đã mời bạn bè một bữa để mọi người chung vui với con.                                                                                 

Câu chuyện trên là một trong muôn vàn cơn cám dỗ mà chúng ta đã gặp phải hay đã từng chứng kiến trong đời sống. Cám dỗ đến với chúng ta không phụ thuộc vào công việc, lứa tuổi, hay địa vị xã hộị. Ma quỷ cũng dùng nhiều cách thức để cám dỗ chúng ta, nó muốn cám dỗ chúng ta đi theo con đường của bóng tối thay vì đi theo ánh sáng là Thiên Chúa. Cho nên, bài Tin Mừng hôm nay mời chúng ta chiến đấu để chống lại cám dỗ, đó không còn là cuộc chiến đấu cho cuộc sống nơi thế gian này, mà là cuộc chiến đấu cho sự sống đời đời. Và như vậy, chúng ta cũng có thêm một định hướng mới cho Mùa Chay thánh này. Mùa Chay không chỉ là mùa ăn năn, đền tội mà nó cũng là mùa chiến đấu. Cụ thể hơn là cùng Chúa chiến đấu với các cơn cám dỗ. Cám dỗ là một cái gì đó rất ngọt ngào, tựa như chuyện ông bà A-đam và Eve bị cám dỗ trong bài đọc 1 vậy. Khi ma quỷ dụ dỗ bà Eva ăn trái cấm, nó nói với ông bà rằng: chẳng chết chóc gì đâu, khi ông bà ăn trái cây này thì không những mắt sáng ra mà còn biết sự lành sự dữ nữa (x. St 3, 1-7). Cùng một thể thức ấy, ma quỷ cũng dùng những lời ngọt ngào để cám dỗ Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã quyết liệt chiến đấu chống lại các cơn cám dỗ, và Ngài mời gọi mỗi người chúng ta cùng chiến đấu với Ngài trong ba cơn cám dỗ này.

Trong cơn cám dỗ thứ nhất (x. Mt 4,3-4), Đức Giê-su cảm thấy mệt và đói, vì Ngài đã nhịn ăn 40 đêm Ngày. Ma quỷ xuất hiện, nó cám dỗ Đức Giê-su hóa đá thành bánh mà ăn cho đỡ đói. Đứng trước lời mời gọi xem ra là chính đáng và hợp lý, Đức Giê-su nói không. Đây là cơn cám dỗ về đức tin. Nơi vườn địa đàng, Thiên Chúa nói với A-dam đừng ăn trái cây ở giữa vườn kẻo phải chết. Ông đã không tin lời Người. Ông đã ăn và đã chết. Nhưng Đức Giê-su thì khác- Ngài tin tưởng hoàn toàn vào Thiên Chúa chứ không tin lời ma quỷ. Nên Ngài phán với nó rằng, “người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Tôi có một người bạn đã từng bị lung lạc đức tin. Bố mẹ chị này nợ người ta rất nhiều tiền, và chị là người gánh nợ thay. Khi đi xem bói, thầy bói nói chị có người âm theo, chị phải đi cắt duyên âm, khi ấy tiền tài sẽ đến với gia đình chị. Chị cảm thấy sợ hãi và đức tin chao đảo. Tôi nói với chị rằng, chị hãy chạy đến với Chúa, hãy xin Ngài ban thêm niềm tin và tiếp thêm sức mạnh, vì chỉ có Chúa mới cho chúng ta bình an thực sự. Cho nên, chị hãy luôn tin tưởng vào Thiên Chúa.

Thua keo này quỷ bày keo khác (x. Mt 4,5-7). Ma quỷ đặt Đức Giê-su trên nóc đền thờ và nói, này ông, hãy gieo mình xuống đi vì sẽ có thiên thần tay đỡ tay nâng, bạn khỏi vấp chân vào đá. Đức Giê-su nói không. Đây là cơn cám dỗ về Đức cậy. Ma quỷ muốn Đức Giê-su cậy vào sức riêng của Ngài để thu phục nhân loại, bởi vì Ngài cũng là Thiên Chúa. Nhưng Đức Giê-su luôn cậy trông vào Chúa Cha chứ không vào sức riêng của mình, và mọi việc Ngài làm là để thực hiện thánh ý của Chúa Cha. Cho nên, Đức Giê-su nói với ma quỷ rằng, “ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Chúng ta cùng Chúa chiến đấu trong cơn cám dỗ này là hãy luôn cậy dựa vào Thiên Chúa. Đừng cậy dựa vào thế gian, cũng như những gì thuộc về nó. Chỉ có cậy dựa vào Chúa chúng ta mới có sự sống đời đời.

Sau cùng, ma quỷ đưa Đức Giê-su lên một ngọn núi thật cao và cho Ngài nhìn thấy vinh hoa, lợi lộc của các nước thế gian, nó muốn kích thích lòng ham muốn nơi Đức Giê-su, chỉ cần bái lạy nó là Ngài sẽ có tất cả (x. Mt 4,8-10). Đức Giê-su nói không. Đây là cơn cám dỗ về Đức mến. Ma quỷ cám dỗ Đức Giê-su yêu mến những gì thuộc về thế gian hơn yêu mến Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu đã dứt khoát từ chối cám dỗ và đáp lại ma quỷ rằng, “ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và phải thờ phương một mình Ngài mà thôi”. Có một người kia sa cơ lỡ bước, anh buồn bã đi trên bãi biển và than trách Thiên Chúa, “tại sao lúc con thành công, hạnh phúc thì Chúa ở bên con, nhưng khi con rơi vào bước đường cùng thì Chúa ở đâu?”. Chúa với nói với anh, “con xem lại những vết chân trên cát là của ta hay của con”. Quả thế, ma quỷ luôn muốn cám dỗ chúng ta xa rời tình yêu Chúa, và nó làm cho chúng ta có cảm giác Chúa đang bỏ rơi chúng ta. Nhưng trên thực tế, Thiên Chúa luôn yêu thương, bảo vệ chúng ta, theo cách riêng của Ngài. Chính lúc chúng ta đau khổ nhất, đó cũng là lúc Chúa đang cõng chúng ta trên lưng của Ngài.

Khi bước vào mùa chay thánh thiện này, chúng ta được mời gọi cùng Chúa chiến đấu chống lại cám dỗ của ma quỷ. Như trong bài đọc 2 thánh Phao-lô nhắn nhủ tín hữu Rô-ma rằng: Vì một người tội lỗi mà nhân loại phải chết. Cũng vì một người công chính mà toàn thể nhân loại được sống. A-đam xưa đã không chiến đấu chống lại cám dỗ, kết cục là ông đã phải chết. Nhưng nay, Đức Giê-su là A-đam mới, Ngài đã chiến đấu và chiến thắng ma qủy để đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Đức Giê-su không chỉ chiến đấu với ba cơn cám dỗ trong hoang địa, nhưng cả cuộc đời của Ngài là một bài ca chiến đấu: Trong vườn cây Dầu, Người phải chiến đấu với nỗi sợ hãi, “lại Cha, xin Cha cất chén đắng này cho con” (x. Lc 22,42). Trên thập giá Đức Giê-su bị cám dỗ “nếu ông là con Thiên Chúa thì hãy xuống khỏi thập giá đi, chúng tôi sẽ tin ông liền” (x. Mt 27,42). Nhưng trong tất cả, Ngài đã quyết liệt chiến đấu với cơn cám dỗ để thi thành thánh ý Chúa Cha.

Chiến đấu với cơn cám dỗ có lẽ một một thách thức đối với mỗi người chúng ta. Bởi lẽ, chiến đấu với cơn cám dỗ là một cuộc chiến cả đời. Chúng ta không biết lúc nào nó đi hay nó đến, chúng ta cũng không biết ma quỷ sẽ dung cách thức gì để cám dỗ chúng ta. Nhưng trong mọi hoàn cảnh chúng ta xin Chúa chớ để chúng ta sa chước cám dỗ. Xin Chúa chiến đấu với chúng ta, và chúng ta cùng Chúa chiến đấu. Trong tâm tình của Mùa Chay, tôi mời gọi anh chị em chiến đấu với cám dỗ bằng việc tin tưởng, cậy trông, và yêu mến Thiên Chúa, đặc biệt là qua những hành động cụ thể như: Ăn chay, cầu nguyện, dành thời gian chăm sóc những người thân trong gia đình, sống bác ái với những người xung quanh, siêng năng tham dự thánh lễ và hãy năng lần hạt mân côi. Men

Giuse Vũ Long Quân – KXXI. ĐCV Thánh Giuse Hà Nội

BÀI 2 – TRƯỚC CÁM DỖ CHỌN LỰA HAY KHÔNG

 Với Chúa Nhật I Mùa Chay năm A, phụng vụ Lời Chúa hướng sự chú ý của chúng ta tới chủ đề cám dỗ. Đây là chủ đề chính yếu và xuyên suốt trong tất cả các bài đọc. Nếu ma quỷ xuất hiện như một kẻ thù, thì Đức Ki-tô là người chiến thắng tất cả các cám dỗ và cạm bẫy của ma quỷ. Đức Ki-tô trở thành khuân mẫu tuyệt hảo cho tất cả những ai đang bị cám dỗ.

Những cơn cám dỗ trong các bài đọc

Trong bài đọc I, sách Sáng Thế kể cho chúng ta nghe lại câu chuyện sa ngã của nguyên tổ do những lời ngon ngọt của con rắn. Ngay khi vừa được tạo dựng, tổ tông A-đam và E-và đã được đặt trước một sự chọn lựa là làm con Thiên Chúa và vâng theo ý Người, hoặc theo ý riêng để hòng “trở nên như Thiên Chúa”. Tiếc thay, nguyên tổ đã chọn làm theo ý riêng và đã phạm tội. Họ đã không vâng lời Thiên Chúa, đánh mất sự sống hiệp thông mật thiết với Người, Đấng là nguồn mạch của sự sống. Quả thật, nguyên tổ đã bị cám dỗ nhưng không vượt qua được, nên đã lìa xa Chúa để đi theo ma quỷ. Trong bài Tin Mừng, giới thiệu cho chúng ta kinh nghiệm của Đức Giê-su trong sa mạc, Người cũng bị cám dỗ:

Cơn cám dỗ thứ nhất: Trong lúc đói lả, ma quỷ đề nghị Người biến những viên đá thành bánh để ăn. Đây là cơn cám dỗ về vật chất, nhưng Đức Giê-su trả lời: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Đức Giê-su đã từ chối cám dỗ này và sống phó thác vào Chúa Cha, vì đối với Người có một thức ăn quan trọng hơn “bánh mỳ” đó là Lời Chúa và thực thi Lời đó.

Cơn cám dỗ thứ hai: “Nếu ông là con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi” (Mt 4,6). Đây là cám dỗ về lòng kiêu ngạo. Ma quỷ gợi lên ngờ vực, thách thức về tình yêu của Chúa Cha đối với Người, và đề nghị Người dùng quyền năng của mình để làm những cảnh phi thường, tìm kiếm sự tán thưởng vỗ tay của đám đông: Chúa Giê-su nói: “Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa”(Mt 4,7). Chúa Giê-su cho thấy Người là con đích thực của Chúa Cha, Người đã chọn một lối sống khiêm tốn, ẩn dật, và không cần phải bắt Thiên Chúa làm theo ý mình để biểu lộ tình yêu đối với mình. Cách đơn giản là Người sống tin tưởng vào Thiên Chúa.

Cuối cùng là cơn cám dỗ thứ ba: liên quan đến lòng khao khát quyền lực: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4,9).  Ma quỷ đã để lộ mục đích của nó, hãy thờ lạy nó chứ không phải là Thiên Chúa, thì bạn sẽ có tất cả. Chúa Giê-su đã trả lời bằng một lối sống thực sự chỉ có tôn thờ và phục vụ một mình Thiên Chúa mà thôi. Quả thật, Đức Giê-su là A-đam mới đã cương quyết chọn vâng phục Thiên Chúa nên đã chiến thắng tất cả các cơn cám dỗ ấy. Còn chúng ta mỗi khi đứng trước các cơn cám dỗ thì sao?

Trước cám dỗ cần làm gì?

Cũng như Đức Giê-su, trong thế giới ngày hôm nay chúng ta cũng gặp rất nhiều cám dỗ, cám dỗ ngày càng tinh vi và dễ dàng quyễn rũ được chúng ta, vì nó đẹp và hấp dẫn dưới mọi hình thức, phù hợp với mọi lứa tuổi, đáp ứng với mọi tư tưởng và khát vọng của con người. Đàng sau tất cả những cám dỗ đó có một kẻ giấu mặt là ma quỷ. Kẻ được Gio-an định nghĩa như là cha đẻ của sự dối trá, một kẻ thù rất nguy hiểm và không bao giờ vắng bóng, chúng luôn sẵn sàng tấn công chúng ta trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Tuy nhiên, đứng trước tất cả những thử thách và cám dỗ đó chúng ta hãy yên tâm và đừng sợ hãi, vì Đức Ki-tô đã chiến thắng nó. Chúng ta hãy học như Đức Giê-su chiến đấu với ma quỷ bằng sức mạnh của Lời Chúa, bằng khí cụ là: Ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Hãy học nơi Người để luôn tỉnh thức, để nói “không” với ma quỷ và thưa “vâng” với Chúa. Đặc biệt như Chúa Giê-su, Người luôn làm theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thì chúng ta cũng vậy, hãy ngoan ngoãn và trở nên dễ thương, dễ bảo với Chúa.

Có câu chuyện như sau: Có 3 người mục tử, mỗi người coi sóc một đàn chiên. Một đêm mùa đông vừa gió vừa mưa. Khi 3 người đang ngủ thì nghe có tiếng chó sói. Người thứ nhất tung chăn thức dậy định ra ngoài xem xét tình hình. Nhưng nghe tiếng mưa rơi gió rít, anh ngại ngùng và trở vào giường ngủ tiếp. Người thứ hai cũng thức dậy, mặc thêm quần áo mở cửa đi ra. Nhưng một đợt nước mưa quất ngay vào mặt anh làm anh bỏ ngay ý định ra ngoài. Anh cũng trở vào giường nằm xuống, kéo chăn đắp kín và ngủ tiếp. Người thứ ba cũng thức dậy, cũng mặc quần áo, và cũng ra ngoài. Dù gió lạnh, dù mưa ướt, anh vẫn cố chịu đựng, đi đến tận chỗ đàn chiên của anh để xem. Khi đã thấy chiên mình an toàn, anh mới trở vào nhà ngủ tiếp. Trong 3 người đó, ai là người hiểu biết rõ nhất về sự khắt nghiệt của gió và mưa? Dĩ nhiên là người thứ ba. Cũng thế, người hiểu rõ nhất về cám dỗ là người đã chiến đấu và chiến thắng nó. Vì vậy, nếu ta muốn học cách đương đầu với cám dỗ, đừng học với những kẻ tội lỗi, mà hãy học với những vị thánh. Như trong các bài đọc hôm nay, nhất là gương sáng là Đức Giê-su.

Tái lập bậc thang các giá trị

“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh…”. Qua lời này, Chúa không bảo chúng ta đừng tìm cơm bánh, nhưng Người nhắc chúng ta đừng chỉ tìm cơm bánh. Đừng để mình bị lệ thuộc và đắm chìm trong cuộc sống vật chất, con người dễ bị cuốn hút theo vật chất. Vì thế, chúng ta dần dần bị cám dỗ bỏ bớt phần tinh thần để vun đắp thêm cho phần vật chất, và cuối cùng chỉ còn có vật chất và vật chất. Mùa chay là khoảng thời gian thích hợp cho mỗi người nhìn lại, để sáng suốt mà nhận ra đâu mới là bậc thang giá trị đời mình, theo tiêu chuẩn mà Đức Giê-su đưa ra: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh mà còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Mỗi người hãy nhìn thẳng vào đời sống nội tâm của mình. Không phải chỉ nhìn những mặt tốt, mà nhất là phải nhìn thẳng vào những mặt xấu, những thứ “tham, sân, si” đang âm thầm nhưng mãnh liệt khống chế mình. Và hãy nhìn vào cuộc chiến đấu của Đức Giê-su. Người đã thắng nhờ đâu? Nhờ làm theo Lời Thiên Chúa và thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Những việc làm được Giáo hội khuyến khích mỗi người chúng ta làm trong Mùa Chay cũng nhằm giúp chúng ta tái lập lại các bậc thang giá trị đó là: Tự ý giảm bớt ăn uống, làm chủ những khuynh hướng của mình, quan tâm đến người khác nhất là những người nghèo, nhường nhịn và tha thứ cho nhau, để ý lắng nghe và tìm hiểu ý Chúa từ đó sống theo ý Chúa mỗi ngày.

Chúng ta là con cái Thiên Chúa vì chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Người. Lẽ ra, chúng ta phải luôn sống trước nhan Người và vâng phục thánh ý Người. Nhưng chúng ta lại thường làm ngược ý Người và sống như không có Người. Chúng ta thường quên Lời Người, nhất là khi đứng trước những cơn cám dỗ. Vậy, chúng ta có ý thức về thân phận tội lỗi của mình và quyết tâm chiến đấu để biến đổi đời sống trong thời gian mùa chay thánh thiện này không? Amen.

(Vô Danh)